Quản trị Nhà nước: phải đo lường được để cải thiện

20/4/140 nhận xét

[Tư vấn quản lýCâu nói của James Harington, chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực quản trị tổ chức, hoàn toàn có thể áp dụng cho lĩnh vực quản trị nhà nước: “Cái gì mà không đo được thì không hiểu được, không hiểu được thì không kiểm soát được, không kiểm soát được thì không cải thiện được”.

Thể chế nhà nước hiện đại cần dựa vào thông tin, dữ liệu đầy đủ và kịp thời để vận hành.

Lý do gì khiến một số quốc gia thịnh vượng và phát triển, trong khi các quốc gia khác giậm chân tại chỗ trong sự nghèo khổ? Có phải là vấn đề địa lý: những quốc gia nhiệt đới thì luôn phải chống chọi với dịch bệnh, hạn hán, bão lũ, làm cho năng suất nông nghiệp yếu kém và do đó không thể phát triển bằng những vùng ôn đới mưa thuận gió hòa? Hay văn hóa là yếu tố quyết định?

Liệu có những dân tộc sinh ra để thành công, như người Do Thái giỏi kinh doanh và phát minh, hay người Nhật có khả năng tổ chức và đặc biệt kỷ luật? Hay sự ưu tú của những người lãnh đạo, các minh chủ sẽ là điều đưa một quốc gia đi lên?

“Dung hợp” hay “chiếm đoạt”?

Trong khoảng hai thập kỷ gần đây, các nhà kinh tế học, giới nghiên cứu và thực hành trong lĩnh vực phát triển, các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) hay Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc dần đi tới một quan điểm: hệ thống quản trị nhà nước là một trong những yếu tố chính để dẫn đến sự thành công hay thất bại của một quốc gia.

Quản trị nhà nước, theo định nghĩa của WB, là “cách thức chính quyền nắm quyền lực và thực thi thẩm quyền để tạo ra các chính sách công, cũng như cung cấp các dịch vụ và sản phẩm công”. Theo Daniel Kaufmann và Aart Kraay - hai nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực này, quản trị nhà nước là “tập hợp các quy trình để chọn, giám sát và thay thế chính quyền, năng lực của chính quyền trong việc vạch ra và thực hiện những chính sách; và khung quản lý các tương tác giữa người dân và nhà nước”.

Nói tóm lại, nó chính là “cái thể chế” mà chúng ta hay nói tới.

Gần đây nhất, quan điểm này được chia sẻ trong cuốn Vì sao các quốc gia thất bại? của hai nhà kinh tế học hàng đầu Daron Acemoglu (Viện Công nghệ Massachusetts) và James Robinson (Đại học Harvard). Hai tác giả đã điểm lại lịch sử phát triển kinh tế của các quốc gia khác nhau để chứng minh rằng quản trị nhà nước là lý do chủ đạo quyết định con đường phát triển của một quốc gia.

Cụ thể hơn, nó phải là một hệ thống quản trị dung hợp (inclusive) chứ không phải là chiếm đoạt (extrative).

Một hệ thống quản trị dung hợp hoạt động trên nền tảng thượng tôn pháp luật, bảo đảm an toàn cho tài sản của người dân, tạo ra một sân chơi công bằng cho các hoạt động của thị trường tự do. Nó cũng tạo điều kiện cho đa số người dân tiếp cận với giáo dục và dịch vụ y tế có chất lượng. Hơn nữa, nó cho phép công dân tham gia rộng rãi các quy trình chính trị, ràng buộc và kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua các cơ chế giải trình.

Nhà nước đủ mạnh để thực thi luật pháp và thiết lập trật tự nhưng không quá tập trung để có thể trở thành chuyên chế. Còn một hệ thống quản trị chiếm đoạt là những gì ngược lại. Theo các tác giả, nếu không có tính dung hợp, quốc gia vẫn có thể tạo ra tăng trưởng trong một thời gian nhất định nhưng không bền vững, và sẽ chạm ngưỡng nếu như hệ thống quản trị không được thay đổi.


Nhưng làm thế nào để biết được chất lượng của thể chế đang ở đâu, hiệu quả của hệ thống quản trị có tiến bộ hay bị thụt lùi? Nếu như tình trạng sức khỏe của một cơ thể được thể hiện qua các thông số khác nhau như nhiệt độ, huyết áp, tỉ lệ hồng cầu... thì sức khỏe của một thể chế cũng có thể được xác định nếu ta có một hệ thống các chỉ số thích hợp.

Trên thế giới đã có khá nhiều cố gắng đo lường các khía cạnh khác nhau của chất lượng thể chế. Một công trình dài hơi và có tiếng nhất là Bộ chỉ số quản trị thế giới (World Governance Indicators) của WB, từ năm 1996 tới nay theo dõi và so sánh (nhưng không xếp hạng) các quốc gia, trong đó có Việt Nam, trong sáu lĩnh vực, từ sự ổn định chính trị, tiếng nói của người dân tới chất lượng của ngành lập pháp...

Một dự án khác là Chỉ số cảm nhận tham nhũng, do Tổ chức Minh bạch thế giới thực hiện hằng năm, cho điểm và xếp hạng mức độ tham nhũng ở các quốc gia. Chỉ số này cũng đã được giới thiệu rộng rãi ở Việt Nam. Năm 2013, chúng ta chỉ được 31 trên tối đa 100 điểm, xếp vào nhóm một phần ba các quốc gia tham nhũng nhất thế giới.

Tuy có ưu điểm cơ bản là cho ta thấy tương quan quốc tế, điểm yếu chung của các chỉ số trên là chúng chỉ đánh giá ở tầm quốc gia chứ không ở mức địa phương. Hơn nữa, do được thiết kế để áp dụng ở nhiều nước và phải thỏa mãn yêu cầu so sánh liên quốc gia, chúng không thể đi vào các ngữ cảnh cụ thể của Việt Nam.

Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (gọi tắt theo tên tiếng Anh là PAPI) ra đời nhằm khắc phục những vấn đề này, với mục tiêu phản ánh những cố gắng đặc thù của Việt Nam trong quá trình cải cách hành chính cũng như định lượng hóa sự dịch chuyển của từng địa phương, trao cho chính quyền cấp tỉnh một công cụ quản lý, tạo động lực để họ nâng cao hiệu quả quản trị và cung ứng dịch vụ ngày càng tốt hơn.

Được Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện, đây là năm thứ ba PAPI được triển khai trên phạm vi toàn quốc, dựa trên trải nghiệm của gần 14.000 người dân được chọn ngẫu nhiên, đại diện cho các nhóm nhân khẩu đa dạng trên cả nước.

Tính từ năm đầu triển khai thí điểm (2009) cho tới nay, gần 50.000 người dân trên toàn lãnh thổ Việt Nam đã tham gia trả lời phỏng vấn trực tiếp và riêng lẻ, chia sẻ trải nghiệm của mình về chính quyền địa phương, cụ thể trong sáu lĩnh vực: sự tham gia của người dân, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát tham nhũng, các thủ tục hành chính và các dịch vụ công.

Đây là một trong những dự án xã hội học lớn nhất từ trước tới nay do các tổ chức ngoài nhà nước triển khai.

Việc lấy người dân làm trọng tài để đánh giá chất lượng của bộ máy công quyền là một điểm mới trong môi trường tư duy của Việt Nam.

Trong những năm đầu, những phản hồi đặc trưng mà ban dự án hay nhận được từ đại diện các tỉnh thường là “Tỉnh của chúng tôi chủ yếu là người nghèo, do đó họ khó tính hơn bình thường”, hoặc “Tỉnh chúng tôi có mức thu nhập cao, do đó họ khó tính hơn bình thường”, thậm chí “Một ý tưởng rất hay, nhưng đề nghị không hỏi người dân mà phải hỏi cán bộ nhà nước mới tin tưởng được”.

Kiên trì giải thích và thuyết phục về tính khoa học, độ tin cậy của các kết quả, tới nay PAPI đã khẳng định được vị trí là một trong những công cụ theo dõi, giám sát hiệu quả quản trị và hành chính công trong nước và quốc tế.

Ở cấp quốc gia, PAPI đã trở thành nguồn dữ liệu và thông tin phục vụ các đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp.

Trong khuôn khổ hợp tác với Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội), kết quả nghiên cứu PAPI 2012 đã được giới thiệu và trao đổi với đại biểu Quốc hội tại hội thảo trong dịp kỳ họp Quốc hội tháng 5-2013, và sau đó với đại biểu hội đồng nhân dân, đoàn đại biểu Quốc hội 63 tỉnh, thành phố thông qua các cuộc hội thảo ở ba miền trên toàn quốc đầu tháng 7-2013, trước đợt lấy phiếu tín nhiệm các vị trí dân bầu ở cấp địa phương.

Kết quả của chỉ số PAPI đã và đang được giới thiệu tại các lớp thuộc chương trình đào tạo lãnh đạo nguồn cao cấp của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Cho đến nay, khoảng 22 tỉnh và thành phố trên cả nước đã quan tâm phân tích hoặc yêu cầu các sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch hành động nhằm cải thiện chỉ số PAPI, phát huy mặt mạnh, khắc phục điểm yếu để nâng cao hiệu quả quản trị của địa phương mình.

Tại hội nghị toàn cầu về “Quản lý hiệu quả bộ máy chính quyền” tổ chức ở Ấn Độ tháng 11-2013, PAPI được đánh giá là 1 trong 12 sáng kiến hay trên thế giới về theo dõi và đánh giá hiệu quả của bộ máy chính quyền. Bên cạnh đó, dữ liệu và kết quả nghiên cứu của PAPI ngày càng được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước sử dụng trong các công trình xuất bản trên các tạp chí học thuật quốc tế.

Sự quan tâm đặc biệt của báo chí, người dân, các nhà hoạch định chính sách và các tổ chức quốc tế tới kết quả của PAPI năm 2013, được công bố vào ngày 2-4, là một minh chứng cho sự hữu ích của công cụ này.

Thể chế nhà nước hiện đại cần dựa vào thông tin, dữ liệu đầy đủ và kịp thời để vận hành. Câu nói của James Harington, chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực quản trị tổ chức, hoàn toàn có thể áp dụng cho lĩnh vực quản trị nhà nước: “Cái gì mà không đo được thì không hiểu được, không hiểu được thì không kiểm soát được, không kiểm soát được thì không cải thiện được”.


Tin bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP