Cải cách thể chế kinh tế: cần những đột phá

7/4/140 nhận xét

Sản xuất tại nhà máy gạch Đồng Tâm[Tư vấn chiến lược] Tầm quan trọng có ý nghĩa quyết định của thể chế đối với sự phát triển của một đất nước đã được thực tiễn của nhiều nước trên thế giới cũng như nước ta khẳng định.

Trong những năm gần đây, nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn, chất lượng kém, cơ cấu chuyển dịch chậm… nguyên nhân chính là hệ thống thể chế chậm được đổi mới. Trong bài này xin bàn về những đột phá cần thiết trong thể chế kinh tế.

Không thể chậm trễ hơn nữa

Yêu cầu cải cách thể chế kinh tế – coi như một đột phá chiến lược đã được đề ra từ nhiều năm nay. Trước những khó khăn của nền kinh tế, trong bài viết đầu năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói: “Một trong những nguyên nhân là động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển.

Đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Nguồn động lực đó phải đến từ Đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân”. Như vậy, đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế là một yêu cầu cấp bách không thể chậm trễ hơn nữa.

Mục tiêu cuối cùng của thể chế kinh tế là bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước và cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa lại càng phải quán triệt mục tiêu ấy. Từ thực tiễn của nước ta, có thể thấy có ba nội dung cốt lõi liên quan đến quyền của dân mà thể chế kinh tế phải tạo bước đột phá, đó là quyền sở hữu tài sản; quyền tự do kinh doanh và quyền tự do cạnh tranh.

Đây chính là những vấn đề rất thuận lòng dân, là điều kiện tạo ra đồng thuận xã hội, để có động lực mới thực hiện thành công nhiệm vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, từ đó nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế vì sự phát triển của đất nước và trước yêu cầu hội nhập quốc tế.

Ba nội dung cần đột phá

Trước hết, là quyền sở hữu tài sản.

Phải thừa nhận rằng từ chỗ coi đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng là “Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu” chuyển sang “Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại với quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp” như Đại hội lần thứ XI của Đảng (tháng 1-2011) đã quyết định là một bước đột phá quan trọng (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, 2011, tr. 70).

Đáng tiếc là tư duy này chậm đi vào cuộc sống. Thực tế cho thấy vẫn cần xác định rõ hơn nữa “quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp” được thể hiện bằng các hình thức nào; hoặc như sở hữu nhà nước cần thiết duy trì đến mức nào, trong những lĩnh vực nào. Đồng thời, cần có thêm những chủ trương, chính sách để thực sự khuyến khích mạnh mẽ kinh tế tư nhân trong sản xuất, kinh doanh.

Mặt khác, cũng cần có những chủ trương để thực hiện liên doanh, liên kết giữa các loại hình sở hữu để tạo nên sức mạnh tổng thể của nền kinh tế. Gần đây, Điều 32 Hiến pháp 2013 của nước ta đã quy định: “Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác; Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ”. Cần có những quy định phù hợp để thực thi điều này trong thực tế.

Đáng quan tâm là quyền sở hữu về đất đai chưa phù hợp vẫn là một vấn đề nóng bỏng đã gây ra nhiều tiêu cực, những vụ khiếu kiện thậm chí xung đột giữa người dân và chính quyền địa phương. Không chấp nhận chế độ đa sở hữu, Luật Đất đai 2013 vẫn quy định “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” (Điều 5) và giao cho cơ quan chính quyền các cấp quyền “Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”. Đây là một quyền rất lớn.

Vì vậy, rất cần đề ra những quy định chặt chẽ về quy hoạch, thu hồi, định giá đất, v.v… bảo đảm quyền của người dân đối với đất đai, hạn chế những can thiệp hành chính dễ tạo cơ hội cho tham nhũng. Đồng thời, rất cần các giải pháp cần thiết về thời hạn sử dụng đất, tích tụ ruộng đất,… để mở rộng quy mô canh tác, phát triển trang trại, khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng giữa người nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, dịch vụ, góp phần cơ cấu lại nông nghiệp.

Thứ hai là quyền tự do kinh doanh.

Qua nhiều năm đổi mới, cho đến Luật Doanh nghiệp 2005, thủ tục thành lập doanh nghiệp ở nước ta đã được cải thiện khá nhiều. Tuy vậy, nếu so với nhiều nước trên thế giới và khu vực, thủ tục thành lập doanh nghiệp ở nước ta vẫn còn phức tạp, tốn kém về thời gian và chi phí.

Vấn đề đặt ra là cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế, thực hiện đúng quy định tại Điều 33 Hiến pháp 2013: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”.

Gần đây, Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã có những quy định khẳng định quyền tự chủ đăng ký và kinh doanh của doanh nghiệp, tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp; bãi bỏ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp, v.v… Đó là những đổi mới rất đáng hoan nghênh.

Đồng thời, để bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân, cũng rất cần thiết giám sát chặt chẽ việc các cơ quan chức năng bày vẽ thêm nhiều quy định, thủ tục trong các lĩnh vực như: thuế má, hải quan, cảnh sát giao thông, quản lý thị trường, v.v… chấm dứt những tiêu cực trong các ngành này kéo dài từ nhiều năm nay đang gây phiền hà, tốn kém, tăng thêm chi phí trong quá trình kinh doanh của doanh nghiêp.

Thứ ba là quyền tự do cạnh tranh.

Không có cạnh tranh thì không có kinh tế thị trường, không có động lực của phát triển, điều này đã rõ. Trong nhiều năm nay, chúng ta đã có nhiều cố gắng trong việc tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, thực hiện việc quản lý giá, thúc đẩy cạnh tranh và kiểm soát độc quyền trong kinh doanh.

Tuy vậy, dễ thấy là Nhà nước vẫn có vai trò can thiệp trực tiếp quá lớn vào nền kinh tế với tư cách là chủ đầu tư công và chủ sở hữu doanh nghiệp đã hạn chế cạnh tranh, làm méo mó thị trường. Vấn đề hàng đầu hiện nay là phải đặt doanh nghiệp nhà nước vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp khác, loại bỏ các hình thức ưu đãi và bao cấp đối với doanh nghiệp nhà nước. Cần tách bạch nhiệm vụ kinh doanh với trách nhiệm chính trị – xã hội của doanh nghiệp nhà nước.

Về giá cả, phải tôn trọng các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời phải có công cụ điều tiết và chính sách phân phối để bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội. Thời gian tới, cần thực hiện giá thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và bảo đảm cạnh tranh bình đẳng. Như vậy, chính giá cả sẽ phân bổ nguồn lực, xóa bỏ độc quyền, tạo ra thu nhập chính đáng cho nhà đầu tư và người lao động.

Những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mà Nhà nước đang định giá phải tính đúng, tính đủ chi phí, công khai minh bạch các yếu tố hình thành giá. Tiền lương là giá cả sức lao động cần được quan tâm xử lý thỏa đáng, dù đã qua sáu lần tăng lương tối thiểu, song trong thực tế, lương vẫn chưa đủ bù đắp sức lao động, dẫn đến không tạo lập được thị trường lao động và đây cũng là một nguyên nhân khiến cơ quan quản lý nhà nước không tuyển được và không giữ được người giỏi, ảnh hưởng đến chất lượng của thể chế, chính sách.

Trên đây chỉ là một số ý kiến ngắn gọn về những nội dung cần đột phá trong cải cách thể chế kinh tế. Kinh nghiệm nhiều năm qua cho thấy việc này có nhiều khó khăn, gặp nhiều lực cản, kể cả tác động tiêu cực của các nhóm lợi ích, nhưng đây là vấn đề cấp bách, càng để chậm, nền kinh tế càng phái trả giá nhiều hơn.

Vì vậy, để cải cách thể chế kinh tế thành công, trước hết là phải đổi mới tư duy, quán triệt những quy luật của kinh tế thị trường, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên, khắc phục tư duy giáo điều, bảo thủ, đồng thời nâng cao năng lực chỉ đạo của những người có trách nhiệm, không những trong quyết định thể chế mà quan trọng hơn nữa là trong thực hiện thể chế.


Tin bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP