Đầu tư trường quốc tế: Gió đổi chiều

27/4/140 nhận xét

[Tư vấn quản lý] Các nhà đầu tư nội đang đứng trước cơ hội lớn để chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường giáo dục quốc tế ở Việt Nam.

Không đình đám như những thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) trong ngành tài chính hay bất động sản, cuối năm 2013, một thương vụ M&A trong lĩnh vực giáo dục quốc tế đã được hoàn tất một cách khá lặng lẽ. Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Học viện Giáo dục Hoa Kỳ (IAE) đã có chủ mới là nhóm cổ đông Ismart Education và EQuest Academy, với 80% cổ phần sở hữu. Hai đơn vị này đều của các nhà đầu tư trong nước, trong khi chủ cũ của IAE là quỹ đầu tư của Singapore Blackhorse Asset Management.

Đây chỉ là một trong nhiều thương vụ diễn ra gần đây mà các cổ đông nội mua kiểm soát các tập đoàn giáo dục từ tay khối ngoại. “Khi họ (các cổ đông ngoại) gặp khó, đó là cơ hội của những nhà đầu tư nội am hiểu về giáo dục với quyết tâm lấy lửa thử vàng”, Tiến sĩ Đàm Quang Minh, Giám đốc Điều hành IAE, nói.

Từ 10 năm trước, việc gửi con vào trường quốc tế không còn là chuyện của các gia đình người nước ngoài sống ở Việt Nam mà còn là nhu cầu của các gia đình khá giả người Việt Nam. Dần dần, nó thành xu hướng và việc mở trường quốc tế hay liên kết đào tạo có yếu tố nước ngoài đã trở thành cơ hội đầu tư hấp dẫn. Hàng loạt trường quốc tế ra đời, dạy từ mẫu giáo đến lớp 12, cao đẳng, đại học cùng hàng loạt trung tâm Anh ngữ luôn sáng đèn từ sáng đến tối. Tuy nhiên, cho đến nay, trong số những nhà đầu tư đó có không ít người đã “tử nạn”; số sống thoi thóp thì nhiều vô kể.

Phổ thông: Rào cản số lượng

Trong 10 năm qua, ở phân khúc K12 (từ mẫu giáo tới hết lớp 12), hàng loạt trường quốc tế do nhà đầu tư nước ngoài thành lập đã hình thành và lớn mạnh như BIS (Quốc tế Anh), SSIS (Quốc tế Nam Sài Gòn), ISHCMC (Quốc tế TP.HCM). Tuy nhiên, cũng có trường hợp đang chật vật với số sinh viên khá ít ỏi như GIS (Quốc tế Đức) và một số dự án trường quốc tế khác bị bỏ dở dang.

Anh Thomas Ng., một chuyên gia Việt kiều trong lĩnh vực tài chính, từng bỏ ra hơn 200.000 USD trong 6 tháng để nghiên cứu thị trường, đã quyết định dừng dự án mở trường quốc tế mà anh đã theo đuổi.

Giải thích lý do ngưng dự án đầu tư giáo dục này, anh cho rằng nhu cầu của thị trường nay không còn nóng. Theo Thomas, 2 năm qua, các gia đình người Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật, Úc, Anh, Mỹ... đến làm việc tại TP.HCM đã trở về nước khá nhiều. Do kinh tế khó khăn, các khoản ưu đãi dành cho chuyên gia nước ngoài đã bị cắt giảm, trong đó có học phí cho con em họ tại các trường quốc tế.

Trong khi đó, mức đầu tư trường quốc tế không nhỏ. Chưa nói đến chuyện thuê đất và tự xây dựng cơ sở vật chất, nếu nhà đầu tư chọn hình thức thuê cơ sở thì các chi phí vận hành, quản lý, thuê cơ sở... ước tính ngốn hơn 1 triệu USD/năm đối với trường quy mô khoảng 500 học sinh. Thông thường, đối với một trường quốc tế, chi phí nặng nhất là thù lao cho giáo viên người nước ngoài gồm lương, nhà ở, phương tiện đi lại, bảo hiểm, thuế..., chiếm đến 65-70% tổng chi phí. Trung bình nhà đầu tư phải trả 60.000 USD/năm cho mỗi giáo viên ngoại; một trường quy mô vừa có khoảng 20 giáo viên, mỗi năm nhà đầu tư phải chi khoảng 1,2 triệu USD.

Với mức thu trung bình 7.000-8.000 USD/học sinh/năm (đối với trường song ngữ) và 11.000 đến 23.000 USD/học sinh/năm (đối với trường quốc tế), ngay từ khi bắt đầu hoạt động, trường phải có ít nhất 400 học sinh. Với mức doanh thu này, nhà đầu tư vẫn chưa có lãi.

Thế nhưng, tình hình có thể vẫn xoay xở được nếu không có việc Chính phủ ban hành Nghị định 73 vào năm 2012, quy định chặt chẽ hơn đối với các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực giáo dục. Theo đó, tỉ lệ học sinh Việt Nam ở các trường tiểu học và trung học cơ sở không quá 10% tổng số học sinh, ở các trường trung học phổ thông không quá 20%. “Đây là các gọng kìm “chết” mà nhà đầu tư ngoại không có cách gì gỡ được”, Tiến sĩ Trần Vinh Dự, Tổng Giám đốc TNK Capital, một công ty tư vấn có kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư giáo dục, cho biết.

“Số lượng học sinh nước ngoài ở Việt Nam đang chững lại, thậm chí giảm, trong khi có nhiều trường quốc tế mới hình thành và phân luồng vào các trường có đặc trưng văn hóa. Chẳng hạn, sau khi Trường Quốc tế Hàn Quốc (HCMC International Korean School) ở khu Phú Mỹ Hưng hình thành cách đây chưa lâu, các học sinh người Hàn Quốc ở các trường quốc tế khác đã bị hút về trường này rất nhiều”, ông Dự chia sẻ.

Bieu do theo: Nielsen, IMart - Nhip cau dau tu
Mức chi tiêu hàng tháng cho giáo dục quốc tế
của các hộ gia đình tại 4 thành phố lớn nhất nước

Cao đẳng: Thách thức chất lượng

Đối với phân khúc đại học và cao đẳng, cuộc chơi cũng không hề đơn giản đối với các nhà đầu tư ngoại. Khó khăn lớn nhất, theo ông Minh, Công ty IAE, là việc xuất hiện quá nhiều hàng kém chất lượng.

Thời gian qua thị trường đã chứng kiến cuộc đào thải nhiều cơ sở đào tạo quốc tế kém chất lượng ở Việt Nam, nhất là ở phân khúc cao đẳng, đại học mang nhãn mác quốc tế, nhưng chưa được cấp phép. Ba trường hợp điển hình từng bị xử lý với tổng mức phạt lên tới 220 triệu đồng là ERC Việt Nam, ILA Việt Nam và Trường Đào tạo Quốc tế Raffles Việt Nam.

ILA Việt Nam đã vi phạm liên kết đào tạo không phép chương trình cao đẳng của Trường Martin College (Úc). Raffles Việt Nam tổ chức đào tạo trái phép cấp độ 1, 2 chương trình cao đẳng của Raffes College of Higher Education Singapore, cấp độ 3 chương trình cử nhân của Raffles College of Design & Commerce (Úc). Còn ERC Việt Nam sai phạm trong đào tạo trình độ cử nhân của Đại học Greenwich (Anh) và trình độ thạc sĩ liên kết với Australian Institute of Business Administration (Úc).

Sau đó không lâu, sự kiện Melior Business School Việt Nam hoạt động theo hình thức nhượng quyền thương hiệu của Melior International College (Singapore) đột ngột đóng cửa, giám đốc biến mất cùng khoản học phí khá lớn tiếp tục gây bức xúc trong dư luận.

Những chuyện lùm xùm này gây thiệt hại không nhỏ cho hàng ngàn học viên đã đóng học phí, nhưng trên hết chúng làm dấy lên sự hoài nghi về chất lượng của các chương trình liên kết đào tạo quốc tế, tạo áp lực lên những người còn trụ lại. Vì thế, không lạ khi chỉ trong một thời gian ngắn nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã bán lại một phần hay toàn bộ cơ sở đào tạo của mình tại Việt Nam cho đối tác trong nước.

Thành lập từ năm 2000, Trường Cao đẳng Quốc tế KENT là một trong những cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam. Sau gần 14 năm hoạt động, KENT đã có 2 cơ sở với gần 10.000 sinh viên theo học hệ Cao đẳng Úc (Advanced Diploma). Tuy nhiên, cách đây khoảng 2 năm, chủ đầu tư từ Úc đã bán 60% cổ phần cho một nhà đầu tư trong nước (theo thông tin từ một vị lãnh đạo người Việt đã rời khỏi trường này). Đến nay, giá trị của thương vụ vẫn trong vòng bí mật, nhưng một nguồn tin đáng tin cậy của NCĐT cho biết hiệu quả kinh doanh chính là lý do để chủ đầu tư quyết định sang nhượng số cổ phần của mình.

Mới đây nhất là thương vụ đã được nhắc ở đầu bài viết, khi Quỹ Đầu tư Blackhorse Asset Management bán lại 80% phần vốn góp tại IAE, đơn vị sở hữu Trường Cao đẳng Nghề Việt Mỹ và hệ thống trung tâm Anh ngữ Việt Mỹ (VATC), cho một nhóm các nhà đầu tư nội mà ông Minh đại diện. Giá trị thương vụ cũng không được tiết lộ.

Blackhorse Asset Management thoái vốn khỏi IAE là do không kịp trở tay với sự thay đổi chính sách. Khi IAE tập trung vào đào tạo cao đẳng thì Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định bỏ điểm sàn tuyển sinh đại học khiến cho cơ hội vào đại học trở nên rộng mở hơn rất nhiều và rất ít sinh viên chọn vào trường cao đẳng hay trung cấp.

Hiện nay một trường cao đẳng quốc tế khác của Singapore cũng có ý định rao bán. “Hệ thống của Singapore này đang gặp vấn đề lớn về thương hiệu do các vụ tháo chạy trước đây của Raffles và Melior”, một chuyên gia tư vấn M&A ở TP.HCM cho biết.

Với khó khăn chồng chất như thế, liệu các nhà đầu tư trong nước sau khi mua lại cổ phần của đối tác ngoại có xoay chuyển được tình thế? “Thị trường giáo dục Việt Nam hiện nay giống như một biển nước đục, nhưng về lâu dài việc đào thải tự nhiên sẽ loại dần sản phẩm kém chất lượng và đại dương sẽ trong xanh trở lại”, ông Minh tự tin nhận định.

Một lý do quan trọng khiến ông Minh và nhóm các nhà đầu tư nội đầu tư vào IAE là vì công ty này có phân hiệu Broward College tại TP.HCM. “Broward College và Troy University là 2 chương trình đào tạo đạt chuẩn nhất của Mỹ tại Việt Nam tính đến nay”, ông Mark Ashwill, nguyên Giám đốc IAE, khẳng định.

Sau khi học 2 năm tại Broward College Việt Nam, tùy vào kết quả học tập tại Việt Nam, sinh viên có thể chuyển tiếp đến bất kỳ đại học nào của Mỹ để lấy bằng cử nhân. Đây là mô hình du học khá hiệu quả về mặt chi phí, thích hợp với các gia đình muốn cho con em du học nhưng không quá dư giả tài chính. “Bản thân phân khúc này đã là một đại dương xanh. Đó là lý do cốt lõi để chúng tôi mua lại IAE”, ông Minh chia sẻ.

Tuy nhiên, rào cản chính sách đối với trường quốc tế vẫn còn đó. Và dù nhà đầu tư là ngoại hay nội, cơ hội kiếm lời trong lĩnh vực này trở nên ngày càng khó khăn hơn.


Tin bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP