[Thư viện marketing - KTVN] Khủng hoảng kinh tế không còn là tội đồ lớn nhất và duy nhất dẫn đến sự "gầy mòn" của doanh nghiệp... Xu hướng chung cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam không lớn lên được, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Thị Thu Hằng đưa ra nhận định tại một diễn đàn kinh tế lớn gần đây.
Con số cụ thể được đưa ra, là trong tổng số 1.999 doanh nghiệp nhỏ tham gia cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), sau hai năm 2009-2011, chỉ có 31 doanh nghiệp nhỏ và cực nhỏ lớn thành doanh nghiệp quy mô vừa, nhưng lại có tới 133 doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ thu lại thành... cực nhỏ!
Một kết quả khảo sát khác cũng cho thấy, trong năm 2013, tỷ lệ các doanh nghiệp có xu hướng giữ nguyên hoặc giảm quy mô sản xuất kinh doanh, hay có thể ngừng hoạt động hoặc đóng cửa giải thể, vẫn áp đảo số doanh nghiệp có thể mở rộng.
Sau hai năm liên tục đón nhận thông tin về số doanh nghiệp chết gần bằng nửa 20 năm, những con số nói trên có lẽ không còn đủ nóng để trở thành tâm điểm cho các cuộc tranh luận về nguyên nhân khiến doanh nghiệp lao đao nữa. Tuy nhiên, ở cả góc nhìn của chuyên gia hay chính người trong cuộc, thì khủng hoảng kinh tế không còn là tội đồ lớn nhất và duy nhất dẫn đến sự "gầy mòn" của doanh nghiệp.
Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Khánh Hòa, một doanh nhân khá thành đạt nói với VnEconomy rằng, ông chẳng còn niềm tin để mở rộng sản xuất kinh doanh, dù công ty đang hoạt động không phải tốt mà là rất tốt.
"Một năm doanh nghiệp tôi phải tiếp đến 15 đoàn đến thanh tra, kiểm tra. Vừa rồi cơ quan thanh tra thuế moi lại chuyện của 7-8 năm trước, đã được chính thanh tra kết luận là đúng, để truy thu thuế của công ty. Số tiền chẳng quá lớn song tôi đã yên tâm chốt sổ chia lãi cho cổ đông rồi, một số cổ đông họ cũng rút vốn đi rồi, giờ lại truy thu. Vì thế, nộp thì cứ nộp chứ niềm tin tôi chả còn, vì tôi cứ đầu tư làm lớn đến một ngày đẹp trời anh lại đến bắt truy thu thuế thì biết kêu ai", ông kể.
Một chuyện nữa cũng khiến ông thấy nản là mang căn nhà đứng tên ông góp vốn cho công ty, theo Luật Doanh nghiệp thì không phải đóng thuế thu nhập cá nhân và thuế trước bạ, nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường nói theo Luật Đất đai thì phải đóng thuế. "Gửi công văn lên sở thì êm ru không trả lời gì hết, vậy tôi còn mở rộng sản xuất kinh doanh làm chi?", ông thở dài.
Sự vô cảm của cơ quan quản lý nhà nước, theo một vị phó chủ tịch khác của Hội Doanh nhân trẻ Khánh Hòa còn nằm ở việc động viên khích lệ tinh thần qua khen thưởng doanh nhân tiêu biểu. Trong khi doanh nghiệp nộp thuế tăng, lương thưởng cho người lao động cũng tăng... thì không thấy đâu, mà rốt cuộc chỉ thấy doanh nghiệp nhà nước lên nhận giải.
Tuy nhiên, tâm lý co cụm, gần như không mở rộng sản xuất kinh doanh của mấy trăm hội viên Hội Doanh nhân trẻ của tỉnh ven biển cũng có tiếng là năng động này không hẳn vì những câu chuyện cụ thể như vậy.
Lãi suất cũng đỡ, lạm phát cũng khá nhiều, nhưng nhìn điều hành vĩ mô khiến doanh nghiệp hoang mang và thiếu lòng tin vì chả biết lãi suất cao và lạm phát khủng quay trở lại lúc nào, và doanh nghiệp lại "chết" tức tưởi, bị "rắn cắn" một lần ai cũng sợ, nhiều doanh nhân có chung nhận xét khi trao đổi với VnEconomy.
Một dự cảm không mấy sáng sủa và tâm lý thế thủ cũng xuất hiện trong hầu hết các trao đổi của VnEconomy với nhiều doanh nhân ở địa phương khác.
“Càng ngày, những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp càng bộc lộ rõ hơn. Doanh nghiệp đang chịu đựng và ra sức chống chọi với những sụt giảm doanh số, lợi nhuận, thậm chí tài sản và đặc biệt đối phó với cân đối dòng tiền mặt cho sản xuất kinh doanh. Cội nguồn của những khó khăn và mất mát của doanh nghiệp hiện nay là hậu quả của điều hành kinh tế vĩ mô, cộng thêm với những liên minh tiền - quyền làm cho tài sản của doanh nghiệp bị móc túi mà không kêu được. Có những phương thức bòn hút tiền của nền kinh tế, của doanh nghiệp một cách êm ái mà chỉ cần một vài quyết định hành chính đơn thuần. Tiền của ấy chảy về đâu?”, một giám đốc có quan hệ khá rộng trong cộng đồng doanh nghiệp tâm tư qua e-mail.
Nhận xét của vị doanh nhân này có lẽ đã động chạm đến một nghịch lý rất nhức nhối hiện nay. Đó là trong khi đa số doanh nghiệp còi cọc đi, thì các nhóm lợi ích lại lớn lên rất nhanh và của cải của một số quan chức liên quan cũng phình to, theo nhận xét của không ít chuyên gia kinh tế.
Kết quả của nhóm nghiên cứu Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng được công bố trên nhiều phương tiện truyền thông mới đây đã chỉ ra rằng đang có hiện tượng lợi ích cục bộ ở nhóm cán bộ thoái hóa trong các cơ quan quản lý kinh tế của Nhà nước. Thay vì sử dụng quyền lực nhà nước để giữ trật tự, kỷ cương thì họ lại sử dụng quyền lực của nhóm để ăn chia với doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp nhà nước có vị trí đặc biệt, vừa độc quyền, vừa quản lý tài sản khổng lồ, vừa tự chủ rộng rãi… lại không đi kèm trách nhiệm giải trình cao, nên nhiều doanh nghiệp nhà nước là đầu mối để nhiều quan chức thiết lập các đường dây vụ lợi cho mình.
Và, nhiều chuyên gia kinh tế đã không thể không sốt ruột khi nhìn vào vòng luẩn quẩn, rằng chính “các đường dây vụ lợi đó” đang là lực cản rất lớn cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Mà chậm tái cơ cấu cũng đồng nghĩa với cơ hội hồi sinh cho cộng đồng doanh nghiệp càng trở nên mong manh.
Trong khi, những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, theo nhận xét của Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung, thì cách làm vẫn là “Nhà nước dẫn dắt”, “quan chức nhà nước dẫn dắt”, vì lợi ích của một nhóm doanh nghiệp chứ không phải toàn nền kinh tế.
Ngay cả câu chuyện đang rất thời sự là xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thì ở hội thảo vừa diễn ra hôm 11/4, một số vị chuyên gia cũng cho rằng việc đưa ra hai mức thuế suất khác nhau (mức 20% cho doanh nghiệp nhỏ và vừa) đã tạo ra một sự phân biệt đối xử không cần thiết, khuyến khích việc phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo ra một nền kinh tế nhỏ lẻ, sức cạnh tranh không cao.
Đó có lẽ cũng là một phần câu trả lời cho câu hỏi, doanh nghiệp Việt vì sao không lớn được?
Tác giả: Nguyên Thảo - Nguồn: VnEconomy
Tin bài khác: