[Tài chính marketing] “Theo hiểu biết của tôi, thực sự chưa rõ điểm sáng của năm 2013. Nếu có, đó là sự ổn định tạm thời của kinh tế vĩ mô”...
“Điểm sáng của nền kinh tế, nếu có đó là sự ổn định kinh tế vĩ mô - nhưng không thật vững chắc; nếu có, đó là sự khôi phục và hoạt động trở lại của nhiều doanh nghiệp, nhiều thị trường, nhiều lĩnh vực, nhưng khá chậm chạp và còn nhiều trở ngại”, ông Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam, nêu quan điểm khi nhận định về kinh tế Việt Nam năm nay.
Dự cảm về nền kinh tế 2013, nhiều người trong giới chuyên gia tỏ ra không mấy lạc quan. Ý kiến của ông như thế nào?
Tôi cho rằng, dù trong hoàn cảnh nào, tất cả chúng ta cũng đều nên hy vọng vào sự chuyển động của nền kinh tế năm nay dù ít hay nhiều. Tất nhiên, để niềm hy vọng này có thể thành hiện thực thì Chính phủ cần khẳng định sự quyết tâm cao độ trong việc đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn.
Ông có nhấn mạnh về “quyết tâm cao độ”- có lẽ vì những khó khăn của năm 2013 đang là thách thức lớn không dễ vượt qua?
Đúng là như vậy. Năm 2012, chúng ta vẫn đạt được một số kết quả như kiềm chế lạm phát, tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) thấp hơn nhiều so với năm 2011, thấp hơn nhiều so với bình quân thời kỳ 2004 - 2011 và thấp hơn so với mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội (dưới 10%); kim ngạch xuất khẩu đạt 114,6 tỷ USD tăng 18,3% so với năm 2011, vượt chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội đề ra... nhưng nhìn chung, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong tình trạng rất khó khăn, còn nhiều hạn chế và yếu kém.
Đó là kinh tế vĩ mô chưa vững chắc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lạm phát quay trở lại, thậm chí có thể trở lại quyết liệt hơn; hàng tồn đọng và nợ xấu là hai trở ngại lớn cho kinh tế Việt Nam năm 2012 vẫn chưa nhìn thấy các giải pháp hiệu quả để giải quyết; khu vực doanh nghiệp đã và sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn cả về mô hình hoạt động, quản trị, cả về khả năng tiếp cận vốn với chi phí hợp lý, cả về thị trường, về cơ cấu sản phẩm; thị trường bất động sản bị đình trệ, thị trường tài chính èo uột.
Và một thách thức nổi bật không thể không kể đến là những lúng túng trong điều hành, sự thiếu khẩn trương, kiên quyết trong tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp, thị trường vốn; sự chậm chạp và chưa thật sự hiệu quả trong xử lý nợ xấu, nợ tồn đọng...
Chính phủ cho rằng kết quả kiềm chế lạm phát của năm 2012 sẽ là điểm sáng hy vọng cho nền kinh tế năm 2013, ông có chung quan điểm này?
Lạm phát năm 2012 được kiềm chế do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân trực tiếp là chính sách tiền tệ, tài khóa được thắt chặt với lãi suất cho vay cao, kéo dài, tăng trưởng tín dụng thấp chưa bằng 1/2 năm trước; đầu tư, sản xuất, tiêu dùng đều giảm... Nhưng như tôi vừa nói, kinh tế vĩ mô chưa vững chắc, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ lạm phát quay trở lại, thậm chí trở lại quyết liệt hơn.
Vậy theo ông, điểm sáng của nền kinh tế 2013 có thể nhìn thấy ở đâu?
Theo hiểu biết của tôi, thực sự chưa rõ điểm sáng của năm 2013. Nếu có, đó là sự ổn định tạm thời của kinh tế vĩ mô - nhưng tiếc là sự ổn định này lại không thật vững chắc. Hy vọng rằng sẽ xuất hiện điểm sáng của nền kinh tế, có thể là sự khôi phục và hoạt động trở lại của nhiều doanh nghiệp, nhiều thị trường, nhiều lĩnh vực. Nhưng cần có sự quyết liệt hơn cả về chính sách và điều hành để sớm khắc phục những trở ngại, những diễn biến còn khá chậm chạp như hiện nay...
Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã đề ra một loạt giải pháp và thể hiện sự rất khẩn trương trong triển khai thực hiện. Ông có bình luận gì về tinh thần này của Chính phủ?
Tôi cho rằng Chính phủ cần vào cuộc mạnh mẽ và thiết thực hơn nữa để tháo gỡ những nút thắt về nợ xấu, về hàng tồn kho, về vốn, về năng lực quản lý, quản trị cũng như thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, trước hết là tái cơ cấu đầu tư, tái cấu trúc doanh nghiệp và thị trường cho doanh nghiệp hoạt động.
Trong khi triển khai quyết liệt các giải pháp đã đưa ra, Chính phủ cũng đồng thời phải yêu cầu trách nhiệm giải trình của các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ trong từng lĩnh vực, từng khâu công viêc. Sự thực hiện thành hay bại của các giải pháp tháo gỡ những nút thắt này, sẽ quyết định hướng thoát ra hay không của nền kinh tế nước ta hiện nay.
Vì sự quá khó khăn của nền kinh tế mà quá trình tái cơ cấu nền kinh tế có thể tiếp tục bị chậm lại. Theo ông, điều đó có nên được thông cảm và chia sẻ?
Tôi không nghĩ như vậy. Bên cạnh việc tập trung các giải pháp hàng đầu cho khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phải thực hiện quyết liệt, bài bản và cần sự chỉ huy thống nhất trong việc tái cơ cấu nền kinh tế.
Quá trình triển khai thực hiện các công việc này không thể thiếu sự chỉ huy thống nhất trên toàn quốc, vì lợi ích chung và với một kỷ cương, quy trình chặt chẽ. Tái cơ cấu nền kinh tế, là công việc không thể chần chừ thêm.
Cần có một đầu mối chỉ đạo và xác định rõ trách nhiệm từng cá nhân tổ chức, có sự đánh giá và điều chỉnh kịp thời. Quan tâm nhiều hơn đến xử lý vốn cho doanh nghiệp và nâng cao chất lượng quản trị kinh doanh, trước hết là quản trị tài chính. Sử dụng hiệu quả công cụ kế toán, nâng cao hiệu quả và hiệu lực của hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ. Đề cao vai trò và xác định trách nhiệm, quyền của kế toán trưởng với vai trò kiểm soát viên tài chính của chủ sở hữu tại từng đơn vị.
Tác giả: Đoàn Trần
Nguồn: VnEconomy
Tin bài khác:
- VEF: Nhìn lại mình: Giảm để tăng, chậm mà nhanh
- SBiz: Cơ hội kinh doanh 2013: Cái khó ló cái khôn
- DV: "Doanh nghiệp nhà nước giống như một đứa trẻ được cầm súng"
- SGTT: Bài toán bauxite sai tày hoày (*)
- VnEx: Những cái 'chết yểu' của hàng không tư nhân Việt Nam
- GDVN: Nhân viên Ngân hàng: “Chưa năm nào ăn Tết thảm hại như năm nay”
- SGTimes: Starbucks đặt cược vào châu Á-Thái Bình Dương