[Tài chính marketing] Tái cấu trúc hệ thống tài chính cũng như nền kinh tế nói chung là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội quý giá để các nước nhìn lại chính mình và thay đổi để phát triển bền vững hơn.
Bài học về đổi mới kinh tế: rất dễ dẫn đến tư bản thân hữu
Thật trớ trêu, khởi nguồn của nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế lại xuất phát từ những chương trình đổi mới cơ cấu kinh tế của các quốc gia. Trong những thập niên 80 và 90 của thế kỷ 20, rất nhiều nước phải bắt đầu những chương trình cải cách nhằm giảm thiểu sự can thiệp của nhà nước, và tự do hóa nền kinh tế, và thật đáng buồn rất nhiều nước đã gặp sai lầm trong quá trình này, và lâm vào tình cảnh khủng hoảng kinh tế.
Quá trình cải cách này ở các nước là khác nhau nhưng nhìn chung đều liên quan tới việc điều chỉnh các quy định trong thị trường nội địa, khuyến khích cạnh tranh, đồng thời cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, tự do hóa ngành tài chính, cho phép có sự tham gia của đầu tư nước ngoài, và luân chuyển nguồn vốn. Hầu hết các nước đều thực hiện chế độ neo tỷ giá hoặc tỷ giá có quản lý.
Những chương trình cải cách hướng tới tự do hóa thị trường là rất đáng được khuyến khích. Tuy nhiên, một cách tự nhiên, những kế hoạch cải cách này cũng sẽ tạo ra một chuỗi những thay đổi mà nếu không được quản lý tốt sẽ trở thành thảm họa. Thông thường Chính phủ có rất ít thời gian để đảm bảo những điều kiện tiên quyết của một hệ thống tài chính theo định hướng thị trường, bởi mục tiêu và phạm vi đổi mới khá rộng. Bởi vậy, thay vì cạnh tranh nhau nhằm tối đa hóa lợi nhuận, các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác tiếp tục duy trì mối quan hệ "trên dưới nhất nhất" với nhau. Ví dụ, tại Mexico, hai trong ba ngân hàng lớn nhất thuộc sở hữu của các tập đoàn công nghiệp lớn và thường xuyên rót vốn cho các tập đoàn này. Vì một lý do nào đó, Chính phủ thường tiếp tay cho những mối quan hệ như vậy, là dấu hiệu của chủ nghĩa bè phái và lợi ích nhóm. Tại một số nước, Chính phủ còn trực tiếp can thiệp vào các quyết định cho vay doanh nghiệp.
Mối thân tình giữa ngân hàng và những doanh nghiệp đi vay làm giảm tính hiệu quả và khả năng kiểm soát của các khoản cho vay. Tại khá nhiều nước, các ngân hàng thường giấu nhẹm những khoản vay khó có khả năng thanh toán, thay vì lẽ ra phải thông báo về tình trạng vay vốn của các con nợ. Danh mục cho vay không cân đối, các doanh nghiệp truyền thống thường được ưu ái hơn kể cả khi doanh thu của họthậm chí còn không đủ để trả chi phí vốn. Tại Colombia, cuối năm 1998, khi mà một số ngân hàng lớn phá sản, hơn 80% dư nợ thương mại thuộc về các doanh nghiệp có tỷ lệ tăng trưởng hàng năng âm trong vòng 3 năm liên tiếp trước đó - mặc dù toàn bộ nền kinh tế đang tăng trưởng. Tại Ecuador, 70% dư nợ thương mại của một ngân hàng thuộc về các công ty có "dây dưa" thông qua mối quan hệ sở hữu hoặc quản lý.
Nợ xấu: Không có chỗ cho sự khoan nhượng
Thực tế đã chứng minh rằng việc chậm trễ trong tái cấu trúc, hay vội vã kết thúc với những giải pháp nửa vời sẽ chỉ làm cho tình hình trở nên xấu đi. Các ngân hàng có nguy cơ phá sản tiếp tục cho vay không hiệu quả, trong khi nhà đầu tư trong vào ngoài nước sẽ rút vốn ra khỏi nền kinh tế. Mexico, vì không thể giải quyết nhanh chóng những vấn đề khó khăn phát sinh từ cuộc khủng hoảng ngân hàng nên đã phải chịu mức nợ xấu tăng từ 15% trong tổng dư nợ năm 1995 lên tới 30% năm 1997. Trong khi Hàn Quốc đã nhanh chóng thực hiện chương trình tái cấu trúc toàn diện nhất tại châu Á và trở về mức cho vay lành mạnh chỉ trong vòng một năm sau khủng hoảng, nhờ đó đầu tư nước ngoài tăng lên đáng kể.
Mặc dù mỗi cuộc khủng hoảng nợ xấu có tính chất khác nhau tùy vào thể chế kinh tế, chính trị, văn hóa của các nước nhưng có thể rút ra một số bài học thực tiễn chung:
Trước hết, trong 100 ngày đầu tiên, điều tối cần thiết là nhanh chóng thiết lập một sự lãnh đạo rõ ràng, xác định tầm nhìn dài hạn cho hệ thống tài chính khi được tái cấu trúc lại, xây dựng kế hoạch chi tiết để quản lý các tổ chức phá sản, và phương án thanh lý tài sản của họ. Việc bắt tay vào tái cấu trúc một cách quyết đoán sẽ giảm chi phí của chương trình tái thiết cho người dân, và khôi phục niềm tin phía nhà đầu tư và người tiêu dùng. Khi nền kinh tế đã ổn định, có thể bắt đầu thực hiện các sáng kiến lâu dài nhằm giải quyết tận gốc nguyên nhân của cuộc khủng hoảng.
Về vấn đề nợ xấu, điều quan trọng là phải đo lường được mức độ nghiêm trọng của tình hình thực tế. Sự thật có thể khác xa so với con số được báo cáo. Hầu hết các ngân hàng yếu kém đều báo cáo con số nợ xấu chỉ bằng một nửa con số thực tế. Các quốc gia rơi vào khủng hoảng thường phải đối mặt với mức nợ xấu lên tới 25%-40% tổng dư nợ, cách biệt hoàn toàn so với mức 1%-2% tại các nền kinh tế ổn định.
Một khi đã đánh giá được mức độ nghiêm trọng của vấn đề, Chính phủ cần phải có các biện pháp can thiệp nhanh chóng đối với các tổ chức yếu kém. Việc can thiệp như thế nào đối với một tổ chức tài chính phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Hoạt động của ngân hàng có thể được khôi phục nếu như quy mô đủ lớn, có giá trị thương hiệu, thị phần bao phủ rộng khắp trên toàn quốc, dòng sản phẩm nổi bật, và đội ngũ quản lý có năng lực. Những ngân hàng không đạt đủ tiêu chuẩn trên sẽ được sáp nhập với ngân hàng khác. Nếu ngân hàng không có yếu tố nào sẽ phải mạnh tay cho phá sản, tiền gửi và nợ hiện tại chuyển sang một ngân hàng khác, các tài sản còn lại khác đem bán...
Trong khủng hoảng, kinh nghiệm là càng chậm trễ thanh lý các tài sản đảm bảo thì khả năng hoàn vốn càng thấp, khả năng hoàn vốn các khoản nợ xấu giảm khi tài sản của người vay giảm giá, các quan hệ kinh doanh xấu đi, tài sản bị tẩu tán. Việc xử lý chậm trễ cũng tạo cơ hội cho các vụ lừa đảo, các chủ ngân hàng câu kết với các công ty nước ngoài để mua lại các tài sản ngân hàng với mức giá rẻ bèo, gián tiếp làm thất thoát tiền thuế của nhà nước. Thêm vào đó, sự chậm trễ cũng làm phát sinh thêm chi phí về chính trị. Không nên quá lạc quan khi kỳ vọng về giá trị thanh lý đối với các tài sản cầm cố. Ở một nước, chính phủ kỳ vọng thu lại được 80% giá trị của các tài sản cầm cố nhưng thực tế chỉ thu hồi được 40% hoặc ít hơn từ các ngân hàng.
Theo kinh nghiệm của một số nước, nên thành lập một cơ quan chuyên trách để xử lý các khoản nợ xấu và tài sản cầm cố. Việc tái cấu trúc các khoản nợ để gia tăng giá trị của nó trước khi xử lý hay không phụ thuộc vào nguồn lực và năng lực của cơ quan này và mức độ khả thi khi thuê chuyên gia ngoài. Ví như một công ty quản lý tài sản Hàn Quốc, chịu trách nhiệm quản lý việc thanh lý các khoản nợ xấu của Hàn Quốc, chỉ đảm nhận xử lý một số nợ rất nhỏ. Số nợ còn lại, được chuyển cho các chuyên gia như: Deutsche bank, Goldman Sachs, và Lone star- những tổ chức sẵn sàng mua các khoản nợ xấu này do Luật thương mại của Hàn Quốc đứng về phía các tổ chức, cá nhân cho vay. Ngược lại, Cơ quan tái cấu trúc ngân hàng của Indonesia lại đảm nhận tái cấu trúc phần lớn nợ xấu do hệ thông pháp luật yếu kém.
Bên cạnh đó, việc xem xét mở cửa và cho phép sự cạnh tranh từ nước ngoài cũng là một kinh nghiệm tốt. Các nước mới nổi thường hạn chế cạnh tranh nước ngoài do lo ngại ngành tài chính của họ sẽ bị thâu tóm bởi các ngân hàng toàn cầu như Citigroup hay HSBC, và xa hơn, chủ quyền của quốc gia sẽ bị mất. Nhưng cạnh tranh nước ngoài là cần thiết để khôi phục lại ngành tài chính khó khăn, đặc biệt tại các thị trường mới nổi khi kỹ năng tài chính khá hạn chế. Các ngân hàng ngoại sẽ là áp lực khiến các ngân hàng trong nước phải hoạt động theo chuẩn quốc tế, đồng thời mang lại những kỹ năng rất cần thiết trong ngành như đánh giá tín dụng và quản lý rủi ro thông qua đào tạo nguồn nhân lực mà sau này có thể làm việc cho ngân hàng nội. Họ cũng sẽ bơm vốn cho nền kinh tế đang thiếu thốn và tiết kiệm cho người dânmột khoản tiền đóng thuế tương đối lớn.
Tái cấu trúc hệ thống tài chính cũng như nền kinh tế nói chung là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội quý giá để các nước nhìn lại chính mình và thay đổi để phát triển bền vững hơn, như Tổng thống Kim Dae Jung đã tuyên bố vào đầu năm 1998 về kế hoạch cải cách: "Chúng tôi sẽ coi cuộc khủng hoảng nghiêm trọng này như một bài học và động lực để chuyển sang nền kinh tế định hướng thị trường... Việc đảm bảo để thị trường tài chính có thể hoạt động tốt và hiệu quả và các công ty tập trung tạo ra giá trị cho các cổ đông hơn là tập trung vào quy mô là điều cần thiết nhất".
Theo VeF (Đặng Dũng - Vietnam Report)
Các bài khác:
- [VeF] Nợ xấu: 'Trần tình' rồi thêm lo - [VeF] Nợ xấu: Tự gây ra sao đòi nhà nước xử lý?
- [VeF] 3 mô hình xử lý nợ xấu - [DĐDN] Nên hay không xé nhỏ các “đại ngân hàng”?
- [VTC] Kiểm toán Nhà nước: Các 'ông lớn' lỗ to vì nhà đất - [SGTimes] Tập đoàn, tổng công ty chiếm dụng vốn cao
- [DĐDN] Giảm tỉ lệ rủi ro của TCTD: Giải cứu BĐS và ngân hàng - [SGTimes] Nhu cầu nhân lực bất động sản, xây dựng giảm mạnh
- [VnEx] Thủ tướng: Giá nhà thu nhập thấp chỉ nên 2-4 triệu đồng mỗi m2 Hoan hô Thủ tướng, đúng là Báo Hàn Quốc: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là nhà lãnh đạo xuất sắc
- [DNSG] Nhà nhỏ không cần ưu đãi
- [SGTimes] Bi kịch của thị trường điện máy
- [BBC] TQ gây hấn để quên mâu thuẫn nội bộ? - [VnEx] Trung Quốc mưu đồ thâu tóm Biển Đông như thế nào - [PNToday] Việt Nam chỉ rút kiếm ra khỏi vỏ khi...