[Thương hiệu] Các nhãn hiệu tài trợ cho Olympic luôn phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt từ Ban tổ chức về các hoạt động quảng cáo. Vậy điều gì đã thu hút các nhãn hiệu đổ tiền của cho giải thi đấu thể thao lớn nhất hành tinh này?
Nguyên tắc của Thế vận hội duy trì hàng trăm năm qua là quảng cáo không được cho phép xuất hiện trong sân vận động, không có logo nhà tài trợ trên trang phục của các vận động viên (ngoại trừ tại Paralympic)...
Đại diện của Ban tổ chức Thế vận hội Olympic và Paralympic London (LOCOG) cho biết: “Các quy định của chúng tôi rất rộng và vì thế, bất kỳ chiến dịch nào ăn theo Olympic đều là vi phạm. Kể cả các quảng cáo không nói trực tiếp mà chỉ gợi liên tưởng cũng sẽ bị xử lý”. Thậm chí, vận động viên sẽ bị tước huy chương nếu quảng cáo gián tiếp trên Twitter, Facebook hay blog...
Dù quy định ngặt nghèo nhưng các hoạt động thương mại liên quan đến Olympic vẫn là một cuộc đua tranh quyết liệt. Ngân sách của Chính phủ Anh dành cho tổ chức Thế vận hội năm nay đã lên đến 14,5 tỷ USD so với ước tính ban đầu là 2,4 tỷ USD.
Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã gây quỹ được 4,87 tỷ USD bằng tiền bản quyền phát sóng và các khoản tài trợ bốn năm. LOCOG đã huy động 700 triệu bảng trong tài trợ bán vé và đồ lưu niệm có gắn logo Olympic.
Martin Sorrell, ông chủ của công ty quảng cáo WPP, dự báo Thế vận hội sẽ bơm vào thị trường quảng cáo Mỹ từ 800 triệu USD - 1 tỷ USD năm nay. Còn theo ước tính của ZenithOptimedia, thị trường quảng cáo toàn cầu sẽ đạt 1,3 tỷ USD từ Olympic.
Mười một nhà tài trợ toàn cầu (được gọi là Đối tác hàng đầu Thế vận hội) trả chi phí cho Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) để mua quyền sử dụng thương hiệu Olympic. Chỉ có một nhà tài trợ trong mỗi hạng mục thương mại: Coca-Cola cho nước giải khát, Panasonic cho TV...
Giá trị của mỗi hợp đồng được giữ bí mật, nhưng tổng số tiền tài trợ cho 4 năm 2009-2012 là 957 triệu USD. Nhà tài trợ có thể trả bằng tiền mặt, bằng hiện vật, hoặc cả hai.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà tài trợ hàng đầu, chẳng hạn như McDonald’s, Omega, Panasonic và Procter & Gamble đều có chiến lược quảng cáo riêng khi tài trợ cho Olympic, nhưng có điểm chung là tránh “thương mại hóa thô thiển”.
Tất cả các nhãn hàng khi gắn với sự kiện thể thao lớn này đều muốn gắn thương hiệu với tinh thần “chơi đẹp - fair play”, hoặc tận dụng sự lan tỏa toàn cầu.
Cũng chính vì lý do “fair play”, các quan chức của IOC đã phải cân nhắc có nên tiếp tục cho phép hãng đồ ăn nhanh McDonald’s tài trợ cho giải thi đấu thể thao này. IOC lo ngại số người béo phì ngày càng gia tăng trên toàn cầu có thể làm ảnh hưởng tới hình ảnh của Olympic nếu còn nhận tài trợ từ McDonald’s...
Một nghiên cứu của Đại học Columbia (Mỹ) cho thấy, những công ty có những “tài trợ hào phóng” đều có kết quả kinh doanh tốt. Nghiên cứu 51 công ty Mỹ đã bỏ ra hơn 15 triệu USD hằng năm tài trợ (chủ yếu là các môn thể thao) từ năm 2005 và 2009 cho thấy, lợi nhuận ròng của công ty này tăng trưởng nhanh hơn so với các công ty trong nhóm S&P 500 (6,5%-7,8% mỗi năm).
Các nhà tài trợ lớn còn gặt hái kết quả tốt hơn: 16 nhà tài trợ dành trên 160 triệu US tài trợ/năm có doanh thu tăng 22,1% mỗi năm.
Đặc biệt, khi tài trợ cho các sự kiện thể thao lớn, các thương hiệu thường có độ lan tỏa mạnh. Coca-Cola và IBM tài trợ cho thể thao để làm cho người tiêu dùng cảm thấy “ấm áp” hơn về thương hiệu của mình và nâng cao giá trị khi gia nhập thị trường toàn cầu.
Coca-Cola đã tài trợ cho Olympic kể từ năm 1928 và đã ký hợp đồng tài trợ cho tới năm 2020 và hãng này luôn nằm trong nhóm các thương hiệu giá trị nhất toàn cầu. Tuy nhiên, Samsung có lẽ là ví dụ tốt nhất về tận dụng cơ hội tại Olympic.
Năm 1997, hãng này đã qua mặt Motorola để trở thành nhà tài trợ Olympic ở hạng mục điện thoại di động. Đến nay, theo Interbrand, Samsung là thương hiệu giá trị thứ hai tại châu Á (sau Toyota).
Chính vì thế, một nhãn hàng mới nổi tại châu Á là Acer cũng quyết tâm giành quyền tài trợ cho Olympic từ tay đối thủ Lenovo. Theo đó, Acer cung cấp máy tính cho Olympic ở một số khu vực thi đấu, bao gồm các dịch vụ tin học tại Trung tâm điều hành công nghệ Olympic, Trung tâm báo chí, Làng Olympic cho các vận động viên và quan chức thể thao.
--------------------
11 nhà tài trợ cho Olympic 2012- McDonald’s
- Visa
- Omega
- Acer
- Coca-Cola
- Panasonic
- Procter & Gamble
- General Electric
- Dow Chemical
- Atos
- Samsung
--------------------
Theo DNSG (Hồng Kha)