Quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam: tiềm năng và đa dạng!

3/7/120 nhận xét

[Marketing4u - Quảng cáo] "Facebook có đến 70% người dùng internet ở Việt Nam tham gia!...".Quảng cáo trực tuyến được xem là “con gà đẻ trứng vàng”. Tuy nhiên, các doanh nghiệp quảng cáo Việt Nam vẫn chậm chân hơn nhiều so với những công ty nước ngoài. Kết quả điều tra hành vi người tiêu dùng internet tại Việt Nam do Tập đoàn Cimigo (chuyên về nghiên cứu thị trường và thương hiệu) thực hiện, khảo sát trên 5.800 người độ tuổi từ 15 đến 64 ở 12 đô thị trong nước cho thấy: Năm 2003, tỉ lệ người dùng internet ở Việt Nam chỉ là 4%, đến năm 2007 tăng lên 27% và đến năm 2011 tiếp tục tăng, cán mức 35%. Cùng với tốc độ phát triển cực nhanh của internet, quảng cáo trực tuyến trở thành mảnh đất màu mỡ.

Tiềm năng rất lớn

Hiện tại, quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam chủ yếu thông qua các cỗ máy tìm kiếm; đặt logo hoặc banner tại các website có lượng người truy cập lớn, trong đó có nhiều đối tượng phù hợp với khách hàng tiềm năng của sản phẩm; thông qua hệ thống email; quảng cáo đa phương tiện.

Ông Nguyễn Quý Cáp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quảng cáo Trẻ, cho biết quảng cáo trực tuyến đang phát triển khá nhanh với doanh thu chiếm khoảng 2%-3% tổng doanh thu ngành. Theo khảo sát của Kantar Media (tiến hành từ tháng 4-2010 đến tháng 3-2011), thị trường quảng cáo trực tuyến có tổng doanh thu 26,4 triệu USD (tương đương hơn 550 tỉ đồng) với 10 website lớn. Tuy nhiên, con số này chưa phản ánh đúng doanh thu thực của thị trường này vì rất khó thống kê doanh thu từ quảng cáo của các trang mạng, kể cả các website game online.

Đa dạng quảng cáo trực tuyến

Ông Nguyễn Trung Thẳng, Giám đốc Masso Group, cho biết Masso đã tham gia quảng cáo trực tuyến 3 năm nay và doanh số tăng đều từ vài chục đến 100%/năm. Lâu nay, quảng cáo truyền thống là lựa chọn hàng đầu của tất cả các nhãn hàng. Dù giá quảng cáo trên truyền hình rất đắt, tăng liên tục nhưng các doanh nghiệp (DN) vẫn cắn răng chi trả với mong muốn quảng cáo của họ được đông đảo khách hàng chú ý.

Thế nhưng, trước sự bùng nổ mạnh mẽ của các kênh truyền hình trong nước và quốc tế, khách hàng có rất nhiều lựa chọn nên việc kéo người tiêu dùng theo dõi quảng cáo trên truyền hình là không dễ. Ngược lại, quảng cáo trực tuyến đã chứng minh được rất nhiều ưu điểm vượt trội mà quảng cáo truyền thống không đáp ứng được. Chẳng hạn như phân khúc khách hàng rõ ràng, việc khảo sát thông tin người sử dụng được thực hiện khá đơn giản, giúp DN định hướng chính xác cách thức tiếp cận khách hàng tiềm năng hiệu quả nhất.

Song song đó, quảng cáo trực tuyến còn ghi nhận được phản ứng của khách hàng (bao nhiêu người nhìn thấy mẩu quảng cáo, bao nhiêu người đã click vào, xem thông tin gì…). Cơ sở dữ liệu này giúp DN xác định được thị hiếu khách hàng để từ đó xây dựng chiến lược quảng cáo lâu dài, hiệu quả. Ngoài ra, quảng cáo trực tuyến còn tận dụng được sự hỗ trợ của công nghệ mới, DN có thể thỏa sức sáng tạo, làm mới mình để tạo sự chú ý; chi phí quảng cáo trực tuyến cũng không quá đắt.

Đại diện một số DN cũng cho rằng tại Việt Nam, các trang mạng xã hội đang bùng nổ (năm 2011, theo Cimigo, riêng Facebook có đến 70% người dùng internet ở Việt Nam tham gia) và thương mại điện tử ngày càng phổ biến. Cũng theo khảo sát nói trên của Cimigo, 5% số người được khảo sát cho biết họ dùng internet để thanh toán trực tuyến mỗi ngày, 11% số người cho biết họ thực hiện giao dịch qua mạng mỗi tuần một lần, 51% số người được khảo sát tin rằng họ có thể mua được hàng hóa qua internet. Đây chính là tiềm năng to lớn, tạo sức bật cho quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam phát triển.

Doanh nghiệp Việt theo đuôi

Theo ông Đỗ Kim Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Quảng cáo Việt Nam (ARTI), Chủ tịch HĐQT Công ty Quảng cáo An Tiêm, các công ty sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam đã bắt đầu quan tâm đến quảng cáo trực tuyến và chịu chi tiền cho loại hình quảng cáo này.

Tuy nhiên, người Việt vốn khó thay đổi thói quen, thị hiếu nên quảng cáo trực tuyến hiện chưa phải là lựa chọn số một của họ. Còn rất nhiều DN quảng cáo, kể cả một số DN lớn, vẫn chưa hiểu sâu về quảng cáo trực tuyến và chưa sẵn sàng tham gia lĩnh vực này. Ngược lại, các công ty quảng cáo nước ngoài mạnh về tài chính, công nghệ và tầm nhìn đã “tấn công” vào quảng cáo trực tuyến, trong đó TBWA (thuộc Tập đoàn Omnicom) hiện khá mạnh về truyền thông số.

Ông Nguyễn Trung Thẳng cho rằng dù một số DN nhỏ và vừa của Việt Nam tiên phong trong lĩnh vực khai thác mạng xã hội đã “nhảy” vào quảng cáo trực tuyến nhưng cũng giống như quảng cáo truyền thống, hiện vẫn chưa có DN đủ tầm để hoạch định chiến lược quảng cáo trực tuyến và thực thi chiến lược đó. Những hạn chế về nhân sự, công nghệ… chính là trở ngại khiến DN quảng cáo Việt Nam còn đứng bên lề quảng cáo trực tuyến.

5-7 năm nữa sẽ bùng nổ

Theo ARTI, các phương tiện truyền thông của tương lai sẽ bao gồm truyền thông xã hội, điện thoại di động, trò chơi, video trực tuyến và công cụ tìm kiếm. Trên cơ sở đó, quảng cáo trực tuyến và truyền thông hiện đại sẽ phát triển mạnh trong vòng 5-7 năm nữa. Nhận định này càng được củng cố bởi theo khảo sát của Kantar Media (thực hiện năm 2011), đối tượng sử dụng internet chủ yếu là giới trẻ; hơn 65% số người sử dụng internet tại 4 TP lớn nhất Việt Nam ở độ tuổi 15-29.

Theo NLĐ
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP