Phải xử lý nợ xấu nhưng....

3/7/120 nhận xét

[Marketing3k - KTVN] Đề án Tái cơ cấu ngân hàng cần phải đẩy nhanh tiến độ và trọng tâm là yêu cầu xử lý nợ xấu để hỗ trợ tăng trưởng sau khi đã giảm nhiệt lạm phát. 

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, chuyên gia phân tích về thị trường tài chính nhấn mạnh điều này sau khi nêu rõ, trước đây, NHNN đã sử dụng biện pháp khoanh nợ, giãn nợ để xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, khi mà nợ xấu chủ yếu nằm trong khối DNNN. Biện pháp này hiện không thể áp dụng, bởi nợ xấu nằm ở nhiều loại hình DN khác nhau.

“Giải pháp hữu hiệu nhất lúc này là thành lập Công ty Mua bán nợ xấu (AMC) như đề xuất của NHNN. Đây là cách mà nhiều nước áp dụng thành công sau cuộc khủng hoảng năm 2008. Tất nhiên, cần nghiên cứu thêm cách thức vận hành của AMC để phù hợp với đặc thù Việt Nam”, ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa nhấn mạnh, đây không phải là lần đầu tiên ngành ngân hàng Việt Nam đối mặt với bài toán nợ xấu. Các nước trên thế giới sau mỗi lần khủng hoảng cũng đều phải giải bài toán này. Có những phương thức cơ bản được tổng kết để xử lý nợ xấu nhanh, như cho khoanh nợ, giãn nợ, mua nợ xấu…

Theo báo cáo của NHNN, nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã lên tới khoảng 10% tổng dư nợ, với con số tuyệt đối cỡ hàng trăm nghìn tỷ đồng. “Đây chính là cục máu đông trong cơ thể, nếu không xử lý thì không thể lưu thông tiền tệ được. Phải phẫu thuật để đưa cục máu đông này ra khỏi cơ thể, chứ không thể dùng biện pháp uống thuốc để tiêu dần”.

Ông Nghĩa cảnh báo, nếu tình trạng này kéo dài thì hậu quả để lại sẽ rất lớn. Giả sử, nợ tồn đọng hiện nay vào khoảng 10% GDP, nếu nút thắt giữa ngân hàng và doanh nghiệp không được tháo thì sẽ cần khoảng 8 – 10 năm để giải quyết vấn đề này.

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, suốt khoảng thời gian này ngân hàng sẽ không cho vay ra, đồng thời lãi suất sẽ phải tăng lên đề bù vào khoản nợ xấu đó. Chính vì thế việc tăng trưởng và an sinh xã hội sẽ không thể thực hiện – ông Nghĩa nói.

Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng nhấn mạnh, đến nay tăng trưởng tín dụng vẫn âm nên dư địa cho những tháng cuối năm là còn rất lớn. Nếu chính sách tiền tệ không có những can thiệp thì lạm phát năm nay chỉ dừng ở mức 5%, còn muốn “đẩy” tăng lên mức 8% thì phải có một lượng tiền rất lớn được đẩy ra. Xong tỷ lệ này không được vượt quá mức 10% để tránh tình trạng lạm phát quay trở lại ở những năm tiếp theo.

Theo tính toán của các chuyên gia, tỷ lệ lạm phát năm nay ở mức 5 – 6% thì năm sau tỷ lệ này sẽ là 8 – 9%, còn nếu năm nay lạm phát là 8 – 9% thì năm 2013 tỷ lệ này sẽ là 6 -7%.

Ông Nghĩa cho rằng, mặc dù nhìn tổng thể còn nhiều khó khăn nhưng khó khăn nhất đã đi qua và so với tình hình năm ngoái thì mọi thứ đã sáng sủa hơn rất nhiều.

Cụ thể, năm 2011 Chính phủ không có trong tay bất cứ một dư địa nào kể cả tài khóa lẫn chính sách tiền tệ, bởi lẽ chỉ cần một “nhúc nhích” nhỏ là có thể ảnh hưởng trực tiếp đến lạm phát.

Nhưng năm nay thì khác, cả 2 công cụ này đang còn dư địa rất lớn, cho phép Chính phủ nới lỏng hơn nữa mà không hề ảnh hưởng gì đến mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Vấn đề chỉ còn ở chỗ Chính phủ đang cân nhắc xem nên nới lỏng đến đâu là vừa đủ cho năm nay và cả các năm tiếp sau đó.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam, cho cho rằng phải xử lý nợ xấu nhưng mua bán nợ không hẳn là giải pháp hay, nói cách khác là không hiệu quả trong điều kiện của chúng ta hiện nay .

Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam nhấn mạnh, một số giải pháp khác cần được chú trọng hơn, đó là, thúc đẩy việc mua bán cổ phần của các ngân hàng, có thể thông qua hình thức cho đối tác nước ngoài tham gia mua cổ phần với tỷ lệ cao hơn để cải thiện chất lượng quản trị của ngân hàng. Giải pháp này là hiệu quả mà Nhà nước lại không mất vốn. Thực tế cho thấy, trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, biện pháp cho ngân hàng nước ngoài mua lại cổ phần của ngân hàng thương mại thua lỗ là chủ yếu.

Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam nêu vấn đề, cứ cho là công ty mua bán nợ xấu quốc gia có thể được thành lập nhanh, mặc dù trên thực tế là không nhanh được, cứ cho là công ty này được Nhà nước bao cấp nhưng liệu có cải thiện được hệ thống ngân hàng? Chẳng hạn, mua nợ xấu của các ngân hàng yếu kém nhưng nếu không có biện pháp quyết liệt, liệu có cứu được các ngân hàng này không?

Theo Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc lập ra công ty này là tốn kém cho ngân sách nhà nước, kỳ vọng có lãi là khá khó khăn, đặc biệt trong thực trạng quản trị hiện nay. Một rủi ro khác là sẽ thất thoát ngân sách nhà nước.

Mặt khác, việc thành lập công ty mua bán nợ ở các nước trong các thập kỷ trước cũng không phải là thành công lắm, thậm chí còn chịu nhiều điều tiếng. Trong cuộc khủng hoảng tài chính vừa rồi, nhiều ngân hàng ở Mỹ và châu Âu “ngập” trong đống nợ xấu nhưng có thấy thành lập công ty mua bán nợ xấu quốc gia đâu... Chính phủ Mỹ giải quyết theo cách quốc hữu hóa nhanh các ngân hàng yếu kém hoặc bơm vốn để nắm cổ phần chi phối. Sau đó, khi các ngân hàng này phục hồi, vốn sẽ được trả lại cho Chính phủ thông qua tư nhân hóa.

Từ phân tích trên cho thấy, mua bán nợ không hẳn là giải pháp hay, nói cách khác là không hiệu quả trong điều kiện của chúng ta hiện nay.

Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam nêu rõ, để cho một công ty mua bán nợ ngân hàng hoạt động, khuôn khổ pháp lý sẽ phức tạp hơn nhiều so với các văn bản pháp lý quy định hoạt động của DATC - công ty mua bán nợ thuộc Bộ Tài chính vì DATC chỉ có mục tiêu xử lý các khoản nợ và tài sản tồn đọng để hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa.

Ở các nước, việc xử lý nợ xấu phải có luật riêng. Như vậy, xây dựng được quy trình pháp lý để cho công ty này hoạt động đã mất không ít thời gian trong khi việc xử lý nợ đòi hỏi phải thực hiện nhanh.

Về phía các ngân hàng thương mại, họ hoàn toàn có quyền định đoạt nợ xấu của mình. Nói cách khác, họ hoàn toàn có thể bán nợ xấu theo giá thị trường, kể cả những con tàu sắt vụn vẫn bán được chỉ có điều có hiệu quả hay không.

Nếu công ty mua bán nợ được thành lập để xử lý các khoản nợ xấu này, ngân hàng thương mại sẽ có xu hướng bị động, “chờ” được xử lý hộ, tất nhiên, với giá cao hơn so với giá bán cho các đối tác khác trên thị trường. Hay nói cách khác, ngân hàng thương mại chỉ bán cho công ty mua bán nợ của Nhà nước khi có lợi hơn là bán cho tư nhân.

Dĩ nhiên, trong giai đoạn khó khăn, Nhà nước vẫn phải hỗ trợ xử lý nợ xấu và kiểu gì cũng tốn kém. Tuy nhiên, điểm mấu chốt cần xem xét là phải vì mục tiêu thay đổi chất lượng quản trị trong hệ thống ngân hàng - một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng nợ xấu hiện nay.

Theo Tamnhin (Văn Khoa)
Các bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP