Những nguyên tắc kinh doanh thời khủng hoảng

2/7/120 nhận xét

[Marketing3k - Quản Trị] Từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học cho mãi đến sau này làm việc tại các doanh nghiệp, tôi có dịp học hỏi cũng như trải nghiệm qua nhiều thực tế của cuộc sống, của thương trường khốc liệt, và nhận ra rằng có những nguyên tắc thật quý giá mà mình cần quan tâm, đặc biệt trong thời khủng hoảng này.

Nguyên tắc 1: “Dựa vào tập thể”

Ngày đầu tiên vào trường Quản trị kinh doanh, chúng tôi được nhà trường bố trí sinh hoạt ngoài trời trong một rừng cây lớn. Từng nhóm, khoảng 7 đến 9 tân sinh viên, được phân công chơi các trò chơi tập thể như kiểu sinh hoạt hướng đạo sinh hồi còn nhỏ.

Chẳng hạn, từng thành viên của nhóm phải tìm cách đi bộ trên một sợi dây cáp căng giữa hai gốc cây cổ thụ; sau đó tiếp tục chui qua một mạng nhện đan bằng dây thừng có kích cỡ khác nhau… Thời gian bị khống chế, nên dù vượt qua được các chướng ngại vật nhưng bị trễ giờ, thành quả của toàn đội cũng không được công nhận.

Ngoài ra, khi vào học chính thức, từng nhóm gồm 5 sinh viên được nhà trường xếp ngẫu nhiên thành các nhóm học tập. Số lượng các tình huống và bài tập được đẩy lên đến cao độ khiến cho các nhóm phải ăn trưa, ăn tối và học luôn tại thư viện trường đến tận khuya hoặc gần sáng mới về cư xá.

Khi trở lại đời sống doanh nghiệp, dần dần tôi mới nhận ra ngụ ý của các trò chơi ngày mới vào trường, cũng như hiểu được vì sao nhà trường đã đẩy áp lực căng thẳng ngay từ học kỳ đầu tiên: tình huống kinh doanh càng khó khăn, doanh nhân phải biết dựa vào tập thể để tìm ra giải pháp tháo gỡ.

Nguyên tắc 2: “Tốc độ là thượng đế. Thời gian là ma quỷ”

Trong khủng hoảng, khi giải quyết các vấn đề khó khăn của doanh nghiệp, doanh nhân luôn nhớ rằng: “Tốc độ là thượng đế. Thời gian là ma quỷ.” Một giải pháp kinh doanh dù hay đến đâu, nhưng không đưa ra kịp thời để ứng cứu doanh nghiệp trong lúc khủng hoảng đều không có giá trị. Người ta hay nói: “Đừng để nước đến chân mới nhảy.” Nhưng trong tình thế khủng hoảng, bão đã tràn qua, lũ đã ngập đến khắp nơi, nghĩa là, chúng ta phải khẩn trương, dũng cảm, tỉnh táo để xử lý tình huống. Nếu cần, phải xông vào nơi nguy hiểm để tìm đường sống. 

Nguyên tắc 3: “Sống chung với lũ”

Một doanh nhân kể rằng, thác nước Niagara ở Mỹ rất cao. Tuy vậy, có một người đã sống sót khi nhảy xuống vực thẳm. Khi được hỏi, lý do vì sao sống sót, ông nói: “Khi nhảy vào dòng thác, tôi có ý nghĩ rằng mình là một phần của nó”. Tất nhiên, trước khi nhảy ông đã chuẩn bị đầy đủ trang bị cần thiết. Trong tình huống khủng hoảng, doanh nghiệp cần phải chọn sản phẩm, thị trường, với giá cả hợp lý đáp ứng nhu cầu trước mắt hoặc trong tương lai gần, cũng như chọn đúng thời điểm, chớp đúng thời cơ để biết “lấy ngắn nuôi dài”.

Nguyên tắc 4: “Ôn cố tri tân”

Kinh doanh luôn có chu kỳ lặp đi lặp lại. Cần xem lại trong các chu kỳ khủng hoảng trước, doanh nghiệp đã làm gì để tồn tại để có thái độ ứng phó thích hợp. Chẳng hạn, trong thời kỳ khủng hoảng 1997, các doanh nghiệp sản xuất hàng phụ trợ cho các tổng công ty đa quốc gia vẫn tồn tại được. Các công ty tư vấn tài chính, chứng khoán, luật tìm thấy cơ hội phát triển trong khủng hoảng sẽ chú trọng phát triển mảng kinh doanh này. Công ty xây dựng biết giữ chữ tín trong thời khủng hoảng của chu kỳ trước tìm thấy cơ hội khách hàng tìm đến ký hợp đồng nhiều hơn doanh nghiệp khác trong khủng hoảng kỳ này... Công ty bất động sản phải biết mình đang đứng ở đâu trong chu kỳ, kiên trì chờ đợi và chớp đúng thời cơ để mua và bán đúng lúc.

Trong nguy hiểm càng có nhiều cơ hội. Kinh doanh thời khủng hoảng cũng như nhảy qua vòng lửa. Ai tính toán được sức nóng của ngọn lửa và kích thước của chiếc vòng, người đó sẽ tồn tại khi nhảy qua, còn không sẽ vị đốt cháy.

Theo SGTimes (Võ Đắc Khôi)
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP