[Học marketing] Câu trả lời cho nỗi lo thiếu hụt quản lý cao cấp tại các doanh nghiệp châu Á là: phụ nữ.
Theo báo cáo của Tổ chức Tư vấn McKinsey, tại phương Tây, phụ nữ chiếm khoảng 10-20% trong bộ máy quản lý doanh nghiệp. Trong số 500 công ty lớn nhất nước Mỹ, tổng giám đốc nữ chiếm khoảng 30%.
Con số này càng cho thấy rõ khoảng cách tụt hậu của phụ nữ châu Á. Mặc dù cũng có ngoại lệ như Singapore nhưng xét toàn châu Á thì tình hình nữ quyền trong doanh nghiệp khá tồi tệ.
Tại những quốc gia có nền kinh tế hiện đại Nhật Bản và Hàn Quốc, phụ nữ có thể ngồi cùng với nam giới chỉ là khi họ... phục vụ trà nước. Một trong những lý do giải thích vai trò thấp yếu của phụ nữ trong doanh nghiệp châu Á là vì nữ giới chiếm tỷ lệ rất thấp trong lực lượng lao động của doanh nghiệp so với doanh nghiệp phương Tây, nơi có tỷ lệ nữ giới tham gia lên tới 60-70%.
Tại Ấn Độ chỉ có một trong số ba người phụ nữ có một công việc chính thức, mặc dù có hàng chục triệu phụ nữ quần quật trong các trang trại và trong các doanh nghiệp gia đình. Giáo dục cũng có thể tạo ra sự bất bình đẳng. Trong năm 2009-2010, chỉ có 10-15% sinh viên nữ nhập học tại Viện Quản lý Ấn Độ.
Nhưng thực tế, ngay cả ở các nước có tỷ lệ nữ cử nhân cao thì bậc thang của phái yếu trong các công ty vẫn vô cùng thấp. Thậm chí, một thống kê không vui với chị em là trong số phụ nữ có học vấn cao đẳng hay đại học, chỉ có dưới 30% được thuê và họ thường chỉ được làm các công việc phụ.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này: đó là tâm lý trọng nam khinh nữ còn nặng nề; ngoài ra là gánh nặng trong công việc và trách nhiệm gia đình khiến nữ giới không thể tập trung cho công việc. Ở châu Á, một trở ngại trong việc xóa bỏ khoảng cách giới là thiếu các dịch vụ công cộng để hỗ trợ các gia đình, chẳng hạn như chăm sóc trẻ em.
Vì vậy, một câu hỏi đặt ra là cho đến khi nào châu Á bắt kịp với phương Tây? McKinsey sau khi nghiên cứu 744 công ty lớn và phỏng vấn 1.500 giám đốc điều hành trong 10 quốc gia châu Á rút ra kết luận: không giống công ty phương Tây, các nhà quản lý cấp cao châu Á không quan tâm đến chủ đề giới tính trong quản trị. Khoảng 70% trong số họ đã không nhìn thấy “sự đa dạng giới tính” như là một chiến lược ưu tiên trong phát triển doanh nghiệp.
Theo McKinsey, khoảng cách giới trong doanh nghiệp là một sai lầm có tính dài hạn. Hiện nay, thực tế đã chứng minh nhiều công ty rất thành công khi có tỷ lệ quản lý là nữ cao.
Chẳng hạn như công ty mỹ phẩm Nhật Bản Shiseido, thậm chí là cả một công ty kỹ thuật lớn như Cisco cũng tuyển mộ nhiều nữ quản trị. Một nghiên cứu năm 2011 của Công ty Heidrick & Struggles cho thấy, một phần ba giám đốc điều hành của các công ty lớn châu Á lo ngại về thiếu hụt quản lý cấp cao trong vài năm tới.
Khi các quốc gia châu Á nổi lên với các nền kinh tế thị trường mới, và với các giá trị văn hoá xã hội thường xuyên thay đổi, thì vai trò của phụ nữ phải được xem xét đầy đủ và phải được xác định rõ. Khác với nhiều nước phương Tây đã trải qua công nghiệp hóa trên 100 năm, nhưng thay đổi ở châu Á đang diễn ra với nhịp độ rất nhanh.
Phụ nữ phải được trang bị tri thức và chuyên môn để đáp ứng được những thay đổi này. Hiện nay các nước đang chú trọng việc đào tạo phụ nữ trong lĩnh vực quản lý. “Tất nhiên thay đổi này khó có thể diễn ra nhanh chóng nhưng câu trả lời sẽ có trong 5-10 năm tới”, báo cáo của McKinsey nhấn mạnh.
Theo DNSG (Hà Cúc)