[Thư viện Marketing] Không chỉ người bình dân đang cạn tiền mà các đại gia cũng đang bị "sa mạc hoá". Họ phải từng bước chia tay những thú vui xa xỉ để sống qua thời khủng hoảng.
Buổi sáng, lên văn phòng, nhìn vào lịch chợt nhận ra hôm nay là ngày sinh của ông bạn, một đại gia ngành xây dựng. Nhớ đến nhau, bấm máy, nói mấy lời chúc mừng để bày tỏ thịnh tình. Đầu dây bên kia, anh cám ơn lấy lệ. Hỏi thăm anh, rằng, năm nay anh tổ chức sinh nhật ra răng? Anh bày tỏ, ai nhớ thì chúc mừng thôi. Thị trường xấu, việc làm khó khăn, bày vẽ rình rang càng thêm nẫu ruột.
Nhớ lại, một vài năm trước, sinh nhật là dịp quan trọng để anh mở tiệc vui với bạn bè. Là người đứng đầu một doanh nghiệp lớn có hàng ngàn công nhân, quan hệ với hàng trăm đối tác ở khắp ba miền. Đúng ngày này, các "đệ" của anh thường chọn một địa điểm đẹp ở vùng ven đô, anh chủ trì mở tiệc chiêu đãi bạn bè, đối tác. Cùng với những bữa tiệc long trọng là chương trình ca nhạc với sự góp mặt của một số ca sỹ, người đẹp nổi tiếng, một vài ngôi sao truyền hình làm MC, một số chính khách... để bày tỏ tình huynh đệ trên thương trường.
Người xưa đúc kết "phú quý sinh lễ nghĩa" nhưng ở trường hợp của anh, "lễ nghĩa" cũng là cách để sinh "phú quý". Một cuộc vui như vậy, không chỉ thuần tuý đàn đúm bạn bè mà còn là mối quan hệ với các đối tác, là những thoả thuận về công việc, các hợp đồng làm ăn, các liên kết kinh tế, các thông tin về thương trường. Nhờ đó, các mối làm ăn được hình thành.
Nhưng rồi, tình hình thị trường xấu kéo dài, những bữa tiệc như vậy không chỉ tốn kém, mà dưới áp lực về tiền bạc, nợ nần là những khoản nợ quá hạn đang bị truy sát, các đại gia không còn lòng dạ nào để vui vẻ. Không chỉ sinh nhật mà ngay cả đám cưới, lễ mừng tân gia... , các đại gia cũng đang có xu hướng đơn giản hoá. Phần vì ngại tốn thời gian, tiền bạc, phần vì những nỗi lo đè nặng, không ai còn tâm trạng nào để vui vẻ thời khủng hoảng.
Một anh bạn khác, dẫu chưa phải là đại gia có số má nhưng cũng thuộc hàng khá giả. Anh có thú vui là chơi xe, đặc biệt là các dòng thể thao, mui trần, phân khối lớn. Ngoài xe dành cho công việc, anh còn có bộ sưu tập vài ba chiếc cỡ như Lamborghini hay Lotus Elise. Nhưng rồi, bỗng dưng tuần trước, thấy anh gọi điện hỏi, cuối tuần muốn mượn ôtô đi có việc được không? Tôi hỏi lại: "Sao có chuyện rồng giỡn tôm thế này? Bộ siêu xe của ông đâu cả rồi?". "Gán nợ hết rồi ông ạ! Thị trường xấu, hàng không bán được, một vài khoản nợ quá hạn, người ta đòi lắm cũng nhức đầu, đành ngậm ngùi chia tay mấy con xe. À mà mua cái xe đạp chạy lại ra vẻ yêu thể thao, khoẻ hẳn!", anh nói.
Từ khi đất nước mở cửa, chia tay với nền kinh tế tập trung, những nguồn lực sau nhiều năm bị trói buộc như được mở tung ra. Cùng với sự thăng hoa của nền kinh tế là sự bùng nổ các nhu cầu tiêu dùng. Sự phát triển của nền kinh tế thị trường đã làm cho một bộ phận giàu lên trông thấy, không ít trong số đó từ bần cố nông bỗng dưng trở thành thiếu gia rồi đại gia. Có tiền, có tích luỹ cũng là lúc mà người ta nghĩ đến các thú vui cao cấp, xa xỉ. Đây không chỉ là cách thể hiện đẳng cấp trong xã hội mà còn giúp mở rộng mối quan hệ làm ăn với các đối tác.
Khi mở cửa với thế giới, người ta mới thấy rằng, giàu có không phải là tội lỗi. Giàu có là niềm mơ ước chính đáng của mọi người, không đáng bị lên án. Người ta chỉ lên án với những ai làm giàu bất chính mà thôi. Đó cũng chính là lúc mà người giàu có thể trút bỏ hết mặc cảm và thể hiện mình thông qua những thú vui xa xỉ.
Một trong những thú vui đó là đưa gia đình đi tham quan những danh thắng nổi tiếng. Đang là mùa hè, lại là lúc các sỹ tử vừa bước qua kỳ thi đại học - thời điểm lý tưởng để các đại gia đi du lịch cùng gia đình. Với tầng lớp công chức, bình dân thì điểm đến thường là các bãi biển trong nước như Cửa Lò, Hạ Long, Nha Trang, Đà Nẵng... Người khá giả hơn chọn ở các khu nghỉ dưỡng. Còn với đại gia, đây thường là các chuyến du ngoạn nước ngoài như Hongkong, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ hay các nước châu Âu...
Thế nhưng năm nay, trong bối cảnh đen tối của nền kinh tế, trừ các nước lân cận với chi phí du lịch thấp như Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc... dòng khách từ Việt Nam đi du lịch các nước giàu đang có xu hướng thưa dần.
Là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trông chờ vào ba trụ cột chính gồm: bất động sản, ngân hàng và chứng khoán.
Trong đó, thị trường chứng khoán coi như đã "chết lâm sàng" từ bốn năm nay. Các đại gia, trong lĩnh vực này rơi rụng dần theo sự mất điểm liên tục của chỉ số chứng khoán.
Mảng thứ hai đỡ đen tối hơn là bất động sản cũng đóng băng ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tính đến đầu 2012, tổng dư nợ cho vay bất động sản đạt xấp xỉ 350.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến những khoản cho vay khác dùng bất động sản thế chấp. Khi thị trường này bị đông cứng, nợ quá hạn cứ thế tăng cao. Một chuyên gia ngành ngân hàng cho biết, số nợ xấu trong lĩnh vực này có thể lên đến 30%.
Bất động sản khốn đốn, kèm theo đó là khoảng 50 ngành sản xuất liên quan (như vật tư, vật liệu xây dựng... ) ế ẩm, hàng tồn kho, khó tiêu thụ, các nhà máy hoạt động cầm chừng.
Còn với ngân hàng, ngành này không chỉ hứng chịu gánh nặng nợ xấu từ thị trường bất động sản mà còn vạ lây từ những khoản nợ của một số tập đoàn kinh tế nhà nước. Con số này, theo công bố mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, là khoảng 202.000 tỷ đồng.
Về lý thuyết, nợ xấu là những khoản khó có khả năng thu hồi. Nếu trong tổng số 10% nợ xấu, tỷ lệ mất vốn là 50% thì nhiều ngân hàng thương mại có thể phá sản về mặt kỹ thuật. Vấn đề còn lại là họ chọn cách "chết" thế nào mà thôi.
Đang ngồi gõ những dòng này thì điện thoại reo, một ông bạn cũng từng là đại gia bảo: "Ngày mai đi sân golf nhé! Chơi trận cuối cùng chia tay để chuyển sang chế độ ăn chay". Ông tính, thị trường đang tối thui như đêm ba mươi, chưa thấy le lói ánh sáng ở cuối đường hầm.
Nhận định trên không biết có tiêu cực quá không, nhưng rõ ràng là không chỉ những người bình dân đang cạn tiền mà các đại gia cũng đang bị "sa mạc hoá". Họ phải từng bước chia tay những thú vui xa xỉ để sống qua thời khủng hoảng.
Theo VeF (Phan Thế Hải)
Các bài khác:
- [VnEc] “Khơi dòng tín dụng”, cách nào? - 200 ngàn tỷ đồng nợ xấu: “Không AMC, không xử lý được!” - Quỹ ngoại rút bớt vốn khỏi thị trường cổ phiếu Việt Nam - [DĐDN] Ông Cao Sỹ Kiêm: 5 lý do khiến DN khó vay vốn ngân hàng - [VeF] Lãi suất ở Việt Nam đang không giống ai
- [DNSG] Luẩn quẩn xử lý nợ xấu: Nhìn từ góc độ thói hư tật xấu - Thiếu minh bạch - ta sẽ tự hại mình! - Giải quyết vấn đề nợ để cứu nền kinh tế - [VnEc] 10 giải pháp xử lý nhanh 50% nợ xấu ngân hàng?
- [DĐDN] Thị trường tài chính Việt Nam: Cuộc chơi của cáo và thỏ - [SGTimes] NIELSEN: Còn đất để phát triển dịch vụ tài chính tại Việt Nam
- [VnEc] Bất động sản: “Phải hạ giá nữa mới tiêu thụ được”
- [VnEx] Nguy cơ phí tiền 'câu' khách hàng trên Facebook