[Marketing3k - VHGD] Trong xã hội, nếu Trí thật, nhưng đa đoan và... trùm chăn, còn Trí ...ảo lại "lên ngôi", thì sự phát triển và văn minh quốc gia dễ...thất truyền lắm.
Tuần này, có một sự kiện lớn được cả xã hội quan tâm, lo lắng. Đó là kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2012 đã diễn ra (đợt I). Cũng là thời khắc, chữ Trí đang phải "vượt vũ môn" để...hóa rồng, như trong các tích chuyện dân gian vẫn kể.
Ngẫu nhiên, có ba câu chuyện gắn với chữ Trí, như thân phận của nó, tài đấy mà đa đoan, bạc nhược và cũng thật..."ảo". Tùy duyên.
Chữ Trí gặp chữ...sĩ!
Cách đây ít ngày, khán giả truyền hình cả nước, trong đó có người viết bài này, thực sự xúc động, khâm phục lẫn thương cảm trước 1 sự kiện được đưa trên VTV1. Đoàn học sinh Trường THPT An Lạc Thôn (huyện Kế Sách- Sóc Trăng), do thầy giáo Nguyễn Ngọc Hải dẫn đầu, đã đoạt 2 giải thưởng quốc gia tại cuộc thi cải thiện và bảo vệ nguồn nước (lần thứ 9), diễn ra tại Hà Nội.
Xúc động, vì từng lặn lội về công tác ở Kế Sách, người viết quá hiểu cái vất vả, nghèo khó của giáo dục 1 tỉnh nghèo thuộc Đồng bằng sông Cửu Long.
Khâm phục, vì thầy Nguyễn Ngọc Hải, 8 năm liền trực tiếp hướng dẫn trò thực hiện 19 đề tài đoạt giải tại các cuộc thi về môi trường. Nhất là trong bối cảnh GD còn "dạy chay, học chay" là phổ biến. Hơn thế, 2 đề tài của thầy trò được các nhà khoa học đánh giá cao, bởi ý nghĩa thiết thực của nó- có thể giúp dân cải thiện nguồn nước ô nhiễm, phục vụ cho mô hình "vườn - ao - chuồng - biogas" khép kín.
Thương cảm, vì thầy trò nghèo quá. Ngoài sự hỗ trợ 5 triệu đồng của 1 lãnh đạo Sở Nội vụ, thầy phải đi vay mượn bạn bè, đồng nghiệp 16 triệu đồng để đưa trò ra Hà Nội nhận giải. Thương cảm cả khi 1 trò phát biểu, em chưa bao giờ được ra Thủ đô Hà Nội, nên thầy trò phấn chấn lắm.
Thêm thương thầy trò xứ nghèo, hồn nhiên và say mê công việc. Cái sự hồn nhiên và say mê ấy, hình như chỉ dễ tìm thấy trong giáo dục vùng... khó khăn.
Thế nhưng bất ngờ nhất, báo chí đưa tin thầy giáo Nguyễn Ngọc Hải khi trở về, bị Ban Tổ chức Huyện ủy Kế Sách kiểm điểm vì dám phản ánh lên báo chí việc không đủ tiền đi nhận giải thưởng đề tài khoa học về môi trường tại Hà Nội" (VietNamNet, ngày 2/7).
Có cả y nguyên cái công văn đen sì (đăng minh họa) đề nghị kiểm điểm. Và thầy Hải còn bị "đề nghị giải trình việc cung cấp số tài khoản cá nhân cho báo chí để được giúp đỡ"
Công văn đề nghị kiểm điểm thầy Hải |
Ôi trời! Đọc mà thấy kỳ cục và vô lý.
Đã không cảm ơn thầy trò, trong hoàn cảnh nghèo khó của số phận, hoàn cảnh, vẫn bước được lên bục vinh quang, cũng là một cách tôn vinh giáo dục của huyện mình, tỉnh mình thì thôi, Huyện ủy Kế Sách lại còn đánh cả công văn chỉ đạo đòi kiểm điểm, vì cho là "làm bẽ mặt" địa phương.
Chữ Trí của thầy trò An Lạc Thôn gặp phải chữ ...sĩ (diện) rồi!
Xin thưa, cái thời độc đoán, gia trưởng thái quá của không ít quan chức xã, huyện ngày nay đã qua. Vì đây là thời của Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Hải có nói, chỉ nói 1 sự thật buồn, chứ không vu cáo hay dựng chuyện.
Nếu thực sự hiểu biết, và nếu có đau, xin hãy nên "đau" cho thầy trò An Lạc Thôn nghèo quá, đáng thương và đáng trọng quá. Vì dù nghèo, nhưng khát vọng khoa học đã khiến họ không chỉ dám mang cái trí của mình so tài, ngang ngửa với thiên hạ, mà còn mong dùng cái trí đó phục vụ cộng đồng.
Nếu bắt thầy giáo Nguyễn Ngọc Hải kiểm điểm, Huyện ủy và cả chính quyền huyện Kế Sách nên tự kiểm điểm trước dân, vì sao để cho dân nghèo đến vậy, để cho giáo dục... đơn độc đến vậy.
Đến mức, theo thầy giáo Nguyễn Ngọc Hải: Dù đã liên hệ với 1 số cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh để xin tài trợ kinh phí cho thầy trò ra Hà Nội nhận giải, nhưng không được cơ quan nào hồi âm.
Tiên trách kỷ, hậu trách nhân- trước khi trách cứ thầy Nguyễn Ngọc Hải, Huyện ủy Kế Sách nên xem lại chính mình.
Khi để cho cái chữ "sĩ" to đùng, lấn át cả chữ "trí" (khôn) trong ứng xử, xử lý giữa quan với dân, giữa Đảng, chính quyền với nhà giáo ở một việc nhỏ, nhân danh lãnh đạo!
Chữ Trí ... trùm chăn
Ngày 3/7 mới đây, VietNamNet có bài viết, mà đọc xong, người ta chả buồn... sốc. Vì nó chẳng phải là điều gì quá mới mẻ, thậm chí xưa như trái đất. Đó là "Hơn 9000 giáo sư không có bằng sáng chế?
Nhưng rất buồn. Và hổ thẹn thay!
Giáo sư- các nhà khoa học- là tầng lớp trí thức, tạm gọi là tinh hoa của quốc gia, tầng lớp trí tuệ hơn người. Sự sáng tạo của tầng lớp tinh hoa này góp phần làm nên trình độ thăng tiến của dân tộc. Chả thế mới có câu khoa học và giáo dục là động lực phát triển. Chả thế mà trí thức thì có nhiều, nhưng được phong GS chỉ có 9000 người.
Vậy mà theo thông tin của bài viết, năm 2011, các GS của chúng ta không có lấy 1 bằng sáng chế nào. (Đương nhiên các bằng sáng chế chỉ áp dụng cho lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng)
Theo các tác giả, sáng chế là 1 chỉ số quan trọng và khách quan để đánh giá thành tựu khoa học của 1 quốc gia.
Trước đó, năm 2006-2010, VN chỉ có 5 bằng sáng chế đăng ký tại Mỹ- tấm giấy thông hành có uy tín cho các sáng chế trên trường quốc tế. Tính ra, mỗi năm trung bình VN có... 1 bằng sáng chế.
Trong khi đó cũng năm 2011, số bằng sáng chế của các nước châu Á: Nhật Bản đứng đầu với 46139 bằng sáng chế, Hàn Quốc: 12262, Trung Quốc: 3174.
Và ngay khu vực Đông Nam Á như Singapore chỉ có 4.8 triệu dân cũng có tới 647 bằng sáng chế, Malaysia: 161, Thái Lan: 53 bằng sáng chế...
Chợt nhớ đến năm nào, xôn xao xã hội là sự kiện các bác Hai Lúa, những "nhà khoa học chân đất" đã sáng chế ra máy bay, sáng chế ra máy trợ thở giá rẻ, sáng chế ra "gạch siêu nhẹ" có thể nổi lên mặt nước và không gây hại môi trường, sáng chế ra máy phát điện chạy biogas, sáng chế ra máy tách vỏ lạc...vv...vv...
GS nước ngoài, nông dân chân đất trong nước đều có thể sáng chế, có bằng sáng chế, chỉ trừ các GS VN thì không. Vì sao vậy?
Việt Nam không có bất cứ bằng sáng chế nào được đăng ký tại Mỹ trong năm 2011 (Ảnh minh họa) |
Câu trả lời có vẻ không quá khó. Quy luật phát triển cho thấy dường như đội ngũ các GS, nhà khoa học VN cũng đang bị phân hóa rõ rệt theo 3 nhánh:
- Những GS có quyền chức, nằm trong hệ thống hoặc bộ máy chính trị thì mải ...làm chính trị hơn làm khoa học.
- Đa số GS ở các viện nghiên cứu, các ĐH thì mải mê các đề tài "mì ăn liền", các hệ đào tạo (một cách làm kinh tế), hoặc tham gia các công việc "phi nghiên cứu" để kiếm sống, mưu sinh, thậm chí làm giàu.
- Một bộ phận nhỏ những GS, hoặc các nhà khoa học có tâm huyết, say mê khoa học thì rút cục các đề tài, công trình nghiên cứu của họ không thể nảy nở trong đời sống, chỉ vì cơ chế quản lý khoa học...khô cằn.
Ví như "Công nghệ trồng rau sạch" của GS.TS Hồ Hữu An (ĐH Nông nghiệp HN), được đưa vào sản xuất bắt đầu từ năm 2003, nay gần như hoàn toàn bị lãng quên.
Ví như "Công nghệ phân ủ tại gia đình" của giảng viên Đào Hữu Bính (ĐH Tây Bắc), được đánh giá cao vì tính thực tiễn của nó- giúp người dân giảm 30-50% chi phí phân bón hàng năm, làm sạch môi trường. Nhưng đến nay, công nghệ này vẫn chỉ áp dụng cho... 4 hộ gia đình tại Bản Nhộp, xã Chiềng Bôm (huyện Thuận Châu- Sơn La), vì chưa 1 doanh nghiệp, chủ đầu tư nào chịu bỏ vốn nhân rộng mô hình.
Ví như đề tài "Tạo cây ghép giữa cà chua và khoai tây" của kỹ sư trẻ Nguyễn Thị Trang Nhã, (tốt nghiệp thủ khoa, ĐH Nông Lâm TP. HCM), cho ra loại cây mới, vừa thu hoạch khoai tây, vừa thu hoạch cà chua trên cùng một gốc, năng suất khá cao. Nhưng 2 năm nay kỹ sư trẻ này vẫn chưa thể chuyển giao công nghệ, vì vấn đề "đầu tiên"- tiền đâu?
Rút cục, các công trình nghiên cứu khoa học, cao hơn nữa là sáng chế cứ lủi thủi, bẽ bàng đứng... "Đợi" các GS ở đâu đó.
Vậy lỗi tại ai: Quản lý Nhà nước- doanh nghiệp- hay nhà khoa học?
Chợt nhớ đến các "sai phạm thế kỷ", thất thoát, lãng phí hàng trăm nghìn tỷ đồng. Doanh nghiệp Nhà nước làm ăn lớn, thua lỗ cũng...lớn. GS, các nhà khoa học VN thì "im lặng bằng...sáng chế". Vậy, nước Việt này hội nhập thế giới văn minh, hiện đại ra sao?
Đáng chú ý, một sự kiện diễn ra mới đây. Đó là Hội thảo "Đổi mới tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH- CN". Phải chăng, đã đến thời KH- CN lên ngôi? Bởi trách nhiệm và sứ mạng là động lực phát triển của quốc gia, với các nhà khoa học, không thể chối bỏ và trút xuống vai ai.
Hãy nghe TS Đặng Kim Sơn (Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NNNT) tại hội thảo, đã thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân đích thị của sự tụt hậu:
KH-CN trì trệ kéo dài quá lâu vì chẳng những phạm vi đổi mới quá lớn, mà ngay nhiều đối tượng trong cuộc cũng không có động lực tiến hành đổi mới.
Cơ quan quản lý Nhà nước không muốn mất quyền, một số cán bộ làm công tác quản lý không muốn mất lợi. Ngược lại, bản thân nhiều đơn vị KH-CN công lập cũng có không ít cán bộ nghiên cứu chỉ quen hoạt động nghiên cứu kinh viện, nên vẫn muốn bám vào bao cấp Nhà nước.
Khi mà cái quyền + cái lợi của quản lý khoa học, lại gặp sức ì của nhà khoa học, thì chữ Trí dĩ nhiên yên tâm...trùm chăn
Nhưng ai sẽ là người tung cái chăn cổ lỗ, trì trệ, để chữ Trí vốn bạc nhược, cam chịu, và cũng hay ngụy biện, dám vươn vai dưới ánh ngày, giải phóng sức sáng tạo và để có những sáng chế?
Câu trả lời, rất có thể còn "trốn" trong...chăn!
Chữ Trí...ảo
Kỳ thi tuyển sinh ĐH 2012 mới diễn ra đợt I. Ngay ngày đầu tiên, chưa kịp xót xa, day dứt bởi câu chuyện một cụ già 75 tuổi, 3 lần vào Nam ra Bắc đưa cháu đi thi; hoặc chuyện 1 người cha 7 lần đưa con đến trường thi, đã nghe thông tin nghi vấn gian lận.
Đó là hiện tượng chưa hết 2/3 thời gian làm bài thi môn Toán, trên mạng đã xuất hiện đề thi, khiến Bộ GD phải đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc, điều tra.
Ngẫu nhiên, trước đó, ngày 2/7, báo chí đưa tin Công an quận Đống Đa (Hà Nội) vừa phá đường dây làm giả bằng tiến sĩ, thạc sĩ, ĐH, CĐ... Các đối tượng bị bắt giữ đều là những người đã tốt nghiệp ĐH hoặc đang là sinh viên.
Chuyện chữ Trí...ảo này, cũng chả gây sốc cho ai.
Vì những thông tin gian lận trong giáo dục từ lâu đã khiến xã hội...bội thực. Có điều, các đối tượng bị bắt đều đã tốt nghiệp ĐH, hoặc đang là sinh viên ĐH, có nghĩa là tương lai, họ cũng thuộc tầng lớp trí thức- có học. Một trong những đối tượng của vụ này, Đ. Đ.Q khai nhận: Bằng TS giá 15 triệu đồng, bằng thạc sĩ giá 12 triệu đồng, và bằng ĐH từ 7,5-8 triệu đồng.
Đồng tiền đã khiến họ, những trí thức trẻ, thậm chí tài năng nữa, biến thành những kẻ phạm tội- dùng Trí thật để tiếp tay hoặc góp phần tạo ra Trí ...ảo. Nhưng hài nhất, chính Đ.Đ.Q lại chỉ ra cho cơ quan chức năng biết cái "lỗ hổng" của quản lý Nhà nước trong việc cấp phát bằng cấp :
Sở dĩ việc mua bán và làm bằng giả vẫn "phát" là vì các cơ quan chức năng chưa xây dựng được hệ thống hoàn chỉnh. Các tấm bằng giả thì tên người tốt nghiệp không hề có trong hồ sơ lưu ở các trường ĐH, CĐ...
Nếu hệ thống quản lý hiện đại, các cơ quan tuyển dụng chỉ cần gõ thông tin nhân viên của mình trên máy tính là có thể biết về quá trình học tập của nhân viên đó, tốt nghiệp năm nào, loại gì... Và như vậy thì người ta có thể kiểm chứng được bằng thật hay giả...".
Ảnh minh họa |
Ngành GD từ mấy năm nay, đã có chủ trương lớn, đào tạo 20000 TS (2008- 2020), theo 3 hình thức: Đào tạo nước ngoài, đào tạo hỗn hợp (kết hợp giữa cơ sở đào tạo trong nước và ngoài nước) và đào tạo trong nước. Trong đó, đào tạo trong nước vẫn là chủ yếu, và chiếm số lượng nhiều nhất.
Chủ trương đó hẳn không sai, nếu biết rằng, tỉ lệ giảng viên có trình độ TS ở các trường ĐH, CĐ hiện nay còn rất thấp.
Thế nhưng, vấn đề là chất lượng đào tạo TS trong nước, hiện tượng gian lận bằng giả, học dởm, hoặc học dởm, bằng thật ở ngay bậc đào tạo TS nó "biến tướng" và phổ biến đến nỗi, người ta hoài nghi tính xác thực của chủ trương, hoài nghi ngay trình độ của rất nhiều vị TS.
Ngay vụ việc làm giả bằng TS, ThS, ĐH, CĐ bị phát hiện mới đây, đã là một minh chứng sinh động và chua chát.
Một câu hỏi cần được đặt ra: Không biết có bao nhiêu TS có Trí...ảo kiểu này, đang làm việc tại các cơ quan, viện nghiên cứu, trường ĐH nhỉ?
Thật ra quốc gia nào cũng vậy, ngay nước Mỹ văn minh cũng vẫn có những cơ sở đào tạo ĐH dởm nữa là... Vấn đề là quan niệm các thang bậc giá trị, cách tuyển dụng và đãi ngộ con người của từng quốc gia khác nhau.
Bằng cấp là tiêu chí, là phương tiện để "chạy" ghế, để "vinh thân phì gia", hay nó thể hiện chữ Trí được xác tín, sẽ dẫn đến sự hành xử khác nhau, gian dối hoặc trung thực của con người. Có Trí thật và Trí... ảo là vậy
Có điều trong xã hội, nếu Trí thật, nhưng đa đoan và...trùm chăn, còn Trí ...ảo lại "lên ngôi", thì sự phát triển và văn minh quốc gia dễ...thất truyền lắm.
Theo TVN (Kỳ Duyên)
Bài đọc thêm: