Thị trường bán lẻ rớt hạng thê thảm vì doanh nghiệp tự “dìm” nhau?

24/6/120 nhận xét

Nhiều cửa hàng trưng biển hạ giá bán hàng
[Marketing3k - Bán lẻ] Dù bị tụt hạng về thị trường bán lẻ nhưng đây là thời điểm các doanh nghiệp Việt có thể cướp lại “miếng cơm” trên sân nhà từ tay các doanh nghiệp nước ngoài.

Từ ngôi vị quán quân thế giới năm 2008, Việt Nam đã “rớt không phanh” xuống thứ 5 năm 2009, năm 2010 đứng thứ 14, năm 2011 xuống thứ 23 và năm nay bị bật ra khỏi top 30 các thị trường bán lẻ tốt nhất trên thế giới. Đây có thể là cơ hội để doanh nghiệp Việt lấy lại thị trường nhưng cũng có thể là thời khắc bị doanh nghiệp nước ngoài “nuốt chửng”. 

Từ “ông lớn” đến bà nội trợ đều lao đao

Chợ lẻ thổi giá, giới đầu cơ tạo sốt ảo, hàng chất lượng kém nhan nhản oanh tạc thị trường... là lý do người dân đang dần quay lưng lại với thị trường bán lẻ trong nước. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, người dân thực sự chẳng mấy quan tâm đến chỉ số thị trường bán lẻ tăng hay giảm, vì họ còn bận lo cuộc sống cơm áo gạo tiền.

Có mặt tại “kinh đô thời trang” Hà Nội như Chùa Bộc, Cầu Giấy, Hàng Bông…, chúng tôi không khỏi giật mình trước “thảm cảnh” hàng chục cửa hàng đang trong tình trạng “sống không bằng chết”. Các cửa hàng Ninomaxx và Maxxstyle đồng loạt giảm giá 80%, thanh lý hết toàn bộ hàng hóa tại các cửa hàng để đóng cửa một số điểm bán. Không chỉ Ninomaxx mà một số nhãn hàng thời trang may mặc khác như Việt Thy, Foci, Legamex, cũng giảm mạnh số lượng cửa hàng và lượng khách mua. Rõ ràng, người dân đang thắt chặt túi tiền với những “xa xỉ phẩm” này.

Không ít gia chủ phải “bỏ của chạy lấy người” do hàng hóa ế ẩm và không thể đương đầu với giá thuê cắt cổ tại đây. Một nhân viên bán hàng tại đây dẫn chứng trường hợp, cách đây vài hôm, có cửa hàng không chịu nổi sức ép thuê mặt bằng đã quyết định dọn đi trong đêm. Hôm sau chủ nhà đến, mới tá hỏa, cửa hàng trống trơn, chủ nhà bị “bùng” mất gần 20 triệu đồng.

Theo tiết lộ của một người bán hàng trên phố Hàng Bông (Hoàn Kiếm, Hà Nội), nhiều shop thời trang, đồ lưu niệm… dọc tuyến phố đã phải đóng cửa do hàng hóa “ế chỏng chơ”. Chị Nguyễn Thị Hạnh, chủ cửa hàng ăn tại đây đã quyết định đóng cửa, thanh lý hàng khi chủ nhà “hét” mức giá thuê lên đến 15 triệu/tháng, tăng 50% so với mức giá thuê năm ngoái. Người cho thuê đưa ra lý do tăng giá là “giá của tất cả các nhà cho thuê xung quanh đều đã tăng nên tôi cũng phải tăng”.

Không chỉ riêng cửa hàng bán lẻ, nhiều siêu thị điện máy cũng rơi vào tình trạng “căng như dây đàn”. Chi phí cao, sức mua giảm mạnh, tồn kho chất đống, nhiều doanh nghiệp phải liên tục hạ giá thành sản phẩm, khuyến mại, thậm chí chấp nhận lỗ. Siêu thị điện máy Wonder Buy phá sản từ giữa tháng 6/2011 do lỗ 52 tỷ đồng trong gần một năm hoạt động. Từ đầu năm 2012 đến nay, danh sách đóng cửa được bổ sung siêu thị điện máy Best Caring tại Phú Mỹ Hưng, quận 7 – TP. HCM. Tại Hà Nội, một loạt siêu thị điện máy như Pico, Trần Anh, Media Mart cũng thu hẹp quy mô hoặc đóng cửa.

Trao đổi với PV Người đưa tin, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, người dân chẳng mấy quan tâm đến chỉ số thị trường bán lẻ tăng hay giảm, vì họ còn bận lo cuộc sống cơm áo gạo tiền. Không chỉ doanh nghiệp lớn, các sạp hàng trong chợ cũng đóng cửa, siêu thị than phiền bị giảm doanh số tới mức âm 30%. Hiện nay, thị trường đã phân hóa, sản phẩm siêu đắt, sang trọng vẫn có nhiều “đại gia” mua và những sản phẩm rẻ cho những người nghèo cũng vẫn bán được. Nhưng đa số đều gặp khó khăn lớn. “Trong những năm tới, nếu nền kinh tế Việt Nam hồi phục, nước ta vẫn có cơ hội “lội ngược dòng”, cải thiện thứ bậc nhưng tôi không nghĩ chúng ta có thể quay trở lại “vinh quang” của năm 2008”, TS. Doanh nói.

Doanh nghiệp đang “tự mình chặt tay mình”

Nguyên nhân được các chuyên gia cho rằng, do sự yếu kém của cơ sở hạ tầng, chi phí thuê mặt bằng quá cao và hệ thống phân phối kém phát triển. Đây thực sự là những rào cản không chỉ đối với các nhà bán lẻ nước ngoài khi đến thị trường Việt Nam, mà còn là “barie” đối với những doanh nghiệp trong nước. Một số nhà bán lẻ nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam cũng “kêu như vạc” trước giá bất động sản quá cao và lãi suất tín dụng “ngoài tầm với”.

Thừa nhận cho sự “xuống hạng” thảm hại này, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, con số trên rõ ràng phản ánh thực tế, bên cạnh cơ hội, đang tồn tại những thách thức không hề nhỏ. Bản thân các nhà bán lẻ trong nước cũng không “dễ thở”, gặp nhiều khó khăn về chính sách ưu đãi, mặt bằng kinh doanh, chi phí đầu vào cao. Thực tế, các nhà bán lẻ Việt Nam gần như “đơn thương độc mã” và khó cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài.

Chủ tịch Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam cũng khẳng định, trong bối cảnh tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát như hiện nay, nhu cầu suy giảm, thị trường bán lẻ nước ta chắc chắn sẽ khó tăng trưởng đột biến. Do đó, doanh nghiệp bán lẻ sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Lúc này, cơ hội cho doanh nghiệp có thực lực tài chính, có bộ máy quản lý tốt, đủ hệ thống phân phối và gắn bó chặt chẽ với nhà sản xuất, tạo nên mối liên doanh liên kết để có nguồn cung và giá cả ổn định.

Theo các chuyên gia kinh tế, “miếng bánh” bán lẻ tại Việt Nam đang có nguy cơ bị doanh nghiệp nước ngoài “nuốt chửng”. Không ít doanh nghiệp đang “lo ngay ngáy” vì “miếng cơm, manh áo” của mình đang bị đe dọa. Đại diện một siêu thị (đề nghị giấu tên) tiết lộ, sức mua ở các siêu thị đang giảm từ 10 đến 20%. Các siêu thị bây giờ đang phải co cụm, rút địa điểm do làm ăn không bài bản, không chuyên nghiệp. Hàng hóa tồn kho nhiều trong siêu thị, tính chuyên nghiệp, văn hóa kinh doanh ngày càng kém. Nhiều nhà sản xuất không dám đưa hàng hóa vào siêu thị và tự lập kênh phân phối riêng, như thế là “tự mình chặt tay mình” chứ chưa cần đến nước ngoài, như Metro hay BigC chỉ chiếm 5% thị phần.

“Chúng ta tự mình giết mình vì những trò chơi xấu nhau. Bản thân các siêu thị Việt mỗi chỗ phát triển một hướng, thông tin bí mật, thậm chí làm ăn chụp giật, mánh lới. Chỉ có 30% thành viên các Hiệp hội bán lẻ Việt Nam và Hiệp hội Siêu thị hoạt động tích cực. 50% nguồn nhân lực bán lẻ không được đào tạo bài bản cho nên “chết” là “xứng đáng”. Các doanh nghiệp nước ngoài sẽ thôn tính, nắm thị phần, cạnh tranh quyết liệt là sẽ sụp đổ”, ông này cho biết.

Có cái nhìn “sáng sủa” hơn, ông Trần Xuân Kiên, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thế giới số Trần Anh đánh giá, thông tin về xếp hạng thị trường bán lẻ này sẽ có tác động hai chiều. Nhà bán lẻ nước ngoài sẽ cảm thấy nản và ngừng đầu tư, chờ đợi tín hiệu tốt hơn. Nhưng với bán lẻ trong nước, đây sẽ là cơ hội, để các doanh nghiệp trong nước tăng tốc hơn giành thị phần trước khi nhà bán lẻ nước ngoài vào. Về tổng quan thị trường,Việt Nam vẫn là nước tiềm năng với dân số đông, tầng lớp tiêu dùng trẻ năng động và Việt Nam vẫn đang phát triển ổn định.
----------------------------------
Trong báo cáo đánh giá xếp hạng các thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới năm 2012 của hãng tư vấn A.T.Kearney (Mỹ) vừa công bố, Việt Nam tiếp tục tụt hạng, rớt khỏi top 30. Báo cáo của A.T. Kearney được thực hiện dựa trên cơ sở điều tra, khảo sát từ các nhà phân phối, bán lẻ hàng đầu thế giới. Về phương pháp đánh giá, hãng này dựa trên 4 tiêu chí lớn là rủi ro quốc gia và rủi ro kinh doanh; độ hấp dẫn của thị trường; độ bão hòa của thị trường và áp lực thời gian. 
----------------------------------
Theo NĐT (Anh Đức - Thanh Xuân)
Các bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP