Hành trang cuộc sống

14/6/120 nhận xét

[Marketing3k - Kỹ năng mềm] Được biết đến như là một “nữ tướng” của thị trường bất động sản, bà cũng là đại biểu chính thức đại diện cho doanh nhân Việt Nam tại Hội nghị APEC 14 và đã ghi lại một dấu ấn đẹp cho nữ doanh nhân Việt Nam trong phần đối thoại đầy trí tuệ với Tổng thư ký Hội đồng của Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển, nguyên Tổng giám đốc WTO - Supachai Panitchpakdi và Ngoại trưởng Mỹ (trước đây) - Condoleezza Rice. Bà chính là doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo.

Mới đây, nhân dịp bà về Huế và có buổi nói chuyện đầy thú vị với sinh viên Huế tại Chương trình Kỹ năng mềm - Hành trang cuộc sống, Thừa Thiên Huế Cuối tuần đã phỏng vấn doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo xung quanh đề tài giới trẻ, doanh nhân và những cảm nhận của bà về Huế.

1 Phóng viên (PV): Ngày nay rất nhiều bạn trẻ nuôi giấc mơ trở thành doanh nhân. Theo bà để thực hiện được giấc mơ này, điều mà các bạn trẻ cần là phải định hình cho mình những tố chất nào?

Tạ thị ngọc Thảo (ttnt): Tôi nghĩ bạn trẻ nuôi giấc mơ trở thành doanh nhân vì nhiều lẽ: Muốn được giàu có, muốn được xã hội tôn trọng, quá mệt mỏi với vị trí làm thuê, thích thông qua việc kinh doanh để phiêu lưu mạo hiểm, thích sáng tạo, thích là người đứng đầu, thích vị trí làm chủ… Bây giờ là thời cơ tốt nhất để các bạn trẻ biến giấc mơ của mình thành hiện thực.

Thực tế cho thấy, doanh nhân có hai loại, doanh nhân nhận lương và doanh nhân trả lương. Khi doanh nghiệp đủ lớn và đủ mạnh, nếu người chủ muốn doanh nghiệp của mình tiếp tục phát triển thì phải tách bạch quyền sở hữu và quyền điều hành. Lúc này người chủ doanh nghiệp sẽ mời người có bằng cấp chuyên môn giữ những vị trí như: Giám đốc điều hành, giám đốc tài chính, giám đốc marketing, giám đốc nhân sự… và trả lương cho họ.

Trong những dịp trò chuyện, giao lưu với giới trẻ, tôi thường khuyến khích các em trở thành chủ doanh nghiệp. Tôi nói: “Chủ lớn chủ nhỏ gì cũng được nhưng các em phải dành vị trí người trả lương”. Tại sao? Vì quan điểm của tôi là: Một nền kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường mà chủ trương nhân rộng thành phần làm thuê thì ai sẽ giữ vị trí người trả lương? Chủ doanh nghiệp nước ngoài ư? Nếu như vậy thì lại tiếp tục làm nô lệ!

Rất nhiều tố chất để trở thành chủ doanh nghiệp nhưng theo tôi tố chất quyết định là dám chấp nhận rủi ro. Hiện nay, có nhiều người rất giỏi, có thể nói là giỏi hơn người chủ doanh nghiệp nhưng chỉ vì thiếu tố chất này mà đành chấp nhận làm thuê.

2 PV: Góc nhìn của bà đối với những người trẻ? Nếu có thể cho một lời khuyên thì lời khuyên của bà đối với giới trẻ là gì, thưa bà?

ttnt: Tôi thích những người trẻ bởi đa số trong họ luôn sống hết lòng cho hiện tại, không chấp chặt quá khứ và mở lòng với tương lai. Người trẻ còn dễ thích nghi thời cuộc, hoàn cảnh, sống trải lòng với mọi người, sống phóng khoáng hân hoan và luôn nhìn đời bằng ánh mắt lạc quan.

Nếu được phép, tôi sẽ nói với người trẻ rằng: “Các bạn là người Việt Nam, một đất nước có ngàn năm văn hiến, từ thời lập nước đến bây giờ ông cha ta đã bao phen đánh đuổi giặc ngoại xâm; có thể nói ông cha ta đã hoàn thành nhiệm vụ với Tổ Tiên. Từ xa xưa ông bà của chúng ta đã có sự tinh tế trong văn hóa sống, quý phái trong phong cách sống, luôn chia sẻ và đùm bọc lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh; các bạn hãy phát huy giá trị nhân văn ấy.

Tôi còn muốn nói thêm với các bạn trẻ, rằng: “Đã có con số nghiên cứu cho thấy, so với các nước trong khu vực, Việt Nam của chúng ta vẫn là một nước nghèo, nền kinh tế hiện còn rất nhỏ, thu nhập bình quân đầu người thấp và mặt bằng giáo dục - y tế chưa cao. Hiểu rõ như vậy các bạn trẻ hãy cố gắng học tập, lao động, làm việc, cống hiến, để đưa đất nước thoát nghèo; khi chưa giàu biết sống tiết kiệm, khi giàu rồi biết chia sẻ với cộng đồng.

3 PV: Giữa hai chữ “giàu” và “thành đạt”, theo bà doanh nhân cần “giàu” hay “thành đạt”?

ttnt: Tôi nghĩ để trả lời được câu này trước hết chúng ta phải thống nhất với nhau cách hiểu, thế nào là giàu và thế nào là thành đạt.

Định nghĩa “giàu” hiện nay chưa có sự thống nhất giữa các giới trong xã hội. Có người định nghĩa về giàu rất cụ thể: “Giàu là phải có nhiều tiền, nhiều đất, nhiều nhà, nhiều xe, có máy bay và du thuyền nữa”. Người khác trừu tượng hơn: “Giàu là khi chết đi bạn vẫn có cái để lại cho mình và cho người, đó là công đức và phước báu”. Có người lại trắc ẩn: “Giàu là ngay cả lúc không có nhiều tiền ta vẫn sẵn sàng giúp người khác trong khả năng có thể”. Riêng các nhà kinh tế học cho rằng: “Giàu là sở hữu nhiều vật chất và tài sản có giá trị”.

“Giàu” là khái niệm thuộc phạm trù kinh tế, vì vậy cá nhân tôi đồng tình với định nghĩa của các nhà kinh tế học.  

Thành đạt cũng vậy, mỗi quốc gia, mỗi con người định nghĩa thành đạt cũng rất khác nhau. Người thì cho rằng: “Thành đạt là thành công trong nghề nghiệp và hạnh phúc trong gia đình”. Lại có người khác hóm hỉnh: “Thành đạt ư? với tôi sự nghiệp là tất cả!”; rồi về nhà nói khẽ với vợ “Em là sự nghiệpcủa đời anh!”.

Với tôi, thành đạt là có nhiều đóng góp giá trị cho xã hội, đem lợi lạc đến cho nhiều người; khi sống được xã hội tôn trọng, khi chết để lại tiếng thơm về nhân cách.

Thực tế cho thấy hiện có rất nhiều doanh nhân “sở hữu nhiều vật chất và tài sản có giá trị”, nhưng “biết tạo ra giá trị mới cho xã hội, đem lợi lạc đến cho nhiều người; khi sống được xã hội tôn trọng, khi chết để lại tiếng thơm về nhân cách” thì chưa nhiều lắm.

Cá nhân tôi nghĩ rằng, khoan vội trách doanh nhân thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm xã hội mà hãy xem lại cơ chế, chính sách, luật pháp và tư cách đạo đức của bộ máy Nhà nước hiện hành. Vì có thể do “thể chế nào doanh nhân đấy”!

4 PV: Doanh nhân ngày nay thường tham gia nhiều vào công tác xã hội. Điều này được hiểu như một sự hướng về và chia sẻ cùng cộng đồng. Bà có thể cho biết quan điểm của bà về sự chia sẻ này?

ttnt: Tôi nghĩ rằng, để trở thành “giàu” hay “thành đạt” doanh nhân không tự một mình làm được mà cần nhiều yếu tố:

(i) Nhà nước tạo điều kiện. Trước khi có Nghị quyết VI doanh nhân có muốn kinh doanh cũng bó tay vì lúc này kinh tế Việt Nam hoạt động theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, nghĩa là Chính phủ đưa ra mọi quyết định về sản xuất và phân phối. Bây giờ doanh nhân được xã hội tôn vinh và gần đây tháng 9/2011 Bộ Chính trị có hẳn một Nghị quyết về doanh nhân. Thời của chúng tôi, năm 1975 vừa tròn 18 tuổi, có nằm mơ cũng không dám tin sẽ có ngày doanh nhân được ưu ái như hiện nay.

(ii) Cộng đồng tạo môi trường. Cộng đồng là người tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp, cũng là nơi giúp doanh nhân hình thành bản lĩnh và thương hiệu, cho doanh nghiệp việc làm, cho doanh nhân đồng lời.

(iii) Gia đình hậu thuẫn. Doanh nhân sẽ khó thành công nếu không có sự vun trồng, đùm bọc của đấng sinh thành, chia sẻ của người chồng, người vợ và con cái.

Nhận thức rõ như vậy cho nên không ít doanh nhân ngày nay sẵn sàng sát cánh với Nhà nước khi kinh tế gặp khó khăn, tham gia công tác từ thiện như một cách thể hiện trách nhiệm xã hội và sống có trách nhiệm với người thân trong gia đình, dòng tộc.

Tuy vậy cũng có một số doanh nhân làm công tác xã hội như một cách tiếp thị doanh nghiệp và tiếp thị bản thân. Quan điểm của tôi về vấn đề này rất thoáng, rằng: nếu doanh nhân được danh, cộng đồng được lợi thì cũng tốt, cũng vui.

Doanh nhân là người quen cân, đo, đong, đếm và “bánh ít cho đi, bánh quy cho lại” rất sòng phẳng; chúng ta đòi hỏi sự vắng lặng trong cách cho đối với họ là điều khó có thể.

5 PV: Hẳn bà đã về Huế nhiều lần. Bà vui lòng chia sẻ cảm nhận của bà về Huế và giới trẻ ở Huế? Doanh nhân Huế?

ttnt: Tôi biết Huế lần đầu tiên vào năm 2007, từ đó đến nay tôi đi lại Huế nhiều lần, và hiện nay tôi đang xây nhà ở Đồi Thiên An để được trở thành “công dân” chính thức của Huế.

Huế là vùng đất hội tụ nhiều sự khác biệt, trong một bán kính chỉ chừng 30km, Huế có núi, có đồi, có sông, có biển, có nguồn nước nóng, có đầm phá, có thành cổ và có một hệ thống chùa dày đặc. Huế còn có nhiều giá trị phi vật thể mà ít tỉnh thành nào trong cả nước sánh được.

Điều làm tôi ngưỡng mộ nhất đó là văn hóa Phật giáo hòa quyện văn hóa cung đình tiềm tàng trong một số người Huế mà tôi đủ duyên hội ngộ. Nhưng tôi cũng tiếc là số người có tính cách đặc thù này hiện nay ở Huế không nhiều, nhất là giới trẻ.

Doanh nhân Huế ư? Theo con số nghiên cứu, tỷ lệ doanh nhân trên dân số Huế rất nhỏ, điều này nói lên tinh thần kinh doanh của người Huế nói chung và giới trẻ Huế nói riêng, chưa cao so với Đà Nẵng, Sài Gòn và Hà Nội. Có phải vì thế mà thu nhập bình quân đầu người của Huế thấp hơn rất nhiều so với ba thành phố nêu trên?

Để khơi dậy tinh thần kinh doanh của giới trẻ, chính quyền của Huế cần ban hành nhiều chủ trương thông thoáng liên quan đến đầu tư - kinh doanh; bộ máy hành chính cần chủ động tạo điều kiện tốt nhất khi giới trẻ muốn nhập cuộc vào thương trường; trường học cần tổ chức nhiều sự kiện giúp giới trẻ tiếp cận với doanh nhân đàn anh, đàn chị để học tập kinh nghiệm; giới truyền thông tuyên truyền nhiều hơn về sự đóng góp tích cực của tầng lớp doanh nhân trong kinh tế-xã hội và; gia đình nên khuyến khích khi con em mình chọn kinh doanh làm mục đích tiến thân.

Tôi nghĩ rằng, tất cả những việc trên phải được thực hiện đồng bộ từ trên xuống dưới, từ ngành ngang qua ngành dọc mới mong giữ chân người trẻ ở lại Huế, kéo người trẻ nơi khác về Huế để thực hiện giấc mơ kinh doanh của mình.

Còn ai khác nếu không phải là chính người trẻ, doanh nhân trẻ sẽ thổi luồng sinh khí tươi mới giúp Thừa Thiên Huế thay đổi thứ bậc, đổi mới diện mạo (theo hướng tích cực) khi vùng đất này trực thuộc Trung ương?

PV: Cám ơn bà về cuộc trò chuyện thú vị và thẳng thắn này.

Nhóm phóng viên Báo TT-Huế thực hiện
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP