[Kinh Tế Việt Nam] Khi đối diện với khủng hoảng, cá nhân con người hay doanh nghiệp hay bộ máy công quyền thường chọn một trong hai phản ứng: hoặc sửa đổi toàn diện để thích nghi với hoàn cảnh mới; hoặc quay về với những thói quen xưa cũ mà họ cho rằng đã giúp họ đạt được quyền và lợi hiện nay.
Tầm cỡ của gói cứu trợ
Sau gói kích cầu 8 tỷ đô la năm 2008, Việt Nam đã chứng kiến lạm phát phi mã hơn 22% và việc kém hiệu quả khi kích cầu đầu tư công đã tạo một phản ứng dây chuyền từ nhập siêu, dự trữ ngoại tệ sụt giảm, nợ công gia tăng, tiền đồng mất giá... Chính sách siết chặt tiền tệ sau đó để giữ cương con ngựa kinh tế đã tạo nên sự suy thoái đình đốn hiện nay. Dư vị còn đắng cay thì các nhà điều kinh tế lại đang áp dụng biện pháp cũ này để chữa bệnh mới.
Sau khi đổ tiền cứu ngân hàng và chứng khoán, Chính phủ đang dồn nỗ lực để cứu bất động sản. Thay vì gọi là gói kích cầu, lần này chúng ta sử dụng một tên khác: tái cấu trúc, gói hỗ trợ... hay gói từ thiện?
Phát pháo đầu tiên, ông Vũ Xuân Thiện, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS tuyên bố chắc nịch là "Có tiền lúc này tôi sẽ mua nhà". Sau đó, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, trong số 180.000 tỷ đồng đầu tư công dành riêng cho năm 2012, Chính phủ mới dùng 60.000 tỷ đồng. Vì thế trong 7 tháng còn lại của năm, 120.000 tỷ đồng nữa sẽ được bơm vào thị trường. Theo ông Nam, gói đầu tư công, cộng thêm 38.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, tạm ứng trước vốn năm 2013 thì trong 7 tháng cuối năm thị trường có thể đón nhận khoảng 200.000 tỷ đồng. Vì thế, Thứ trưởng Nam hy vọng, dòng tiền này khi được lưu thông chắc chắn sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế, tác động tích cực đến nhiều ngành nghề khác, trong đó có địa ốc.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng dự báo thêm, nền kinh tế còn có dòng tiền trong dân đang đầu tư vào vàng, USD, gửi tiết kiệm. Tiền của người dân sớm muộn cũng sẽ chảy vào bất động sản khi lãi suất hạ nhiệt và các kênh đầu tư còn lại bắt đầu mất dần tính hấp dẫn. Như vậy, trực tiếp và gián tiếp, tổng cộng gói cứu trợ BĐS có thể lên đến 400 ngàn tỷ đồng (20 tỷ USD).
Những hệ quả xa gần
Tôi không biết có bao nhiêu đại gia BĐS trên toàn quốc đang "đắp chiếu"? Con số chắc không hơn vài ngàn. Dĩ nhiên, nếu giá BĐS xuống quá thấp thì các đại gia ngân hàng, chứng khoán và các nhà đầu cơ thứ cấp cũng bị vạ lây, vì như ông Lê Mạnh Hà (Phó chủ tịch UBND TP.HCM) đã công nhận, giá BĐS là tiền đề cho bài toán kinh tế và chính trị của Việt Nam. Nhưng mọi người dân sẽ phải chịu chung những hệ quả xấu tốt, xa gần mà giải pháp cứu trợ này sẽ đem lại:
Khi một số tiền khủng như vậy đổ vào thị trường BĐS thì ảnh hưởng trên giá cả sẽ phải có, dù chỉ tạm thời. Bong bóng sẽ không nổ tung vào cuối 2012 như nhiều người tiên đoán vì Chính phủ đang hết sức thổi hơi cho BĐS. Nhưng một căn nhà mơ ước cho đại đa số người dân sẽ vẫn nằm ngoài tầm tay trong 5, 10 năm tới vì mức giá vẫn là một ảo tưởng dựng lên bởi những thế lực ngoài thị trường. Con bệnh sẽ trầm trọng hơn vì cuộc giãi phẩu cần thiết đã được dời lại cho đến khi không còn gì để mổ trong đợt điều chỉnh sẽ đến.
Cái giá phải trả (không có bữa ăn nào miễn phí) cho lượng tiền 400 ngàn tỷ trong một thời gian ngắn là giá trị thực sự của đồng tiền VN sẽ phải giảm dù tỷ giá chính thức có thể được duy trì qua các biện pháp hành chính. Để tránh lạm phát phi mã, chính phủ sẽ phải thực hiện việc kiểm soát giá cả trên một bình diện sâu rộng. Ngoài xăng dầu, gạo, điện nước... , các món hàng như dược phẩm, vận chuyển công cộng, các hàng tiêu dung thông dụng... sẽ không được tăng giá. Đây là một bước lùi khá sâu cho nền kinh tế thị trường.
Trong môi trường của nền kinh tế chỉ huy, các doanh nghiệp tư nhân với mục tiêu kiếm lời (profit-seeking) sẽ khổ sở vì chi phí tăng mà giá bán bị kiểm soát chặt chẽ. Trong khi đó, doanh nghiệp nhà nước hay các công ty có liên hệ sâu xa với nhà nước sẽ có hai vũ khí bén nhọn: đặc quyền và tiền người khác (OPM) qua ngân hàng. Mô hình kinh doanh thâu tiền chỗ này (rent-seeking) sẽ lên ngôi và sẽ có thêm một loạt đại gia mới là bản sao của các đại gia hiện hữu.
Trên hết, khi hy sinh quyền lợi của đại đa số người dân để cứu vài nhóm lợi ích, và những "sai trái về đầu tư sẽ được bảo vệ". Người Mỹ gọi đây là một "rủi ro về đạo đức" (moral hazard) và sẽ khuyến khích những hành xử tương tự trong tương lai.
Sau 2 gói kích cầu rưỡi và gần 2.000 tỷ đô la trong 3 năm qua, Cơ quan Dự trữ Trung ương Mỹ (FED) đã thất bại trong việc giảm tỷ lệ thất nghiệp hay kích cầu một nền kinh tế tư nhân và năng động của Mỹ. Thành quả duy nhất họ có thể hãnh diện là cứu nguy và tạo lợi nhuận khủng cho các ngân hàng thương mại. Dự đoán lạc quan nhất là GDP Mỹ sẽ tăng trưởng khoảng 2% trong năm nay. Dù không thể bị thay thế, đồng USD vẫn chịu nhiều áp lực vì nợ công tăng vọt sau các gói kích cầu này.
Khi đối diện với khủng hoảng, cá nhân con người hay doanh nghiệp hay bộ máy công quyền thường chọn một trong hai phản ứng: hoặc sửa đổi toàn diện để thích nghi với hoàn cảnh mới; hoặc quay về với những thói quen xưa cũ mà họ cho rằng đã giúp họ đạt được quyền và lợi hiện nay. Tôi đoán là các thế hệ trẻ sẽ phải chờ thêm vài ba thế hệ nữa.
Theo TS. Alan Phan - VEF
Các bài khác: