[Marketing3k - Kinh tế Việt Nam] Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lần đầu tiên giảm trong hơn 3 năm qua được cho là tín hiệu tích cực. Nhưng ở một góc độ nào đó, nó lại có thể là một điều đáng lo ngại với nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán (TTCK) nói riêng trong trung hạn.
Giảm mà lo
Trong 1 báo cáo vừa ra, Ngân hàng JPMorgan Chase của Mỹ cho rằng, CPI của Việt Nam trong tháng 6 vừa qua là thấp hơn dự kiến và "đáng ngạc nhiên theo hướng tích cực". Mặc dù vậy, với nhiều chuyên gia, nhà đầu tư và các công ty chứng khoán (CTCK) trong nước, thì hiện tượng giảm phát này ẩn chứa nhiều điều đáng lo ngại. CPI sẽ còn giảm nữa và có thể đạt đáy (dự báo từ 4,2-5% so với cùng kỳ, so với mức hiện tại là 6,9%) vào tháng 9 hoặc tháng 10 tới trước khi quay đầu tăng trở lại và dự báo đạt 6-7% vào cuối năm 2012.
Trong phiên giao dịch 25/6, ngay sau khi có thông tin về CPI, cả 2 chỉ số chứng khoán VN-Index và HNX-Index đều giảm ngay từ đầu phiên. Thanh khoản ở mức quá thấp đã khiến bên nắm giữ cổ phiếu mệt mỏi và đẩy mạnh bán ra khiến đa số cổ phiếu trên hai sàn lao dốc trong buổi chiều.
Chốt phiên, trên sàn TP.HCM, chỉ số VN-Index giảm hơn 3 điểm và lùi gần về 424 điểm với 216 mã giảm giá, chỉ có 36 mã tăng và 38 mã đứng giá. Tại sàn Hà Nội, HNX-Index đóng cửa giảm 1,51 điểm (-2,06%) xuống 71,80 điểm với 202 mã giảm, 41 mã tăng và 45 mã đứng giá. Như vậy, 2 chỉ số này đã giảm khoảng 12% trong hơn 1 tháng qua. Sáng 26/6, cả 2 chỉ số VN-Index và HNX-Index đều giảm mạnh trên 1% với rất nhiều mã giảm sàn.
Vì thế, hầu hết các nhà đầu tư nhỏ lẻ tỏ ra thực sự mất kiên nhẫn với sự lình xình, ảm đạm và suy giảm kéo dài của thị trường.
"Thị trường đã "hết vị". Mọi thông tin được cho là tốt đã phản tác dụng hoàn toàn. Giao dịch quá thấp cho thấy đa số đang dè chừng với thị trường. Trên thực tế, nền kinh tế đang đối mặt với tình trạng giảm phát. Nếu sức cầu còn tiếp tục suy yếu, doanh nghiệp sẽ còn lao đao với hàng tồn kho tăng cao. Sắp tới, không loại trừ khả năng nhiều công ty sẽ tuyên bố phá sản, hủy niêm yết.
Trên sàn đã có thể điểm ra một vài gương mặt đang vật lộn với muôn vàn khó khăn như THV, SHN... Không chừng, từ nay tới Tết, trên bảng điện tử mã nào giá xấp xỉ 10.000 đồng là xa xỉ. Hàng loạt cổ phiếu sẽ lại về mức giá trà đá như cuối năm trước", một nhà đầu tư chứng khoán kỳ cựu chia sẻ.
Thậm chí, một số người cho rằng, giảm phát còn đáng lo ngại hơn lạm phát cao hồi cuối năm 2011 khi mà chứng khoán rớt triền miên và giao dịch gần như đóng băng ở nhiều cổ phiếu. Với lý thuyết cho rằng, CPI tạo đỉnh chứng khoán tạo đáy và ngược lại, họ đang lo ngại một điều không hay có thể xảy ra nếu kết quả kinh doanh Quý II/2012 của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục xấu đi.
Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS), cho rằng, dòng tiền vẫn tiếp tục đứng ngoài thị trường và duy trì sự thận trọng với những thông tin được công bố trong thời gian gần đây mặc dù không ít thông tin có thể được coi là khá tốt. Theo đó, FPTS tiếp tục bảo lưu quan điểm về rủi ro của một nhịp giảm sâu đang tăng dần theo diễn biến lình xình của thị trường. Trong khi đó, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) thậm chí còn đánh giá, thông tin CPI cả nước trong tháng 6 giảm -0,26% xuất hiện vào cuối tuần qua khiến nhà đầu tư thêm phần lo ngại về sự sụt giảm tổng cầu trong nền kinh tế.
Chứng khoán MB (MBS) thì cho rằng, thông tin chỉ số CPI tháng 6 giảm 0.26% dường như đã bị các nhà đầu tư diễn giải theo nghĩa tiêu cực, phản ánh sức cầu trong nền kinh tế đang suy giảm. Tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư nhìn chung đã làm cho lực cầu suy giảm đáng kể trong khoảng 3 tuần qua và thị trường có xu hướng giảm dần mặc dù mức giảm là không mạnh. Các thông tin tốt mang tính hỗ trợ thị trường cao như lãi suất hạ, giá xăng dầu hạ, lạm phát ở mức thấp và các CTCK đồng loạt hạ lãi suất cho vay dịch vụ ký quỹ cũng không kéo nổi dòng tiền vào thị trường. Điều này cho thấy tâm lý chủ đạo của các nhà đầu tư trên thị trường đã có sự thay đổi đáng kể từ mức lạc quan sang bi quan.
Rõ ràng, sự chuyển biến từ lạm phát cao sang giảm phát đã không thực sự mang lại cho các nhà đầu tư hình dung về một viễn cảnh tốt đẹp trước mắt. Điều mà nhiều người chờ đón là kết quả kinh doanh Quý II của các doanh nghiệp sẽ ra sao. Sức cầu suy kiệt như nhiều chuyên gia đánh giá liệu sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp niêm yết như thế nào? Và lãi suất liệu có được giảm thực chất và dòng tiền từ ngân hàng có được bơm vào sản xuất và kinh doanh hay không?
Sự lo ngại không phải không có cơ sở khi mà số lượng doanh nghiệp giải thể trong Quý I tiếp tục ở mức cao, tăng trưởng GDP suy giảm và đi kèm theo đó là các vấn đề về xã hội như thất nghiệp tăng, đời sống của đại bộ phận người dân gặp khó khăn...
Ngóng kích cầu và lãi suất giảm tiếp
Trong báo cáo vừa đưa ra, Hãng J.P. Morgan nhận định, tình hình giảm phát sẽ đưa đến 2 hiệu ứng tích cực. Thứ nhất, giảm phát sẽ tạo điều kiện cho Chính phủ tung ra các gói nới lỏng mới. Điều này sẽ giúp vực dậy tăng trưởng năm nay vốn đã và đang trong tình trạng rất yếu. Thứ 2, giảm phát sẽ giúp ổn định tình hình kinh tế vĩ mô và cán cân thanh toán.
Đây cũng là kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư. Theo đó, họ đang hy vọng về chính sách mở rộng tiền tệ nhanh. Một số nhà đầu tư cho rằng, trên thực tế, giá cả hàng hóa vẫn ở mức cao và hiện tượng giảm phát là không có vấn đề gì. Đó là tín hiệu tốt của nền kinh tế.
"CPI giảm là giảm trong tháng 6. Còn so với năm trước, vẫn tăng 2,54%. Hàng hóa trong đó có lương thực thực phẩm như thịt cá vẫn chả rẻ mấy. Không nên quá lo lắng về sự chính xác của các số liệu. Vĩ mô đang tốt, lãi suất tiếp tục giảm, tiền rời bỏ ngân hàng, không trước sau thì cũng vào chứng khoán thôi", ông Miên - một nhà đầu tư tại Đống Đa, Hà Nội khẳng định.
Chia sẻ về vấn đề giảm phát, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, CPI ở mức thấp và giảm nhẹ trong tháng 6 vừa qua là điều bình thường. Chỉ số giá có thể giảm tiếp trong 3 tháng tiếp theo.
Không chỉ kỳ vọng vào kích cầu, nhiều nhà đầu tư đang chờ đợi với việc CPI tháng 6 giảm, NHNN sẽ tiếp tục giảm trần lãi suất huy động để từ đó kéo lãi suất cho vay giảm xuống.
"Mọi lần NHNN cứ phải đợi công bố CPI thì mới giảm lãi suất. Đợt này chắc cũng vậy. Lần đầu tiên CPI giảm sau 38 tháng tăng. Lãi suất huy động đang là 9% nhưng các tháng trước đó gửi toàn từ 11% trở lên. Như vậy, năm nay người gửi tiền được lãi suất thực dương cao quá. Dù muốn hay không thì biện pháp hạ lãi suất xuống dưới 9% vẫn phải tính đến trong vòng vài ngày tới", ông Trung - một nhà đầu tư chứng khoán - nhận định.
"Đây được coi là biện pháp hạ sốt cuối cùng. Bệnh nhân đã được uống thuốc trước đó nhưng chưa đủ liều. Ngân hàng thì cứ phải chắc cú, phải có con tin thì mới ra tiền cho doanh nghiệp", ông Trung cho biết.
Tuy nhiên, nhà đầu tư này cũng lo ngại, doanh nghiệp có bao nhiêu tài sản để thế chấp thì đã mang đến ngân hàng hết. Khi đó, ngân hàng có đưa ra lãi suất thấp, doanh nghiệp cũng không có tài sản thế chấp để vay. Đây chính là nguyên nhân là tắc nghẽn dòng tiền trong hệ thống.
Về chiến lược chơi chứng khoán, nhiều nhà đầu tư cho rằng, giảm phát ở mức độ thấp là một tín hiệu tốt và trong thời gian qua có nhiều dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư lớn đã âm thầm gom hàng và rất có thể sẽ đánh lên tổng lực trong thời gian tới. Hơn thế, những người trót short-sell vừa qua sẽ là một nhân tố đẩy thị trường đi lên trong đợt này.
Mặc dù vậy, đa số các chuyên gia và những nhà đầu tư có kinh nghiệm lo ngại rằng, những giải pháp mở rộng tiền tệ quá nhanh và quá mức sẽ đẩy nền kinh tế trở lại vòng xoáy bong bóng tài sản và khi đó lạm phát sẽ lại là vấn đề nhức nhối. Cái vòng luẩn quẩn cứ như vậy mà lặp đi lặp lại.
Theo VeF (Mạnh Hà)
Các bài khác:
- [DNSG] Quỹ đầu tư chỉ số (ETF): Đánh nhanh, rút gọn
- [SGTimes] Chênh lệch thu nhập tại Việt Nam đang tăng - Làm sao thu hẹp khoảng cách giàu nghèo? - [NLĐ] Chi phí ăn uống chiếm gần hết thu nhập - [VeF] Siêu thị giữ giá, hàng ăn lên không xuống - [NLĐ] Giám đốc đi bán trà chanh - [VNN] 'Đại gia' ứa nước mắt chở con bằng... xe máy và Những đại gia 'sống phây phây' thời... vỡ nợ
- [DĐDN] Xử lý nợ xấu của Việt Nam: Mô hình nào phù hợp? - “Tuyệt đối không phát hành 100 nghìn tỷ đồng mua nợ xấu” - [Stox] Nợ xấu bất động sản đến cuối 2011 lên tới 56 nghìn tỷ
- [VeF] Hàng ế các nước đổ lậu về Việt Nam
- [VeF] Những chiêu 'bẩn' trong 'cuộc chiến' đấu thầu