[Nhà Nguyễn] Đó là đánh giá của một số đại biểu tham dự Hội thảo triều Nguyễn, chúa Nguyễn: Nhìn nhận lại khách quan, khoa học, công bằng trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19 vừa diễn ra trong hai ngày 18 và 19/10/2008 tại Thanh Hóa.
Như TT&VH đã phản ánh, hội thảo được sự chuẩn bị nội dung trong khoảng 20 năm nhằm nhìn nhận lại khách quan, khoa học, công bằng những đóng góp cũng như mặt còn hạn chế của vương triều Nguyễn. Trong ngày hôm qua 19/10, các đại biểu thảo luận về các nhóm đề tài: Mở mang lãnh thổ và xác lập chủ quyền trên đất Nam Bộ; chính sách đối nội và đối ngoại của triều Nguyễn, nhân vật lịch sử thời chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn; quan hệ Nguyễn - Tây Sơn và vấn đề thống nhất đất nước; tình hình kinh tế xã hội; kinh tế hàng hóa và đô thị; vấn đề canh tân đất nước và thất bại của cuộc kháng chiến chống Pháp; di sản văn hóa.
Một số quan điểm thú vị đưa ra trong cuộc hội thảo nhưng do thời gian không cho phép đã không được triển khai, như làm rõ hơn về nhân vật Bá Đa Lộc là người thế nào, một cố vấn quân sự - chính trị hay chỉ là một “chuyên gia nước ngoài” - từ dùng của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân.
Một số quan điểm thú vị đưa ra trong cuộc hội thảo nhưng do thời gian không cho phép đã không được triển khai, như làm rõ hơn về nhân vật Bá Đa Lộc là người thế nào, một cố vấn quân sự - chính trị hay chỉ là một “chuyên gia nước ngoài” - từ dùng của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân.
Theo GS Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Sử học, cần có nhận thức mới về nhà Nguyễn trong lịch sử dân tộc trên tinh thần “công minh lịch sử”. Vương triều Nguyễn vừa là tác nhân lịch sử, vừa là sản phẩm của lịch sử xã hội, vì vậy nhận thức về nhà Nguyễn cũng phải được đặt trong bối cảnh lịch sử của dân tộc và nhân loại, xem xét cả trục “tung” (lịch sử) và trục “hoành” (đương đại) của lịch sử. Kể từ Gia Long - Nguyễn Ánh, “người dựng nên đế nghiệp cho Nguyễn triều” từ năm 1802 đến Bảo Đại, người tự nguyện thoái vị, nhận là công dân một nước Việt Nam độc lập tự do năm 1945, vương triều Nguyễn đã tồn tại 143 năm.
Không nên coi sự nghiệp thống nhất đất nước là hoàn toàn thuộc về Nguyễn Huệ, cũng như không nên dựa vào sự hoàn tất và củng cố nền thống nhất của nhà Nguyễn mà coi sự nghiệp thống nhất Việt Nam TK 18 - 19 chỉ là của nhà Nguyễn để phủ nhận công lao của Tây Sơn. Cái thống nhất của vua Gia Long nhờ cắt đất cho thực dân mà có được đã gây mầm chia cắt đất nước, không phải chia cắt nội bộ như Trịnh - Nguyễn mà là chia cắt do ngoại xâm tồn tại lâu dài. Sau này, từ Gia Long đến Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, tất cả đều ân hận, lo toan giải tỏa lỗi lầm này, khắc phục hậu quả của nó bằng việc sát đạo, đuổi giáo sĩ, hạn chế giao thương với phương Tây... nhưng vẫn không sao khắc phục nổi.
Tổng kết hội thảo, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định: Cuộc hội thảo lần này đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi không chỉ của giới khoa học mà còn của dư luận xã hội, chứng tỏ những nhận thức trước đây về vai trò của chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử dân tộc theo hướng phê phán và phủ định đã không còn thỏa đáng nữa. Những kết quả hội thảo lần này đã đạt được cũng là kết quả của quá trình nghiên cứu từ những năm 1990 và cũng là tiếp nối của 20 cuộc hội thảo trước đó. Hội thảo lần này cũng chỉ là một bước tiếp tục nhìn nhận, đánh giá để đi đến nhận thức về một thời kỳ lịch sử kéo dài trên 3 thế kỷ với nhiều biến động lớn cả về đối nội và đối ngoại, nhằm đi đến nhận thức rõ ràng hơn, sáng sủa hơn, phục vụ việc xây dựng một bộ quốc sử chính thống. GS Phan Huy Lê cho rằng cùng với kết quả khoa học, hội thảo lần này còn góp phần giải tỏa được tâm lý mặc cảm về chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn và tiến tới biên soạn một bộ chính sử về triều Nguyễn.
Cũng tại hội thảo này, Viện Viễn đông Bác cổ Pháp (EFEO) đã tặng cho tỉnh Thanh Hóa 2 bộ sách quý là: Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm do Viện Cao học Thực hành, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Viễn đông Bác cổ Pháp phối hợp thực hiện, xuất bản (bộ sách lưu giữ hơn 10.000 văn bia các loại được khắc bằng chữ Hán, gồm tổng số 10 cuốn, mỗi cuốn dày khoảng 1.000 trang). Và bộ sách thứ 2 là Đồng Khánh địa dư chí của 3 tác giả Ngô Đức Thọ, Nguyễn Văn Nguyên, Philippe Papin. Bộ Đồng Khánh địa dư chí có tổng số 6 cuốn, mỗi cuốn dày gần 1.000 trang.
Hôm nay 20/10, đoàn chủ tịch hội thảo quốc gia này sẽ họp tổng kết chung dưới sự chủ trì của ông Vương Văn Việt - Phó chủ tịch UBND tỉnh và GS Phan Huy Lê. Đoàn thư ký sẽ tổng kết các vấn đề đã đưa ra về thời kỳ chúa Nguyễn, thời kỳ vương triều Nguyễn và về di sản văn hóa nhà Nguyễn để lại.
Theo một nguồn tin, Thanh Hóa đã chi khoản tiền gần 1 tỷ đồng cho cuộc hội thảo quan trọng này. Nếu không có nguồn kinh phí trên, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khó có thể đơn phương tiến hành cuộc hội thảo được dư luận hết sức quan tâm này.
Theo TTVH - Thế Vinh
-------------------------------
Hội thảo triều Nguyễn, chúa Nguyễn: Nhìn nhận lại khách quan, khoa học, công bằng
Hôm qua 18/10, khoảng 650 đại biểu, quan khách, giới sử học và truyền thông đã có mặt tại Thanh Hoá để tham dự hội thảo khoa học cấp quốc gia lần đầu tiên được tổ chức về “Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX”, một hội thảo được coi là cảm động và thu hút sự chú ý đến không ngờ.
Từ thủa mang gươm đi mở cõi…
Cách đây tròn 450 năm, mùa đông 1558, vâng mệnh triều đình, chúa Nguyễn Hoàng đã vào Nam mở cõi. Xứ Thanh, nơi có Quý Hương (Hà Trung), có Gia Miêu ngoại trang là quê hương của chúa Nguyễn Hoàng và cũng là quê hương của nhiều bề tôi trung thành, nhiều người dân lao động đã theo chúa vào mở cõi ở phương Nam trong những năm tháng khởi nghiệp gian truân nhất. Đó là lý do để Thanh Hoá được chọn làm nơi tổ chức hội thảo quan trọng này, nhằm tiếp cận ngày càng khách quan, trung thực, gần với sự thật lịch sử nhất.
GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội KHLSVN nhận định, thời kỳ các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn từ thế kỷ XVI cho đến thế kỷ XIX là một thời kỳ lịch sử đã trải qua những cách nhìn nhận và đánh giá hết sức khác nhau, có những lúc gần như đảo ngược lại. Triều Nguyễn được đặt trong “khung” lý thuyết hình thái KTXH là triều đại suy vong, lâm vào khủng hoảng nặng nề, và chịu nhiều phán xét không công bằng.
GS Phan Huy Lê |
Theo ông Nguyễn Đắc Xuân (Hội sử học Thừa Thiên – Huế), nhận định sai về nhà Nguyễn còn có 4 xu hướng: con cháu nhà Lê – Trịnh viết về nhà Nguyễn có những điểm sai; thực dân Pháp, Thiên chúa giáo và những người nghiên cứu nhà Tây Sơn, thích Tây Sơn đều có những đánh giá sai về nhà Nguyễn.
Hội thảo này giới hạn khung thời gian từ khi chúa Nguyễn Hoàng đi mở cõi đến cuối thế kỷ XIX, trong phạm vi thời kỳ trị vì của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong và vương triều Nguyễn trên cương vị quốc gia Việt Nam rồi Đại Nam độc lập, có chủ quyền. Thời gian trước và sau ranh giới này, cũng như thời Tây Sơn ở giữa chỉ đề cập trong mức độ liên quan cần thiết. Về thời kỳ các chúa Nguyễn, những kết quả nghiên cứu đã cho phép khẳng định công lao mở mang bờ cõi từ Thuận Hoá, Quảng Nam vào đến ĐBSCL của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Vấn đề cần đi sâu nghiên cứu làm sáng tỏ là phương thức khai phá có hiệu quả kinh tế cao kết hợp với việc xây dựng và củng cố chủ quyền quốc gia trên vùng đất mới.
Về vương triều Nguyễn, hội thảo tập trung cắt nghĩa sự thành bại của mỗi bên trong cuộc chiến tranh giữa Tây Sơn với chúa Nguyễn; việc Nguyễn Ánh phải nhờ vào sự cứu viện của nước ngoài biểu thị tập trung trong việc cầu cứu vua Xiêm đưa 5 vạn quân vào Gia Định năm 178 và ký hiệp ước Versailles năm 1787 với Pháp; hai kẻ thù không đội trời chung là nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn, ai là người có công thống nhất đất nước, cũng như thái độ với xu hướng canh tân phát triển đất nước phát triển khá mạnh dưới thời Tự Đức và trách nhiệm của triều Nguyễn trong kết quả bi thảm trong cuộc xâm lược của thực dân Pháp.
GS Phan Huy Lê cho rằng, nhà Nguyễn đã để lại một di sản lớn lao nhất là một giang sơn đất nước trải rộng trên lãnh thổ thống nhất từ bắc chí nam, gần như tương ứng với lãnh thổ Việt Nam hiện đại, bao gồm cả đất liền và hải đảo trên biển Đông. Trên lãnh thổ đó là một di sản văn hoá đồ sộ bao gồm cả văn hoá vật thể và phi vật thể. Cố đô Huế là nơi hội tụ và kết tinh các giá trị văn hoá dân tộc trong một thời kỳ lịch sử khi mà kinh đô này lần đầu tiên trong lịch sử trở thành trung tâm chính trị, văn hoá của một quốc gia tương đương Việt Nam hiện đại. Quần thể di tích cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới từ 11/12/1993 và ngày 7/11/2003 Nhã nhạc cung đình lại được công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Trong số các đô thị hình thành và phát đạt trong thời kỳ này, Hội An là cảng thị tiêu biểu nhất và khu di tích phố cổ Hội An cũng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới ngày /12/1999.
“Chưa có một thời kỳ lịch sử nào để lại cho dân tộc ba di sản văn hoá được thế giới công nhận và tôn vinh với những giá trị mang ý nghĩa toàn cầu như vậy” – GS Phan Huy Lê nhận xét. Ông cũng cho rằng trong thời gian ngắn ngủi hai ngày, những quan điểm trái ngược nhau về chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn hoặc là thống nhất được, hoặc xích lại gần nhau, hoặc đưa ra một nhận thức mới hoặc đặt ra một số vấn đề mới tiếp tục nghiên cứu.
-------------------------------
Cần xem xét lại SGK và việc đặt tên đường phố
Nguyên TBT Lê Khả Phiêu trả lời phỏng vấn báo chí. Người mặc áo trắng đứng sau là trưởng tộc Nguyễn ở Gia Miêu |
90 bản tham luận của các nhà sử học, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã được gửi về hội thảo. Người ta thấy nhiều quan chức quê Thanh Hoá có mặt trong hội thảo này, như nguyên TBT Lê Khả Phiêu, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Di Niên, cựu Bộ trưởng bộ NN&PTNT Lê Huy Ngọ… Trao đổi với báo giới, nguyên TBT Lê Khả Phiêu tâm tư: “Tôi quan sát thấy ở miền Bắc không có con đường nào mang tên triều Nguyễn”.
Trao đổi riêng với TT&VH, GS Phan Huy Lê nhận định: “Hội thảo này đã có 20 năm chuẩn bị, xuất phát từ yêu cầu nhận thức khoa học lịch sử đúng đắn. Trước đây đã hình thành xu hướng gần như phủ định nhà Nguyễn, một thái độ không phù hợp với lịch sử. Phải có đánh giá khách quan, công bằng, và gần với sự thật lịch sử nhất. Bên cạnh đó, triều Nguyễn có liên quan mật thiết với thời đại của chúng ta, đó là chưa kể tới việc người họ Nguyễn có thể coi là đông con cháu hàng đầu Việt Nam. Những nhận định thiếu khách quan, công bằng đã gây tâm lý xã hội ấm ức, thậm chí bất bình. Dân chúng nhìn nhà Nguyễn khác các nhà khoa học, vì sao vậy? Đây là câu hỏi chúng ta cần phải trả lời. Trên tinh thần nhận thức khoa học sẽ có tính thuyết phục cao, tiến tới giải toả tâm lý xã hội trong cộng đồng dân cư, như ở Thanh Hoá, ở Huế, ở Nam Bộ. Khi nói một vương triều là bán nước thì di sản còn lại có giá trị gì nữa?”
Về SGK và tên đường phố, GS nhận định: “SGK, sách phổ cập cần có chỉnh sửa cho phù hợp. Tất nhiên sớm là khó, và tất nhiên không phải nhảy từ cực đoan này sang chiều cực đoan khác. Không nên hiểu nhận thức mới là giải quyết toàn bộ các vấn đề. Vương triều nào cũng có vấn đề của nó, nhà Hồ, nhà Mạc chúng ta đều đã hội thảo cả rồi, nhưng nhà Nguyễn là gay cấn nhất. Cũng là mất nước nhưng An Dương Vương khác, Hồ Quý Ly khác, nhà Nguyễn khác. Phải phân tích đầy sức thuyết phục. Lộ trình sửa sách giáo khoa thì thẩm quyền thuộc về Bộ GD&ĐT, chứ chúng tôi có quyền gì đâu? Chúng tôi đưa ra quan điểm để cơ quan có thẩm quyền xem xét. Nhưng, Bộ GD&ĐT và các bộ phận chuyên trách không phải cứ ngồi một chỗ để chúng tôi mang công trình đến cho các anh. Phải tự vận động. Tôi quan sát sau 1975, tại miền Nam tên đường phố triều Nguyễn là bị bỏ sạch cả. Dân không hiểu nhưng không giải thích nổi. Sắp tới có thể Hội sử học sẽ kiến nghị với UBND TP Hà Nội đưa vào một số nhân vật nổi bật của thời kỳ này để đặt tên đường”.
Cuối buổi trò chuyện, GS cười vui: “Nếu thời nào cũng giải quyết được tất cả các vấn đề thì giới sử học chúng tôi thất nghiệp à?”
-----------------------------
Bên ngoài sảnh chính của nơi diễn ra hội thảo, những hình ảnh của Đoàn làm phim “Đi tìm dấu tích 3 vua” (Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân) được trưng bày khiến cho người xem không khỏi xúc động và tự hào, từ những lăng mộ hoang tàn ở Huế đến nghĩa trang Ba Đồn - nơi chôn những người dân bị thảm sát vì theo phong trào Cần Vương, hình ảnh quần đảo Reunion - nơi vị vua yêu nước Duy Tân bị lưu đày… Ngay trước giờ khai mạc hội thảo, sau màn trình diễn trống đồng, 10 phút trong bộ phim vừa hoàn thành đã được công chiếu, và cử toạ đã phải ngồi lặng trước màn hình khi giọng nhà thơ Nguyễn Duy cất lên: “Thịt da lưu lạc xứ người-mà linh hồn vẫn ở nơi quê nhà”…
-----------------------------
Theo TTVH - Thế Vinh