Nhà văn Nguyên Ngọc: Coi trọng “trinh tiết” là một suy nghĩ tầm thường

16/4/120 nhận xét

[Marketing3k.vn] “Sinh viên đã trưởng thành, đã là công dân, đã 18 tuổi, thì có thể chủ động suy nghĩ một vấn đề trong cuộc sống. Vấn đề tình dục cũng là một vấn đề của con người, sinh viên cũng phải suy nghĩ”.

Trong cuộc trò chuyện với Phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, Nhà văn Nguyên Ngọc (Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Phan Châu Trinh) cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ cách ra đề thi của Trường ĐH FPT trong kỳ thi tuyển sinh ngày 8/4 vừa qua nói về “trinh tiết” và “tình dục trước hôn nhân”.

Đối với môi trường giáo dục, việc ra đề thi về “trinh tiết” hay “tình dục trước hôn nhân” phải chăng hơi nhạy cảm, theo ông liệu có phù hợp?

Nhà văn Nguyên Ngọc: Tôi đã xem thông tin về đề thi mà Trường ĐH FPT ra trong thời gian qua, tôi hoàn toàn ủng hộ việc này. Đó là một loại đề mở rất tốt, đây cũng là một ví dụ để thoát khỏi lối ra đề trùng lặp - sinh viên có thể học đủ thứ, nhưng phải trả lời một câu hỏi của đời sống, cái đó tôi nghĩ rất tốt.

Tôi thấy vấn đề này bình thường, không thể nói là nhạy cảm được. Sinh viên đã trưởng thành, đã là công dân, đã 18 tuổi, thì có thể chủ động suy nghĩ một vấn đề trong cuộc sống. Vấn đề tình dục là một vấn đề của con người, sinh viên cũng phải suy nghĩ, tôi thấy không có sao.

Trước đây ít lâu, có sách cắt đoạn “cấu, véo” của Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên, cái đó mới là đáng lên án, nếu cắt đoạn đó tôi nghĩ trong đầu người có chủ ý cắt đoạn đó ắt có suy nghĩ không lành mạnh. Và, tôi cũng cho những người cấm đoán chuyện “yêu” đó là những người không lành mạnh, chính mình càng né tránh, giấu diếm thì trẻ con càng lấm lét hơn. Vì trẻ con một khi đã thích thì nó không đọc chỗ này sẽ đọc chỗ khác. 

Hơn nữa, ngoài xã hội cũng thấy đủ thứ chuyện. Tôi cũng đọc qua ý kiến của PGS-TS.Ngô Văn Giá, PGS Giá có nói về cách ra đề: “… Như một tất yếu, thí sinh chỉ có một cửa là ủng hộ những gì thuộc về ngày nay, có thể với một vài thận trọng cần thiết! Thế là, mục đích người ra đề muốn cho thí sinh độc lập và sáng tạo, nhưng vô hình trung lại bịt lối, gây sức ép bắt thí sinh đi theo quan điểm và thái độ của mình…”, tôi không đồng ý với ý kiến trên của PGS-TS Văn Giá. Ngày xưa quả thực vấn đề trinh tiết có khác nghiệt, nhưng bây giờ cởi mở hơn, giờ học sinh đã học 12 năm, học đủ thứ để có thể nhận thấy ngày xưa có gì khác nghiệt, có gì sai, có gì có lợi.

Và giờ cái gì có lợi, cái gì đúng, cái gì cần đề phòng học sinh sẽ tự cảm nhận được. Học sinh bây giờ có thể đầy đủ kiến thức để trả lời câu hỏi đó, không sao cả. Tôi nghĩ rằng, từ nay trong môi trường giáo dục, mình cũng không nên nói rằng phải tránh những chuyện trinh tiết, tình dục, nếu vẫn còn cách suy nghĩ như vậy là cũ kỹ và phong kiến. Tôi ủng hộ đề như Trường ĐH FPT vì có hai mặt lợi: Đó là một loại đề mở cho học sinh đã học 12 năm tạo cho mình một suy nghĩ, trở thành một người lớn thực thụ. 

Riêng vấn đề tình dục, ủng hộ quan hệ trước hôn nhân hay không, coi trọng sự trinh tiết như thế nào thì vẫn có mặt này hay mặt khác, không sao cả. Ở đời không có cái gì đúng tuyệt đối, không có cái gì đúng mãi mãi được. Mỗi con người đều có cách suy nghĩ, cách giải quyết riêng.

Có ý kiến cho rằng, đề thi mượn một tác phẩm lớn như “Truyện Kiều” của Nguyễn Du để bàn luận vấn đề “Trinh tiết” là không phù hợp, thậm chí “phỉ báng” tác phẩm, ông có bình luận gì?

Nhà văn Nguyên Ngọc: Theo tôi, không nên suy nghĩ như vậy. Người ta mượn một số ý nhỏ trong tác phẩm Truyện Kiều để bàn luận, chính nội dung tác phẩm cũng nói: “Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường”. Ở đây, người ra đề không quy kết hẳn cho nội dung của tác phẩm.

Ông nói, ông ủng hộ quan điểm “thoáng” về “trinh tiết”, vậy theo ông phụ nữ ngày nay có nhất thiết cần giữ “trinh tiết” trước khi về nhà chồng?

Nhà văn Nguyên Ngọc: Tôi nghĩ đó là quan điểm của từng người. Cũng tùy vào từng trường hợp, tôi cũng không muốn áp đặt gì ở đây. Tôi cho rằng, quan trọng nhất khi hai người yêu nhau họ phải tôn trọng nhau. Một người con gái cũng có thể đã quan hệ rồi nhưng người yêu vẫn quý trọng cũng không sao cả. Quan trọng nhất trong tình yêu là hai người tôn trọng lẫn nhau, quý trọng lẫn nhau, tôi cho rằng người nào mà chỉ lấy việc “trinh tiết” là quý trọng thì người đó có suy nghĩ rất thấp.

Trên phương diện là người làm giáo dục, quản lý giáo dục, theo ông cách ra đề như thế nào để đánh giá được chất lượng người học?

Nhà văn Nguyên Ngọc: Gần đây, tôi có tham gia và việc ra đề tại một trường. Tôi thấy tình trạng đề của chúng ta học thuộc lòng rất nhiều, khuyến khích người học học thuộc lòng. Vừa rồi, tôi có chấm một bài thi, khi chấm Hội đồng rọc phách xong, khi chấm có những em học thuộc lòng, tôi không đánh giá cao, tôi cho điểm vừa phải. Nhưng có những em hiểu vấn đề, tự viết lên ý kiến của mình trên cơ sở hiểu bài đã học ở trường, tôi đánh giá rất cao bài làm này và cho 10 điểm.

Sau khi tôi biết tên sinh viên đó, tôi nghĩ đánh giá của tôi là đúng. Chúng ta đừng có quan niệm là những “khu vực” coi là nhạy cảm về đạo đức mà né tránh, người ra đề cứ đưa ra những vấn đề đó để cho sinh viên tự suy nghĩ, tự trả lời và cần tôn trọng ý kiến đó. 

Sinh viên đồng ý hay không đồng ý đều có đưa ra lý lẽ. Đôi khi có hai sinh viên đưa ra hai lý lẽ trái ngượi nhau, với những lý lẽ đó mình vẫn phải tôn trọng. 

Ông ủng hộ cách ra đề như của Trường ĐH FPT, trường ông (ĐH Phan Châu Trinh) đã bao giờ ra đề theo loại như vậy chưa?

Nhà văn Nguyên Ngọc: Trường tôi chưa ra được loại đề như thế, và nếu như các thầy ra đề kiểu như Trường ĐH FPT mà tôi có quyền duyệt thì tôi vẫn chấp nhận. Tôi nói lại, không nên khoanh những “khu vực” nhạy cảm để né tránh vấn đề xã hội. Nếu ai có cách nhìn đó, đó là cách nhìn phong kiến. Bây giờ vẫn còn có người tư duy coi trọng chuyện “nhạy cảm”, muốn lấy chuyện “trinh tiết” để đánh giá tình yêu, đó không phải là cách suy nghĩ cao quý, mà là một suy nghĩ tầm thường. 

Xin cảm ơn ông!
Xuân Trung (Thực hiện)
Các bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP