[Marketing3k.vn] “Trong xã hội ta hiện nay, tâm lý của trẻ con là các em đang muốn khẳng định mình, tuổi của mình. Con trai thì muốn trở thành đại ca, con gái học không giỏi nhưng xinh đẹp thì cố khai thác cái đó, để chảnh, kiêu căng, còn nếu không đẹp thì cố làm việc gì đó…”, PGS Văn Như Cương chia sẻ với VnMedia.
- Trọng án của con trẻ là lời cảnh báo với người lớn!
- Ớn lạnh thủ đoạn giết người tàn bạo của tội phạm trẻ
Thời gian gần đây trên địa bàn cả nước liên tiếp xuất hiện các vụ giết người man rợ do tội phạm trẻ gây ra. Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ để xảy ra việc này ngoài lỗi chính do gia đình thì nhà trường cũng có phần trách nhiệm, ông nói sao về ý kiến này?
Đúng là một số trường hợp giết người một cách dã man và tuổi cũng trẻ nhưng như tôi biết những em đó hầu hết không phải ở lứa tuổi học sinh, người phạm tội đó không phải là học sinh, ví dụ như: Lê Văn Luyện, Nguyễn Đức Nghĩa… đều đã ra trường; còn trong độ tuổi học sinh chỉ có những vụ bạo lực học đường, đánh nhau, tung clip…những vụ giết người man rợ thì rất ít.
Tại sao những thanh niên hoặc sinh viên đã ra trường đi làm rồi thì đánh nhau dã man như thế tôi cho rằng việc này một phần do báo chí khai thác quá nhiều vấn đề bạo lực. Ví dụ chuyện của Nghĩa, có nhiều báo viết số này đến hết số khác cả tháng trời vẫn còn bài, rồi khi bị giam tù rồi vẫn theo vào viết tiếp chi tiết của tử tù sống trong tù như thế nào.
Báo chí đương nhiên phải đưa tin giật gân để thu hút độc giả nhưng về mặt giáo dục xã hội thì rất yếu vì ở lứa của các em, khi đọc được những việc đó cũng mê, xem chi tiết thế nào, đấy là ấn tượng rất không tốt.
Thầy cho rằng, việc giết người man rợ chỉ xảy ra ở sinh viên hoặc lao động tự do nhưng có một thực tế là đã có trường hợp 2 học sinh lớp 8 dùng gạch đánh chết một bé trai ở Hà Tây trước đây. Thầy nói sao về điều này?
Tôi không nói là không có nhưng tỷ lệ ấy nằm trong thành phần học sinh không phải nhiều. Tất nhiên tôi thừa nhận là có nhưng tôi muốn nói rằng khi chúng ta giáo dục theo kiểu đó thì ở học sinh đang học trong trường đã đọc những cái đó rồi, thấm nhuần rồi nhưng vì điều kiện còn nhỏ, bố mẹ đang quản lý nên không dám có những hành động ấy; còn khi trở thành sinh viên rồi, trở thành người lao động tự do rồi thì điều đó dễ phát triển.
Chung quy lại tôi thấy học đường cũng chịu lỗi, gia đình cũng có lỗi. Có một số vấn đề nhà trường phải chịu trách nhiệm lớn: đánh hội đồng ở trong nhà trường, thày trò đánh nhau, quay clip… vì nhà trường đã không quản lý chặt chẽ và giáo dục tốt nhưng riêng điểm giết người một cách man rợ tôi muốn phê bình truyền thông của ta và khai thác của báo chí ở mặt đó.
Vậy còn các yếu tố khác bên ngoài xã hội đã tác động thế nào đến quá trình phạm tội của học sinh. Không thể phủ nhận rằng, nhiều trường hợp tội phạm trẻ phạm tội là do thấy người giàu tiêu tiền xả láng nên sinh lòng tham từ đó gây trọng án. Thầy nói sao về điều này?
Việc này hoàn toàn đúng cả về mặt tâm lý và xã hội. Đây tôi chỉ nói một ý thôi còn cả xã hội ta chuyện đó xảy ra thường xuyên quá nhưng răn đe lại không kịp thời. Ngay như trong trường học bạo lực học đường, trường học phải giáo dục nhưng cũng phải trừng phạt.
Trừng phạt cũng là một hình thức giáo dục chứ không phải anh muốn làm gì thì làm, đánh nhau họp hội đồng kỷ luật rồi tuyên bố đuổi một tuần cho hưởng án treo. Tôi phản đối việc như thế, tôi tán thành việc phạt thật nặng như đua xe máy, vi phạm luật giao thông phải phạt thật nặng… đó là hình thức giáo dục.
Nhiều người cho rằng bây giờ đuổi học một học sinh trong một tuần là chúng ta thất bại trong việc giáo dục, sợ một tuần lễ ấy không biết ai cai quản học sinh đó như thế nào nhưng ta phải hy sinh một số trường hợp để cứu lấy tập thể, toàn trường. Nếu một em làm như thế được thì lần sau em đó sẵn sàng mang dao vào vì cùng lắm là nghỉ một tuần và hưởng án treo thôi, vậy còn gì là giáo dục nữa. Pháp luật là phải trừng phạt đúng đắn, phải nghiêm trị.
Ở các nước người ta có hình thức rất đúng, tôi đuổi học anh một tuần nhưng có người giữ, có một trường chuyên môn giữ và giáo dục, kể cả học tập cho những em bị tạm thời đình chỉ ở trường. Tạm đình chỉ ở trường này thì người ta đến đó để được học, được tư vấn về tâm lý, phải học, phải lao động, phải nộp tiền ăn, ở, người phụ trách, hướng dẫn…
Ví dụ tôi đuổi một học sinh một tháng, sau khi vào đó người ta tiếp quản, giáo dục đến khi tiến bộ và học sinh phạm lỗi tỏ ra hối hận thì khi đó trường đến xem xét nếu tiến bộ trước trong một tuần thì cho về trường tiếp tục học.
Hình thức này ở Mỹ là có và nhiều. Có những trường như thế, thày giáo dạy những trường như thế, bác sỹ tâm lý để hướng dẫn cho các cháu chữa bệnh cho các cháu… cho nên nếu ta thi hành kỷ luật ở các trường khác một cách mạnh mẽ nhưng đồng thời có những trường giáo dưỡng có thời hạn là tốt nhất, còn bảo không được đuổi học sinh ra khỏi trường để lang thang thì sẽ mãi không có biện pháp giáo dục.
Thưa thầy, nhìn vào việc học tập hiện nay của học sinh, nhiều ý kiến cho rằng nhà trường đang chú tâm trang bị kiến thức hơn là kỹ năng và giá trị sống cho các em nên dẫn đến biểu hiện lệch lạc. Thày nói sao về ý kiến này?
Đúng rồi, nhận định như vậy là đúng. Trong trường không phải chỉ có dạy kiến thức mà phải dạy cả cách ứng xử, xử thế, cách giao tiếp… phải dạy tất cả những chuyện đó, chứ nếu bỏ qua thì sẽ thiếu sót ghê gớm.
Hiện nay chương trình của ta quá nặng, học sinh học là như vậy và mục đích của bố mẹ là muốn cho con học thật chăm để vào đại học nên quên mất khâu dạy về nhân cách. Khâu ấy trong các trường học hiện nay, nếu được dạy thì chỉ được nằm ở trong môn giáo dục công dân nhưng mọi người cứ mở các quyển giáo dục công dân lớp 10,11,12 xem người ta dạy cái gì. Không phải dạy về ứng xử mà dạy về triết học, duy vật biện chứng. Thế nào là vật chất, thế nào là tinh thần?
Mở quyển sách giáo dục công dân lớp 10 thấy bắt đầu lạ, lớp 11 bắt đầu dạy về hàng hóa, thương trường, giá cả, lớp 12 dạy nhiều về Liên hợp quốc, ngoại giao…mà không dạy cho học sinh đối xử với bạn thế nào, đối xử với thầy thế nào. Những sự việc xảy ra như bạn làm em ngã… nên giải quyết thế nào thì chúng ta phải nên dạy cả chứ. Rồi cho trẻ con đi dã ngoại, đi lao động, về vùng nông thôn cũng là hình thức giáo dục tốt để hòa nhập với tập thể, với mọi người.
Thưa thầy, trước đây thì các vụ đánh nhau trong trường học chỉ xảy ra với học sinh nam nhưng thời gian gần đây thì đã lan sang cả nữ sinh. Thày có e là nếu không có biện pháp, cứ để tình trạng này diễn ra lâu dễ dẫn đến tội phạm?
Tất nhiên tình trạng đó rất đáng báo động và phải có biện pháp vì càng ngày nó càng tăng lên. Clip đánh nhau thì dã man hơn, phổ biến hơn, ở đâu cũng có mà là con gái. Đây là điều chưa từng có từ trước đến nay, đánh nhau chỉ có con trai, con gái chạy xa nhưng bây giờ thì như vậy.
Trong xã hội ta hiện nay, tâm lý của trẻ con là các em đang muốn khẳng định mình, tuổi của mình. Ngày xưa các em không như vậy nhưng bây giờ thì rất muốn. Con trai thì muốn trở thành đại ca, con gái học không giỏi nhưng xinh đẹp thì cố khai thác cái đó, để chảnh, kiêu căng, còn nếu không đẹp nữa thì cố làm việc gì đó… Tâm lý là trẻ con muốn tự khẳng định mình sớm. Đây là tâm lý của thời đại chứ không phải của riêng học sinh bây giờ.
Vậy theo thầy với những lỗ hổng trên các trường học phải trang bị những gì cho học sinh để khi ra trường đời họ không vấp phải lối sống lệch lạc nữa?
Đây là một chương trình giáo dục phải hết sức phong phú, đang dạ nhưng trước hết phải giảm nhẹ việc học hành nặng nề của học sinh hiện nay. Hiện nay, học sinh học căng quá, thi căng quá… Nếu không giảm được những việc đó thì làm gì còn thời gian làm những việc kia nữa. Học thì phải học thuộc lòng, thi không phải thi sáng tạo… Toàn bộ hệ thống giáo dục phải thay đổi.
Cảm ơn thầy về cuộc trao đổi!
Xuân Tùng - (Thực hiện)
Các bài khác:
- [NLĐ] Giật mình với giáo dục ĐBSCL!
- [TT] Công bố những ngành khó tìm việc
- [NCT] Kì I: “Hội chứng thành lập Viện” và hàng loạt cán bộ PGS, TS ra đi ; Kì II: Từ mất dân chủ đến những bê bối khó bề tháo gỡ
- [TP] Hoài nghi một sáng chế động trời
- [VeF] Đón khách Nhật trong 'đau đớn'
- [PĐ] Phê bình không được nuôi dưỡng
- [VOV] Trần Đăng Khoa: Phụ nữ nhìn kiểu gì cũng... đẹp!
- [VnEx] Phía sau phụ nữ thành đạt có người 'vọng thê'
- [TTVH] Nhà thơ Vy Thùy Linh: Viết cho đàn ông nhân ngày 8/3