Thông tin về doanh nghiệp được lãnh đạo các tỉnh, thành rất quan tâm. |
[Marketing3k.vn] Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Văn Tứ vạch hai nét bút để đánh dấu đoạn quan trọng trong báo cáo kinh tế 2 tháng đầu năm 2012 của địa phương này. “Thông tin về doanh nghiệp tôi rất quan tâm”, ông nói.
Đoạn mà ông lưu ý trong báo cáo ghi, tính đến 22/2, số doanh nghiệp được cơ quan ông cấp đăng ký kinh doanh đã giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước; với số vốn đăng ký giảm tương ứng 36%. Từ các con số này cho thấy dòng vốn trong xã hội đã tỏ ra thận trọng hơn với các ý tưởng kinh doanh mới.
Nhưng chưa hết, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội trong 2 tháng qua còn làm thủ tục giải thể cho 169 doanh nghiệp, gấp 4,3 lần cùng kỳ năm trước. “Thông thường sau Tết rất ít khi doanh nghiệp xin giải thể, các năm trước rất hiếm, nay số liệu lớn như thế cho thấy tình hình các doanh nghiệp đặc biệt khó khăn”, Phó giám đốc Từ nói tại Hội nghị giao ban sản xuất tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư sáng 28/2.
Thống kê từ cơ quan đăng ký kinh doanh của Hà Nội đã đột biến như vậy về lượng doanh nghiệp chủ động xin giải thể, nhưng đó chưa phải là con số cuối cùng. Ông Võ Sỹ, đồng nhiệm của ông ở Tp.HCM cho biết thêm, lượng doanh nghiệp xin giải thể tính đến tháng 2 tại thành phố này đã là 327 đơn vị.
Như vậy, tính riêng Hà Nội và Tp.HCM đã có khoảng 500 doanh nghiệp đăng ký giải thể trong 2 tháng qua. Nhưng con số có thể lớn gấp nhiều lần. “Thực tế thì lớn hơn, có thể đến con số nghìn”, ông Sỹ nói.
Sản xuất tốt đến mức nào?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận, tình hình kinh tế 2 tháng qua có những chuyển biến tích cực. Các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh đều có bước phát triển. Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả tốt, bảo đảm cân đối các nhu cầu chi một cách chủ động…
Nhận định mang hơi hướng “quy phạm” nói trên, có lẽ mới chỉ nhìn vào các con số tăng trưởng dương mà không xét đến bối cảnh và tính chu kỳ các năm. Bởi vì với nhiều chuyên gia khác, tình hình xấu đi ở nhiều chỉ tiêu.
Cũng dữ liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tháng 2/2012 đã có sự phục hồi trở lại sau khi giảm rất mạnh trong tháng trước. Cụ thể, IIP tháng này đã tăng 10% so với tháng đầu năm và tăng 22,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, tính chung 2 tháng đầu năm nay, IIP chỉ tăng 3,9% so với cùng kỳ. Một lãnh đạo cấp vụ của Tổng cục Thống kê lưu ý con số này: “IIP rất gần với giá trị gia tăng ngành công nghiệp”, ông nói. “Với mức tăng thấp như vậy sẽ khó để tăng trưởng GDP quý 1 ngành này đạt được mức cao”.
Con số khác mà ông dẫn thêm là IIP công nghiệp năm 2011 tăng 7%. Nên với diễn biến vừa qua, có thể chắc chắn rằng sản xuất công nghiệp đang chịu những ảnh hưởng rất lớn.
Trong khi đó, ngành nông nghiệp cũng đầy băn khoăn. Đại diện Bộ này cho biết, tình hình thời tiết không thuận lợi vừa qua đã ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng so với cùng kỳ, thêm vào đó chăn nuôi cũng bị ảnh hưởng ghê gớm.
Dữ liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, số lượng đàn trâu, bò của cả nước đã giảm trên 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Quan chức từ Tổng cục Thống kê lưu ý rằng, tổng lượng đàn gia súc thường không có biến động lớn nên mức giảm trên 7% là rất đáng chú ý.
Trong bối cảnh thực phẩm vừa qua giai đoạn tăng giá mạnh, ảnh hưởng lớn đến xu hướng giá tiêu dùng, diễn biến kể trên là rất đáng quan tâm.
Đầu ra thu hẹp nhanh
Những lo lắng về đầu ra sản xuất dường như cũng đang lớn dần với các doanh nghiệp, thậm chí chẳng kém gì câu chuyện lãi suất còn cao hay khó tiếp cận vốn vay.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2, là tháng sau Tết Nguyên đán, chỉ đạt khoảng 186,46 nghìn tỷ đồng, giảm 2,4% so với tháng trước. Như vậy, tính chung 2 tháng đầu năm đạt 380,28 nghìn tỷ đồng, tăng 22% so cùng kỳ, nhưng loại trừ yếu tố giá chỉ còn tăng khoảng 4,4%, rất thấp so với các năm trước đây.
Ở phía cầu ngoại, diễn biến cũng khá khó khăn khi kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản mọi năm vẫn duy trì tăng trưởng khoảng từ 20% trở lên, nay số liệu 2 tháng chỉ tương đương cùng kỳ.
Vị đại diện Bộ này tại Hội nghị giao ban lưu ý thêm, rất nhiều mặt hàng nông sản chủ lực sụt giảm mạnh về kim ngạch, đặc biệt là gạo, cà phê… “Xuất khẩu gạo hiện chưa được nhiều, trong khi vụ thu hoạch phía Nam sắp bắt đầu”, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát đi cảnh báo.
Với các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dường như đã “thấm đòn”. Chỉ số tiêu thụ ngành này vào tháng 1/2012 đã giảm tới 24% so với tháng trước đó và giảm 17% so với cùng kỳ. Cho nên, khó khăn thị trường đang thách thức cả nhưng doanh nghiệp quy mô lớn và tiềm lực mạnh.
Phó giám đốc Sỹ cho biết, trong cuộc họp giữa UBND Tp.HCM và doanh nghiệp vào cuối tuần trước, ngay các tập đoàn, tổng công ty lớn cũng nêu rất nhiều khó khăn và không chắc chắn kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình trong năm nay.
Còn nhiều bất định
Trong khi đó, nhìn về phía trước Bộ Công Thương cảnh báo giá dầu thế giới trong tháng 3 có thể còn tăng; giá các mặt hàng xuất khẩu hầu như không tăng, trong khi nhập khẩu lại tăng cho thấy khả năng nhập siêu có thể cao trở lại trong thời gian tới; lãi suất dù đã giảm nhẹ nhưng vẫn còn làm khó doanh nghiệp, trong bối cảnh khó khăn từ năm ngoái tích tụ đến nay…
“Doanh nghiệp đang rất lo lắng và sốt ruột”, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Bùi Hà nói. “Mấy tháng mới giảm lãi suất được 1-2%. Hiện tại vay với lãi suất 17-18% thì làm gì bù được…”.
Ở điểm này, Phó giám đốc Tứ thông tin rằng có nhiều doanh nghiệp nói với ông, với lãi suất như hiện nay thì hiệu quả nhất là không hoạt động, không kinh doanh, không đầu tư làm gì.
“Làm sao có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cố gắng các chính sách tác động đầu vào, làm khó khăn đầu ra không nên ban hành năm nay, chưa phải thời điểm thích hợp”, ông Tứ kiến nghị. “Ví dụ, nếu tăng giá điện, xăng dầu… thì chắc chắn nhiều loại hàng hóa sẽ lên mặt bằng giá mới”.
Theo Anh Quân
Các bài khác:
- [Stox] Khó khăn cốt lõi của nền kinh tế
- [VeF] Giảm lãi suất: Đừng chỉ là "sóng" ảo
- [VnEc] Fitch Ratings: Kinh tế Việt Nam đang đi vào ổn định
- [VeF] Tăng trưởng cao và vững bền thương hiệu
- [SGTT] Kinh tế khó khăn, sản phẩm dịch vụ “vỉa hè” được mùa
- [SGTT] Bãi bỏ yêu cầu bắt buộc công chứng năm loại hợp đồng nhà đất
- [SGTT] Chỉ rút được bài học là làm hợp đồng chặt hơn
- [VeF] Khó chịu lỗ thêm: Xăng muốn tăng giá đầu tháng 3
- [DĐDN] Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu nói về quyền, tiền và lợi ích nhóm
- [VNN] Những điều đảng viên không được làm
- [VNN] Không để xảy ra 'điểm nóng' về tôn giáo
- [ĐV] Người Thanh - Nghệ nói về chuyện đồng hương bị ‘tẩy chay’
- [TT] Gian nan cắm mốc biên cương
- [VnEx] Đại gia Việt bán máy bay riêng không phải nộp thuế