[Marketing3k.vn] Từ những hậu quả của sân golf, cần nhìn lại hiện trạng các casino ở Việt Nam, khi tính hiệu quả kinh tế của các dự án casino hoàn toàn chưa phải là một minh chứng rõ ràng.
Đi trước quy định
Ở các casino, phản ảnh từ chính của những khách chơi cho thấy lượng khách tham gia vào casino này không hề đông, cho dù cơ sở vật chất đã ngốn một khoản đầu tư rất lớn. Điều này cũng là thực tế mà mà nhiều sân golf đối mặt
Từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước, khi dự án mở casino đầu tiên tại Đồ Sơn khởi động, đã diễn ra rất nhiều ý kiến phản bác việc cho nước ngoài đầu tư sòng bạc tại Việt Nam.
Làn sóng dư luận phản bác dâng cao vào thời gian đó là có thể hiểu được, bởi môi trường đạo đức vào giai đoạn đầu của thời mở cửa dù sao vẫn còn được giữ gìn nghiêm cẩn hơn nhiều so với những năm sau này. Nhưng hệ quả là mọi phản bác đã không có kết quả nào. Hình như dư luận xã hội đã tỏ ra quá lo xa về tính tác động tiêu cực của casino.
Ngược lại, quan điểm ưu tiên tăng trưởng kinh tế lại đã thắng thế. Đầu tư nước ngoài vẫn được chấp nhận, dù đối tượng của nó là đầu tư sòng bạc. Từ năm 1995 đến nay, dù vẫn chưa hình thành một khung luật cho đối tượng này, các sòng bạc vẫn dần dần xuất hiện tại nhiều địa phương.
"Vui chơi có thưởng" có lẽ chỉ là một cụm từ nghe... cho vui. Sự tranh luận về khái niệm này đã từ lâu chẳng đi tới đâu. Từ năm 2009, Bộ Tài chính đã dự thảo một văn bản quy định các điều kiện về casino, được xem là khung pháp lý đầu tiên cho đối tượng này.
Nhưng 3 năm qua, dự thảo khung pháp lý trên vẫn chỉ là dự thảo, trong khi hoạt động "vui chơi có thưởng" đã thành hình thành một cách nhanh chóng.
Nhưng, có lẽ không cần bất cứ một khung pháp lý nào nữa, vì hiển nhiên pháp lý đã chỉ theo đuôi thực tiễn. Nhiều casino đã mọc lên, và cũng như đối với dự án sân golf, nhiều sự việc đã được đặt vào thế đã rồi.
Cứu cánh cho du lịch?
Cũng như phong trào làm sân golf, lại đang hình thành một phong trào "xúc tiến" làm casino tại khá nhiều tỉnh. Điều đáng nói là trong bối cảnh mặt bằng dân trí hầu như không được nâng lên, mặt bằng thu nhập ngày càng bị chia cắt bởi hố phân hóa xã hội càng thêm sâu rộng, chính quyền một số địa phương đã gần như không quan tâm đến những nghịch lý ấy, mà chỉ thuần túy chạy theo tính thời thượng của những dự án được coi là "cứu cánh" cho phát triển kinh tế của địa phương mình.
Những gì mà chúng ta đang có được sinh ra từ thiên nhiên. Nhưng thiên nhiên cũng sẵn lòng lấy lại những gì đã trao nếu chúng ta không biết tôn trọng sự trao giữ đó.
Và người ta có quyền lo ngại, những dự án như liên hợp du lịch - casino, sự kết hợp casino với môi trường thiên nhiên trời phú có thể được xem là một "tuyệt tác", nhưng không phải của bà mẹ thiên nhiên, mà bởi sự cưỡng bức từ tham vọng và tham lam của con người.
Tham vọng và tham lam đó có thể lại tạo nên những nghịch lý nối tiếp trong diễn biến kinh tế xã hội ở các địa phương. Nghịch lý nổi bật nhất chính là sự mất cân bằng nghiêm trọng giữa điều được mệnh danh là tăng trưởng kinh tế với môi sinh, sinh thái và các vấn đề xã hội. Trong số đó, câu chuyện sân golf gần đây là một ví dụ.
Từ những năm 2000-2001 cho tới giai đoạn 2008-2009, có khá nhiều nông dân từ các địa phương nơi phổ biến cơn lốc sân golf lấn chiếm đất canh tác - như Long An đã có đơn khiếu kiện về vấn đề nay. Nội dung khiếu kiện cũng không nằm ngoài những "đặc thù" của vấn đề thu hồi đất làm dự án ở Việt Nam: bồi thường không thỏa đáng, không bảo đảm tái định cư và môi trường sinh sống làm ăn cho nông dân sau khi bị thu hồi đất...
Ngoài ra, hàng loạt hậu quả về môi trường, sự mất ổn định của quy hoạch mà hậu quả với tính hệ thống của nó còn đào sâu vào khía cạnh phân cách giàu nghèo... cũng đã được đặt ra.
Chính vì thế, trong khi nhiều nhà đầu tư đang đề xuất những dự án hàng tỷ USD về sân golf, các địa phương hào hứng xin cấp phép... thì tất cả hãy bình tĩnh nhìn lại những bài học chưa xa.
VIẾT LÊ QUÂN
Các bài khác:
- [VnEc] HSBC: Kinh tế Việt Nam 2012 “vẫn cần kiên nhẫn”
- [VnEc] Sai số thống kê FDI lên tới... 10 tỷ USD
- [SGTimes] Băn khoăn quỹ tiết kiệm nhà ở
- [VnEx] Toàn cảnh vụ thâu tóm Sacombank [SGTT] Không dễ thay HĐQT Sacombank [DT] Ẩn số thương vụ Sacombank: Không chỉ là cuộc chiến giữa hai "đại gia"
- [VOV] 4 ngân hàng lớn nhất đã giảm lãi suất cho vay
- [TVN] Chiến lược biển Đông mới của Trung Quốc
- [SGTT] Việt Nam có 23 triệu người dùng internet