Nợ công và hiệu quả của đầu tư công

12/11/110 nhận xét

Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được xây dựng
 theo phương thức đầu tư BOT . Ảnh Thanh Tùng
[Marketing3k.vn] Vấn đề nợ công của Việt Nam, bao gồm cả nợ vay nước ngoài lẫn nợ vay trong nước, cần được xem xét đầy đủ trong mối quan hệ mật thiết với đầu tư công.

Theo số liệu được công bố, nợ công hiện chiếm 54,6% GDP của Việt Nam (nợ nước ngoài chiếm 41,5% GDP, tương đương 50 tỉ USD) và cho đến năm 2015, con số này sẽ lên đến 60 - 65% GDP, một sự gia tăng mạnh mẽ cả về số tương đối lẫn số tuyệt đối. Các quan chức Bộ Tài chính cũng như Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng so với nhiều nước tỷ lệ này không cao, vẫn còn trong vòng kiểm soát. Nhưng một số đại biểu Quốc hội lại nhận định rằng vấn đề nợ công đang trở nên rất nghiêm trọng trong điều kiện cán cân thương mại nước ta liên tục khiếm hụt trong nhiều năm và số nợ công hiện đang cao gấp nhiều lần dự trữ ngoại tệ của quốc gia. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa có lý khi kêu gọi cảnh giác về sự gia tăng của nợ công và đề nghị cần cân nhắc xây dựng lại chỉ tiêu nợ công vì đối với nhiều nước đang phát triển, nợ công chỉ cần trên 40% GDP đã đáng lo. Còn đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng: “Đến cuối năm 2011, nợ công Việt Nam ở mức 54,6% GDP, mức này theo tôi là rất cao và cần có những cảnh báo, khi so sánh với các nước trong khu vực - nợ công của Thái Lan là 44%, Indonesia là 39,7%, Philippines là 47,3%. Vậy mà tôi thấy còn nhiều ý kiến cho rằng nợ công Việt Nam vẫn ở mức an toàn, vẫn đảm bảo an ninh tài chính”.

Thật ra, xem xét vấn đề nợ công và đánh giá hiệu quả của việc đi vay nợ của Chính phủ cũng gần giống như xem xét và đánh giá hiệu quả tín dụng của doanh nghiệp, không thể chỉ nhìn vào con số tuyệt đối. Khi doanh nghiệp đi vay tiền mà làm ăn có hiệu quả, có lợi nhuận thì có đi vay hàng chục tỉ đồng cũng tốt. Nhưng nếu doanh nghiệp đi vay tiền mà làm ăn lỗ lã, không trả được nợ gốc và lãi vay thì 1 tỉ đồng cũng là quá nhiều. Vay nợ không trả được không còn là vấn đề riêng của doanh nghiệp. Gần đây, thế giới đã chứng kiến những trường hợp vỡ nợ quốc gia mà Hy Lạp là một điển hình.

Vấn đề nợ công của Việt Nam, bao gồm cả nợ vay nước ngoài lẫn nợ vay trong nước, cần được xem xét đầy đủ trong mối quan hệ mật thiết với đầu tư công. Nợ công sẽ không quá nặng nề khi đầu tư công được cắt giảm hợp lý và có hiệu quả. Một số liệu do Bộ Tài chính công bố cho thấy rằng trên 70% nguồn vốn ODA được sử dụng cho đầu tư công và cung ứng vốn thực hiện các dự án sản xuất kinh doanh của các tập đoàn kinh tế nhà nước. Điều đáng tiếc là khu vực kinh tế nhà nước làm ăn thường không hiệu quả. Các số liệu thống kê chính thức cho biết rằng khu vực kinh tế nhà nước chiếm 70% tổng vốn đầu tư quốc gia nhưng chỉ đóng góp khoảng 30% vào tổng sản lượng quốc gia. Điều đó có nghĩa là các khu vực tư và khu vực đầu tư nước ngoài chỉ sử dụng 30% vốn đầu tư quốc gia nhưng lại đóng góp đến 70% tổng sản lượng. Hiệu quả sử dụng nguồn vốn của khu vực kinh tế nhà nước như vậy là bốn lần kém hơn các khu vực kinh tế khác, năng suất lao động kém hơn và thu nhập lao động bình quân cũng thấp hơn, trong khi khu vực này ngoài những ưu đãi mang tính chính sách về nguồn vốn, về lãi suất còn được hưởng các đặc quyền, các ưu thế kinh tế vượt trội mà các khu vực khác không có.

Mặt khác, tình trạng lãng phí trong việc sử dụng đồng tiền vay nợ của đầu tư công càng ngày càng đáng báo động. Nguồn vốn vay thường được đầu tư dàn trải cho nhiều ngành, nhiều địa phương theo sự đòi hỏi không bao giờ đủ của họ trở nên mỏng và thiếu, dẫn đến tình trạng phổ biến ở mọi ngành, mọi nơi là đầu tư dở dang, kéo dài, dự án đầu tư chậm đưa vào hoạt động, chi phí đầu tư ngày càng tăng. Chỉ đơn cử một vài dự án đầu tư xây dựng cầu đường, cảng sông… được báo Tuổi Trẻ ngày 25-10-2011 nêu ra tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Cần Thơ, con số thiệt hại và lãng phí đã lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Nếu tính cho tất cả các dự án đầu tư công trên cả nước, số thiệt hại và lãng phí về thời gian, tiền bạc sẽ là một con số khó tưởng tượng. Đó là chưa kể đến hiện tượng tham nhũng đã xà xẻo nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn ODA ở cả hai đầu: từ phía người đi vay lẫn người cho vay. Nhiều chuyên gia kinh tế thế giới đã khuyên chính phủ các nước đang phát triển cần thận trọng, cảnh giác và thể hiện tinh thần trách nhiệm cao đối với việc vay vốn ODA. Tuy rằng ODA thể hiện thiện chí hỗ trợ phát triển của nước cho vay và là một nguồn vốn dài hạn lãi suất thấp rất hấp dẫn đối với các nước nghèo nhưng tấm huy chương ODA không phải không có mặt trái. Việc tiếp cận nguồn vốn này không dễ dàng và luôn đi kèm với những điều kiện giải ngân nghiêm ngặt, vừa kinh tế vừa chính trị. Lãi suất vay vốn ODA bề ngoài có vẻ thấp, nhưng trên thực tế không thấp vì các điều kiện liên quan đến việc tiếp cận và giải ngân nguồn vốn này làm phát sinh các chi phí phụ không hề nhỏ đối với nước đi vay. Điều đáng nói hơn là các chương trình ODA từ những nước giàu với những mục tiêu tốt đẹp và nhân đạo của chúng hiếm khi được thực thi một cách hiệu quả bởi bộ máy hành chính nặng nề, đầy tính thư lại cùng những thủ tục rắc rối phức tạp dễ dẫn đến những mối quan hệ tiêu cực và tham nhũng.

Nhiều thập niên trước đây, khi đánh giá hiệu quả của các khoản viện trợ kinh tế không hoàn lại từ Mỹ và một số nước công nghiệp phát triển cho các nước nghèo, nhiều nhà kinh tế đã xác quyết rằng viện trợ không hoàn lại không hiệu quả bằng cho vay, lý do được nêu ra là viện trợ không gắn với trách nhiệm trả nợ nên nước đi vay khi tiếp nhận viện trợ đã không màng đến chuyện làm sao sử dụng viện trợ có hiệu quả mà thường là lãng phí. Viện trợ không hoàn lại trở thành một mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng. Do đó, họ đề nghị các nước giàu nên sử dụng biện pháp cho vay hỗ trợ phát triển và xem đó như một phương thức tài trợ hiệu quả hơn là viện trợ không hoàn lại. Thực tế cho thấy các khoản cho vay từ các nước công nghiệp phát triển không chắc mang đến hiệu quả tốt hơn là bao so với các khoản viện trợ trước đây, nhưng chúng đã tạo thêm gánh nặng nợ nần ngày càng nặng hơn cho các nước đang phát triển và trong nhiều trường hợp dẫn đến sự tùy thuộc ngày càng nhiều hơn của các nước con nợ đối với các nước chủ nợ. Nhiều thập niên ODA đã trôi qua, nhưng những trường hợp phát triển điển hình từ ODA không nhiều. Những con hổ châu Á (Đài Loan, Singapore, Hongkong, Hàn Quốc) là những nền kinh tế phát triển chủ yếu từ nội lực của chính họ. Nhưng có một thực tế khác không thể phủ nhận, là đối với người dân nhiều nước đang phát triển, viện trợ không hoàn lại vẫn tốt hơn đi vay vì chí ít con cháu họ ngày sau không phải mang oằn vai gánh nặng nợ nần mà thế hệ trước đã để lại.

Nhưng nợ công không phải chỉ mang lại những khoản đầu tư công lớn gây áp lực lạm phát cao đối với nền kinh tế, có đối phần là những công trình xây dựng hạ tầng đã được hoàn chỉnh hay còn dở dang. Dù sao, những công trình này vẫn là tài sản của nền kinh tế quốc gia, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân và là bệ phóng cho tăng trưởng kinh tế. Còn một phần không nhỏ của nợ công được cấp phát cho việc đầu tư sản xuất kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ công của các công ty quốc doanh. Trên thực tế, các kết quả thống kê và đánh giá phân tích đều cho thấy rằng các hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế Nhà nước phần lớn không hiệu quả. Chỉ số ICOR ghi nhận trong khu vực kinh tế nhà nước là 8, có nghĩa là khu vực này phải bỏ ra 8 đồng đầu tư (cũng có nghĩa là 8 đồng nợ) mới có được 1 đồng sản phẩm, cao gấp đôi khu vực kinh tế tư doanh. Mặt khác, do năng suất kém đồng thời được hưởng độc quyền, giá cả của sản phẩm và dịch vụ công thường rất cao trong khi các công ty quốc doanh lại thường xuyên hoạt động lỗ lã và cần được bù lỗ từ ngân sách quốc gia. Hậu quả là người tiêu dùng các sản phẩm dịch vụ công đó vừa phải trả một giá cao hơn, vừa phải trả thuế nhiều hơn. Nói cách khác, chính người dân trong nước phải trả tiền cho sự kém hiệu quả của đầu tư công, nhất là các doanh nghiệp nhà nước, đồng thời phải trả thuế để trả nợ công. Chưa hết, việc ưu đãi nguồn vốn cho một vài ngành kinh tế nhà nước có độc quyền còn đưa đến tình trạng cạnh tranh không cân sức đối với các khu vực kinh tế khác, nhất là khu vực tư doanh, bằng cách lấy đi những cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh mà đáng lẽ ra họ đáng được hưởng. Những cơ hội đó không những mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, cho người lao động trong nước mà còn đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế quốc gia. Như vậy, nợ công nhiều, đầu tư công cao nhất là nguồn vốn cấp cho doanh nghiệp nhà nước càng lớn, càng làm cho tính kém hiệu quả của nền kinh tế tăng lên, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam và nền kinh tế Việt Nam càng xuống thấp.

Trong báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh “Chính sách tài khóa được điều hành theo hướng thắt chặt, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước, đồng thời rà soát, cắt giảm và sắp xếp lại đầu tư công...”. Cắt giảm đầu tư công chắc chắn sẽ giúp giảm nợ công, một bước tiến quyết định hướng đến mục tiêu cắt giảm bội chi ngân sách và giảm thuế. Cần thay thế nợ công bằng những phương thức khác hiệu quả hơn như phương thức đầu tư BOT trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng. Đẩy mạnh thực hiện chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng sẽ làm giảm việc cấp vốn và bù lỗ, tiết kiệm ngân sách, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng cường năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc dân. Đó sẽ là những nỗ lực đúng đắn của Chính phủ vì lợi ích chung của đất nước dân tộc, được mọi người mong đợi.

Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần - Huỳnh Bửu Sơn
Các bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP