[Marketing3k.vn] Là một thạc sĩ tâm lý tốt nghiệp ở Mỹ, nhưng có lẽ điều làm nên chỗ đứng của cô hôm nay trong lòng sinh viên không phải là tấm bằng danh giá kia mà chính bởi một lòng tha thiết yêu nghề cùng tất cả sự chân thành, tận tuỵ của cô với sinh viên.
1.Đi qua một chặng đường 12 năm với bao lần thay đổi rồi Phoenix Hồ mới biết đâu là nơi mình thuộc về. Tốt nghiệp chuyên ngành thương mại – marketing ở Mỹ, cô về Việt Nam theo lời mời hợp tác của một người bạn cho dự án thành lập khu nghỉ dưỡng ở Mũi Né. Tuổi trẻ, năng động, thích tự do nên cô chỉ cần thích là sẽ đi, sẽ nhận làm và hoàn toàn không quan tâm nhiều đến các vấn đề khác. Và khi dự án không thành, cô tiếp tục ở lại Việt Nam để theo học chương trình master education tại trường đại học RMIT và tham gia những hoạt động thiện nguyện. Sau văn bằng thạc sĩ đầu tiên, cô nhận ra vị trí công việc của một hiệu trưởng hay hiệu phó không phải là việc mình thích. Phoenix thích đi dạy học, cô từng thử đi làm giáo viên nhưng rồi nó cũng không phù hợp. Quyết định quay trở về Mỹ, cô tiếp tục học thêm văn bằng thạc sĩ thứ hai ở chuyên ngành tư vấn tâm lý. Tại đây, cô vừa học và vừa làm tư vấn gia đình, công việc mới cho cô niềm vui được lắng nghe, tư vấn và làm cầu nối cho nhiều người như cô hằng muốn. Nhiều lần nghĩ rằng mình sẽ ở lại Mỹ và tiếp tục công việc này, nhưng mối nhân duyên với Việt Nam lại thêm một lần cho cô được trở về nước với lời mời vào vị trí chuyên viên tư vấn hướng nghiệp của trường đại học quốc tế RMIT.
Với cô, về Việt Nam là vì duyên nhưng ở lại và gắn bó lại vì yêu. Yêu một lần nữa lại là yêu nghề, yêu công việc và môi trường làm việc đang có. Đã gần ba năm, nhớ về ngày đầu tiên cô bảo rằng cô không nghĩ sẽ gắn bó với nơi này đến thế. Còn hôm nay, cô biết mình không muốn thay đổi bất kỳ một điều gì nữa. Công việc tư vấn hướng nghiệp cùng môi trường làm việc quốc tế thân thiện, sáng tạo đã như một mảnh ghép cuối cùng vừa khin khít cho bức tranh sự nghiệp của cô. Chia sẻ thêm về những thiên khiếu nghề nghiệp, cô kể rằng ngày còn bé cô rất thường quan tâm đến các anh chị, bạn bè của mình rằng họ thích học môn gì, cá tính họ sẽ phù hợp với ngành nghề gì. Nhưng thực sự cả một quãng đường trước đó, cô chưa hề có ý niệm rằng mình sẽ là một giáo viên tư vấn hướng nghiệp như hôm nay. Không chỉ là một người cô, một người bạn đầy sẻ chia của sinh viên ở trường, mỗi cuối tuần cô còn dành ra ít nhất từ ba đến năm tiếng cho các hoạt động hướng nghiệp cộng đồng cùng viện Nghiên cứu giáo dục. Là một trong những chuyên viên tư vấn hướng nghiệp đầu tiên tại Việt Nam hiện nay, cô hiểu rõ công tác hướng nghiệp ở nước nhà chỉ mới bắt đầu chập chững như một em bé vừa tập đi. Với lòng yêu nghề và tha thiết được đồng hành cùng cộng đồng học sinh, sinh viên, cô mong những việc của mình hôm nay sẽ như một vết dầu loang giúp cho mọi người có cái nhìn sâu sắc hơn và rộng hơn về sự cần thiết của hướng nghiệp. Tự bản thân mình, cô hiểu sự nghiệp cũng quan trọng như tình yêu, ai cũng cần và muốn tìm thấy một con đường mình phù hợp để được gắn bó và hạnh phúc.
2. Là một thạc sĩ tâm lý tốt nghiệp ở Mỹ, nhưng có lẽ điều làm nên chỗ đứng của cô hôm nay trong lòng sinh viên không phải là tấm bằng danh giá kia mà chính bởi một lòng tha thiết yêu nghề cùng tất cả sự chân thành, tận tuỵ của cô với sinh viên. Kể lại chính mình ngày xưa, cô cũng tự mình đi và tìm tòi ra điều mình phù hợp, dẫu cô cũng đôi lần tìm gặp những nhà tư vấn giáo dục ở Mỹ. Bằng những kinh nghiệm mình đã trải qua, bây giờ cô đem nó vào công việc để giúp cho sinh viên được cảm thấy chia sẻ nhiều hơn. Lắng nghe, phân tích và cùng sinh viên tìm ra một quyết định hợp lý nhất, thay vì thiên nhiều về khuyên giải hay áp đặt các em nghe theo mình là cách cô vẫn làm. Động lực lớn nhất trong nghề của cô là được nhìn thấy sự ảnh hưởng của mình trong quyết định của các em, những quyết định khiến các em sinh viên được hạnh phúc với điều mình lựa chọn, không gợn những băn khoăn hay rối bời như ngày đầu họ gõ cửa tìm gặp cô. Nếu đó là niềm vui, động lực trong nghề thì những điều cảm động nhất cô sẽ nhớ mãi, chính là những trường hợp tư vấn mà ở đó có cả bố mẹ cùng tham gia với sinh viên. Mang theo mình hai nền văn hoá Pháp – Việt, cô hiểu trong truyền thống Việt Nam thì quyết định trong lựa chọn nghề nghiệp của con cái vẫn còn bị ảnh hưởng bởi bố mẹ rất nhiều. Chính vì thế, thử thách nhất cũng là thành công nhất trong sự nghiệp của cô hôm nay, chính là những lúc cô được nhìn thấy cả bố mẹ và con họ cùng có chung một quyết định, mà ở đó không còn nữa những bức xúc giữa hai thế hệ, không còn nữa ánh mắt thất vọng vì con không nghe bố mẹ, hay vì bố mẹ không chịu hiểu con. Để được như ngày hôm nay, tất cả những gì cô làm đều xuất phát từ sự lắng nghe, kiên nhẫn và thấu hiểu. Vì cô hiểu, cha mẹ cũng như con cái, không một ai muốn người kia buồn. Tất cả cha mẹ đều muốn con được thành công. Tất cả con cái đều muốn mình được tự quyết định và có trách nhiệm với cuộc đời mình. Nên cô tin, nếu cả hai được có cơ hội để cùng hiểu và học cách tin tưởng lẫn nhau, thì sẽ không còn nữa nỗi buồn vì mâu thuẫn chọn nghề của phụ huynh và sinh viên.
3. Luôn rạng ngời với nụ cười thường trực và đam mê hết lòng với công việc, nhìn cô có lẽ khó ai biết được đây là người phụ nữ đã trải qua một cuộc ly hôn, và tình yêu lớn nhất bây giờ với cô là một cậu con trai kháu khỉnh vừa tròn bốn tuổi. Một chút e dè khi tôi được biết cô đã ly hôn, nhưng khi tôi gợi hỏi thì cô lại cười và hoàn toàn thoải mái để chia sẻ về một chặng đường mình đã qua. Không bi luỵ, không nuối tiếc hay oán trách, cô cho rằng mình vẫn còn may mắn vì cô với chồng cũ vẫn là bạn, vẫn luôn hỗ trợ nhau trong công việc và chăm sóc Gấu, cậu con trai nhỏ của cả hai. Đã từng có đó những ngày rất buồn nhưng nếu cuộc sống quay lại từ đầu, cô vẫn chọn yêu bố Gấu, vẫn sẽ hạnh phúc và trân trọng từng khoảnh khắc ấm áp của cả gia đình như đã từng. Và khi chuyện phải đến, cô vẫn sẽ chia tay và chấp nhận hết mọi quyết định của mình. Vì đó là cuộc đời, vì cô là người luôn biết mình là ai và cần gì trong mỗi thời khắc hiện tại…
Theo SGTT - THỤY DU, ẢNH: HẢI ĐÔNG
(Nguồn: http://sgtt.vn/Nguyet-san/Chi-tiet/154973/Neu-cuoc-doi-co-lenh-%E2%80%9CUndo%E2%80%9D.html)
(Nguồn: http://sgtt.vn/Nguyet-san/Chi-tiet/154973/Neu-cuoc-doi-co-lenh-%E2%80%9CUndo%E2%80%9D.html)
Các bài khác:
- [BBC] Căn bệnh lạm phát đại học ở Việt Nam?;
- [TS] Việt Nam đứng thứ tám về số sinh viên du học ở Mỹ
- [ND] Thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2012
- [VnEx] 'Không nên lạm dụng giáo sư, bác sỹ vào quảng cáo'; [SGGP] Bộ nào quản lý quảng cáo?
- [ND] Vai trò của di sản và bảo tàng ảnh trong đời sống đương đại
- [TTVH] Dành Nhà hát Lớn cho nghệ thuật hàn lâm
- [TN] Tiếng cười và nỗi đau trong Quê hương
- [TTVH] Nguyễn Trọng Tạo và những cái mới không hề gây “sốc”
- [DTL] VĂN QUANG - Hiện tượng văn hóa phái nữ
- [VNN] Bị trả lại đơn kiện, Hội Nhà văn bức xúc
- [VNN] Sao Việt phì nhiêu với "đùi ếch" (làm ca sĩ ở VN khó quá, mặc cái gì cũng...)
- [VNN] Quan niệm ‘hạnh phúc’ mới ở TQ: Ít người, nhiều sex