Việt Nam: Tiền đề cho cải tổ giáo dục Đại học

1/10/110 nhận xét

Áp lực về hiệu quả, chi phí buộc các trường ĐH
phải tái cấu trúc (ảnh minh họa: Forums idr.edu.vn)
[Marketing3k.vn] Đã có nhiều ý kiến về hiện trạng yếu kém của giáo dục và hiến kế những biện pháp khắc phục. Lần này, chúng tôi trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết của một trí thức kiều bào bàn về «Tiền đề cải tổ giáo dục đại học».

1/. Vấn đề cải tổ giáo dục Đại học không mới, nhiều chuyên gia, trong đó có chuyên gia trí thức Việt kiều, đã lên tiếng, trực tiếp hay gián tiếp, từ nhiều năm nay.

Cố gắng gần đây nhất của trí thức Việt kiều là Kỷ yếu Humbold (những điều quan trọng, kỷ yếu Humbold đã viết ra hết rồi, từ tự do hàn lâm đến các mô hình của các nước láng giềng hay mô hình giáo dục ở Mỹ...).

Đó cũng không phải là vấn đề của riêng nước ta. Tổ chức Hợp tác phát triển ở châu Âu (OCDE) cũng nghiên cứu thường xuyên những phương thức cải thiện giá trị của chất lượng giáo dục Đại học và giúp các nước thành viên làm tốt hơn hệ thống giáo dục của họ.

2/. Muốn cải tổ một cách khoa học, đầu tiên ta cần liệt kê và nghiên cứu hết thực trạng Đại học qua các dấu hiệu, tổng kết, lập thang đo, so sánh và đánh giá sau đó.

Đánh giá giai đoạn này giống như y khoa để chẩn bệnh, sau đó mới suy nghĩ cân nhắc và tìm liều thuốc. Chẩn bệnh chính xác và toàn diện mới trị bệnhđúng được. 

Phải đánh giá trước mới định đường hướng thay đổi, tùy theo hoàn cảnh, phương tiện, nhân lực ... Cứ nói là «tệ, phải đổi». Nnhưng tệ chỗ nào, tệ đến bực nào, vì sao tệ ? Biết tường tận rồi mới lên kế hoạch: cái gì có thể đổi được, đổi theo đường hướng nào, tại sao, trong thời hạn là bao nhiêu năm, với những kết quả dự trù nào.

Với những phương kế chính, phương kế phụ và phương kế phòng hờ nào, và với những thủ tục nào để đánh giá các kết quả trong quá trình cải tổ ... ?

Hiện OCDE có chương trình AHELO (Assessment of Higher Education Learning Outcome) để đánh giá kết quả bậc Đại học - tương đương với PISA dành cho Trung học chẳng hạn.

Những ý kiến phát biểu trên các diễn đàn, trong đó có nhiều ý kiến khẳng định mạnh mẽ, có bằng cớ, có luận cứ, nhưng vẫn chỉ là những giả thuyết hay nhận xét của những cá nhân, dù cho các cá nhân ấy là những nhà khoa học có uy tín.

Ta có truyền thống Hội nghị Diên Hồng, thu thập ý dân, kinh nghiệm của các bậc lão thành. Nhưng ta cần làm việc một cách khoa học, hợp với thời đại.

Ta theo dân chủ tập trung, nhưng một bộ luật giáo dục dù tân tiến và hoàn hảo đến mấy cũng khó áp dụng, mau lỗi thời và có thể phản tác dụng vì quá cứng nhắc.

3/. Phải cải tổ toàn diện. Không như kiểu vá áo, vá vụng về, nay đổi chỗ này, mai thay chỗ khác. Sinh viên đại học xuất thân từ trung học cơ sở và phổ thông, các hệ giáo dục theo một logic nhất định - hệ trước chuẩn bị hành trang cho hệ sau. Không giỏi toán thì làm sao học kỹ sư? Trung học cơ sở và phổ thông là nền móng cho giáo dục Đại học.

Chỉ lo cải tổ Đại học là «làm ngọn», trong khi «gốc» cũng có thể đã lung lay hay là cần «thêm nguồn sinh khí».

Bản thân tôi rất thiết tha đến giáo dục mầm non. « Dạy con từ thuở còn thơ ...». Ngay ở bên trời Âu, để làm giảm bất bình đẳng ở cấp Trung và Đại học chẳng hạn, nhiều nhà sư phạm đề nghị phải lo từ các lớp mẫu giáo - ở tuổi mà bộ não các cháu rất mềm dẻo, các cháu hấp thụ rất nhanh và rất tốt những «dạng», «mẩu» hay «mô hình» căn bản giúp các cháu tiếp thu những tri thức mới sau này. 3-6 tuổi là tuổi của phát triển khả năng ngôn ngữ, kể cả khả năng về tiếng mẹ đẻ. Kiểm soát và giàu khả năng ngôn ngữ là giúp phát triển vũ trụ của những biểu tượng và trí óc trừu tượng, những cơ sở tối cần cho học hỏi.

Mặt khác, dạy các cháu về đạo đức xã hội ở thời điểm này cũng có những hiệu quả tuyệt vời.

Tất cả những vốn liếng thu nhận được ở bậc mầm non thành những hành trang rất cần để sống tốt cả đời, trong đó có sự học. Nói theo kiểu nhà xã hội học Pierre Bourdieu «đấy là những mẫu sống, nhân cách cần để cư xử và hành động» (habitus). Thiếu những mẫu ấy thì khó thành công hơn vì văn hóa của trường học, văn hóa tri thức nhiều khi khác với văn hóa của gia đình học sinh.

Cần cải tổ cả xã hội nữa, với những bậc thang giá trị, đạo đức, liên hệ giữa người với người ... Xã hội và Đại học không là hai hòn đảo biệt lập. Xã hội và Đại học liên hệ hỗ tương với nhau.

Thí dụ khái niệm «tự do hàn lâm» trong Đại học chẳng hạn phải đi đôi với khả năng, trách nhiệm, lương tâm, tận tụy, trong sạch ... của người làm khoa học - những đức tính mà khoa học gia đã tiếp thu được từ gia đình và xã hội. Tự do hàn lâm được xem như là khuôn vàng thước ngọc tại các Đại học trên thế giới (trong Kỷ yếu Humboldt 2011, GS Ngô Bảo Châu viết «môi trường Đại học cần tự do tuyệt đối»). Nhưng giao tự do hàn lâm cho một người quen với gian trá, giả dối thì sẽ là một thảm họa.

Tôi vẫn nghĩ gia đình và học đường là hai thành lũy cuối cùng của đạo đức xã hội: Phải làm sao chống tham nhũng trong giáo dục và cải tổ quản lý.

4/. Đặt cơ sở triết lý giáo dục (Vì sao dạy và học Đại học) trước khi đặt vấn đề dạy/học gì và dạy/học như thế nào ?

Ngày nào ta còn quan niệm rằng học để ra làm «quan », để mưu sinh - tức là chỉ thực dụng, thì đừng trách tinh thần trọng bằng cấp rồi từ đó nẩy nở ra các tệ hại khác như : bằng giả bằng dỏm, mua bán bằng ... Nhìn sâu vào chi tiết hơn thì có trường có môn tuyển được nhiều thí sinh, có môn bị xem rẻ; chấm điểm xếp hạng trường và thậm chí có xu hướng «tị nạn giáo dục» - ra nước ngoài dạy và học.

Học vì muốn làm người? Học để sống trong xã hội? Học vì hạnh phúc? Học để giúp nhà giúp nước? Học để rèn bản thân? Học để thỏa lòng đam mê muốn khai phá những điều mới mẻ? ...

Nghiên cứu khoa học cũng thế. Cần có nghiên cứu ứng dụng, nhưng nghiên cứu cơ bản dù không thấy có ích lợi trước mắt, cũng cần nữa (Toán là một ngành nghiên cứu cơ bản chẳng hạn). Xã hội có những nhu cầu ngắn hạn, nhưng muốn phát triển bền vững thì phải nghĩ xa hơn, chuẩn bị để trả lời cho những nhu cầu của xã hội trong tương lai.

Trừ phi ta chỉ muốn theo chân người khác và sao chép thành quả của người khác.

Ta chờ đợi gì ở Đại học ? Đào tạo một tầng lớp tinh hoa của xã hội, để góp phần vào sự nghiệp quốc gia, phát triển bền vững và độc lập tự do hạnh phúc – ba phạm trù cuối này, ta đã đặt trên bất cứ mẫu văn kiện nào từ nhiều thập niên qua ?
Vấn đề triết lý giáo dục thành ưu tiên một, đặt nền tảng và hướng đi cho mọi cải tổ, đổi mới.

(ảnh minh họa: Forums idr.edu.vn)

5. Kinh nghiệm của nước ngoài ?

Nhiều chính trị gia trong nước ra những quyết định «đúng với trào lưu, các nước văn minh đã làm rồi». Nhiều Việt kiều cũng «hiến kế». Dĩ nhiên, theo dấu những người đi trước có thể giúp ta rút ngắn thời gian «thử thách, tìm tòi». Có những kinh nghiệm ở Mỹ, ở Úc, ở Phần Lan ...

Nhưng lấy thí dụ những mô hình của Bỉ, chẳng hạn: những mô hình này chỉ áp dụng được cho hoàn cảnh đặc thù của Bỉ. Vả lại, tiếp thu kinh nghiệm giáo dục Bỉ là tiếp thu cả vấn đề bất bình đẳng trước Đại học và tỉ lệ sinh viên thi rớt ở năm đầu hay sao (phân nửa sinh viên vừa vào Đại học ở Bỉ phải bỏ học, chuyển ngành hay ngồi lại vì thi rớt năm đầu – một tỉ lệ không ai chấp nhận nhưng từ bốn mươi năm nay, chưa ai tìm ra giải pháp thật sự hữu hiệu !) ?

Kinh nghiệm của nước ngoài cần để tham khảo và chỉ để tham khảo thôi. Trước khi áp dụng phải kiểm chứng với bối cảnh Việt Nam.

Thế nhưng, dù không dựa trên kinh nghiệm nước ngoài, vấn đề nhân sự – giảng viên, giáo sư, khoa học gia, ít nhất là trong ngắn hạn, là một vấn đề cam go. Có thể phải cậy ở nguồn nhân lực của nước ngoài trong đó có nguồn trí thức và khoa học gia Việt kiều. Trung Quốc, Singapore và Hàn Quốc đã giải quyết vấn đề nhân sự Đại học như vậy cách đây mấy mươi năm.

Nhiều nhà giáo vẫn nói «học một biết mười» để nhấn mạnh vai trò tự học ở Đại học. Một cách tương tự, trong vấn đề nhân sự : phải biết mười để dạy một, nếu không thì làm sao bảo đảm được chất lượng của việc giảng dạy và trả lời được các nhu cầu rất đa dạng của sinh viên trong quá trình phát triển, rất nhanh của khoa học? Trừ phi là ta muốn dậm chân tại chỗ, dạy cho sinh viên những gì ta đã học mấy năm về trước. Hiện ta đang nghèo về nhân sự có khả năng chuyên môn cao trước những nhu cầu càng ngày càng bức xúc của (theo tôi được biết là) gần 2 triệu sinh viên.

6/. Cuối cùng, vấn đề cải tổ Đại học nói riêng và cải tổ giáo dục nói chung cần làm gấp vì những chậm trễ trong khoa học khó bắt kịp sau đó. Một nền giáo dục và khoa học bị ...đau ốm - để tiếp tục việc so sánh với việc chẩn bệnh và trị bệnh ở trên - thì tương lai, vận mệnh quốc gia sẽ ra sao?

Cải tổ Đại học và cải tổ các bậc khác cùng làm song song như hai mũi nhọn cho một vấn đề. Trong vài năm sẽ đào tạo được những chuyên viên trí thức có khả năng góp phần mình tiếp tục làm tốt hơn nữa cho ngành giáo dục, hoàn thiện cải tổ bậc trung học và bậc mầm non hay làm sâu hơn công tác nghiên cứu khoa học.

Trong lúc đó, nghiên cứu về hiện trạng giáo dục, hiện trạng xã hội , các nhu cầu của xã hội ... sẽ chẳng những có ích cho việc cải tổ giáo dục, mà sẽ còn là những đột phá nhìn nhận tầm quan trọng của các khoa học xã hội và nhân văn, mở đường để tiến tới một xã hội phát triển hài hòa và bền vững.

Còn một vấn đề tế nhị lại nằm ngoài chuyên môn của tôi, nhưng tôi nghĩ tăng lương cho giáo viên, giảng viên là một việc cần. Việc này hợp lý vì người làm giáo dục đóng một vai trò quan trọng trong xã hội. Có lương đủ sống giúp các nhà giáo dành hết thì giờ cho học trò, mức lương chấp nhận được sẽ lôi cuốn nhiều người trẻ lăn xả vào sự nghiệp khoa học và sự nghiệp trồng người ...

Tôi đang mơ có một viện thống kê độc lập mà bất cứ lúc nào cũng có thể cho ta chân dung chính xác với số liệu của mọi khía cạnh của xã hội: từ kinh tế, nhân chủng, tới y tế, giáo dục ... Để từ đó « bắt mạch » được xã hội, hầu có cơ sở mà suy nghĩ tới những phương thức phát triển, cập nhật. Hiện nay, một thí dụ nhỏ: muốn tìm tổng số sinh viên Đại học và Cao đẳng ở Việt Nam cũng khó khăn.

Mong là con đường đi đến một nền giáo dục có chất lượng không quá nhiều chông gai.

Nhưng tôi yên tâm vì Việt Nam ta vẫn nói : 
«Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi,
Chỉ khó vì lòng người ngại núi e sông»

Nguyễn Huỳnh Mai
Liège, Bỉ
----------------------------------------
LTS Dân trí - Những ý kiến đóng góp của tác giả Nguyễn Huỳnh Mai từ Bỉ gửi về khiến chúng ta phải lưu ý để có lộ trình phù hợp, có căn cứ khoa học cho quá trình cải cách giáo dục. Để không mắc những sai lầm đáng tiếc hoặc thực hiện cải tổ một cách chắp vá giống như người « vá áo », vá được chỗ này lại bục ra chỗ khác.

Nền giáo dục vốn tồn tại là một hệ thống giáo dục từ mầm non lên đến đại học, cho nên chất lương giáo dục của những bậc học ở dưới luôn là tiền đề cho chất lượng những bậc học tiếp theo. Không thể nâng cao chất lượng giáo dục đại học một cách căn bản nếu không bảo dảm chất lượng cần thiết của những bậc học bên dưới.

Lâu nay ta vẫn còn coi nhẹ bậc học mầm non, đa số cô giáo của bậc học này ở nông thôn không có trong « biên chế », đời sống tối thiểu không được bảo đảm. Như vậy làm sao bảo đảm được chất lượng của bậc học mở đầu đời người và có ý nghĩa sâu sắc đến việc hình thành những khả năng và tính cách của con người như tác giả bài viết đã nhấn mạnh?

Cải cách nền giáo dục có nhiều bất cập và yếu kém là cần thiết, nhưng cần «đổi mới » một cách căn bản và toàn diện cả hệ thống giáo dục mới đạt được kết quả mong muốn.
----------------------------------------
Các bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP