Kịch bản kinh tế 2011 - 2015 được các chuyên gia đánh giá vẫn có nhiều nghịch lý. Ảnh: Bloomberg |
[Marketing3k.vn] Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam hiện rất khó để tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước trong khi vẫn muốn giữ lạm phát giảm dần.
Kế hoạch phát triển kinh tế 2011 – 2015 vừa được Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và sắp tới là Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIII cho thấy nhiều chuyển biến trong tư tưởng điều hành.
Với mục tiêu lấy ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát làm trọng tâm, cùng với đó là duy trì tăng trưởng hợp lý, đi đôi với tái cơ cấu nền kinh tế, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng Chính phủ đã có cách tiếp cận tương đối "sòng phẳng" và thực tế hơn so với giai đoạn trước.
"Mặc dù vẫn đưa ra mục tiêu tăng trưởng 'hợp lý' nhưng việc Chính phủ chấp nhận mức tăng trưởng bình quân khoảng 7% thấp hơn so với mục tiêu mà Đại hội Đảng đề ra (7-7,5%) để duy trì ổn định là một tín hiệu rất đáng ghi nhận", Tiến sĩ Doanh nhận định.
Đây cũng là con số được Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên – Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho là phù hợp với giai đoạn phát triển hiện tại của Việt Nam cũng như bối cảnh kinh tế thế giới. "Nếu Việt Nam không tăng trưởng được khoảng 6,5-7% một năm thì rất khó đảm bảo an sinh xã hội. Các cân đối vĩ mô khác cũng rất khó giữ được", Tiến sĩ Kiên phân tích.
"Tuy nhiên, để đạt được con số 7% nói trên là không đơn giản. Nó đòi hỏi phải điều hành quyết liệt và đồng thuận cao trong xã hội. Rõ ràng trong 2 phương án tăng trưởng 6,5% và 7%, Chính phủ đã chọn phương án khó hơn", Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nhận định.
Một cái khó khác được chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chỉ ra là việc cơ quan điều hành vẫn đặt ra một kế hoạch với mức tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước (năm 2011 dự kiến 5,8-6%, 2012 là 6,5%, giai đoạn 2013-2015 có thể cao hơn) trong khi muốn đưa lạm phát giảm dần (CPI năm 2015 dưới 7%).
Theo phân tích của nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), làm được điều này trong điều kiện của Việt Nam là rất khó. "Hàn Quốc, Singapore… có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng nhanh trong khi lạm phát vẫn ở mức thấp là do nền kinh tế của họ phát triển chủ yếu dựa vào khoa học kỹ thuật. Trong khi đó, Việt Nam lâu nay chỉ chủ yếu tăng trưởng nhờ đầu tư", bà Lan giải thích.
Cũng theo chuyên gia này, trong kế hoạch phát triển 5 năm tới, vai trò của khoa học công nghệ, kinh tế tri thức, nguồn nhân lực chất lượng cao… đã được đề cập ở một vị trí cao hơn nhưng các giải pháp đưa ra chưa thật sự rõ ràng, cụ thể. "Nếu tiếp tục lấy vốn làm động lực chính thì tăng trưởng bền vững với mức lạm phát thấp là điều rất khó", chuyên gia này nhận định.
Một nghịch lý khác cũng được các chuyên gia kinh tế chỉ ra là vấn đề quản lý nợ công trong 5 năm tới. Theo đề xuất trong bản kế hoạch cũng như những phát biểu gần đây của Chính phủ, nợ công sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới để phục vụ nhu cầu phát triển và có thể đạt khoảng 65% GDP (trong đó nợ của Chính phủ khoảng 55% GDP) vào năm 2015. Mặc dù 2 con số này đã được Thường vụ Quốc hội đề xuất giảm xuống lần lượt là 60% và 50% GDP nhưng theo các chuyên gia kinh tế, con số này vẫn là quá cao.
"Câu chuyện không phải là nợ bao nhiêu mà nằm ở việc khu vực công sẽ sử dụng đồng vốn ấy như thế nào, hiệu quả hay không, kế hoạch chi trả ra sao. Đây là điều mà Chính phủ cần tính kỹ", Tiến sĩ Lê Đăng Doanh phân tích.
Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, việc tiếp tục gia tăng nợ công cho thấy khu vực Nhà nước vẫn chưa sẵn sàng nhường lại sân chơi cho các doanh nghiệp tư nhân. “Nhà nước vẫn sẽ đóng vai trò nhà đầu tư chính. Như vậy thì khó có thể tái cơ cấu đầu tư, chứ chưa nói chuyện tái cơ cấu nền kinh tế”, bà Lan phân tích.
"Một thực tế mà người ta chứng kiến trong những năm gần đây là nợ công của Việt Nam tăng nhanh trong khi GDP không cải thiện được là bao. Nó cho thấy câu chuyện nợ chỉ mang thêm gánh nặng cho nền kinh tế, chứ không thể giúp gì cho phát triển", chuyên gia này nhận định.
Có quan điểm tương đối ôn hoà hơn so với bà Phạm Chi Lan, Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên cho rằng bài toán quản lý nợ công sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc nền kinh tế sẽ tăng trưởng như thế nào trong vòng 5 năm tới: "Đúng là khi vay nợ, Chính phủ sẽ phải cân nhắc kỹ đến việc sử dụng cũng như nguồn chi trả. Tuy nhiên, nếu Việt Nam tăng trưởng tốt thì cùng một con số tuyệt đối, tỷ lệ nợ so với GDP sẽ giảm đi. Nỗi lo cũng sẽ vơi bớt phần nào", ông Kiên chia sẻ.
Cũng theo vị Phó chủ tịch Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, kịch bản nói trên được cơ quan chức năng xây dựng dựa trên giả định kinh tế thế giới diễn biến không quá xấu (Mỹ không suy thoái kép, EU sẽ cứu Hy Lạp khỏi cuộc khủng hoảng nợ công…). Do vậy, việc thực hiện thành công hay không vẫn phụ thuộc không nhỏ vào diễn biến của kinh tế toàn cầu trong giai đoạn cuối năm 2011 và quý I/2012.
Theo VnExpress - Nhật Minh
Các bài khác:
- [VnEc] Ngân hàng Nhà nước: Đủ điều kiện và giải pháp bình ổn tỷ giá
- [SGTimes] Tìm công bằng khi chia "chiếc bánh" ngân sách
- [SGTimes] Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm vốn cho thị trường
- [SGTimes] SCIC muốn bán vốn nhà nước tại 420 doanh nghiệp
- [SGTimes] Hạn chế đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực phi sản xuất và hệ lụy
- [VnEc] Họp nhóm ngân hàng “G12 + 1”: Nhiều vấn đề phải xử lý!
- [DV] Về tái cấu trúc nền kinh tế, TS Trần Đình Thiên: Bắt đầu từ cải cách ngân sách
- [DNSGCT/Viet-studies] Toạ đàm: Từ chuyện quy hoạch đến sự phân tán nguồn lực kinh tế hoặc link này
- [NLĐ] Khối ngoại bán mạnh cổ phiếu
- [SGTimes] Cao ốc văn phòng mới chật vật tìm khách thuê
- [VnEc] Bộ trưởng và lời hứa [DĐDN] Các tân Bộ trưởng: Phát ngôn cá tính, hành động dấn thân [VnEx] Bộ trưởng thay tổng chỉ huy dự án ngay tại công trường
- [VnEx] Thừa trình độ, bệnh viện nội vẫn 'thua trên sân nhà'
- [TN] Người Philippines ở TP.HCM - (Kỳ 1): Osin cao cấp
- [LĐ] Hàng triệu nam giới Việt có nguy cơ… ế vợ
- [VnEx] Thực phẩm biến đổi gene, lợi ít hại nhiều
- [CATP] Cảnh giác khi mua vé mát xa trên quán nhậu