[Marketing3k.vn] Vì không tuyển đủ thí sinh (TS) nên trong năm học mới này, nhiều trường ĐH hoặc tạm ngừng hoặc chính thức không đào tạo một số ngành.
Công lập cũng chật vật
Hai ngành tiếng Pháp và song ngữ Pháp - Anh có thể sẽ ngưng đào tạo tại trường ĐH Nông Lâm TP.HCM. PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng - Phó hiệu trưởng trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết: “Các năm qua, hai ngành này tuyển không được TS. Năm nay tình hình cũng bi đát như vậy, TS đậu vào sẽ được chuyển sang ngành khác học”. Không những thế, bốn ngành học tại Phân hiệu Ninh Thuận của trường là nông học, công nghệ thông tin, quản lý môi trường, kinh tế nông lâm cũng phải ngưng đào tạo.
Tin từ Ban Đào tạo ĐH Đà Nẵng cho biết sẽ đóng cửa 2 ngành sư phạm giáo dục chính trị và văn hóa học của trường ĐH Sư phạm. Ngành sư phạm giáo dục đặc biệt chỉ tuyển được 12 TS cho 3 đợt tuyển, trong khi chỉ tiêu là 41; ngành văn hóa học chỉ tuyển được 8 TS trong khi chỉ tiêu là 42. Những TS trúng tuyển của 2 ngành học này sẽ được phép chuyển ngành, vào học những ngành có điểm chuẩn tương đương, hoặc được bảo lưu kết quả trúng tuyển cho năm học sau.
Kết thúc thời hạn nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 3, lãnh đạo nhiều trường ĐH tại đồng bằng sông Cửu Long gần như tránh trả lời khi báo chí đề cập về những thông tin liên quan đến hồ sơ xét tuyển. Tiến sĩ Nguyễn Văn Đệ - Hiệu trưởng trường ĐH Đồng Tháp, cho biết hồ sơ xin xét tuyển nguyện vọng 3 không nhiều. Năm nay trường chỉ tuyển được khoảng 70% so với tổng chỉ tiêu Bộ GD-ĐT giao. Theo ông Đệ, do lượng hồ sơ quá ít nên ĐH Đồng Tháp quyết định dừng tuyển sinh 4 ngành: sư phạm kỹ thuật công nghiệp, sư phạm kỹ thuật nông nghiệp, khoa học thư viện, công nghệ thiết bị trường học.
Năm 2011 trường ĐH An Giang cũng lâm vào thế nhiều ngành tuyển không đủ TS để mở lớp. Thạc sĩ Hoàng Xuân Quảng, Phó hiệu trưởng, chua xót đề cập những ngành ĐH phải đóng cửa. Cụ thể là ngành sư phạm vật lý, sư phạm hóa học, sư phạm địa lý, chăn nuôi thú y. “Năm nay trường chỉ tuyển được trên 85% so tổng chỉ tiêu các ngành đào tạo ĐH, CĐ. Trường rất cố gắng nhưng nguồn TS đạt điểm sàn trở lên lại không dồi dào”, ông Quảng nói.
Khó khăn cho ngành khoa học cơ bản
Dự phòng số TS ảo, ĐH Huế đã quyết định gọi thêm gần 1.500 chỉ tiêu cho nguyện vọng 3, thế nhưng chỉ có 421 hồ sơ đăng ký. PGS-TS Nguyễn Văn Tận - Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học, cho biết: “Vì phần lớn các ngành đào tạo của trường là cơ bản nên rất khó thu hút TS. Hiện nay các em chỉ chuộng các ngành thuộc lĩnh vực kinh tế, ra trường dễ xin việc, dễ kiếm tiền. Do đó, cũng không nên ngạc nhiên khi các học sinh giỏi toán chọn thi vào các trường Kinh tế, Ngoại thương; học sinh giỏi văn thi vào báo chí... Các ngành cơ bản vì vậy mà ngày càng thiếu vắng sinh viên”.
Còn PGS-TS Nguyễn Đức Hưng - Phó giám đốc ĐH Huế, cho rằng việc các ngành cơ bản không tuyển được TS là tình trạng chung của các trường ĐH trên cả nước, chứ không riêng gì Huế. “Đây là một vấn đề vĩ mô cần có định hướng và chiến lược của Chính phủ, bản thân các trường ĐH không thể một mình giải quyết. Chẳng hạn ngành triết học có chính sách ưu đãi sinh viên theo học không phải đóng học phí song vẫn không có người học, bởi các em nhìn thấy không có tương lai cho đầu ra”, ông Hưng nhấn mạnh. Theo ông Hưng, một số ngành nếu ít TS, sẽ vận động sang học các ngành khác tương đương trong cùng khối. Nếu TS vẫn quyết định theo học ngành mình đã đăng ký, theo quy chế đào tạo tín chỉ, trường vẫn tạo điều kiện cho sinh viên theo học. Tuy nhiên, ông Hưng vẫn khẳng định: “Một số ngành không có TS đến nhập học, chúng tôi sẽ tạm ngừng đào tạo một năm chứ không có chuyện đóng cửa các ngành này”. Đồng thời, ông Hưng thông tin thêm, sắp tới, ĐH Huế sẽ tổ chức các cuộc họp nhằm rà soát, cấu trúc lại các ngành nghề đào tạo hiện nay để có sự thay đổi cho phù hợp hơn, ví dụ những ngành quá hẹp sẽ được ghép lại với một ngành lớn hơn chung lĩnh vực.
Ngoài công lập hụt hơi
Công nghệ thông tin và tiếng Anh là thế mạnh của trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định mà đến nay trường vẫn chưa chắc chắn số lượng TS đến nhập học có đủ để mở lớp không. Nếu điều này xảy ra, trường sẽ phải động viên các TS chuyển qua các ngành học khối kinh tế. Tương tự, trường ĐH Văn Hiến quyết định sẽ không đào tạo hai ngành xã hội học và văn hóa học do tuyển được quá ít TS. Các TS trúng tuyển vào hai ngành này sẽ được động viên chuyển qua học các ngành khác trong trường.
Ông Lê Công Cơ - Chủ tịch HĐQT trường ĐH Duy Tân cho hay: “3 ngành quan hệ quốc tế, văn học, VN học có khả năng đóng cửa vĩnh viễn vì với đà này chắc chắn những năm tiếp theo vẫn không tuyển được TS”. Ban Đào tạo trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng cũng thông tin năm nay quyết định đóng cửa ngành tiếng Anh vì sau 3 đợt tuyển, không có TS nào đăng ký.
-----------------------
Miếng bánh nhỏ
Năm nay, không chỉ các trường ngoài công lập đưa ra những cách thức thu hút TS như tặng tiền, học bổng… mà ngay cả những trường công lập lớn, ở một khía cạnh nào đó, cũng lôi kéo người học.
Gần như tất cả các trường ĐH thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM đều áp dụng nguyện vọng 1B. Một vài trường khác, như trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, xét tuyển nguyện vọng 2 cho TS điểm cao của trường mình. Những trường khác lại có chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình đặc biệt hoặc chương trình đào tạo ngoài ngân sách… Hậu quả là không còn bao nhiêu TS có điểm thi bằng điểm sàn bước vào “sân chơi” nguyện vọng 3 của những trường ĐH ngoài công lập. Chính vì vậy, những chiêu lôi kéo, thưởng tiền cho TS bắt nguồn từ chuyện “miếng bánh nhỏ nhiều người giành giật” này.
-----------------------
Theo Thanhnien - Đ.Nguyên - Q.M.Nhật - D.Hiền - M.Phương
(Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20111014/Ket-thuc-tuyen-sinh-2011-Nhieu-truong-dong-cua-nganh.aspx)
Các bài khác:
- [T.Tra] Cần cải thiện giáo dục đại học để duy trì tăng trưởng
- [VTC] Doanh nghiệp “lắc đầu” vì SV thiếu kỹ năng mềm
- [VnEx] Giáo viên không có bảng điểm vẫn được xét biên chế
- [TT] Bộ với sở căng thẳng chuyện lạm thu
- [DT] Kiên quyết chấn chỉnh tình trạng lạm thu và dạy thêm học thêm
- [VNN] 'Nhà trường không thể lấy phụ huynh làm lá chắn'
- [VOH] Tp.HCM: 1800 học sinh bỏ học
- [TT] Nội trú dân nuôi và ước mơ "cơm có thịt"
- [VNN] Chỉ 0,59% học sinh Hà Nội khó học văn minh
- [VNN] 2011 rồi, sinh viên vẫn khổ vì nước
- [DT] Cô giáo “tố ngược” bố mẹ chồng
- [SH] Một số khuynh hướng trong đời sống văn học, nghệ thuật hiện nay
- [TVN] Một xã hội vắng bóng những "tuyệt tác"!
- [TVN] Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh: Viết cũng “tùy duyên”
- [VVN] Nhà thơ Trần Đăng Khoa và nỗi buồn sau ánh hào quang
- [VVN] Nhà văn, trước tiên cần bàn đến nhân cách
- [TT] Thăm chùa cổ lịch sử văn hóa ở Cần Thơ
- [ĐV] Thực hư 'tiên nữ' xuất hiện ở chùa cổ nhất Hà thành