Tự truyện của Andrew Carnegie

11/9/110 nhận xét

[Marketing3k.vn] “Hãy ngấu nghiến trong việc học và chắc rằng những người khác cũng được lợi từ tài sản trí tuệ và tiền bạc của bạn” 

“Không có hành động tốt nào lại bị cho là vô ích. Ngay cả đến giờ này, tôi thỉnh thoảng gặp những người đàn ông mà tôi đã quên và họ nhắc lại những sự quan tâm nho nhỏ mà tôi đã dành cho họ, đặc biệt trong thời gian tôi làm việc ở đường sắt và điện báo của chính phủ Washington trong thời nội chiến. Khi tôi có thể đưa mọi người từ chiến tuyến này sang chiến tuyến kia - một người cha được giúp đỡ để gặp cậu con trai bị thương của mình ở chiến trường, hoặc được phép mang thi hài của con về nhà, hoặc các việc tương tự. Tôi biết ơn những chuyện nho nhỏ này, một số sự quan tâm hạnh phúc nhất và những sự cố làm hài lòng nhất trong cuộc đời tôi.” 

“Lời khuyên của tôi dành cho những thanh niên là không chỉ dành thời gian và quan tâm cho chỉ một việc mà nên bỏ đô la trong số vốn của mình vào đó…Còn đối với bản thân tôi, quyết định của tôi đã được đưa ra từ sớm. Tôi tập trung vào sản xuất thép và thành bậc thầy trong lĩnh vực.” 

Andrew Carnegie 

Ông của Andrew Carnegie là người đầu tiên lập ra thư viện nhỏ cho mượn sách tại quê hương của Carnegie ở Dunfermline, Scotland, vào thời chưa có thư viện công cộng. Là những người dệt vải bình thường, gia đình của ông không giàu có gì, nhưng sự yêu thích và tôn trọng dành cho sách truyền đạt kiến thức tạo một dấu ấn lên chàng trai Andrew. Về sau, khi ông giàu có, tủ sách là sự chọn lựa hiển nhiên để ông tiêu hàng đống tiền vào đó. 

Dù không được đi học đàng hoàng, Carnegie đánh giá cao giá trị của người có đầu óc cởi mở. Cũng giống Benjamin Franklin, ông biết rằng “những người lãnh đạo là những người đọc nhiều sách” và rằng của cải được tạo ra từ kiến thức sâu rộng và tư duy tốt. Khi thư viện đầu tiên do ông tài trợ được xây, người ta yêu cầu để huy hiệu của ông ở lối vào. Thay vào đó, ông yêu cầu có một tấm bảng vẽ mặt trời và tia nắng cùng hàng chữ “Hãy để nơi này thắp ánh sáng.” 

Câu chuyện ngắn của gia đình Carnegie 

Sinh năm 1835, Carnegie vui hưởng tuổi thơ của mình trong sự che chở đùm bọc của một gia đình nhiều thế hệ. Cha của ông đưa cả gia đình đến Mỹ khi ông sắp lên mười tuổi, nhưng giọng nói của Carnegie và tình cảm dành cho mọi thứ thuộc Scotland không bao giờ rời ông. 

Ông từng làm nhân viên điện báo và đường sắt ở Pittsburgh, và sau đó đi lên từ công ty đường sắt Pennsylvania. Khi nội chiến nổ ra, ông được yêu cầu phụ trách mảng đường sắt và điện báo của chính phủ Mỹ, và ông đã đảm trách công việc một cách xuất sắc. Ông là một người theo đảng Cộng hoà và chống lại chủ nghĩa nô lệ, và đây là cơ hội tốt để ông phục vụ cho tổ chức này. 

Ngoài khả năng to lớn trong công việc và cách đối xử với con người, Carnegie đã chọn đúng con đường cho mình. Hệ thống đường sắt của nước Mỹ đang trong thời kỳ phát triển nhanh, và ông đánh giá rằng “một ngành sản xuất như của chúng ta chắc chắn khó phát triển nhanh đủ để phục vụ mong muốn của người Mỹ.” 


Sau khi bán công trình sản xuất thép lớn nhất của ông ở Mỹ, ông trở thành người giàu nhất thế giới. Ông trải qua thời kỳ nghỉ hưu ở lâu đài Skibo yêu quý của ông ở Scotland, và qua đời ở Lenox, Massacchusetts vào năm 1919. 

Nguyện vọng của ông là dành trên 100 triệu đôla để xây các thư viện công cộng trên khắp nước Mỹ và Anh, và dành nhiều quà tặng cho các trường đại học. Người yêu chuộng hoà bình Carnegie rất buồn lòng bởi chiến tranh Thế giới thứ nhất bùng nổ, và cũng tài trợ tiền cho các tổ chức cổ đông cho hoà bình và nghiên cứu nguyên nhân của chiến tranh. 

Lời khuyên thành công trong cuộc sống và công việc của Carnegie 

Đầu tư vào bản thân 

Carnegie ghét việc đầu cơ chứng khoán. Ông nghĩ rằng một sự đầu tư tốt hơn là chọn một ngành nghề, học mọi thứ về ngành đó, và đầu tư cho việc kinh doanh của chính bạn: 

“Tôi tin rằng con đường đúng để đạt thành công xuất sắc ở bất kỳ ngành nào là trở thành người thông thạo trong ngành đó. Tôi không tin vào việc phung phí nguồn lực vào quá nhiều thứ. Và theo kinh nghiệm, tôi hiếm khi, nếu không nói là chưa bao giờ, gặp một người đàn ông thành công xuất sắc trong việc kiếm tiền…mà lại quan tâm đến nhiều thứ.” 

Đây là sức mạnh của tập trung, của việc hy sinh những thứ bạn có thể kiếm nhờ sự trải rộng để đạt một thị trường nhỏ hơn nhưng được xác định rõ ràng. 

…nhưng hãy phân tán các rủi ro 

Nhờ thành công lớn từ khi còn trẻ, Carnegie nổi tiếng là người táo bạo và không hề sợ sệt trong kinh doanh. Ông nói rằng hình ảnh này chính là sự thật. Thực ra, ông không bao giờ quá mạo hiểm vốn của chính mình hay của các đối tác: “Khi tôi làm một việc lớn, một số công ty lớn như Pennsylvania Railroad Company đứng đằng sau tôi và là người chịu trách nhiệm.” 

Bạn không nhất thiết phải mạo hiểm mọi thứ để suy nghĩ và hành động lớn lao. Bài học của Carnegie là làm sao để người khác nhận rủi ro và dùng uy tín của họ để hỗ trợ cho công ty của bạn. 

Thành công đến từ sự cởi mở và đối xử tốt với mọi người 

Carnegie tìm cách tạo ra sự minh bạch trong quản lý của tất cả nhà máy công nghiệp của ông. Ông giữ chúng thật trật tự và sạch sẽ và mời đón những thanh tra chính phủ. Ông luôn tìm kiếm những mối quan hệ tốt với các nhân viên của mình, và thường cho nhân viên thừ mà họ muốn trong chừng mực hợp lý. Vụ đình công ở nhà máy Hommested nổi tiếng với nhiều người chết xãy ra khi ông đang đi Scotland và việc này có thể đã không xảy ra nếu ông có mặt ở đó. 

Ông đã giúp nhiều nhân viên của ông trở thành giàu có. Giám đốc nhà máy Charles Schawb là người đầu tiên ở Mỹ được trả 1 triệu đôla mỗi năm. Trong cuốn Tư Duy và trở nên giàu có của Napoleon Hill, tác giả chú ý rằng số tiền lớn này không phải trả cho chuyên môn kỹ thuật của Schawb mà cho khả năng động viên nhân viên tuyệt vời của ông. Cũng như những gương thành công to lớn khác. Carnegie là một sinh viên học về bản tính con người và biết rằng chuyển năng lượng một cách hiệu quả vào lực lượng lao động là bằng chứng của một nhà lãnh đạo thực sự. Ông lưu ý: “Tôi không hiểu máy chạy bằng hơi nước, nhưng tôi cố hiểu cơ chế phức tạp hơn nhiều, đó chính là con người.” 


Hãy kiểm soát tâm trạng của bạn 

“Một tâm trạng vui vẻ đáng giá hơn cả gia tài. Người trẻ nên biết rằng tính tình có thể được trau dồi; rằng tinh thần cũng như thân thể có thể được chuyển từ bóng tối sang ánh sáng.” 

Hãy đọc ba dỏng này một lần nữa. Câu nói giản dị của Carnegie tóm lược hàng trăm sách về tự giúp bản thân và bí quyết thành công. 

Nói trước công chúng thực ra chỉ là nói 

Carnegie có hai quy luật để nói: 
  1. Nói với người ta, chứ không phải nói về họ. 
  2. Hãy là chính bạn, đừng cố gắng trở thành một “người diễn thuyết.” 
Hãy nhớ lời khuyên của Carnegie và bạn sẽ không cần phải theo học một lớp học đắt tiền nào. Cần phải bổ sung rằng để “là chính bạn” bạn phải bỏ thời gian để hiểu bạn là ai và bạn đại diện cho điều gì. Diễn thuyết là nói ra một từ như cách bạn muốn nó như vậy. Nói chuyện đến từ trái tim và luôn luôn chân thật. 

Hãy mở rộng quan hệ của bạn 

Bạn bè của Carnegie có Judge Mellon, Matthew Arnold, James Blaine, William Gladstone, tổng thống Harrison, Mark Twain, và Herbert Spencer. Những quan hệ này không được vun đắp để ông có thể khoe khoang với mọi người mà để ông có thể học hỏi trực tiếp từ kinh nghiệm và kiến thức riêng có của họ. Hãy luôn tìm kiếm những con người thú vị. 

Tìm kiếm kiến thức và giá trị, chứ không chỉ có tiền bạc 

Vào một buổi tối năm 1868 lúc ông được 33 tuổi, Carnegie viết một ghi nhớ cho bản thân ông khi ở khách sạn St. Nicholas ở NewYork. Ông bắt đầu cuốn ghi nhớ bằng “Ba mươi ba tuổi và thu nhập 50.000 USD một năm” và nói rằng ông có thể tổ chức công việc kinh doanh để kiếm được cùng số tiền đó mỗi năm, trong khi đó dành số tiền dư ra cho “các mục đích từ thiện” Trở nên triết lý hơn, ông viết về ý định nghỉ hưu lúc 35 tuổi và từ đó trở đi sẽ dành thời gian đọc sách và nghiên cứu. Dĩ nhiên ông đã không làm như vậy, nhưng qua việc này bạn thấy mầm mống của lòng bác ái của ông về sau này. Kiến thức có được từ việc đọc và nghiên cứu biểu trưng cho giá trị thực; một cuộc sống tốt là thực sự rộng mở đầu óc. Chỉ có tiền bạc thì không có giá trị gì. 

Đi du lịch để mở mang đầu óc 

Carnegie thích đi du lịch, đặc biệt khi có một chút phiêu lưu, và thôi thúc người khác quan sát thế giới nhiều hơn. Cuốn sách của ông tự đề Một người Mỹ đi xe tứ mã ở Anh ghi chép cuộc hành trình trên lưng ngựa dọc chiều dài của đất nước. Trong chuyến đi, ông cố gắng tìm hiểu sâu sắc về văn hoá từng vùng ông đi qua, chẳng hạn khi đến Trung Quốc ông đọc về Khổng Tử và khi đến Ấn Độ ông suy nghĩ về Phật và Bái Hoả Giáo. Sự tôn trọng dành cho các tôn giáo là đặc trưng cho sự cới mở tiếp thu của Carnegie, và cho niềm tin của ông rằng đi thăm những vùng đất mới sẽ giúp con người đánh giá tốt hơn về cái tổng thể. 

Lời bình cuối 

1835 - 1919
Với một giọng văn khiêm tốn, cuốn sách nhắc người đọc nhớ lại cuốn tự truyện của Benjamin Franklin, và cũng như sách của Franklin, nó làm kinh ngạc với câu chuyện về một người xuất thân tầm thường có thể thành công đến như vậy. Bạn hầu như sẽ chán ngán các chi tiết về những người đã giúp ông và trở thành người cố vấn của ông. Và dù chuyên tâm vào một vấn đề, là một người quyết đoán, luôn bằng mọi giá phải gặt hái thành công và đôi khi tàn nhẫn, Carnegie luôn muốn đền đáp lại thiện ý và chia sẻ thành công của ông. Ông nói với một vẻ thích thú về tuổi thơ của ông và sự suy sụp khi mẹ và anh trai của ông chết vì bệnh thương hàn, cả hai người đều đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp thành công thành của ông. Đám cưới dù muộn nhưng hạnh phúc đã giúp ông vui sống trở lại. 

Việc tài trợ rất nhiều cho thư viện của Carnegie là một trong những hành động tốt đẹp trong lịch sử, và tên của ông bay giờ gắn liền với tiền ông cho đi hơn là tiền ông làm ra. Câu chuyện của ông cho thấy rằng việc tích luỹ của cải bởi một cá nhân, nếu người đó có những hành động cao quý, là một trong những cách tốt nhất để làm cho thế giới tốt đẹp hơn.
Marketing3k.vn - 50 cuốn sách thành công
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP