Phải vì “lợi ích quốc gia”

4/9/110 nhận xét




Ông Deepak Mishra
[Marketing3k.vn] Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới Deepak Mishra trao đổi với TBKTSG về những thách thức của Việt Nam khi thực hiện Nghị quyết 11 trong bối cảnh các nhóm lợi ích đang tìm cách gây ảnh hưởng.

TBKTSG: Ông nhìn nhận như thế nào về những cam kết ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ nhiệm kỳ mới?

Ông Deepak Mishra: Chính phủ Việt Nam vẫn cam kết “ổn định kinh tế vĩ mô” như trong thông điệp nhậm chức của Thủ tướng. Điều này có nghĩa là Nghị quyết 11 vẫn tiếp tục được thực hiện, bao gồm duy trì mục tiêu tăng trưởng tín dụng và mức thâm hụt tài khóa đã công bố. Tương tự, cần phải dần hủy bỏ việc kiểm soát giá và các hạn chế định lượng (như trần lãi suất) và thay thế bằng những công cụ thị trường nhiều hơn. Ngoài ra, việc công bố số liệu, thông tin nhiều hơn và trao đổi tốt hơn với thị trường cũng giúp ích cho tiến trình thực hiện nghị quyết. Cuối cùng, bất ổn kinh tế vĩ mô của Việt Nam bắt nguồn từ những yếu kém về cơ cấu kinh tế, đầu tư công kém hiệu quả, quản trị doanh nghiệp nhà nước chưa tốt, sức khỏe của hệ thống ngân hàng không đủ mạnh... Tất cả đều là những vấn đề cần được giải quyết trong trung hạn.

TBKTSG: Nghị quyết 11 đã được thực thi hơn nửa năm, theo ông, có cần điều chỉnh điều gì cho phù hợp với thực tế?

Các công cụ chính sách là không đồng đều trong quá trình thực hiện Nghị quyết 11. Chính phủ đang dựa quá nhiều vào các chính sách tỷ giá và tiền tệ để đạt được ổn định kinh tế vĩ mô, trong khi chính sách tài khóa lại được sử dụng chưa đúng mức. Theo tôi, điều chỉnh lại sự mất cân bằng này là rất quan trọng. Một tầm nhìn tài khóa trung hạn, đáng tin cậy, trong đó Chính phủ có thừa nhận các khoản dự phòng nợ sẽ giúp nâng cao niềm tin của nhà đầu tư.

TBKTSG: Nhưng ngày càng có nhiều nhóm đòi hỏi Chính phủ trợ giúp, nhìn ở góc độ khác là đang thử thách Nghị quyết 11, theo ông nên xử lý tình huống này như thế nào?

Lợi ích duy nhất mà Chính phủ phải bảo vệ là lợi ích quốc gia. Thật không may, vì thiếu thông tin và số liệu tin cậy, những nhóm lợi ích khác nhau đang phàn nàn những điều khác nhau cứ như là sự thật. Ví dụ, Tổng cục Thống kê công bố, kinh tế tăng trưởng 5,6% trong nửa đầu năm 2011 và xuất khẩu tăng trưởng 33,7% trong tám tháng đầu năm 2011. Thế mà lại đầy rẫy những lời kêu ca rằng tín dụng không có và các doanh nghiệp thì đóng cửa. Thật khó giải thích hai diễn biến này. Theo tôi, một số vấn đề như vậy có thể được giải quyết bằng cách công khai các số liệu kinh tế tốt hơn và trao đổi những thay đổi về chính sách với thị trường nhiều hơn, rõ ràng hơn.

TBKTSG: Liệu Chính phủ có thể cân bằng giữa chống lạm phát và đảm bảo tăng trưởng, nhất là trong bối cảnh sức ép từ các nhóm đó ngày càng lớn?

Việc ổn định kinh tế vĩ mô có thể gây trở ngại cho việc đạt được tăng trưởng kinh tế nhanh trong ngắn hạn, nhưng chúng lại bổ sung cho nhau trong trung và dài hạn. Không một quốc gia nào có thể tăng trưởng 7-8% trong thời gian lạm phát hai con số và tỷ giá hối đoái biến động mạnh. Vì thế, những gì Chính phủ đang làm hiện nay là vì lợi ích dài hạn của Việt Nam, bao gồm cả lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp. Nếu Việt Nam muốn trở thành một quốc gia công nghiệp hóa hiện đại vào năm 2020, Việt Nam phải tìm được một giải pháp lâu dài cho những cơn sốt mang tính chu kỳ của nền kinh tế vĩ mô. Vì thế, điều quan trọng là mọi người nên ủng hộ những nỗ lực của Chính phủ.

TBKTSG: Hiện tại có nhiều chuyên gia cho rằng lãi suất cao có tác dụng ngược lên cuộc chiến chống lạm phát. Ông nghĩ thế nào?

Có rất nhiều yếu tố làm lạm phát cao ở Việt Nam - từ những cú sốc bên ngoài cho đến những vấn đề chính sách bên trong. Câu hỏi khẩn cấp đối với các nhà hoạch định chính sách không phải là điều gì gây ra lạm phát (mà các nhà kinh tế rất thích tranh luận), mà là làm sao giảm lạm phát xuống nhanh nhất. Từ quan điểm đó, chúng ta cần hỏi, Chính phủ nên tăng hay giảm lãi suất (thực)? Nếu lãi suất thực được giảm xuống, tín dụng sẽ trở nên rẻ hơn, và vì thế các doanh nghiệp và hộ gia đình sẽ vay nhiều tín dụng hơn. Điều này sẽ làm tăng tổng cầu gần như ngay lập tức. Tăng tổng cung sẽ mất thời gian - vì thế cầu tăng sẽ được đáp ứng qua tăng nhập khẩu hoặc tăng giá. Cho nên, giảm lãi suất (thực) bây giờ sẽ làm tiền đồng mất giá, hay thậm chí làm lạm phát cao hơn.

TBKTSG: Căn cứ vào những số liệu cập nhật về dự trữ ngoại hối, tỷ giá, lãi suất... thì ông có cái nhìn như thế nào về tình trạng kinh tế vĩ mô hiện tại của Việt Nam?

Đánh giá của chúng tôi phụ thuộc vào một số yếu tố như sức khỏe của kinh tế thế giới, việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết 11, độ sâu và rộng của các chương trình cải cách cơ cấu của Chính phủ... Nếu kinh tế thế giới không rơi vào suy thoái lần hai và Chính phủ kiên định thực hiện tất cả những biện pháp đã nêu trong Nghị quyết 11, chúng tôi hy vọng những ngày tốt đẹp hơn đang chờ phía trước. Tăng trưởng năm 2011 có thể cao khoảng 6%, cho dù lạm phát có thể vẫn còn cao trong bối cảnh mức lương tối thiểu sẽ tăng vào tháng 10 tới đây. Tuy nhiên, dự báo của chúng tôi có thể bị chệch đi vì rất nhiều rủi ro đang chờ phía trước không chỉ với nền kinh tế Việt Nam mà cả với thế giới.

TBKTSG: Theo ông những biến động gần đây như giá vàng, nợ công... trên thế giới có ảnh hưởng mạnh đến kinh tế Việt Nam?

Kinh tế thế giới đang trải qua một giai đoạn bất ổn chưa từng có, và vì thế, giới đầu tư đang có xu hướng “hướng tới chất lượng”. Điều này đã làm tăng giá các loại tài sản tương đối an toàn như vàng và trái phiếu chính phủ (của một số nước), và làm giảm giá thị trường mới nổi như là một loại tài sản. Điều này có nghĩa chi phí vay sẽ cao hơn và nhu cầu với các sản phẩm nợ sẽ thấp hơn với các nước như Việt Nam. Rõ ràng, Việt Nam không thể cách ly hoàn toàn khỏi những ảnh hưởng của giá vàng tăng và khủng hoảng nợ tại các quốc gia phát triển.
Tư Giang - SGTimes
Các bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP