Những bất cập trong điều hành giá xăng dầu

22/9/110 nhận xét

[Marketing3k.vn] Góc khuất trong kinh doanh xăng dầu, vốn chịu tiếng tăng nhanh giảm chậm nhiều năm qua, đang được xới xáo lên sau thông điệp mạnh mẽ của Bộ trưởng Tài chính.

Kinh doanh mặt hàng chiến lược xăng dầu từng được xem thuộc độc quyền Nhà nước. Nhà nước thực hiện vai trò chi phối thông qua quản lý hoạt động xuất nhập khẩu cũng như phân phối của 11 doanh nghiệp đầu mối, trong đó có Petrolimex với trên 60% thị phần. Petrolimex giữ vị trí thống lĩnh với vai trò chủ đạo là đảm bảo an ninh năng lượng, bình ổn giá cả và cân đối nguồn cung trên thị trường nội địa.

Căn cứ trên biến động thị trường, cơ quan quản lý sẽ ấn định mức giá tăng hay giảm trong dư địa trên dưới 10%. Trong trường hợp giá thế giới biến động mạnh, nếu phải giữ ổn định vì mục tiêu vĩ mô, Nhà nước sẽ bù lỗ cho các nhà nhập khẩu.
Chính sách này sau đó bị chỉ trích là quá lạc hậu so với thực tế khi mỗi năm, ngân sách Nhà nước phải trích bù hàng nghìn tỷ đồng. Thậm chí, có thời điểm, ngân sách Nhà nước phải gánh con số lỗ lên tới trên 20.000 tỷ đồng.
Năm 2008, điều hành xăng dầu có bước ngoặt mới khi giá bán lẻ được định hướng vận hành theo cơ chế thị trường. Các nghị định lần lượt ra đời cho phép doanh nghiệp tự quyền quyết định giá bán. Nhà nước chỉ giữ vai trò kiểm soát và sẵn sàng can thiệp khi thị trường có biến. Đổi lại, doanh nghiệp phải công khai cách tính giá và mỗi lần điều chỉnh phải báo cáo Tổ giám sát liên bộ với vai trò chủ yếu của Bộ Tài chính và Công Thương.

Nhưng việc trao quyền quá lớn cho doanh nghiệp bắt đầu nảy sinh bất cập. Thị trường tiếng là có tới 11 doanh nghiệp cạnh tranh nhưng thị phần khống chế lại rơi vào tay 4 ông lớn, trong đó Petrolimex với vai trò đầu tàu. Với lợi thế xuất phát điểm ban đầu là hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới phân phối, rộng khắp, vốn đầu tư..., Petrolimex có lợi thế cạnh tranh hơn hẳn các doanh nghiệp còn lại.

Kết quả là, các nhà nhập khác luôn phải "chạy theo" anh lớn kể cả về giá bán lẫn định hướng kinh doanh, trong khi xuất phát điểm của họ lại thấp, vốn cũng mỏng hơn. Vì vậy,người tiêu dùng không có bất cứ sự lựa chọn nào về sản phẩm, chất lượng cũng như giá cả...

Còn doanh nghiệp suốt nhiều năm vẫn bài ca lỗ để chủ động xin tăng giá mỗi khi thị trường thế giới biến động mà bỏ qua yếu tố cốt lõi là giá cơ sở cần được tính trong 30 ngày lưu thông. Ngược lại khi giá thế giới giảm, chưa một lần, doanh nghiệp đề xuất xin giảm giá bán lẻ theo.

Trong năm 2010, Bộ Tài chính ít nhất 2 lần ra văn bản yêu cầu doanh nghiệp giảm giá bán lẻ. Lần giảm hiếm hoi hôm 26/8 vừa qua, Bộ Tài chính cũng chủ động quyết bất chấp sức ép từ phía người tiêu dùng khi cho rằng mức giảm 500 đồng là quá ít, còn doanh nghiệp thì chỉ trích vì đang lỗ.

Sự hỗn loạn của thị trường xăng dầu hiện tại được giới chuyên gia nhìn nhận là tất yếu xảy ra trong bối cảnh chính sách điều hành rất nửa vời, "trả giá về thị trường" nhưng lại chưa tạo ra một thị trường cạnh tranh thực sự.Lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối chia sẻ: Nghị định 84 cho phép doanh nghiệp được tự quyết định giá bán lẻ xăng dầu, thế nhưng từ khi có cơ sở pháp lý này chưa khi nào doanh nghiệp được tự định đoạt giá bán.

Tiến sĩ Ngô Trí Long, người từng nhiều năm làm trong Viện nghiên cứu giá cả thị trường của Bộ Tài chính, cho rằng nguyên tắc quản lý giá theo cơ chế thị trường là tùy thuộc vào vị trí, tính chất (độc quyền hay cạnh tranh) của sản phẩm để có cơ chế quản lý phù hợp. Nếu là sản phẩm độc quyền thì Nhà nước định giá, còn sản phẩm cạnh tranh quyền này được trao cho doanh nghiệp. Thế nhưng, thực tế, điều hành xăng dầu của Việt Nam thời gian qua lại thể hiện dưới dạng "lưỡng tính", nửa vời, vẫn gần như độc quyền khi có doanh nghiệp chiếm thị phần trên 60% nhưng quyền tự quyết lại thuộc về doanh nghiệp.

Kết quả là khi giá thế giới biến động, doanh nghiệp lớn vẫn có lợi và chỉ cần duy trì mức lãi thấp, trong khi nhà nhập khẩu bé ít lợi thế lại lỗ rất nặng. Ngược lại, khi giá thế giới xuống thấp doanh nghiệp nhỏ chưa kịp hoàn hồ, Nhà nước ra quyết định giảm giá, họ lại chồng chất khó khăn, trong khi ông lớn lãi nhiều nhưng không có ý thức giảm giá. Đổi lại, họ lại tăng hoa hồng cho đại lý để tăng tính cạnh tranh.

Từ những bất cập này, ông Long đề nghị với thị trường xăng dầu còn độc quyền, Nhà nước vẫn cần kiểm soát giá bằng hình thức định giá, kế hợp với nhiều biện pháp nhằm khuyến khích tạo điều kiện cho cạnh tranh...

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Kinh tế Xã hội Hà Nội, cho rằng bất cập trong điều hành giá bán lẻ xăng dầu đã bộc lộ từ 2009. Mục tiêu của Chính phủ là "trả" giá xăng về cho thị trường, Nhà nước sẽ không bù lỗ hoặc bao cấp nữa. Thế nhưng, từ đó đến nay, xăng dầu chưa lúc nào thực hiện theo đúng cái nghĩa của thị trường cả. Thậm chí trong các đợt điều hành giá cả còn bộc lộ sự "thỏa hiệp" giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp kinh doanh độc quyền xăng dầu.

Kết quả là, giá bán lẻ trong nước vẫn theo kiểu tăng nhanh mà giảm chậm. Khi giá thế giới tăng, doanh nghiệp nhanh chóng đề xuất tăng giá bán lẻ trong nước nhưng khi thị trường đi xuống lại tìm đủ lý do để thoái thác chuyện giảm giá. "Chưa khi nào thấy nhà nhập khẩu đầu mối chủ động đề xuất phương án giảm giá bán mà đa phần do sức ép của dư luận mà cơ quan quản lý phải điều chỉnh giá", ông Phong nhận xét.

Theo ông, cơ chế giá xăng dầu của Việt Nam thời gian qua bộc lộ quá nhiều yếu tố lúng túng và rối. Doanh nghiệp liên tục kêu lỗ để tăng giá bán. Và điều đáng nói, các con số lỗ lãi này đều do doanh nghiệp tự khai, tự giải trình chứ chưa có cơ quan kiểm toán độc lập và công khai nào đứng ra kiểm chứng.
Nghe hai bộ tranh cãi về giá xăng
Sự bất cập trong quản lý, điều hành, kinh doanh xăng dầu được dư luận dấy lên từ nhiều tháng trước và lên đến cao trào khi Bộ Tài chính tổ chức buổi đối thoại trực tiếp có sự góp mặt của các bộ ngành, doanh nghiệp, chuyên gia và đông đảo báo chí. Cuộc họp này được đánh giá là "có một không hai" trong lịch sử ngành xăng dầu khi nó trở thành cuộc tranh cãi giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp và giữa chính những nhà điều hành xăng dầu với nhau.

Trong khi Bộ Tài chính liên tục yêu cầu Petrolimex giải trình con số lỗ lãi của từng mặt hàng từ đầu năm đến nay thì đại diện Bộ Công Thương lại lên tiếng phản đối vì cho rằng, câu hỏi này là không cần thiết. Tổng giám đốc Petrolimex - Bùi Ngọc Bảo được sự hậu thuẫn của bộ chủ quản nên không cần phải giữ kẽ mà nói thẳng: "Chúng tôi không tách ra từng mặt hàng giá lỗ lãi bao nhiêu mà tính tổng thể". Cũng chính vì không hạch toán từng mặt hàng nên ông Bảo cũng không thể nắm được cụ thể số lỗ của từng loại xăng cũng như dầu.

Và khi ông Tổng Bùi Ngọc Bảo không giải thích được rõ con số lỗ lãi, Bộ trưởng Huệ tiếp tục phản công: “Không thể hạch toán từng mặt hàng thì tôi không biết quản trị của các anh thế nào?”.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: Qua cuộc tranh luận này thị trường xăng dầu đã bộc lộ hết những mảng tối, những bất cập trong quản lý và cả sự lũng đoạn của doanh nghiệp bấy lâu. Từ trước đến nay, nhà quản lý chỉ biết lắng nghe doanh nghiệp mà cụ thể ở đây là Petrolimex báo cáo số lỗ lên đến hàng nghìn tỷ đồng để dọn đường cho tăng giá chứ chưa có ai thẳng thắn yêu cầu ông lớn này phải hạch toán cụ thể số lỗ như người đứng đầu ngành tài chính.

"Tôi thực sự ấn tượng với phát biểu của Bộ trưởng Vương Đình Huệ. Đáng tiếc là cuộc họp hôm đó, tôi cứ nghĩ như bao lần hội thảo khác nên đã không tham gia. Lâu lắm rồi mới có vị lãnh đạo lập trường rõ ràng và đứng về phía người dân chứ không phải doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.", bà Lan nói.

Sau tuyên bố làm rõ chuyện lỗ lãi này, Bộ Tài chính đã thành lập ngay đoàn kiểm tra để làm rõ chuyện lỗ lãi của các công ty kinh doanh xăng dầu lớn. Bà Lan cho rằng điều này chứng tỏ Bộ trưởng Tài chính không nói chơi mà ông đã có trong tay đầy đủ số liệu, chứng cứ để thực hiện theo đúng những gì ông nói: Nhà nước không dọa doanh nghiệp và doanh nghiệp cũng không thể dọa Nhà nước.

"Tôi thật sự mong các đơn vị chức năng phối hợp với Bộ Tài chính để làm rõ tính minh bạch trong kinh doanh xăng dầu. Nếu thị trường lập lại trật tự, đây sẽ là bước đột phá để tiến tới mục tiêu minh bạch thị trường điện", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nhấn mạnh.

Bà Lan cũng cho rằng qua cuộc tranh cãi giữa đại diện 2 bộ và Petrolimex càng bộc lộ một điều rằng lâu nay, quyền lợi của người tiêu dùng đã bị bỏ qua. Điều này càng thể hiện rõ qua các đợt điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Chẳng hạn, tại thời điểm tháng 6 khi giá thế giới giảm mạnh, lãnh đạo Petrolimex thừa nhận lãi to nhưng Liên bộ Tài chính đã không tiến hành giảm giá bán lẻ cho người tiêu dùng mà lại trích quỹ bình ổn và tăng thuế.

Đại diện Bộ Công Thương cũng tiết lộ trong cuộc họp này rằng tại thời điểm tháng 7, khi giá thế giới giảm, doanh nghiệp lãi, cơ quan này này đã đề xuất với Bộ Tài chính giảm giá. Thế nhưng, đề xuất này đã bị "lãng quên". Bà Lan cho rằng điều này cho thấy sự phối hợp giữa 2 bộ Tài chính - Công Thương có vấn đề và chưa ăn ý. Chưa kể, khi bị Bộ Tài chính bóc mẽ chuyện lãi to sáng 20/9 thì chiều 21/9, Petrolimex tổ chức cuộc họp báo riêng để phản đối.

Chuyên gia Vũ Đình Ánh nhìn nhận mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ sự minh bạch về thông tin. Minh bạch ở đây không phải là cơ quan quản lý công bố công thức tính giá hay diễn biến của thị trường mà là lý do lỗ lãi, lỗ ở đâu, con số cụ thể như thế nào. Và con số lỗ lãi này có sự kiểm chứng của cơ quan quản lý không.

"Công thức tính giá, ai cũng biết. Diễn biến của thị trường thế giới chỉ cần vào mạng là có thể tra cứu thông tin. Vấn đề nằm ở chỗ mỗi lần tăng hay giảm giá, doanh nghiệp phải giải trình được lý do một cách thuyết phục và minh bạch được chuyện lỗ lãi và thể hiện được bằng con số cụ thể", ông Ánh nói.

Ông Ánh cho rằng Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ hoàn toàn có cơ sở khi nói rằng: Doanh nghiệp nào kinh doanh lỗ thì nên rút, kể cả Petrolimex". Bởi lẽ Nhà nước không đầu tư nhà xưởng, đất đai vốn cho doanh nghiệp để kinh doanh lỗ. Và cũng chính cơ chế quản lý không rõ ràng dẫn đến việc doanh nghiệp nói lỗ cũng được mà nói lãi cũng chẳng sai. Bằng chứng là Petrolimex sau nhiều năm kêu lỗ đến khi lên sàn IPO họ lại công bố con số lãi cực khủng. Số lãi này được giải thích là do các danh mục đầu tư ngoài xăng dầu mang lại.

"Tôi cho rằng gốc rễ vấn đề nằm ở chỗ doanh nghiệp đã không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình. Nhà nước đầu tư tiền của, vốn cho doanh nghiệp để kinh doanh xăng dầu chứ không phải đầu tư ra lĩnh vực khác để kiếm lợi", ông Ánh nhấn mạnh.

Hàng trăm ý kiến của độc giả gửi về VnExpress bày tỏ sự ủng hộ với người đứng đầu ngành tài chính - Vương Đình Huệ về những tuyên bố mới của ông trong việc chấn chỉnh thị trường xăng dầu.

Có người ví ông Huệ như Triển Chiêu trong phim "Bao Công" vừa có cái đầu lạnh, trái tim nóng và đủ tâm, tầm, tài chống lại những nhũng nhiễu trên mặt trận kinh tế. Chưa hết, với 10 năm ở vị trí lãnh đạo ngành kiểm toán, giờ ở vị trí Bộ trưởng Tài chính nắm công cụ thuế, hải quan, quản lý tài chính trong tay, ông Huệ hoàn toàn có thể làm cuộc cách mạng "lập lại thị trường xăng dầu". Miễn là, bên cạnh ông có sự ủng hộ mạnh mẽ của các cấp, các ngành và đông đảo người dân.

Tuy nhiên, "nói và làm" lại là câu chuyện dài kỳ và những người mong muốn một thị trường xăng dầu hội tụ các yếu tố công khai - minh bạch đang chờ đợi kết quả kiểm toán quỹ bình ổn và đợt kiểm tra bất thường tại 4 doanh nghiệp đầu mối.
Theo VnExpress - Hồng Anh
Các bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP