'Nhiều người quá để tâm đến kinh phí dựng tượng đài'

25/9/110 nhận xét

ong doan
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: "Quảng Nam
xứng đáng có công trình văn hóa - lịch sử này,
 xứng đáng có một khuôn mặt khang trang,
 đẹp đẽ chứ không chỉ dừng lại ở khuôn mặt 
trong thế kỷ mới". Ảnh: Nguyễn Hưng.
[Marketing3k.vn] "Mọi người đang lạc vào chuyện tranh cãi không nên làm to mà để dành tiền chăm lo cho các mẹ còn sống hay người nghèo, trẻ em... Nhưng việc nào phải đi việc ấy", họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó ban Văn hóa văn nghệ (Ban Tuyên giáo TƯ) trao đổi với VnExpress.

Là thành viên Hội đồng thẩm định nghệ thuật, đồng hành cùng dự án từ khi mới khởi động, ông nói gì trước nhiều ý kiến trái chiều về công trình xây tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Nam?

Tôi cho là dư luận đang quá để tâm vào số tiền mà chưa nhìn thấu đáo ở các khía cạnh. Quảng Nam là vùng đất tiêu biểu cho các mẹ VN anh hùng, có rất nhiều người con hy sinh. Đây là vùng đất thiêng, chọn địa điểm xây tượng ở đây chắc không có gì phải bàn cãi. Quảng Nam cũng là tỉnh nghèo, chưa có không gian văn hóa cộng đồng, chưa có trung tâm sinh hoạt chính trị văn hóa nên đây là điểm nhấn cần thiết cho quy hoạch phát triển tương lai của tỉnh.
Chúng ta không nên căng thẳng ở vấn đề kinh phí. Mọi người đang lạc vào chuyện tranh cãi không nên làm to như thế mà nên dành tiền chăm lo cho các mẹ còn sống hay người nghèo, trẻ em... Các công trình trường học, y tế vẫn phải làm, việc chăm sóc mẹ cũng thế. Nhưng việc nào phải đi việc ấy. Đền ơn đáp nghĩa luôn là việc phải làm đầy đủ, nhà nước mình chưa làm gì thất lễ với các mẹ. Nhưng xây tượng để có được một địa điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tạo điểm nhấn cho đô thị mới như Tam Kỳ cũng là cần thiết.

Ở ta bao giờ cũng vậy, cứ công trình bất bình thường là đặt vào sự so sánh khập khiễng, không thỏa đáng với ý tưởng nhân văn của dự án. Khi dự án mới triển khai cũng có tiếng nói phản ứng. Tuy nhiên, vấn đề bây giờ không phải là thu nhỏ tượng đài, bớt số tiền 410 tỷ này để làm việc khác. Nếu cứ nghĩ mãi thế thì lúc nào mới có thể làm được công trình thực sự của tương lai, tồn tại vài thập kỷ?

Hà Nội từng cuống lên làm Bảo tàng Hà Nội tốn 2.000 tỷ đồng mà mới chỉ là vỏ, nội thất chưa xong. Nếu muốn so sánh thì tượng đài này chẳng đáng là bao. Rất nhiều công trình quốc gia có số tiền đầu tư còn lớn hơn nhiều lần nhưng chưa hoàn thiện, xuống cấp, dở dang… Tại sao tượng đài chiến thắng Điện Biên nhanh hỏng? Đơn giản vì quá cấp tập, trong nửa năm hoàn thiện một công trình hàng chục tỷ đồng.

Vậy theo ông, công trình có những yếu tố nào thuyết phục để cần bỏ ra số tiền đầu tư lớn đến vậy?

Khi khởi động cuộc thi chọn ý tưởng, đến lần hai mới chọn được phác thảo của họa sĩ Đinh Gia Thắng. Tác giả vào cuộc rất muộn nhưng đáp án rất có duyên. Tại nơi quyết định đặt tượng là núi Cấm có 2 quả đồi tự nhiên, thế đất thích hợp để làm dự án này với khoảng 15 ha. Hình tượng người mẹ với vách đá vòng cung hình thành từ nguyên mẫu mẹ Thứ.

Chủ trương ban đầu nhận được sự ủng hộ rộng rãi, sau được nhà nước quan tâm trở thành công trình quốc gia. Đây là sự quan tâm rất lớn của Chính phủ đối với Quảng Nam và theo nguyện vọng của rất nhiều người về một công trình quốc gia xứng đáng để ghi nhớ, biết ơn mãi mãi sự hy sinh cao quý của mẹ VN trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đến bây giờ, tôi cho là chủ trương này vẫn nhận được sự đồng thuận nhưng thời gian qua có ý kiến trái chiều vì động đến tiền bạc, vấn đề kinh tế rất nhạy cảm.

Tượng mẹ VN anh hùng đã xong mô hình xi măng tỷ lệ 1/1. Ảnh: Vũ Huy Thông.

Công trình khởi động từ giữa 2006 đến giờ, phải điều chỉnh, bỏ khá nhiều hạng mục vì kinh phí không đủ. Tôi cho là chưa có tượng đài nào có lộ trình dài như vậy. Điều đó cho thấy tính nghiêm túc, cẩn trọng của những người có trách nhiệm khi đặt chất lượng nghệ thuật của công trình lên hàng đầu. Trong quá trình làm, khi kêu gọi hảo tâm của doanh nghiệp, tổ chức thì nguyện vọng của họ là không bỏ hạng mục nào vì như thế sẽ phí.

Về phía tác giả, nghệ sĩ Đinh Gia Thắng đã bỏ rất nhiều công sức, tiền bạc để theo đuổi công trình. Tác giả thậm chí còn phải đưa gia sản của mình ra thế chấp để làm vì từ lúc khởi động, các công việc đã tiêu tốn rất nhiều. Cách đây 2 năm, khi cơn bão đổ vào đã làm sập nhà xưởng và sập mô hình tượng xi măng, tác giả phải chịu chứ nhà nước không đền bù. Với sự chuẩn bị nghiêm túc, tôi cho rằng việc xây dựng công trình này là hết sức cần thiết và không có gì băn khoăn. Tôi đánh giá cao quyết tâm của tác giả, cố gắng của hội đồng và mong cho công trình hoàn thành để trở thành công trình quốc gia có chất lượng cao.

Trong tâm thức của người Việt, hình ảnh mẹ VN anh hùng nhỏ bé gầy gò luôn được coi là biểu tượng có sức lan tỏa lớn chứ không phải công trình đồ sộ, ông nghĩ sao về điều này?

Không nên lấy tâm lý quen nhìn hình ảnh người mẹ gầy gò khắc khổ để so sánh trong trường hợp cụ thể này. Trong điều kiện đất Quảng Nam vốn có sẵn trong lòng nó là di sản Hội An, Mỹ Sơn thì không gian dành cho dự án tượng đài mẹ VN cũng là không gian khiêm tốn thôi. Tượng khi đặt vào không gian lớn ở khu vực núi Cấm này cũng là lọt thỏm. Nếu để thực sự tương xứng với chỗ ấy thì còn phải to nữa. Nghe thì hoảng nhưng đặt trong khung cảnh thiên nhiên, tượng đài hài hòa, không chế ngự và xóa bỏ kết cấu cây xanh, đồi tự nhiên.

Điểm qua các công trình tượng mẹ đã xây dựng như Mẹ Tổ quốc ở nghĩa trang TP HCM thì trong không gian đó chỉ xây dựng như thế là vừa. Hay Mẹ miền Nam ở Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, một số tượng xây trong nhà cũng quy mô nhỏ thì người ta đã quen với hình ảnh này. Còn khi đã có điều kiện để vinh danh hình tượng người mẹ VN như ở Quảng Nam thì cần phải nhìn tổng thể.

Quảng Nam tuy nghèo về kinh tế nhưng có lợi thế là giàu về di sản. Thực tế, năm 2005, từ trước khi hình thành dự án, đã có ý tưởng xây dựng Bảo tàng nghệ thuật đương đại ở Tam Kỳ, tạo trục tam giác văn hóa Hội An - Mỹ Sơn - Bảo tàng đương đại. Trục này sẽ tạo thế mạnh về văn hóa du lịch cho tỉnh bên cạnh phát triển kinh tế, tạo cho khuôn mặt văn hóa miền Trung có được khởi đầu tốt trong thế kỷ mới. Tới khi thành dự án thì được tỉnh tiếp nhận ngay và thành nghị quyết. Song khi có dự án làm tượng đài mẹ VN anh hùng thì dự án bảo tàng được đẩy lùi lại để tập trung xây tượng đài. Vì thế, bên cạnh tượng đài mẹ trong quy hoạch sẽ dành đất để xây bảo tàng, giờ chỉ cần kêu gọi đầu tư.

Thưa ông, làm sao xử lý được vấn đề thẩm mỹ khi với công trình tượng đài, việc lồng ghép quá nhiều công năng thường tạo ấn tượng không tốt?

Với công trình này, trục chính là khối tượng ở giữa, trong lòng tượng là bảo tàng mẹ VN. Từ phía trước đi vào là 8 trụ như cột dẫn vào bên trong công viên lớn và bên trong cùng là tượng đài mẹ. Dự án này gắn với quảng trường, không gian rộng. Khi đưa ra phương án, ngoài tác giả phần tượng còn có kiến trúc sư Nguyễn Luận đưa ra ý tưởng thiết kế cho toàn bộ không gian. Các hạng mục như đường trường lang che mưa nắng cho người dân tới chiêm ngưỡng mà không bị mưa nắng hay hồ nước luôn có nước luân chuyển từ cách vách đá xuống... tạo ra sự hài hòa.

Tôi khẳng định việc lồng ghép các công năng không làm cho cụm công trình tượng đài này bị "loãng" về mặt thẩm mỹ hay ý nghĩa. Một bảo tàng quốc gia về mẹ được đặt trong lòng khối tượng. Việc sưu tầm tư liệu về các mẹ anh hùng, các hiện vật liên quan sẽ được lưu giữ trong bảo tàng. Công trình như một công viên lớn, không gian mang ý nghĩa về mặt tinh thần, cần thiết phải có nhiều hạng mục.

Mô típ làm tượng to, đồ sộ được cho là đang đi ngược lại xu hướng của thế giới, hình thức làm công trình tưởng niệm cũng không nhất thiết phải là tượng đài. Hội đồng nghệ thuật đã cân nhắc như thế nào về điều này?

Dự án này đáp ứng được đầu bài, phù hợp với mảnh đất có nhiều quy hoạch trong tổng thể quy hoạch của Tam Kỳ. Khi có một dự án tương ứng với đầu bài này cũng là cần thiết để thay đổi khuôn mặt đô thị này vì không gian văn hóa như thế này gần như trống trải tại miền Trung. Việc này tôi cho là đừng nên bị ảnh hưởng bởi thế giới.

Ở châu Âu chỉ có tượng đài ở Nga làm to, còn đa số tượng gắn với vườn, theo tỷ lệ kiến trúc để quyết định kích thước của điêu khắc. Tỷ lệ của tượng đài mẹ VN đặt ở không gian này thì thấy vừa với không gian chung. Tức là không gian cho phép thì mới có thể xây tượng đài theo tỷ lệ phù hợp. Ví dụ, ở Hà Nội có tượng đài Lý Thái Tổ, tượng Cảm tử quân không quá to nhưng thực ra không hợp lý bởi Hà Nội là đô thị cũ, cứ ấn bằng được tượng đài vào đã là phiêu lưu mạo hiểm, phá vỡ không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Ông muốn nói gì với những người cho rằng nên ngừng dự án hoặc lùi lại khi đất nước giàu có hơn?

Tôi chia sẻ những suy nghĩ của người dân nhưng việc này khiến tôi nhớ lại câu chuyện của TP HCM đầu những năm 1990 khi bỏ ra số tiền hơn 600 triệu, lúc đó tương đương 100.000 USD, để mua lại bức tranh Vườn xuân Trung Nam Bắccủa danh họa Nguyễn Gia Trí - tác phẩm mà họa sĩ dày công sáng tạo trong suốt 20 năm.

Hồi đó, dư luận cũng rất căng thẳng, vì số tiền đó có thể sửa chữa nhiều cây cầu cũ, người dân không phải chịu tai nạn sập cầu; hay nhờ nó rất nhiều người được ăn cơm chứ không còn phải ăn cháo. Tuy nhiên, lúc đó nếu nhà nước không bỏ tiền ra mua thì giờ kiệt tác này chắc chắn không còn ở VN vì người nước ngoài sẵn sàng đã trả giá gấp 10 lần và bây giờ, dù có bỏ ra số tiền thậm chí gấp cả trăm lần cũng không mua lại được.

Câu chuyện đánh dấu bước đột phá về tư duy quản lý, cũng như hành xử văn hóa cực kỳ đáng trân trọng của nhà nước, anh em nghệ sĩ giờ vẫn còn nhắc lại. Cũng nhờ đó, tác phẩm của anh em nghệ sĩ được nâng giá trị rất nhiều. Qua đây tôi muốn nói rằng, cái gì đáng tiền thì nên làm, nên mua.

Tỉnh Quảng Nam xứng đáng có công trình văn hóa - lịch sử này, xứng đáng có một khuôn mặt khang trang, đẹp đẽ chứ không chỉ dừng lại ở khuôn mặt cũ trong thế kỷ mới. Như vậy rõ ràng sẽ thiệt thòi cho thế hệ sau, mình nên nghĩ cho những công dân tương lai của người Việt.
Theo VnExpress - Nguyễn Hưng thực hiện
-----------------------------------------------------------------
Nếu ai cũng nói như thế thì đừng bàn nữa vì phần mô hình ximăng rồi, chỉ nên nhìn tấm hình này để suy ngẫm

Tìm thấy trên mạng Tôi love Việt Nam
http://www.facebook.com/profile.php?id=1023190680
Các bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP