Lãi suất: Đập chắn 14%

3/9/110 nhận xét




Ảnh: Kinh Luân
[Marketing3k.vn] Ngay đầu tuần này Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành và điều chỉnh một số chính sách nhằm tiến gần hơn đến mục tiêu giảm lãi suất.

Thứ nhất dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ tăng thêm 1%, đồng thời NHNN sẽ sửa đổi quy chế cho vay ngoại tệ theo hướng quy định điều kiện chặt chẽ hơn đối với khách hàng không có nguồn thu trả nợ vay. Động thái này góp phần nâng giá thành huy động ngoại tệ và đẩy lãi suất cho vay đô la Mỹ lên cao. Số khách hàng được vay ngoại tệ có thể sẽ bớt đi, giá vốn vay đắt hơn có tác dụng làm cầu ngoại tệ giảm xuống. Đây là phương cách siết tín dụng ngoại tệ thông qua các biện pháp thị trường và về mặt lâu dài nó sẽ hỗ trợ cho tỷ giá.

Thứ hai, ngày 30-8 NHNN đã ban hành Thông tư 22/2011/TT-NHNN để sửa đổi Thông tư 13 và 19, cụ thể hơn là hủy bỏ tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động quy định tại hai thông tư nói trên (tức là các ngân hàng được sự dụng tối đa 80% vốn huy động để cho vay).

Ngoài ra, NHNN còn điều chỉnh hệ số rủi ro đối với một số tài sản khi tính hệ số an toàn vốn nhằm giải tỏa tình trạng vốn bị “ngăn sông cấm chợ”.

Không dừng ở đó, thông tư này còn có hiệu lực ngay, tức từ ngày 1-9-2011, thay vì theo quy định là không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành thông tư.

Những nỗ lực này nhằm hiện thực hóa chủ trương giảm lãi suất về mức 17-19%/năm mà NHNN đã đưa ra trong tuần trước.

Câu chuyện cung tiền

Trả lời phỏng vấn của TBKTSG, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình không hề đề cập đến hai từ “lạm phát”, nhưng xuyên suốt trong các giải pháp mà ông đưa ra, chống lạm phát vẫn là tâm điểm của mọi vấn đề, kể cả giảm lãi suất. Trong thông báo của NHNN, việc điều hòa cung tiền được nhấn mạnh: “Tùy theo diễn biến thị trường, đặc biệt cung cầu ngoại tệ, NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt qua các kênh, đảm bảo hài hòa mức tăng và lượng cung ứng tiền qua các tháng, đảm bảo mục tiêu chính sách tiền tệ”. Nhận xét về cung tiền tám tháng đầu năm, thông báo viết: “NHNN đã điều hòa linh hoạt cung ứng tiền phù hợp với chỉ tiêu Chính phủ phê duyệt”.

Mức tăng tổng phương tiện thanh toán trong bảy tháng đầu năm chưa đầy 4% so với chỉ tiêu 16%, song thông báo vẫn cho là “đã điều hòa linh hoạt”. Sự linh hoạt ở đây dường như không tập trung vào mức tăng, mà vào sự bơm ra - hút vào của cung tiền. NHNN có lý do, và chúng tôi cho rằng lý do đó là thích hợp, để thận trọng trong việc tăng cung tiền. Nhiều ngân hàng đang thừa vốn, tiền đang thừa trên thị trường liên ngân hàng và do lãi suất cao nên doanh nghiệp không vay. Vậy thì có nên tăng tổng phương tiện thanh toán vào lúc này?

Chuyện gì xảy ra nếu bỏ trần lãi suất huy động 14%?

Các doanh nghiệp và ngân hàng đều đồng ý phải giảm lãi suất. Câu hỏi bây giờ không phải là giảm hay không, mà là giảm như thế nào? Trần lãi suất là biện pháp hành chính nổi bật nhất mà NHNN vẫn duy trì. Nếu bỏ trần, chuyện gì sẽ xảy ra? Một thực trạng huy động vốn của các ngân hàng sẽ được phô bày. Trên các bảng điện tử và các băng rôn căng trước cửa các tổ chức tín dụng, lãi suất tiết kiệm sẽ khác nhau, có cao có thấp, chứ không nhất loạt 14%/năm như hiện tại.

Hiệu ứng lãi suất huy động cao thấp một cách công khai và minh bạch như vậy có ảnh hưởng gì tới thị trường? Không ảnh hưởng nhiều. Nó chỉ chỉ ra một cách rõ ràng ngân hàng nào huy động lãi suất cao tức là đang cần vốn hoặc đang có vấn đề thanh khoản. Nó là một trong những chỉ báo về chất lượng dịch vụ cũng như độ an toàn trong đảm bảo tiền gửi của ngân hàng đó. Phải chăng đây là điều cơ quan quản lý ngành e ngại?

Với quyết định giữ nguyên rào chắn 14%, vẫn còn đó những băn khoăn làm thế nào NHNN kiểm soát, phát hiện, chế tài những ngân hàng vi phạm? Các ngân hàng lớn thừa vốn đồng lòng thực thi lãi suất 14%, còn các ngân hàng nhỏ thì sao? NHNN hy vọng sẽ có được sự đồng thuận giảm lãi suất và thực hiện nghiêm chỉnh trần 14% sau hội nghị các ngân hàng sau lễ Quốc khánh tới đây.

Sự đồng thuận không phải là một động thái mới. Đã từng có nhiều đồng thuận trong phạm vi Hiệp hội Ngân hàng, rồi cũng chính những thành viên đồng thuận lại ngấm ngầm xé rào. Dù muốn hay không cũng phải thừa nhận các doanh nghiệp và ngân hàng chỉ đồng thuận thực sự một khi có cơ sở kinh tế vững chắc. Đồng thuận tinh thần là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Giả sử một ngân hàng lớn chỉ huy động với lãi suất 14%, tiền của họ có thể chảy sang ngân hàng khác, họ có thể mất khách hàng, NHNN có gì bù đắp cho họ? Để sự đồng thuận trở thành hành động thực tế phải có giải pháp đi kèm.

Giải pháp đi kèm khả thi nhất hiện nay là tăng dự trữ bắt buộc đồng nội tệ. Chỉ có tăng dự trữ bắt buộc mới tạo điều kiện cho NHNN có nguồn lực trong tay, có chỗ dựa mạnh để giải quyết mấu chốt thanh khoản. Tháo gỡ thanh khoản của các ngân hàng nhỏ để họ phải đưa lãi suất tiền gửi về 14% không có cách nào tốt hơn là tái cấp vốn kèm theo điều kiện ngặt nghèo. Nhưng tái cấp vốn bằng gì nếu không phải từ nguồn tăng dự trữ bắt buộc? Chính sách tiền tệ đang đi đúng đường, và cái nó cần là vận động dứt khoát hơn, nhanh hơn nữa về phía trước!
Hải Lý - SGTimes
Các bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP