Kinh tế thế giới đang nguy hiểm tới mức nào?

5/9/110 nhận xét

Nhiều chuyên gia phân tích hàng đầu
thế giới cho rằng, kinh tế toàn cầu có
khả năng rơi vào một cuộc suy thoái
mới trong tương lai gần.
[Marketing3k.vn] Theo kết quả thăm dò của Kitco, trong tổng số 25 người tham dự cuộc điều tra là các đại lý vàng, ngân hàng, doanh nhân và các nhà phân tích kỹ thuật, có tới 20 người tin rằng giá vàng trong tuần này sẽ tiếp tục tăng mạnh. Trong khi chỉ có 2 người dự đoán giá giảm và 3 người nói thị trường vàng sẽ đi ngang.

Giá vàng thời gian qua đã biến động mạnh, chủ yếu xuất phát từ việc kinh tế Mỹ và châu Âu có những dấu hiệu bất ổn, dẫn tới những dự báo về khả năng suy thoái kép lần hai. Trong bối cảnh như vậy, vàng nổi lên như một kênh đầu tư an toàn, một "vịnh tránh bão" cho giới đầu tư quốc tế.

Và gần như sẽ là điều đương nhiên, khi mà hầu hết các nhà phân tích dự báo giá vàng còn tăng mạnh, thì cũng có nghĩa là kinh tế thế giới đang bộc lộ nhiều yếu tố bất ổn mới và đồng thời cũng xuất hiện nhiều hơn những dự báo bi quan của giới chuyên gia về triển vọng kinh tế toàn cầu từ nay tới cuối năm.

Cuối tuần trước, phát biểu tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick cảnh báo, nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ rơi vào "vùng nguy hiểm" mới vào mùa thu năm nay, trong bối cảnh thế giới vẫn đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ công nghiêm trọng ở châu Âu và Mỹ.

"Cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Âu đã chuyển thành khủng hoảng nợ công trầm trọng, tác động nghiêm trọng đến khu vực đồng Euro, các ngân hàng, khả năng cạnh tranh của một số nước thành viên. Trong khi đó, Mỹ phải giải quyết triệt để các vấn đề nợ, chi tiêu và cải cách thuế để thúc đẩy tăng trưởng ở khu vực tư nhân, cũng như chính sách thương mại", ông nhấn mạnh.

Trước đó, hồi đầu tuần, mang một tâm thái tương tự như Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, một số nhà kinh tế Mỹ cũng đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ cơn lốc kinh tế có thể quét khắp châu Âu và Mỹ. Mike Larson, nhà phân tích kinh tế của trang Money & Markets cho rằng, cơn lốc này đang tràn đến châu Âu, tàn phá các nền kinh tế và đẩy các ngân hàng lớn ở đây tới bờ vực phá sản.

Nguyên nhân chính, theo Larson, là việc các chính phủ ở châu Âu đã cắt giảm mạnh ngân sách, lạm phát tăng vọt và niềm tin tiêu dùng giảm sâu. Sự tàn phá này sẽ không chỉ giới hạn ở những nền kinh tế ngập ngụa trong nợ nần như Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha, Italy, Tây Ban Nha mà còn lan rộng khắp châu Âu, với những khoản nợ khổng lồ không thể giải quyết.

Không những thế, sự tàn phá này giống như một dịch bệnh nguy hiểm, đang lây lan sang các nền kinh tế lớn khác ngoài châu Âu, như Mỹ. Trong khi châu Âu cắt giảm chi tiêu, Mỹ lại nâng trần nợ với nhịp độ 10%/năm và hậu quả là xếp hạng tín dụng cao nhất bị hạ. Chính quyền các bang ở Mỹ đang buộc phải sa thải nhân viên và bán các công sở bang để tránh thảm họa tài chính.

Nền kinh tế đầu tàu thế giới lại rơi vào trì trệ với tỷ lệ thất nghiệp vẫn tồi tệ và thị trường bất động sản giảm 5-6% chỉ trong một tháng. Mặc dù 70% hoạt động kinh tế Mỹ được thúc đẩy bởi chi tiêu của người tiêu dùng nhưng lòng tin tiêu dùng ở nước này giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay. Nhiều nhà kinh tế đã nói đến ngày tận thế trong tương lai gần của nền kinh tế Mỹ.

Martin Hutchinson, nhà chiến lược đầu tư toàn cầu của trang Money Morning cảnh báo, những bong bóng trái phiếu kho bạc Mỹ đang phồng lên. Lãi suất trái phiếu thời hạn 10 năm đã giảm xuống dưới 2% lần đầu tiên trong 50 năm qua. Các trái phiếu kho bạc Mỹ đang đối mặt với năm nguy cơ nghiêm trọng là lãi suất tiêu cực, lạm phát cao, mua bán hoảng loạn, sụp đổ toàn bộ và vỡ nợ.

Các nguy cơ này có thể làm nổ tung các bong bóng trên thị trường trái phiếu Mỹ, gây ra những biến dạng rất bất thường của nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Dẫu vậy, những nhận định xem ra vẫn chưa là gì so với cách nhìn của chuyên gia Nouriel Roubini, người nổi tiếng là luôn có cái nhìn bi quan về kinh tế thế giới.

Ông cho rằng, có tới 60% khả năng, thế giới xảy ra suy thoái kép ngay lập tức. Theo ông, các nền kinh tế phát triển đang bị mắc kẹt giữa tốc độ tăng trưởng thấp và nhu cầu cần phải có gói kích thích kinh tế lớn hơn cũng như các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” ít khắc nghiệt hơn để kích thích tăng trưởng. “Chúng ta đang ở trong tình trạng tồi tệ hơn so với năm 2008", Roubini nhận xét.

Trên thực tế, cuối tuần trước, những thông tin từ Mỹ và châu Âu đã góp phần làm bức tranh kinh tế thế giới nhuốm màu u ám thêm, từ đó khiến cho những nhận định bi quan trên càng có cơ sở thuyết phục giới đầu tư quốc tế. Trong báo cáo việc làm tháng 8, Bộ Lao động Mỹ cho biết, lần đầu tiên trong vòng gần một năm nay, kinh tế Mỹ không tạo ra được việc làm mới trong một tháng.

Bức tranh về thị trường lao động Mỹ càng ảm đạm hơn khi trên thực tế, lượng việc làm được tạo ra trong các tháng trước đó đều thấp hơn so với tính toán ban đầu. Số liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy trong tháng 7, số việc làm mới đã được điều chỉnh từ 117.000 xuống chỉ còn 85.000, trong khi của tháng 6 giảm từ 46.000 chỉ còn 20.000.

Giới phân tích cho rằng, đây là tín hiệu cho thấy, nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn còn hết sức yếu kém, thậm chí còn đứng trước nguy cơ suy thoái trở lại, và FED cần phải sớm có biện pháp hữu hiệu để vực dậy nền kinh tế này. Điều đó cũng làm tăng thêm các đồn đoán rằng có khả năng FED sẽ phải sớm tung ra QE3.

Nếu QE3 được triển khai, nó sẽ đẩy nhanh tốc độ gia tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và hối thúc nhiều người mua vàng. Kể từ tháng 8 năm ngoái, thời điểm mà ông Ben Bernanke, Chủ tịch FED, quyết định có gói QE2 tại cuộc họp ở Jackson Hole, cho tới nay, giá vàng đã tăng tới 50%. Trong một dự báo gần đây, Deutsche Bank cho rằng giá vàng trong thời gian tới có thể sẽ tiến tới mốc 2.000 USD/ounce.

Ngoài ra, theo các nhà phân tích, số liệu đi xuống của ngành sản xuất công nghiệp toàn cầu cũng làm tăng thêm nỗi lo kinh tế toàn cầu có thể rơi trở lại vào suy thoái, và càng khiến thế giới lao vào vàng. Sản xuất công nghiệp của Eurozone trong tháng 8 đã sụt giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm qua, trong khi sản xuất công nghiệp của Mỹ trong tháng 8 cũng tăng chậm lại hai tháng liên tiếp.

Chốt phiên giao dịch cuối tuần trước, trong khi các thị trường chứng khoán giảm sâu trên 2%, giá vàng lại vọt tăng mạnh. Trên sàn Comex, giá vàng giao tháng 12 tăng tới 47,8 USD (+2,6%) lên 1.876,9 USD/ounce. Như vậy, kể từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng gần 30%, gần bằng mức tăng của cả năm 2010.
Diệp Anh - VnEconomy
Các bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP