Giáo dục Việt Nam: Lạm phát sinh viên khá, giỏi

29/9/110 nhận xét

Sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng trong lễ
tốt nghiệp tháng 4-2011. Đây là trường có
tỉ lệ tốt nghiệp khá, giỏi thấp, chỉ với
 0,8% giỏi và 19,7% khá - Ảnh: Hà Bình
[Marketing3k.vn] Nhiều trường ĐH, CĐ công bố tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi, xuất sắc trên 90%, thậm chí có trường lên đến 98,6%. Nhiều người đặt câu hỏi liệu tỉ lệ “gần tuyệt đối” ấy có phản ánh đúng thực tế học tập của sinh viên?

Giữa tháng 6-2011, Trường ĐH Duy Tân tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp cho 1.424 tân kiến trúc sư, kỹ sư, cử nhân của trường. Tại buổi lễ, TS Võ Thanh Hải - phó hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Trong tổng số sinh viên tốt nghiệp có 103 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, 536 sinh viên đạt loại giỏi, 707 sinh viên đạt loại khá, 21 sinh viên loại trung bình khá và 57 sinh viên loại trung bình. Như vậy, số sinh viên được nhận bằng loại khá, giỏi, xuất sắc trong năm 2011 của Trường ĐH Duy Tân chiếm đến 94,5% (1.346 sinh viên).

98,6% khá, giỏi, xuất sắc

Tương tự, tại lễ tốt nghiệp của Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) được tổ chức cuối tháng 6 vừa rồi, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc - hiệu trưởng nhà trường - cho biết trên 97% sinh viên của trường tốt nghiệp loại khá, giỏi trong tổng số 271 sinh viên nhận bằng tốt nghiệp.

Trong khi đó, dẫn đầu về tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi, xuất sắc trong năm nay phải kể đến Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) khi tỉ lệ này lên đến 98,6%. Cụ thể, trong 986 sinh viên có 9 sinh viên đạt loại xuất sắc, 236 sinh viên đạt loại giỏi (23,11%), 771 sinh viên tốt nghiệp loại khá (chiếm 75,5%) và số sinh viên tốt nghiệp loại trung bình chỉ ở mức 0,7% (8 sinh viên).

Ngoài ra, một số trường ĐH, CĐ khác cũng có tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi ở mức cao như ĐH Đà Lạt (78,3%), ĐH An Giang (70,7%), ĐH Hải Phòng (70%), CĐ Công nghệ Đông Á (75%), CĐ Phương Đông Đà Nẵng (74,9%)...

Giảng viên một số trường ĐH, CĐ nhận định không thể phủ nhận sự cố gắng, nỗ lực của sinh viên và nhà trường trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, thạc sĩ N.C.H., giảng viên một trường ĐH công lập, thỉnh giảng tại một số trường ĐH ngoài công lập khác, đánh giá: “Qua kinh nghiệm giảng dạy của tôi, tỉ lệ sinh viên giỏi thật ở các trường ĐH công lập và ngoài công lập là rất ít, số sinh viên khá cũng chỉ ở mức độ khiêm tốn. Trong khi đó, sức học thực của sinh viên đạt loại trung bình khá và trung bình luôn chiếm đa số”.

Có du di?

Nhìn từ góc độ khác, một tiến sĩ đang tham gia giảng dạy tại một số trường ĐH công lập và ngoài công lập cho rằng có sự “du di” trong việc cho điểm, đánh giá sinh viên: “Mình là giảng viên, trước khi hợp đồng giảng dạy, nhân viên nhà trường luôn dặn dò phải thế này, thế kia về điểm số, phải hạn chế đến mức thấp nhất việc đánh rớt sinh viên. Chỉ cho điểm kém khi sinh viên bỏ học quá nhiều, chứ có đi học, có làm bài thi thì cho điểm trên trung bình. Vì thương hiệu, nhiều trường vẫn áp đặt giảng viên trong việc cho điểm sinh viên”. Cũng theo giảng viên này, trong 100 bài thi của sinh viên ở một số trường, nếu “chấm thẳng tay” có hơn nửa sinh viên không đạt, nhưng nhiều giảng viên chỉ đánh rớt khoảng 10% “trong giới hạn cho phép” của trường.

Bên cạnh đó, nhiều giảng viên cũng thừa nhận đang hình thành tâm lý “ngại cho điểm kém” của một bộ phận giảng viên. “Nói chung, em nào có làm bài thi là đạt điểm trên trung bình. Mình chấm điểm kém nhiều quá, trường sẽ hỏi anh dạy thế nào mà sinh viên điểm kém. Nếu đánh rớt sinh viên nhiều quá sẽ bị trường cắt hợp đồng, nên nhiều giảng viên đành phải làm vậy” - một giảng viên phân trần.

Trong khi đó, “Khi nhận đơn xin việc, tôi không quan tâm lắm đến việc bạn đó có bằng tốt nghiệp loại gì - bà Đinh Thị Hồng Vương, giám đốc điều hành Công ty truyền thông Rossor, cho biết - Tôi chỉ quan tâm đến việc các bạn có thích nghi nhanh với môi trường làm việc, có chăm chỉ, cần cù, chịu khó học hỏi hay không mà thôi”.

Tương tự, ông Trần Minh Dũng - trưởng ban thuyền viên Tổng công ty Vận tải dầu khí thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - cho biết qua kinh nghiệm làm việc ở nhiều công ty, ông nhận thấy các doanh nghiệp chỉ chú trọng đến tác phong, thái độ trong công việc mà không quan trọng bằng tốt nghiệp loại ưu. Bởi, theo ông Dũng, bằng tốt nghiệp loại khá, giỏi, xuất sắc tại nhiều trường hiện nay “không thực chất lắm và đôi khi được trường tạo điều kiện”.

Là người công tác lâu năm trong lĩnh vực tuyển dụng, bà Nguyễn Thị Minh Tâm - giám đốc đào tạo Công ty Unity, nhận định: “Sinh viên ra trường, có bạn xếp loại trung bình, có bạn khá, giỏi nhưng các bạn thường na ná như nhau”. Bà Tâm cũng kể câu chuyện bà muốn “té xỉu” khi nhận được bản kế hoạch marketing của một sinh viên tốt nghiệp loại khá chính quy từ một trường ĐH.
--------------------------------------------
Mỗi trường một kiểu

Giảng viên đang giảng dạy tại một số trường ĐH, CĐ thừa nhận số lượng sinh viên khá, giỏi thực tại nhiều trường “không nhiều đến mức ấy”. Trong khi đó, một giáo sư nguyên là quan chức của Bộ GD-ĐT lại cho biết thước đo tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp các loại được mỗi trường thực hiện một kiểu và không theo quy chuẩn nào. “Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi có lên xuống cũng... không có ý nghĩa gì” - vị này nhận định.

Trò đánh giá thầy: “con dao hai lưỡi”!

Theo một số giảng viên, quy chế “sinh viên đánh giá giảng viên” của nhiều trường đang khiến giảng viên “rụt rè” khi chấm điểm cho sinh viên. “Sinh viên không cần biết thầy dạy hay, dở, chỉ dễ với các bạn là được. Sinh viên đánh giá giảng viên là điều tốt nhưng đôi khi là con dao hai lưỡi trong việc giảng dạy, cho điểm của giảng viên. Vì nhiều lý do, nhiều giảng viên vẫn chấm điểm “đẹp” cho sinh viên để được đánh giá tốt” - một giảng viên đưa ra ý kiến.
--------------------------------------------
Theo Tuổi trẻ - HÀ BÌNH
Các bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP