[Marketing3k.vn] Chất lượng giáo dục đại học là chủ đề (nóng) từ nhiều năm nay. Đã có nhiều công trình nghiên cứu, hội thảo, diễn đàn, bài báo nói tới những yếu kém trong đào tạo đại học và đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo ở Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế thị trường, vấn đề này cần được nhìn nhận trong mối liên quan rộng hơn, với nhu cầu sử dụng lao động chất lượng cao từ thực tế.
Chất lượng chưa đạt chuẩn
Tổng cục Thống kê cho biết, hằng năm Việt Nam có khoảng 223 nghìn sinh viên tốt nghiệp đại học hệ công lập và 22,7 nghìn tốt nghiệp hệ dân lập. Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD-ÐT), tỷ lệ sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường là 63%. Số được tuyển dụng thì hoạt động ở các vị trí khác nhau, trong số đó nhiều người không đáp ứng được công việc, số có việc làm đúng ngành nghề đào tạo càng khiêm tốn hơn. Việt Nam đang sở hữu một nền kinh tế năng động, với nhu cầu tuyển dụng lớn đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân, và hiện có nhiều tiếng nói đồng tình với nhận định rằng: 'Chúng ta không thiếu việc làm mà thiếu cử nhân làm được việc'. Vậy, vấn đề nằm ở đâu?
Ðiều đầu tiên dễ dàng nhận thấy là chương trình đào tạo ở nhiều trường đại học Việt Nam hiện nay còn nặng về lý thuyết, chậm cập nhật và chưa chú trọng phát triển các kỹ năng cho sinh viên. Hơn nữa, chương trình thiết kế chưa tạo ra biên độ rộng để sinh viên có nhiều cơ hội trải nghiệm công việc khi còn đi học. Do vậy, khi ra trường, họ không những không có kinh nghiệm mà thiếu nhiều kỹ năng để làm việc, đặc biệt là các 'kỹ năng mềm' như kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng tổng hợp, thuyết trình... Nhiều nhà tuyển dụng cho rằng các tân cử nhân vừa thiếu kiến thức, vừa thiếu kỹ năng để thực hiện công việc, đồng thời thái độ mơ hồ về mục tiêu và định hướng nghề nghiệp cũng gây khó cho họ khi muốn tuyển được ứng viên ưng ý.
Nhiều cơ quan, doanh nghiệp sau khi tuyển dụng đã phải bỏ ra ít nhất sáu tháng đến một năm, thậm chí là hơn để đào tạo lại mới hy vọng có thể sử dụng nguồn nhân lực được coi là chất lượng cao này. Khó khăn là vậy nhưng không ít nhân viên sau khi được đào tạo lại, cơ quan chuẩn bị sử dụng thì đã 'nhảy việc'. Ðây là bài toán nan giải, khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà tuyển dụng sinh viên mới ra trường.
Ðào tạo gắn với thực tiễn
Trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển nền kinh tế thị trường, nguồn nhân lực phù hợp và đáp ứng được yêu cầu công việc là điều mà các doanh nghiệp cần nhất hiện nay. Do đó, thiết nghĩ gặp gỡ, trao đổi và lắng nghe ý kiến mong đợi về các 'sản phẩm giáo dục' từ phía các doanh nghiệp là điều nên làm đối với các cơ sở đào tạo. Mỗi ngành nghề có những yêu cầu cụ thể, đặc trưng riêng về kiến thức, kỹ năng và thái độ đối với công việc. Do vậy, mạnh dạn thay đổi nội dung đào tạo từ nặng về lý thuyết, chung chung thành những bài học cụ thể, sát thực, chú trọng tới thực hành sẽ giúp đào tạo ra lớp sinh viên sau khi tốt nghiệp thích ứng được môi trường làm việc chuyên nghiệp.
Chú trọng đầu tư thực tập, thực hành cho sinh viên là điều cần thiết. Hoạt động này đòi hỏi nơi đào tạo cần tích cực tìm kiếm những địa chỉ phù hợp với chuyên ngành đào tạo và chuẩn bị kỹ lưỡng để sinh viên có một đợt thực tập đúng nghĩa, tích lũy được nhiều kinh nghiệm làm việc và nâng cao sự hiểu biết về công việc trong tương lai. Ðiều này chỉ có thể thực hiện được khi nhà trường và doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với nhau. Nhà trường cũng cần thúc đẩy quảng bá hình ảnh với doanh nghiệp, phát triển các sản phẩm truyền thông nhằm giới thiệu năng lực đào tạo, sản phẩm đào tạo, những thế mạnh mà mình có. Ở một khía cạnh nào đó, trong trường hợp này khái niệm 'nhà trường' tương đồng với khái niệm 'doanh nghiệp'.
Doanh nghiệp cũng cần kết hợp chặt chẽ với nhà trường như tham gia quá trình đào tạo, tiếp nhận sinh viên thực tập, tham gia hội đồng nhà trường... Thường xuyên có thông tin phản hồi về chất lượng và nhu cầu nhân lực, thiết lập các hợp đồng 'đặt hàng' đối với cơ sở đào tạo. Việc làm này một phần giúp doanh nghiệp có lực lượng lao động tiếp nối, mặt khác giúp các trường đại học định hình rõ ràng hơn khi xây dựng chiến lược đào tạo.
Ðể nền kinh tế Việt Nam không tụt lại phía sau trên bước đường phát triển đòi hỏi chất lượng nhân lực cần đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh cao của thời đại. Tiền đề của sự thay đổi đó cơ bản xuất phát từ cách thức giáo dục đại học, đào tạo cái người khác cần hơn là bán cái mình có được xem là một chiến lược khôn khéo.
Trước hết, bản thân người học phải tự thay đổi chính mình. Cần xác định mục tiêu và định hướng nghề nghiệp cụ thể, lâu dài, từ đó tập trung tích lũy và xây dựng kho kiến thức chuyên ngành, phát triển các kỹ năng mềm và năng động tìm kiếm các cơ hội việc làm là yêu cầu cấp thiết.
TS TRỊNH HÒA BÌNH - Nhandan
Các bài khác:
- [NLĐ] Cần cách giảm tải phù hợp [TP] Giảm tải, không phải thay SGK
- [NLĐ] Vùng xa khó giữ giáo viên
- [TN] Quảng cáo ồ ạt vào trường học
- [SGTimes] Khả năng nói “không”
- [TP] Chợ dịch - ai bán ai mua
- [TT] Khi các nhà văn ít đọc nhau
- [ĐV] 'Di sản văn hóa' thiếu liền anh
- [ND] Trần Mạnh Tuấn: "Tài sản“ của jazz Việt
- [VHO] Chuyện quay phim dưới nước của “Discovery Việt”
- [TN] Phan Như Thảo: Khi cần, tôi cởi... [PLTP] Vượt rừng đi 'săn' sơn nữ 'tắm tiên'
- [CAND] Tác giả Quốc ca “gặp” tác giả Quốc kỳ