"Sự tùy tiện làm các doanh nghiệp chết dần"

24/8/110 nhận xét




 Anh Vũ Thanh Thắng, giám đốc Smarthome -
Anh Vũ Thanh Thắng, giám đốc Smarthome
[Marketing4u.vn] "Người Nhật làm 10 bước thì người Việt đôi khi chỉ làm có 3 bước và bỏ qua 7 bước. Một chiếc bánh đáng làm 10 bước mà chỉ làm 3 bước thì không thể ngon như cái bánh làm đúng quy trình".

Anh Vũ Thanh Thắng, giám đốc BKAV Smarthome - ngôi nhà thông minh thuộc BKAV đã tâm sự như vậy khi trò chuyện cùng KH&ĐS.

Làm sếp sẽ phụ thuộc vào nhân viên

Anh thấy làm giám đốc ở đây có khó không?

Câu này khó trả lời quá! Nó tùy thuộc vào theo năng lực mỗi người. Người có đam mê, có kinh nghiệm thì thấy bình thường. Mình là dân kỹ thuật, nhưng hoàn cảnh bắt buộc nên mới phải đứng ra để đảm đương công việc quản lý thôi. Có trải nghiệm rồi mới thấy thực sự rất mệt.
Thế làm quản lý có khó hơn làm chuyên môn?

Khó hơn nhiều. Bởi chuyên môn chỉ phụ thuộc vào chính năng lực bản thân, không phụ thuộc vào ai. Còn làm sếp sẽ phụ thuộc vào nhiều nhân viên.

Nhưng làm chuyên môn thì không sướng bằng làm sếp? 

Sướng ở đây không phải làm sếp thì có quyền. Sướng theo cách hiểu của mình là làm được rất nhiều thứ, được quyết định nhiều vấn đề để tạo ra các giá trị. 

Nếu một ngày nào đó có người nói anh làm quản lý chán lắm và muốn anh nghỉ đi để họ làm thì anh nghĩ sao?

Tôi mong ngày đó đến ngay từ bây giờ. Quan điểm làm việc của tôi là năng lực đến đâu làm đến đó. Niềm đam mê chính của tôi vẫn là làm ra các sản phẩm công nghệ. Nhưng do hoàn cảnh hiện nay thì tôi có trách nhiệm đào tạo ra các nhân viên tốt để đưa họ lên cao. Nếu có một nhân viên nào đó nói với tôi thế thì đó chính là việc đào tạo nhân sự của tôi đã thành công. 

Nghiên cứu thì máu lửa nhưng quản lý thì... ngại

Để "thành đạt" như hiện nay, nhà trường, giảng đường đại học có vai trò thế nào với anh?

Ở các nước tiên tiến, học sinh được đào tạo bài bản từ kiến thức đến kỹ năng quản lý. Hầu hết người làm quản lý ở Việt Nam chỉ có thực tế mà không được đào tạo bài bản ở trường. Tôi phải tự học hỏi, mày mò và vận động.

Nếu như anh nói thì vai trò của nhà trường dường như là rất thấp? 

Đấy là mình tự đúc kết. Từ phổ thông cho đến đại học thì cái được nhất là kiến thức cơ bản. Nhưng các kiến thức về xã hội, về giao tiếp giữa con người và con người, về kỹ năng tổ chức thì rất thiếu. Vì thế, các kỹ năng quản lý là rất yếu.

" Làm việc không có môi trường như viên ngọc không được mài giũa. Muốn phát triển theo kiểu ăn sẵn, kiểu "đi tắt đón đầu" không có nền tảng bền vững chắc chắn sẽ không được."

Nếu trường học, giảng đường trang bị cho anh "ít" thế thì anh đi xin việc thế nào? Có thiếu tự tin không? 

Đa phần các công ty chỉ tuyển người làm chuyên môn chứ không tuyển người làm quản lý. Mà chuyên môn thì mình rất tự tin. Nhưng khi được giao việc quản lý thì mình thực sự thấy khó khăn. Mình là dân kỹ thuật, có thể nghiên cứu khoa học rất máu lửa nhưng làm quản lý thì thực sự ngại. Nhưng do hoàn cảnh bắt buộc nên mình phải tự điều chỉnh bản thân thôi.

Quạt con cóc vẫn là quạt con cóc

Có bao giờ anh dám bật lại sếp mình?

Vài lần chứ không phải một lần. Tính mình rất thẳng. Rất may môi trường làm việc ở đây "cho phép" mọi người có thể "cãi nhau" nhưng kết quả cuối cùng phải là tốt đẹp. 

Hầu hết các nhân viên đều không dám bật lại sếp. Đôi khi thấy sếp sai nhưng cũng không dám góp ý một cách thẳng thắn. Anh đánh giá thế nào về việc ấy, đó là bản chất của con người Việt Nam hay do chính xã hội quy định như thế?

Doanh nghiệp Nhà nước thì nhân viên sợ sếp là đương nhiên. Doanh nghiệp cổ phần, tư nhân thì cởi mở hơn bởi môi trường đó con người phải sống đúng năng lực. Trong môi trường đó, những ông sếp biết lắng nghe sẽ cho nhân viên "bật" lại. Theo quan điểm của tôi có như thế bản thân và công ty mới phát triển. 

Nếu nói vậy thì liệu có phải chính sự bảo thủ các doanh nghiệp nhà nước tạo ra rào cản phát triển?

Cái đấy là hiển nhiên và ai nhìn kỹ ra sẽ thấy ngay. Các doanh nghiệp hiện nay phát triển được hầu hết đều không phải là các doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp nhà nước luôn có nhà nước hỗ trợ. Còn các doanh nghiệp tư nhân mà lỗ thì sụp đổ nên bắt buộc họ phải thích nghi.

Tôi hay nói đùa rằng, sau 30 năm quạt con cóc vẫn là quạt con cóc. Đó chính là sự phản ánh rõ nhất sự trì trệ của các doanh nghiệp nhà nước chậm đổi mới. 

Người Nhật làm 10, người Việt làm 3

Như anh nói ở trên, cái "nét văn hóa" cho cãi nhau để ra kết quả tốt đẹp ấy có lẽ ở nước mình khá hiếm? 

Ở nước mình vẫn có rất ít các công ty có môi trường làm việc chuyên nghiệp. Môi trường làm việc của mình rất tùy tiện. Sự tùy tiện làm các doanh nghiệp chết dần. Mình có ví dụ rằng, đối với một sản phẩm nào đó, Người Nhật làm 10 bước thì người Việt đôi khi chỉ làm có 3 bước và bỏ qua 7 bước. Kết quả là vẫn ra thứ đó nhưng không bao giờ tốt. 

Nhưng có ý kiến cho rằng chúng ta đã rút ngắn quãng đường, tiết kiệm được chi phí, tức sản phẩm đáng lẽ làm mất 10 triệu đồng thì chúng ta chỉ có 3 triệu đồng. Anh nghĩ sao? 

Nhìn vào sự phát triển của nước Nhật và chất lượng sản phẩm của họ thì việc làm 10 bước là cần thiết. Như một vấn đề khi đã được phân tích thì cần phân tích đến cùng. Kết quả của quá trình xử lý đấy có tốt hay không do quá trình phân tích đó có tốt không và các bước thực hiện nó. Một chiếc bánh đáng làm 10 bước mà chỉ làm 3 bước thì không thể ngon như làm đúng quy trình. 

Nhưng nước mình đang lúc kinh tế khó khăn chưa có điều kiện làm đủ 10 bước thì phải chăng nên làm như thế để tiếp cận dần, để đi tắt đón đầu?

Tất nhiên. Nhưng cần biết cái nào giản lược được để giúp đi nhanh hơn. Nhưng quan trọng nhất vẫn là xây dựng cái gốc bền vững để tạo nên thương hiệu. 

Anh đánh giá thế nào về người Việt Nam trong việc học hỏi, tiếp thu về công nghệ?

Tôi khẳng định người Việt Nam thông minh, thậm chí xét về chỉ số IQ đơn lẻ còn hơn cả người Nhật. Nhưng rào cản lớn nhất của người Việt là sự gắn kết trong quá trình làm việc. Một người Việt Nam hơn 1 người Nhật. 2 người Việt bằng hai người Nhật. Nhưng 3 người thì Việt Nam thua hẳn 3 người Nhật khi làm việc theo nhóm. Ngoài ra, người Nhật làm việc rất cần mẫn, tính trách nhiệm cao. Nếu người Việt thay đổi được các tính cách ấy thì chẳng thua gì nước Nhật. 

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.





Ông Vũ Thanh Thắng, là giám đốc Bkav Smarthome từ năm 2009. "Năm 2003, tôi tốt nghiệp khoa Công nghệ Thông tin, Đại học Bách khoa Hà Nội và vào làm ở đây luôn. Từ nhỏ tôi đã mày mò sửa chữa điện tử và sản xuất động cơ vĩnh cửu dùng để phát điện, làm máy chiếu phim. Bố mẹ đều là dược sĩ. Anh làm nghề điện tử nên từ lớp 6 - 7 tôi cũng đã có thể sửa chữa như một người thợ chuyên nghiệp các bệnh của ti vi. Khi thi đại học tôi định thi vào khoa điện tử nhưng nghĩ mình đã biết nên học công nghệ thông tin".


Nguyên Thủy - Thu Hiền thực hiện - Theo Bee.net


Các bài khác:

Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP