[Marketing4u.vn] Giới (gender) là giới tính về mặt xã hội, văn hóa (khác với giới - sex, nghĩa là giới về mặt sinh lý học) đã được nói nhiều trên truyền thông. Theo báo cáo của Liên hiệp quốc tại Việt Nam năm 2010 về tình trạng bất bình đẳng và bạo lực giới, điều cản trở lớn nhất trong việc thực hiện các quyền bình đẳng của phụ nữ, chống lại bạo lực giới chính là các chuẩn mực giới tồn tại trong xã hội và trên chính các phương tiện truyền thông đại chúng.
Bài viết này, không phân tích các vấn đề giới thể hiện trong truyền thông chung chung (như báo, phim, ảnh, quảng cáo... thông thường) mà chỉ nói đến sự lúng túng trong quan điểm và cách xử lý thông tin của truyền thông ngay khi đề cập vấn đề giới.
Lúng túng 1: Việc nhà là của ai?
Theo một nghiên cứu về phân chia việc nhà và giới tính của Trung tâm Nghiên cứu dân số Đại học Michigan năm 2008 trên gần 2.600 người Việt Nam đã lập gia đình cả ở miền Bắc và Nam, mặc dù trên 84% phụ nữ làm việc có thu nhập nhưng cũng trên 80% cho biết phụ nữ làm phần lớn việc nhà.
Các phong trào của Chính phủ và các tổ chức quần chúng, dù kêu gọi bình đẳng giới, vẫn xem phụ nữ là nhân tố chính giữ trọng trách làm cho “gia đình hạnh phúc” với các khẩu hiệu như “giỏi việc nước đảm việc nhà”. Với nền kinh tế phát triển, ngày càng nhiều phụ nữ làm việc và thành đạt, nên việc đổ lỗi cho phụ nữ (nếu không chu toàn việc nhà) đã giảm nhẹ hơn trước. Thế nhưng chuẩn mực này vẫn chứng tỏ gốc rễ sâu sắc của nó, và truyền thông không dám đi xa hơn.
Nhiều trường hợp vợ chồng tan vỡ, báo chí đã nhẹ nhàng mô tả nỗi “ân hận muộn màng” của những người phụ nữ đã quên thiên chức chăm sóc chồng con để đến nỗi bị chồng bỏ như một kết luận tế nhị đầy ẩn ý. Bên cạnh đó, báo cũng đưa ra những trường hợp “may mắn” hơn, nghĩa là người vợ “thức tỉnh” kịp thời, khi chồng có nhân tình đã tìm cách trở thành một người vợ biết nấu nướng ngon hơn, biết chiều chuộng người đàn ông của mình hơn và nhờ đó mà giữ được hạnh phúc gia đình. Những hàm ý này, tạo nên một áp lực lớn đối với phụ nữ khi phải gồng gánh quá nhiều trách nhiệm và định kiến.
Trên một diễn đàn gần đây, giới nữ khá sôi nổi khi phê phán đàn ông Việt Nam “tệ” trong việc giúp phụ nữ làm việc nhà, nói lời xin lỗi... Hầu hết những ý kiến phản hồi của đàn ông đều đổ lỗi cho phụ nữ không biết cách nói khéo để nhờ chồng làm việc nhà, hoặc cho... nền kinh tế chưa phát triển. Có thể thấy chuẩn mực giới này có ảnh hưởng khá sâu sắc và không dễ dàng thay đổi. Và truyền thông rõ ràng đang khá lúng túng, nên cố tìm một giải pháp có thể xoa dịu cả đôi bên, và né tránh thừa nhận tồn tại bất bình đẳng trong việc phân công công việc gia đình.
Lúng túng 2: Hậu quả của buông thả
Các phương tiện truyền thông gần đây thường đề cập “lối sống” của sinh viên nam nữ, điển hình là việc sống chung. Các câu chuyện mô tả đến những hậu quả như việc học hành sút kém, nạo phá thai, nữ sinh viên trở thành “osin” trong cuộc sống chung, thậm chí bị đánh đập, bạo hành. Những bài báo như vậy thường kết thúc bằng việc lên án lối sống “buông thả” của các bạn này, nhất là nữ sinh viên, và cho rằng sự dễ dãi của các bạn nữ chính là nguyên nhân những bất hạnh mà các bạn phải chịu.
Điều đó liệu có hàm ý rằng nếu các bạn “đoan chính” hơn, thì các bạn nữ ấy sẽ không gặp phải những vấn đề đó? Liệu những vấn đề về bạo lực giới sẽ không xảy ra ở những cặp vợ chồng có “cưới hỏi đàng hoàng”? Chắc chắn không phải như vậy. Mà nếu có chăng nữa, chẳng lẽ truyền thông đang cổ xúy cho việc phụ nữ cần bảo vệ trinh tiết, nếu không thì sẽ không còn giá trị và bị coi thường? Thật ra, truyền thông không thể chối bỏ một sự thật là quan niệm về “trinh tiết” của giới trẻ đã thoáng hơn trước rất nhiều, và quan hệ tình dục trước hôn nhân là phổ biến. Vì vậy ngăn cản xu hướng này là không thể. Tuy nhiên, đó là một câu chuyện khác với các vấn đề giới và bạo lực giới mà truyền thông khá lúng túng khi thể hiện quan điểm của mình, và cách giải quyết là đổ lỗi cho những xu hướng mới đó.
Lúng túng 3: Gái mại dâm có được bảo vệ?
Đi xa hơn chuyện phụ nữ “buông thả”, phụ nữ mại dâm càng bị dư luận và giới truyền thông kỳ thị hoặc làm ngơ trong vấn đề bạo lực giới và bình đẳng giới.
Phụ nữ mại dâm là đối tượng rất dễ bị tổn thương trong lãnh vực bạo lực giới. Theo một nghiên cứu về bạo lực giới năm 2009, nhiều phụ nữ làm nghề mại dâm cho biết họ bị bạo hành khá nặng nề, từ khách hàng và cả những người dắt mối, nhưng thường không nhờ đến công an và pháp luật bảo vệ, do bị kỳ thị và vì mại dâm là nghề bất hợp pháp.
Năm 2010, báo chí xôn xao về video clip bảy công an bắt quả tang hoạt động mại dâm trong khách sạn ở Quảng Ninh. Những công an này ra lệnh các cô gái phải khỏa thân đứng lên và “dang tay ra” để họ chụp hình và quay video bằng những lời lẽ khiếm nhã, miệt thị. Vụ việc gây sốc dư luận đến mức người ta nghi ngờ clip này được dàn dựng để bôi nhọ ngành công an. Tuy nhiên, khi sự việc được điều tra rõ ràng, người ta cũng chỉ xử lý các công an này (đình chỉ công tác) vì các tội như có “lời lẽ không phù hợp” khi đang làm nhiệm vụ, tiết lộ tài liệu vụ án (??), và tìm xem ai đã tung clip lên mạng để xử lý.
Không có bất cứ một động thái hay hình thức xử lý nào về việc những cán bộ công an đã hành động mang tính bạo lực về tinh thần (có liên quan đến quấy rối tình dục), và xúc phạm nhân phẩm những người phụ nữ này, cũng như không có một hình thức bồi thường, xin lỗi gì với họ cả. Dường như có một chuẩn mực ngầm cho rằng đã là gái mại dâm, hoạt động bất hợp pháp thì không có quyền được tôn trọng nhân phẩm và quyền được pháp luật bảo vệ khỏi bạo lực giới?
Cả luật pháp lẫn truyền thông đều lúng túng và quyết định... làm lơ họ đi.
Vài nét chấm phá về sự lúng túng của giới truyền thông cũng cho thấy chúng ta đang ở trong giai đoạn giao thời và những chuẩn mực mới - cũ, trong đó có chuẩn mực về giới tính đang giằng co, lẫn lộn, những vấn đề về quyền con người của phụ nữ vẫn còn hết sức lạ lẫm. Chính trong giai đoạn này, vai trò của truyền thông càng phải mang tính định hướng, dẫn đường. Người làm truyền thông càng phải xác định quan điểm về bình đẳng giới một cách rõ ràng mạnh mẽ, chứ không phải chỉ là tiếng vọng của những chuẩn mực lỗi thời.
Tại hội nghị tập huấn “Một số vấn đề cơ bản về dân số, sức khỏe sinh sản và giới” do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức vào ngày 28-7-2011, đại diện Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) cho biết có 54% phụ nữ Việt Nam từng bị bạo lực tinh thần ít nhất một lần trong đời. Nguyên nhân bạo lực là tư tưởng trọng nam khinh nữ.
Theo UNFPA, khoảng 32% phụ nữ kết hôn từng bị bạo lực về thể chất, 30% phụ nữ kết hôn bị ép quan hệ tình dục, 5% bị bạo hành ít nhất một lần khi mang thai và có đến 4,7% phụ nữ bị bạo hành có thai chết lưu. Đó là chưa kể về bạo lực kinh tế, nạn buôn bán phụ nữ và phân biệt giới tính trẻ trước sinh...
Thanh Hương - Theo TBKTSG
Các bài khác:
- [VnEx] Làng đói nghèo nhưng hiếu học
- [VnEx] 'Ca dao, tục ngữ' thời kinh tế thị trường (Phần 1) và (Phần 2) Nghèo nhân, nghèo nghĩa chẳng lo. Nghèo tiền, nghèo bạc mới cho là nghèo. Chồng người áo gấm xông hương. Chồng em áo rách, em thương... chồng người.
- [DT] Diễn đàn: Lý giải nguyên nhân ngành sư phạm thiếu người tài và Thi sắc đẹp quan trọng hơn nghiên cứu khoa học (!?)
- [TTVH] Chào thua với chiêu PR biến người sống thành... quá cố vì “À không, chỉ là… sao Việt”!