Trường nhiều nhưng chất lượng ra sao?

25/8/110 nhận xét




Giờ học của các sinh viên trên giảng đường.
Ảnh: IT
[Marketing4u.vn] Phát triển các trường Đại học (ĐH), Cao đẳng (CĐ) giai đoạn 2006-2020, ngành GD&ĐT đặt mục tiêu đến năm 2020 có 450 sinh viên /1 vạn dân (gấp đôi con số hiện nay). Trong kế hoạch ngắn hạn, đến năm 2015, ngành GD&ĐT đặt mục tiêu đạt 512 trường ĐH, CĐ.


Số trường ĐH, CĐ hiện nay là 414 trường, như vậy chỉ còn 4 năm, Bộ GD&ĐT phải thực hiện mở cho được hơn 90 trường ĐH,CĐ. Tuy nhiên, có một nghịch lí đang diễn ra: Có khoa không sinh viên, trường thiếu sinh viên…

Thực trạng của nhiều trường ĐH, CĐ

Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Hồng Quân thay mặt cho Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập gửi kiến nghị lên Bộ trưởng đề nghị bỏ điểm sàn. Kiến nghị này không được Bộ trưởng đương nhiệm chấp nhận, điểm sàn vẫn giữ nguyên như năm 2010. Đây là quyết định phù hợp với tình hình tuyển sinh chung của cả nước, nhưng lại đặt nhiều trường ĐH, CĐ vào tình thế tồn tại hay không tồn tại. Trường ĐH dân lập Hùng Vương, chỉ có 500 hồ sơ xin xét tuyển nguyện vọng 2 vào hệ ĐH và CĐ trong khi tổng chỉ tiêu đối với hệ ĐH và CĐ của trường là 1.000 sinh viên. Trường Công nhân cơ điện (thuộc Bộ NN&PTNT chỉ nhận được 60 hồ sơ/ 400 chỉ tiêu thí sinh). Tình trạng tuyển sinh năm sau ít hơn năm trước có nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân do mở quá nhiều trường ĐH&CĐ. Chỉ trong vòng 5, 6 năm trở lại đây đã mở gần 300 trường ĐH, CĐ phần lớn nằm trên địa bàn các tỉnh. Bên cạnh đó, việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo cũng như chất lượng đào tạo của nhiều trường còn thấp kém. Nhiều trường ngoài công lập chưa xây dựng được hệ thống trường lớp, phải đi thuê nhưng vẫn tuyển sinh, tạo sự lo ngại cho người học, ảnh hưởng lớn tới hệ thống các trường ngoài công lập.

Đội ngũ giáo viên nhiều trường được nâng cấp từ CĐ lên ĐH nhưng chưa kịp trang bị kiến thức dạy ĐH cho giảng viên, lại có trường thiếu giảng viên phải thuê nên gặp khó khăn trong giảng dạy. Đây là hệ quả của sự dễ dãi bắt nguồn từ phía các nhà quản lí khi cho phép mở ồ ạt các trường ĐH, CĐ. Sự thông thoáng trong cơ chế "xin - cho" không tính đến những hệ lụy đối với nền kinh tế cũng như nhu cầu thực của sự phát triển xã hội nên dẫn đến tình trạng các trường ngoài công lập không thể đáp ứng được nhu cầu của cả người dạy và người học, không thể tạo dựng được niềm tin cho thí sinh. Nhiều trường ĐH, CĐ muốn thu hút thí sinh đã dùng đủ mọi cách quảng cáo thậm chí lôi kéo thí sinh. Như Trường đại học dân lập Lương Thế Vinh (Nam Định), chủ trương tặng quà thí sinh, thưởng từ 550 nghìn đồng đến một triệu đồng tùy theo mức điểm của thí sinh tính từ điểm sàn trở lên; với các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên, Phòng GD và ĐT nếu khuyến khích được thí sinh vào học sẽ được tặng thưởng 250 nghìn đồng/ thí sinh. Trường ĐH Phương Đông công bố sẽ trao 5 suất học bổng tương đương học phí năm đầu tiên (8 triệu đồng) cho 5 sinh viên có điểm thi đầu vào cao nhất ứng với 5 khối thi. Những sinh viên đạt giải nhất, nhì, ba trong các kì thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, những thí sinh đạt từ 25 điểm trở lên (3 môn chưa nhân hệ số, chưa tính điểm ưu tiên)… vào trường sẽ được trao học bổng toàn phần miễn học phí năm đầu với 10 triệu đồng học bổng.

Và những hệ quả

Trường đại học Thành Tây (Hà Nội) năm 2008 tuyển sinh khóa đầu được 700 sinh viên, năm 2009 dừng lại ở 600, năm 2010 tụt xuống còn 400 và dự kiến năm nay khoảng 200 sinh viên. Trường Đại học Hà Hoa Tiên (Hà Nam) năm 2008 tuyển được 83 sinh viên, năm 2009 tuyển được 27 sinh viên và năm 2010 tuyển được vẻn vẹn 40/ 400 chỉ tiêu sinh viên đại học. Có lẽ do thấy rõ nguy cơ của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập khó tuyển đủ sinh viên để có thể duy trì hoạt động, nên mới có chuyện nguyên Bộ trưởng gửi kiến nghị bỏ mức điểm sàn. Khoan nói đến sự đúng sai của bản kiến nghị, nhưng chỉ nhìn vào sự lãng phí tiền của đổ vào kì thi tuyển sinh hằng năm, vào xây dựng hệ thống trường ĐH, CĐ cũng đủ thấy xót lòng. Những ngôi trường nhanh chóng mọc lên rồi bỏ trống, những khoa nghiên cứu trắng sinh viên phần nào cho thấy sự bất cập trong đào tạo. Các trường đang mải miết chạy theo số lượng, tô hồng những bảng thành tích, cố giấu đi những thực trạng đáng buồn về số lượng cử nhân thất nghiệp khi ra trường.

Đã qua rồi cái thời kì "cổng trường đại học cao vời vợi" để thay vào đó là cơ hội vào ĐH cho tất cả mọi người. Chỉ hai kì tuyển sinh cho các khối A, B, C, D nhưng một thí sinh có thể nhận được giấy báo trúng tuyển đại học của 4 thậm chí 5 và nhiều hơn từ rất nhiều trường đại học khi điểm thi đại học cho cả ba môn lại chỉ từ 10 đến 11 điểm, thậm chí còn thấp hơn.

Một lớp tri thức mới có xuất phát điểm thấp như vậy, liệu có làm cho đất nước chuyển mình? Và còn rất nhiều ngân hàng chính sách xuất vốn cho sinh viên vay ưu đãi để có đủ tiền theo học, liệu những khoản đầu tư này có trở thành lãng phí khi sau đào tạo sinh viên rơi vào tình cảnh thất nghiệp. Những con số về tỉ lệ thất nghiệp được giới truyền thông đăng tải, năm sau cao hơn năm trước lại khiến chúng ta không khỏi chạnh lòng. Phải chăng, đất nước đang phổ cập đại học?
Thiên Sơn - Theo Nguoicaotuoi
Các bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP