[Marketing4u.vn] Nguyễn Hữu Hồng Minh đã có 3 buổi giao lưu gặp gỡ bạn đọc tại Đà Nẵng, Huế và TP.HCM. Vào lúc 15h thứ Sáu, 12/8, Nguyễn Hữu Hồng Minh sẽ có buổi giao lưu và giới thiệu tập truyện ngắn Ổ thiên đường (vừa xuất bản) tại cà phê Nhị Hà - số 1 Đại Cồ Việt, Hà Nội.
Cái tên Nguyễn Hữu Hồng Minh gắn liền với những thử nghiệm tìm tòi trong thơ ca, những cực đoan kiệt cùng trong sáng tạo với những tác phẩm như: Giọng nói mơ hồ, Chất trụ, Vỉa từ... Với Ổ thiên đường (NXB Văn học, Hà Nội, 7/2011), tập truyện chào đời sau... 20 năm thai nghén, người ta lại thấy một Nguyễn Hữu Hồng Minh khác ở địa hạt văn xuôi.
Mơ hồ như ngư ông trên biển cả
* 20 năm ấp ủ cho một tập truyện ngắn liệu có là thời gian thai nghén quá dài không thưa anh?
Vâng! Quá dài. Quá sâu. Quá nhọc nhằn, mê mỏi... Nhưng văn chương, có lẽ phải kiên nhẫn và cứ nên... thủng thẳng! Vấn đề bây giờ là sau 20 năm, nhìn lại một tập sách, có gì đáng đọc hay không?
* Với khoảng thời gian thai nghén dài như thế sao anh không lựa chọn thể loại tiểu thuyết cho “rộng tay” hơn?
Trong khoảng thời gian đó tôi có viết hai cuốn tiểu thuyết Nhai nhựa và Vẽ bùa mà đeo. Cũng như truyện ngắn, không dễ dàng, không khá khẩm gì hơn! Bao giờ tôi cũng cảm giác mình đi lạc trong một mê trận không lối thoát. Chữ nghĩa như bia đá đeo nặng kiếp vong. Trong Ổ thiên đường có giới thiệu mấy trích đoạn từ hai tiểu thuyết này dưới hình thức hai truyện vừa, phát triển hậu hiện đại. Tôi hy vọng sẽ đủ kiên nhẫn hoàn thành hai tiểu thuyết dang dở trong vòng 10 năm nữa!
* Anh nói khá nhiều về hành trình tìm kiếm sự mới mẻ về hình thức trong văn xuôi, anh có thể cho biết Ổ thiên đường của anh mới hơn những tập truyện khác những gì?
Câu trả lời xác đáng nhất là bạn hãy đọc thẳng vào văn bản. Riêng tôi, có thể tự tin nói rằng, tôi đâu “có điên” để vứt trắng 20 năm? Tuy vậy, cuộc tìm kiếm vẫn có thể bị thất bại. Nhà văn, trong cú chơi với sáng tạo vĩ đại và mơ hồ như ngư ông trên biển cả, không biết có câu được con cá và liệu đó có phải là con cá to nhất? Chỉ có thể trả lời trung thực rằng từ hình thức, nội dung, ngôn ngữ, bố cục... đều có những thể nghiệm đau đớn. Một cuộc vượt thoát nhọc nhằn nhưng có ý thức. Nhưng như tôi đã nói, thể nghiệm và có thể thất bại hoàn toàn.
Nguyễn Hữu Hồng Minh bên tượng nhà văn Nguyễn Tuân. Ảnh: La Toàn Vinh Nguyễn Hữu Hồng Minh sinh năm 1972 tại Đà Nẵng. Hiện sống và làm việc tại TP.HCM. Đã từng được nhiều giải thưởng thơ và truyện ngắn của các báo, tạp chí như Tiền phong (1990), Tuổi trẻ (1996), Sông Hương (2003). Đã in: Giọng nói mơ hồ (thơ, 1999); Tháo đáy (tập truyện, 2000); Chất trụ (thơ, 2002); Vỉa từ (thơ, 2003); Khách lạ lúc nửa đêm (tập truyện, 2004); Lỗ thủng lịch sử (thơ, 2004). |
“Con sói nhà thơ” cô đơn vì không còn ai đọc thơ
* Trả lời phỏng vấn một tờ báo mới đây anh ví bi kịch của nhà thơ hiện nay như “con chó sói trụi lông đi kiếm ăn”, nghe có vẻ rất “điêu tàn”, liệu anh có quá lời và cả nghĩ quá không?
Nhiều người bất bình về câu trả lời này nhưng chưa ai hiểu ý nghĩa trọn vẹn của đối xứng “nhà thơ = sói” cả.
“Sói” là một sự trở lại gần đây của văn học và điện ảnh cả châu Âu và châu Á. Từ rất lâu, ám ảnh Sói đồng hoangcủa Hermann Hesse, gần nửa thế kỷ để bây giờ xảy ra cuộc tiến hóa ngược? Câu hỏi không dễ trả lời. Chỉ có sự thật: con người càng lúc càng cô đơn, hoang mang đang manh nha đi tìm lại chính mình. Và với người nghệ sĩ là đi tìm cái khôi nguyên, sức mạnh nguyên thủy về bản năng sáng tạo đã mất, đã hư hóa.
Văn học và điện ảnh đang dậy sóng với các tác phẩm mang biểu tượng “sói hóa” như tiểu thuyết Tô-tem sói của Khương Nhung (Trung Quốc), các bộ phim gây sốc trong giới trẻ, “cháy vé” suốt những suất chiếu với Chạng vạng (Twilight), Trăng non (New Moon)... Không dừng ở châu Âu, điện ảnh châu Á cũng đang lên cơn sốt vớiChiến binh và tình sói, bộ phim của “khứa lão” Trung Quốc nổi tiếng - đạo diễn Điền Tráng Tráng.
Serie phim giả tưởng X-Men, cỗ máy chiến binh người sói Wolverine có đôi tay vuốt sắt xé thịt đối thủ. Khi tôi so sánh “nhà thơ” và “sói” là cặp ẩn dụ tương đồng với thế giới cách nhìn trên.
Tuy nhiên, “con sói nhà thơ” tuy dũng mãnh nhưng đã cô đơn hơn vì sự thật không ai còn đọc thơ. Các nhà thơ phải lang thang đi kiếm ăn và buồn bã. Đó là một hình ảnh cô đơn nhưng không điêu tàn.
* Những tìm tòi, mới mẻ thường đi cùng với sự khó đọc, với 3 phần tách bạch, Ổ thiên đường hoàn toàn có thể tách thành... 3 cuốn sách riêng biệt, việc gộp chúng lại như thế anh không ngại sách sẽ “nặng” và bạn đọc sẽ nản?
Vâng, điều đó hoàn toàn có thể! Nhưng như tôi đã nói đây là một cuộc thể nghiệm nhọc nhằn và là một cuộc chơi cấu trúc. Nghệ thuật cần những cuộc chơi “chết người” như vậy để truy tìm cái “tôi” bản ngã!
* Bạn đọc có thể kỳ vọng gì vào một Nguyễn Hữu Hồng Minh văn xuôi như họ đã từng ghi nhận anh trong lĩnh vực thơ ca?
Sáng tạo! Một sự sáng tạo độc lập và tuyệt đối. Một đường bay riêng. Có thể bay vào vực thẳm và... mất tích.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.
Dương Tử Thành (theo TTVH)