Chính sách sẽ chất lượng nếu có tiếng nói người dân

21/8/110 nhận xét




TS Nguyễn Đình Cung
[Marketing4u.vn] Chất lượng của chính sách sẽ thực sự nâng cao nếu các bên liên quan như người dân, doanh nghiệp, các hiệp hội được tham vấn.

Tình trạng chính sách thay đổi theo kiểu “sáng nắng, chiều mưa”; một luật mới ban hành chưa được bao lâu đã phải sửa đổi, bổ sung; một nghị định, quyết định vừa ra đời đã nhận không ít ý kiến phản ứng… là nguyên nhân khiến lượng văn bản ban hành ngày càng nhiều nhưng chất lượng chưa cao. Theo TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (ảnh), để đảm bảo tính hiệu quả và hữu hiệu của chính sách thì cần có cơ chế kiểm soát chất lượng xây dựng và báo cáo đánh giá tác động văn bản pháp luật.

Tham vấn còn hình thức

Có ý kiến cho rằng hiện nay các chính sách của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi các nhóm lợi ích. Ông nghĩ sao?

Chính sách bị ảnh hưởng bởi các nhóm lợi ích thì ở đâu cũng có và thời nào cũng có. Vấn đề là phải có một quy trình để đảm bảo các bên được tham gia như nhau và có một mục tiêu rõ ràng vì sự phát triển chung của xã hội. Đó là một quy trình xây dựng chính sách công bằng ngay từ đầu cho tất cả các bên, đặc biệt là các bên có liên quan đến chính sách; một quy trình minh bạch, có trách nhiệm giải trình. Ban soạn thảo phải trả lời về tất cả ý kiến và giải trình để bảo vệ ý kiến của mình, tiếp thu hay từ chối ý kiến góp ý của ai thì phải giải thích rõ.

Người dân và các tổ chức xã hội tham gia vào xây dựng chính sách ở mức độ nào?

Với kinh nghiệm là người trực tiếp soạn thảo chính sách, tôi thấy các bên tham gia tham vấn chưa chuẩn bị đầy đủ để nâng cao chất lượng chính sách như muốn tham vấn cái gì, trọng tâm của chính sách là gì… Cơ quan soạn thảo hình như vẫn còn làm hình thức chứ không phải tham vấn để nâng cao chất lượng văn bản. Trong khi đó, các bên liên quan như doanh nghiệp, người dân, các hiệp hội vẫn còn thụ động, chưa thật sự tích cực trong tham vấn. Hơn nữa năng lực tham gia của họ còn yếu, chưa đảm bảo tham vấn có hiệu quả, có tính bền vững.

Không đạt thì nhất quyết không thông qua

Ông nói để đảm bảo chất lượng của chính sách thì cần có cơ chế đánh giá tác động của văn bản pháp luật trong quá trình ban hành. Vậy việc này đang được thực hiện ra sao?

Qua khảo sát vừa rồi của chúng tôi, nếu xét về số lượng thì các luật hiện nay của chúng ta đều có sự đánh giá này. Tuy nhiên, chất lượng của các báo cáo đánh giá còn thấp, chưa đúng tiêu chuẩn. Thường thì các báo cáo xác định một cách chung chung nên mục tiêu đặt ra cũng chung chung như “để nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước”, “vì chưa có quy định này nên phải ban hành”… Đó không phải là mục tiêu của văn bản, vì vậy khó có thể đưa ra giải pháp đúng.Hơn nữa khi đánh giá tác động, cơ quan soạn thảo cũng chỉ đưa ra một giải pháp (mà đúng chuẩn thì phải có nhiều giải pháp). Trong đó, phải tính đến giải pháp không làm gì (không ban hành thêm quy định). Luôn luôn phải đặt giải pháp không làm gì và khi muốn làm gì thì phương án đó phải tốt hơn giải pháp không làm gì. Một văn bản cần thiết chỉ khi giải pháp thực hiện có lợi ích cao hơn giải pháp không làm gì.





1.500 (số tròn) là lượng văn bản ban hành năm 2009, trong khi từ năm 2005 đến 2008 bình quân mỗi năm chỉ có 860 văn bản.
Trong giải pháp có làm gì thì phải đưa ra nhiều phương án để lựa chọn phương án ít tốn kém nhất nhưng lợi ích cao nhất. Đây chính là cơ sở để tham vấn các bên. Khi ban soạn thảo văn bản làm được điều này sẽ đảm bảo tính khách quan và thu hút sự tham gia của các bên. Họ sẽ hào hứng, nhiệt tình và biết được rằng sự đóng góp của mình được tiếp thu nếu hợp lý.

Trước thực tế này, đòi hỏi phải có biện pháp như thế nào để nâng cao hiệu quả của chính sách?

Xét về mặt quy trình thì Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của ta đã là các tiêu chí rất tốt rồi. Vấn đề là chúng ta thực hiện nó, tạo diễn đàn để các bên cùng tham gia góp ý vào báo cáo đánh giá tác động pháp luật. Nhưng với điều kiện phải chú trọng chất lượng hơn số lượng, không bị áp lực về mặt thời gian năm nay phải ban hành được bao nhiêu luật. Các cơ quan thẩm định, quyết định như Quốc hội nếu thấy luật nào chưa đúng chất lượng như mong muốn thì dừng lại chứ không nhất thiết phải thông qua.

Xin cảm ơn ông.



Luật Thủ đô không qua được cửa QH

Chiều 29-3-2011, tại kỳ họp cuối cùng của QH khóa XII, các đại biểu đã tiến hành bỏ phiếu đối với dự án Luật Thủ đô. Kết quả, chỉ với 35,9% đại biểu tán thành và gần 44% không tán thành, QH đã không thông qua dự luật này.
Trước đó, từ tháng 2-2010, dự án Luật Thủ đô đã được Chính phủ xin bổ sung vào chương trình nghị sự của QH năm 2010 và đề xuất thông qua ngay tại một kỳ họp (tháng 5-2010) cho kịp với sự kiện 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Tuy nhiên, ngay trước kỳ họp đó, Chính phủ lại đề nghị chưa trình dự luật do cần phải nghiên cứu thêm.
Được trình QH lần đầu tiên tại kỳ họp cuối năm 2010, dự luật thủ đô đã gây tranh cãi gay gắt. Nhiều đại biểu tỉnh, thành lo ngại việc ban hành luật này sẽ trái với hiến pháp, gia tăng khoảng cách giàu nghèo (vì thủ đô được hưởng quá nhiều cơ chế, chính sách đặc thù)... Cuối cùng, dự luật này đã không được thông qua theo quy trình hai kỳ họp.
Theo nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2012, dự án Luật Thủ đô sẽ được QH khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ tư vào cuối năm 2012.

THU HẰNG - Theo PLTP

Các bài khác:
    Chia sẻ cho bạn :
    Hot!

    Tư vấn quản trị

    Xem thêm »

    Tư vấn tiếp thị

    Xem thêm »

    Tư vấn bát tự

    Xem thêm »

    Tư vấn phong thủy

    Xem thêm »
     
    TOP