Đào tạo ngành sư phạm: Những khoảng trống đáng lo ngại

30/8/110 nhận xét

[Marketing3k.vn] Mùa tuyển sinh năm 2011 đã tiếp diễn một thực trạng không mấy tươi sáng của các ngành đào tạo sư phạm với mặt bằng đầu vào thí sinh không cao, nhiều trường lấy điểm chuẩn ngang điểm sàn. Điều này không khỏi ảnh hưởng tới kết quả mục tiêu mà Ban cán sự đảng Bộ GD-ĐT đặt ra cho ngành giai đoạn 2007-2015 và khiến dư luận lo ngại về chất lượng giáo dục ở cả hiện tại lẫn tương lai. Hội nghị về các trường sư phạm vừa được tổ chức trước thềm năm học mới đã cho thấy lo ngại ấy là có cơ sở.

Thiếu thầy dạy làm thầy

Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2010, 100% giảng viên các trường ĐH sư phạm (SP) có trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó ít nhất 25% giảng viên đạt trình độ tiến sĩ. Đến năm 2015, ít nhất 50% và đến năm 2020, 100% giảng viên các trường ĐH SP đạt trình độ tiến sĩ. Tuy nhiên, tính đến năm học 2010-2011, tổng số giảng viên của các trường đại học SP là gần 4.400 người, tỷ lệ có trình độ từ thạc sĩ trở lên là khoảng 65%. Con số này còn cách khá xa so với mục tiêu mặc dầu đã phản ánh những tiến bộ nhất định trong công tác phát triển đội ngũ giảng viên, trong đó có đóng góp của đề án 322 và gần đây là đề án đào tạo 20.000 tiến sĩ đến năm 2020.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng cho biết: "Các trường đã chú trọng tuyển dụng giảng viên từ nguồn sinh viên giỏi; khuyến khích người có trình độ cao ở các ngành nghề khác tham gia đào tạo giáo viên. Nhiều địa phương và các trường SP có chính sách ưu tiên, hỗ trợ cho giảng viên đi học thạc sĩ, tiến sĩ.... Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều cơ sở chưa bảo đảm định mức về tỷ lệ giảng viên/sinh viên; một bộ phận giảng viên còn hạn chế về trình độ, chưa tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy. Công tác quy hoạch, bồi dưỡng đội ngũ kế cận chưa được quan tâm đúng mức. Chế độ chính sách cho giảng viên còn bất cập. Có nguy cơ khủng hoảng đội ngũ giảng viên đầu đàn và cán bộ quản lý ở nhiều trường SP".

Nói về vấn đề nghiệp vụ SP của SV khi ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu, vốn là vấn đề đang được xã hội quan tâm gần đây, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Một số cơ sở đào tạo giáo viên đã triển khai đào tạo theo chương trình tiên tiến ở một số ngành. Tuy nhiên, các trường chủ yếu dành thời gian cho đào tạo khoa học cơ bản/chuyên ngành, thời gian đào tạo SP chỉ chiếm 10-20% thời lượng. Công tác thực hành, thực tập SP chưa được coi trọng".

Mặt khác, nội dung chương trình đào tạo chưa quan tâm đến yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông như: hầu như không đào tạo về công tác giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo dục kỹ năng sống, hướng nghiệp, kiểm tra - đánh giá, giáo dục hòa nhập, giáo dục thường xuyên. Chương trình đào tạo cũng không đáp ứng yêu cầu Đề án đào tạo ngoại ngữ giai đoạn 2008-2020. Đào tạo theo học chế tín chỉ đã được triển khai ở một số trường ĐHSP, CĐSP, song công tác chuẩn bị cho phương thức này còn lúng túng, chưa xác định rõ phương án, lộ trình giải quyết các khó khăn khi thực hiện như: tổ chức lớp học, xếp lịch thi, bố trí học bù, sinh hoạt đoàn thể và quản lý SV. Do hạn chế về điều kiện cơ sở vật chất và giảng viên nên ở một số trường việc triển khai đào tạo theo tín chỉ vẫn còn mang tính hình thức.

Trống nhiều lĩnh vực

Đổi mới nội dung, chương trình giảng dạy là yếu tố hàng đầu mà nhiều lãnh đạo trường SP đã đặt ra như một giải pháp cấp bách cho công tác đào tạo SP hiện nay. Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) Nguyễn Thị Mỹ Lộc khẳng định, để giải quyết những vấn đề thực tiễn, giáo viên đòi hỏi phải có kiến thức liên ngành, đặc biệt đối với giáo viên cấp trung học cơ sở. Hiện có nhiều lĩnh vực vẫn còn đang bị bỏ trống hay chưa được quan tâm đúng mức như: đào tạo giáo viên chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng và tâm lý.

Hiệu trưởng Trường ĐH SP TP Hồ Chí Minh, ông Hoàng Văn Cẩn, nêu đề xuất đổi mới về tuyển sinh đối với ngành SP. Theo đó, ngoài các tiêu chí chung, thí sinh bắt buộc phải thi môn ngữ văn cho tất cả các ngành, nếu không "trong tương lai chúng ta sẽ phải trả giá về mặt bản sắc và ngôn ngữ". Ông Hoàng Văn Cẩn cũng đề nghị, điểm thi môn chuyên ngành của thí sinh SP phải đạt từ 5 trở lên và được nhân hệ số.

Một vấn đề "nóng" hiện nay là công tác thực tập SP cũng nhận được nhiều đề xuất từ phía các cơ sở đào tạo. Ông Hoàng Văn Cẩn cho rằng, ngay từ năm học thứ nhất, SV đã nên được tiếp cận với môi trường trường phổ thông. Tuy nhiên điều này đòi hỏi tính kế hoạch cao để có thể không gây nên sức ép đối với các trường tiếp nhận SV thực tập.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Lộc đề nghị các trường thực hành của các cơ sở đào tạo sư phạm cần có cơ chế riêng, đặc biệt để triển khai các kết quả nghiên cứu. Hiện nay, để có chỗ cho SV thực tập, phần lớn các trường SP vẫn phải thương thuyết với các trường phổ thông, trên cơ sở tình thầy trò, giúp đỡ lẫn nhau chứ không dựa trên quy định nào về trách nhiệm của trường phổ thông đối với sự nghiệp đào tạo giáo viên. Bên cạnh đó, việc cử tất cả SV của các trường SP xuống trường phổ thông cùng một thời điểm để thực tập cũng không phù hợp. Theo bà Mỹ Lộc, trước khi được thực tập, SV lẽ ra phải qua khâu thẩm định, đánh giá, phân hóa trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Thời gian thực tập có thể kéo dài tới 10 tháng thay vì dồn vào một thời gian ngắn như hiện nay. Như vậy có thể giúp giảm tải áp lực SV thực tập cho các trường phổ thông.

Có thể thấy, ngoài việc học sinh không mặn mà với SP, sự nghiệp đào tạo người thầy còn quá nhiều điều xa với mục tiêu đề ra. Khoảng cách ấy càng xa bao nhiêu, nỗi lo về chất lượng giáo dục sẽ càng lớn bấy nhiêu. Nhưng làm thế nào để thu hẹp được khoảng cách ấy là câu hỏi chưa có câu trả lời.
Quỳnh Phạm - Theo Hanoimoi
Các bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP