Tư tưởng dân chủ từ góc nhìn của bà Đạm Phương

12/6/110 nhận xét




Bà Đạm Phương
[TVN] Trong điều kiện của xã hội phong kiến thuộc địa, bà Đạm Phương đã chọn vấn đề để can thiệp đầu tiên cho nữ quyền là: Quyền được học hành, quyền có nghề nghiệp và quyền có hiệp hội của phụ nữ.

Đạm Phương là danh sĩ đầu thế kỷ 20. Bà là người tiên phong trong việc đấu tranh cho quyền phụ nữ và truyền bá tư tưởng đấu tranh cho vai trò của người phụ nữ. Với rất nhiều bài viết trên nhiều báo, tạp chí từ Nam chí Bắc như tạp chí Nam phong, Hữu thanh, Tiếng dân, báo Trung Bắc tân văn, Thực nghiệp dân báo, Đông phương, Phụ nữ tân văn... Bà từng được ví von là "Nữ Oa vá trời" trong công cuộc đấu tranh bảo vệ quyền phụ nữ.

Trong khuôn khổ hội thảo về bà sắp diễn ra tại Huế, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của của tác giả Nguyễn Thu Linh, Viện Phó Viện Các vấn đề Phát triển về nữ "ký giả" đặc biệt này.

Danh sĩ một thời

Bà Đạm Phương đã ra đi cách đây tròn trăm năm. Những tác phẩm còn lưu giữ đến ngày nay cho thấy bà là một trí thức uyên bác trong nhiều lĩnh vực: từ ca từ, câu đối cho đến các bài báo, từ tiểu thuyết đến khảo cứu.

Thời bà sống đất nước bị thực dân Pháp và phong kiến cai trị, văn hóa và đạo đức dân tộc đang bị thử thách trước sự xâm nhập của văn hóa phương Tây. Ngày nay, Việt Nam cũng đang trong áp lực của không chỉ cạnh tranh về quân sự mà còn là sự giành giật "biên giới mềm' bởi ảnh hưởng của các nền kinh tế mạnh kéo theo các ảnh hưởng về chính trị, về văn hóa, về khủng khoảng tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu...

Đóng góp cần được ghi nhận ở sự nghiệp của bà Đạm Phương, đó không chỉ là sự phủ nhận tư tưởng trọng nam khinh nữ vốn đã ăn sâu trong nếp nghĩ, cách làm của người Việt lúc đó mà bà còn là người phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam sớm đổi mới tư duy bằng việc rộng lòng tiếp nhận tư tưởng tiến bộ- bình quyền nam nữ của phương Tây và sớm biết sử dụng văn minh phương Tây thông qua phương tiện báo chí mới xuất hiện lúc đó như: Phụ nữ Thời đàm, Trung Bắc tân văn... để truyền bá được rộng rãi cách thức giúp người phụ nữ nâng cao vị thế trong gia đình và ngoài xã hội mà vẫn giữ gìn được tinh hoa của văn hóa truyền thống.

Sau đây, xin được nêu lên những đóng góp tiêu biểu cuả bà.

Đề cao vai trò của tư tưởng tiến bộ:

Các bài viết của bà đều toát lên sự mới mẻ về tư tưởng. Trong bài "Người ta cần phải có tư tưởng", bà có nhận định rất sáng suốt: "Hiện bây giờ ở xã hội mình về đường tư tưởng, không nói ai cũng hiểu là kém lắm, kém cho đến nỗi nghĩa vụ của người dân đối với đất nước không biết làm sao? Huống hồ còn tính đâu đến sự liên lạc với nhân loại nữa, mà việc đời khi nào ban đầu cũng phải có tư tưởng, có lý luận rồi mới có thực hành, nếu tư tưởng đã kém còn mong gì thực hành đặng", "có học mà không có tư tưởng cũng đều là vô bổ... Tư tưởng được chính đáng bao nhiêu là bổ ích cho gia đình và xã hội bấy nhiêu".

Trong bài "Cái tư tưởng của đàn bà", Đạm Phương nêu bật tư tưởng về nữ quyền của mình. "Không hạn gì đàn ông đàn bà hết thảy, dẫu đàn ông mà không có tư tưởng, hay học mà không có tư tưởng, cũng đều là vô bổ... Tư tưởng được chính đáng bao nhiêu là bổ ích cho gia đình xã hội bấy nhiêu".

Bà đã sớm thấy ra: chỉ khi "sự học của con gái được mở rộng thì đường tư tưởng hình như cũng đã mở rộng ra thêm" mới giúp người phụ nữ nâng cao được vị thế xã hội, có vai trò trong mối quan hệ giữa gia đình và xã hội. Bà nhìn thấy mối quan hệ này là vốn có, song người đàn bà chỉ vì "mờ tối", chật hẹp về tư tưởng "mà quên đi đó thôi". Khi tư tưởng của họ được khai sáng "Ây cái tấm lòng công ích của đàn bà ta đã nhen nhúm từ đó". Bà cũng lưu ý: từ gia đình bước ra xã hội, "cái trách nhiệm của người đàn bà sẽ nặng nề hơn xưa thì học vấn của họ càng phải cao lên nữa, để cho đủ sức mà đảm đang việc đời".

Vai trò và nữ quyền

Đấu tranh cho nữ quyền là một phương diện của quyền con người. Là phụ nữ thông tuệ, sẵn nhiệt huyết với đất nước, sớm nhận ra tư tưởng tiến bộ này của nhân loại có thể giúp Việt Nam thay đổi theo hướng tiến bộ, bà hầu như giành hết tâm huyết cho cuộc vận động mang tính xã hội này, dấn thân cho sự nghiệp ai cũng hiểu là gian khó và lâu dài. Bà có một đường hướng, một cách thức khoa học phù hợp với thực tiễn đất nước vào thời điểm xã hội phong kiến đã bị làn sóng Âu hóa tràn vào, để phụ nữ giúp nhau tự nâng cao vị thế cho giới mình.

Bà chỉ ra cái nhà ngục vô hình mà người phụ nữ đang bị giam hãm: "Phần nhiều chị em chúng ta ngày nay vẫn còn bị nằm trong cái ngục tối tăm vô thức, giam buộc trong cái số phận làm thú, mà không có thể lên được cái địa vị làm người". "Nữ giới xưa nay đối với nam giới, bị thói quen nam tôn nữ ty làm hại vô cùng, vì theo thói đó, người đàn bà bị khinh rẻ không kém gì thân tôi mọi".

Bà thức tỉnh phụ nữ thay đổi cách nhìn: "phong tục nước nhà bó buộc người đàn bà nhiều điều tàn nhẫn, như không kể nhân cách nữa"

Trong điều kiện của xã hội phong kiến thuộc địa, bà Đạm Phương đã chọn vấn đề để can thiệp đầu tiên cho nữ quyền là: Quyền được học hành, quyền có nghề nghiệp và quyền có hiệp hội của phụ nữ.

Tư tưởng của bà Đạm Phương với Việt Nam ngày nay

Những năm đầu thế kỷ trước, Việt Nam đã nhen nhóm những cộng đồng hoạt động quảng bá rộng rãi trong nhân dân những tư tưởng và kiến thức mới để phát triển dân tộc và văn hóa dân tộc, bà Đạm Phương đã chọn điểm nhấn vào thúc đẩy học vấn, trau dồi nghề nghiệp và hoạt động tổ chức nghề nghiệp của phụ nữ. Bà đã tìm đúng cái cần chống, cái cần xây ngay tại xứ Huế của mình- thành trì của tư tưởng phong kiến để truyền bá tư tưởng đúng đắn về dân chủ, dân quyền đối với phụ nữ.

Từ góc nhìn về bình quyền nam nữ của bà Đạm Phương thấy:
  • "Tư tưởng được chính đáng" mà bà kêu gọi rất cấp thiết cho xã hội ta lúc này, với lãnh đạo lại càng phải có tư tưởng chính đáng. Việt nam ngày nay cần nhận thức lại về sức mạnh của tư tưởng chính đáng.

  • Đấu tranh cho nữ học song bà cũng rất sớm cảnh báo lối "học một chữ biết một chữ, nghe một việc biết một việc..là vô bổ" cũng như học chỉ để "làm chức này, chức kia, kiếm danh vị và lương bổng để lòa loẹt" khá thịnh hành hôm nay, đang cần sự phê phán mạnh mẽ của công luận.

  • Trở lại với tư tưởng về vai trò giáo dục của gia đình, đặc biệt của người mẹ với con cái lứa tuổi tiền học đường của bà, khi ngày nay các gia đình mải chạy theo việc kiếm tiền trước mắt, xem nhẹ hoặc phó mặc việc dạy dỗ trẻ cho xã hội, khi mà chính quyền nhiều địa phương mải cấp phép đầu tư cho sân gôn, khách sạn... phó mặc nhà trẻ, mẫu giáo cho tư nhân. Khi văn hóa gia đình được thay thế bằng giấy chứng nhận của chính quyền cơ sở.

  • Quan niệm về lý tài thật hữu ích cho hôm nay khi bà cho rằng nội dung của nó phải bao gồm: phải làm việc, bền chí mà làm, tiết kiệm và biết đầu tư. Ngày nay khi mà cá nhân mới giàu lên cũng như nhà nước mới thành công bước đầu trong đổi mới kinh tế đã vội lãng phí, xa hoa, không ít người đã lười biếng, thất nghiệp, ...đang là nguy cơ của dân tộc.

  • Ngày nay đáng mừng là xã hội ta đã có nhiều nhóm cộng đồng dưới dạng là các tổ chức chính trị, xã hội và nghề nghiệp. Tuy nhiên không ít hội đã xa rời, lãng quên tôn chỉ nâng cao vị thế xã hội cho nhóm cộng đồng mà nhờ nó mới có hội.

Hội nữ công học Hội Huế là tổ chức phi chính phủ đầu tiên ở Việt Nam. Tôn chỉ, mục đích cũng như chương trình hoạt động của nó đến nay vẫn là gợi ý cho Hội phụ nữ ở các địa phương ngày nay. Hiện tượng các cháu gái bị xâm hại, nạn buôn bán phụ nữ, lấy chồng ngoại vì bị lừa gạt, bị bạo hành bởi những người chồng nghiện ngập, cờ bạc, lạm dụng túi nilon của phụ nữ chất thêm gánh nặng ô nhiễm môi trường... ít thấy vai trò giúp đỡ, tư vấn, lên án của tổ chức bảo vệ phụ nữ mà hầu như khoán trắng cho chính quyền, trong khi luật pháp chưa đủ mạnh lại xem nhẹ sức mạnh ngăn ngừa, giáo dưỡng của cộng đồng.

Ngày nay phong trào đấu tranh cho quyền của phụ nữ đã có những bước tiến trong thực tiễn và lý luận, đã chuyển từ giải quyết quyền bình đẳng cho phụ nữ bằng cách tăng kiến thức, tăng việc làm...rộng ra là tăng thêm gánh nặng cho phụ nữ sang cách vận động thay đổi tương quan xã hội giữa nam và nữ: nam giới chia xẻ việc nhà với phụ nữ, xóa bỏ phân công lao động dựa trên bất bình đẳng nam nữ...

Các ấn phẩm để lại cho thấy Đạm Phương nổi bật ở tư duy luận lý, bà không chỉ là nữ ký giả mà còn là học giả. Với gần 200 bài báo chứa đựng tư tưởng tiến bộ về dân chủ, đăng trên các báo có tiếng trong khoảng thời gian khá dài (1918-1929) bà cần có vị trí xứng đáng trong môn học về lịch sử báo chí Việt nam cho những ai theo nghiệp báo chí, cũng như trong môn Phụ nữ học, phần về lịch sử phụ nữ Việt Nam cho khoa học về Giới và Phát triển ở nước ta.
Nguyễn Thu Linh
Các bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP