Dự báo tỷ giá USD khó tăng trở lại

2/6/110 nhận xét

(VnMedia) Theo một số chuyên gia ngân hàng, nếu lãi suất USD vẫn là 3%/năm và lãi suất VND ở mức cao hơn, tỷ giá sẽ khó tăng trở lại. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang quyết giữ tỷ giá ổn định, nhưng áp lực vào thị trường ngoại hối cũng đang có xu hướng gia tăng.

Tỷ giá USD sẽ còn thấp một thời gian nữa
Trong nhiều tháng qua, kiên quyết thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã “kìm cương” khá mạnh thị trường tiền tệ. Theo đó, chênh lệch giá mua bán ngoại tệ giữa các ngân hàng thương mại với thị trường USD tự do đã được thu hẹp dần, thậm chí có lúc giá thị trường tự do còn thấp hơn thị trường chính thức.
 Tính đến ngày cuối cùng trong tháng 5, tỷ giá bình quân liên ngân hàng vẫn tiếp tục được NHNN công bố ở mức 20.643 đồng/USD, giá thấp nhất kể từ ngày 11/2. Tại Sở GD NHNN, tỷ giá USD hôm nay niêm yết mua vào - bán ra ở mức 20.600 - 20.849 đồng/USD, giảm 110 đồng giá bán ra so với ngày hôm qua.

Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá USD được giao dịch thấp hơn giá trần khoảng hơn 200 đồng, ở mức 20.610 đồng/USD (bán ra). Theo bảng tỷ giá của Vietcombank ngày 31/5, niêm yết ở mức 20.510 -20.610 đồng (mua vào- bán ra). Eximbank có mức giá thấp hơn, mua vào - bán ra ở mức 20.460 - 20.600 đồng/USD, giảm khoảng 10 đồng giá mua vào.


Ngay từ cuộc họp Chính phủ đầu tháng 2 vừa qua, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cũng khẳng định, chính sách tiền tệ năm nay sẽ linh hoạt hơn và tỷ giá USD sẽ tiếp tục giảm nhờ nguồn cung dồi dào hơn. Theo một số chuyên gia kinh tế, nếu lãi suất USD ở mức thấp ở mức 3% và lãi suất tiền gửi VND ở mức cao hơn thì nhiều người vẫn nghĩ giữ VND sẽ không đến nỗi quá tệ.

Trưởng đại diện Ngân hàng Uni Cerdit của Ý tại Việt Nam cho rằng, tỷ giá USD hiện phụ thuộc vào mức độ lạm phát. Thực tế, hiện lãi suất huy động tiền đồng có mức 19-20%/năm, thì người ta sẽ nghĩ mức này còn có lợi hơn là gửi USD.

Cùng quan điểm này, một lãnh đạo ngân hàng nhận định, “Theo dự đoán lạm phát sẽ lên tới 20% , có thể người dân chưa cảm nhận được ngay được là lãi suất thực là âm hay dương, nhưng với các nhà kinh tế hoặc những người am hiểu thì biết rằng nếu lạm phát tăng 20% mà gửi lãi suất ở mức 20% thì thực chất là bằng 0. Do vậy, vấn đề quan trọng hiện nay là liệu có ghìm lạm phát được hay không, nếu ghìm được thì tỷ giá sẽ vẫn giữ mức ổn định như hiện nay và lãi suất USD sẽ vẫn là 3%/năm…”

Theo nguồn tin riêng từ Vụ ngoại hối (NHNN), trong thời gian nữa NHNN sẽ vẫn giữ tỷ giá USD không có sự biến động, thậm chí sẽ tiếp tục duy trì ở giá thấp. 

Áp lực còn quá lớn
Hiện NHNN cũng đang khó khăn về điều tiết lãi suất VND. Về mặt lý thuyết, khi lạm phát tăng thì các lãi suất sẽ phải tăng và cung ứng tiền phải chậm lại. Nhưng lãi suất tăng cao, giảm cung tiền đang khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh khó khăn vì đói vốn và làm tăng thêm các chi phí sản xuất, kinh doanh- một tác động nữa ảnh hưởng tới kiềm chế lạm phát.

Trong khi đó, “bắt mạch” thị trường ngoại hối, một số chuyên gia cho rằng, việc giữ tỷ giá thấp như hiện nay đang khá căng thẳng, bởi một bên là lạm phát và một bên là dự trữ ngoại hối. Nhập siêu đang ở mức báo động khi liên tiếp tăng trong mấy tháng gần đây và trong tháng 5 này nhập siêu có thể đạt 1,7 tỷ USD, mức cao nhất kể từ đầu năm 2010 đến nay. Điều này cho thấy sức ép gia tăng lạm phát còn khá lớn, đặc biệt là áp lực vào thị trường ngoại hối. Nếu NHNN không gia tăng dự trữ ngoại hối thì chẳng mấy chốc nhập siêu sẽ hút cạn và căng thẳng tỷ giá sẽ lại được thể bùng phát trở lại.

Một luồng vốn lớn hút từ các nhà đầu tư (FDI) lại đang có xu hướng giảm dần, khiến hỗ trợ cho thanh khoản ngoại tệ trong nước cũng giảm sút theo. 

Con số vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố cho thấy, tính từ những tháng ở quý đầu của năm cho đến nay, giá trị vốn FDI giải ngân hụt dần qua mỗi tháng. Trong tháng 5 này, vốn FDI giải ngân chỉ đạt khoảng 900 triệu USD, trong khi ở tháng 3 có mức khoảng 1,4 tỷ USD. Tính chung trong 5 tháng qua, vốn đăng ký mới đạt gần 4,7 tỷ USD, chỉ bằng 23,5% kế hoạch năm nay. 

Một trong những giải pháp nhằm ổn định thị trường ngoại hối, tăng niềm tin đối với các nhà đầu tư, một số ngân hàng đã đề xuất thiết lập một thị trường giao dịch kỳ hạn. 

Ông Brett Krause, Tổng giám đốc Citibank tại Việt Nam cho biết, sự thiết lập một thị trường giao dịch kỳ hạn hoạt động hiệu quả là rất quan trọng để thúc đẩy sự ổn định của thị trường ngoại hối. Nền kinh tế Việt Nam đang phục thuộc phần lớn vào xuất nhập khẩu, và tổng giá trị nhập khẩu và xuất khẩu chiếm khoảng 150% GDP. Kết quả của lưu lượng xuất khẩu này, giải ngân vốn FDI và đầu tư của các tổ chức, luồng tiền USD vào và ra khỏi đất nước là rất lớn, nhưng thường là không đúng lúc.

"Nếu không có thị trường giao dịch kỳ hạn cho phép tổng thanh khoản USD có thể lưu chuyển qua thời gian, thì sẽ có nguy cơ cao là sức ép tiếp tục tác động lênh thị trường ngoại tệ giao ngay sẽ trở thành một vấn đề mang tính hệ thống và về tổng thể sẽ làm giảm sự tin tưởng của nhà đầu tư", ông Brett Krause chia sẻ.

Cũng theo ông Brett Krause, trong những tháng sau của quý II năm nay, do chính phủ áp dụng nhiều biện pháp để giải quyết vấn đề lạm phát và những bất ổn vĩ mô khác, thị trường ngoại hối vẫn chủ yếu giao dịch trong biên độ. Giai đoạn thị trường tương đối ổn định này là một cơ hội tốt để đưa ra những biện pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển thị trường ngoại tệ kỳ hạn.
Khổng Nhung
Các bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP