Doanh nghiệp 'ngấm đòn' lãi suất

7/6/110 nhận xét

Ảnh: Hoàng Hà[VnEx] Chính sách tiền tệ thắt chặt, mục tiêu chống lạm phát gây phản ứng phụ trong quý 2. Nguyên nhiên vật liệu và lãi suất ngân hàng tăng cao khiến doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, không tăng trưởng.


Theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu tháng 5 ước đạt 7,5 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng 4 và tăng 18,8% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 3,4 tỷ USD, tăng 0,9% so với tháng 4. Tính chung 5 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 34,75 tỷ USD, tăng 32,8% so với cùng kỳ.
Tại buổi giao ban trực tuyến do Bộ Công thương tổ chức ngày 6/6, ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Xuất nhập khẩu phân tích, theo chu kỳ thì các tháng 5, 6, 7 thường là thời điểm tăng mạnh xuất khẩu, nhưng tháng 5 năm nay chỉ đạt 7,5 tỷ USD, trong khi tháng 4 con số này đã là 7,44 tỷ. Ông Chinh nhấn mạnh, chính sách tiền tệ thắt chặt, mục tiêu chống lạm phát đã gây phản ứng phụ trong quý 2.

"Các ngân hàng đang huy động tới 20% thì lãi suất cho vay cũng cao tương ứng, vào khoảng quý 3 doanh nghiệp sẽ thấy 'ngấm'. Doanh nghiệp sẽ khó hoàn thành chỉ tiêu sản xuất kinh doanh", ông Chinh nói.

Ông Lê Phú Hưng, Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam, thừa nhận thực trạng doanh nghiệp khó khăn khi phải trả lãi suất cao. Tháng 4-5 tiêu thụ và sản xuất thép đều giảm so với cùng kỳ năm 2010. "Với chính sách tiền tệ hiện giờ thì việc khó khăn là điều đã thấy trước và thực tế đang diễn ra. 6 tháng đầu năm, ngành thép có khả năng không tăng trưởng", ông Hưng cho hay.

Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM Huỳnh Khánh Hiệp cho rằng, sản xuất công nghiệp của thành phố đang có xu hướng tăng chậm lại. Các doanh nghiệp có xu hướng sản xuất cầm chừng, không có tăng trưởng.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Cao Thị Ngọc Hoa, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam cho hay, xuất khẩu gạo trong 5 tháng đạt 1,6 triệu tấn, tồn kho 450.000 tấn, các hợp đồng đang thực hiện là 300.000 tấn. Vấn đề doanh nghiệp đang gặp phải là khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng, trường hợp nào may mắn vay được cũng phải nhắm mắt chịu lãi suất cao. "Sắp tới vào vụ hè thu nhưng đầu tư kho tàng nhà máy xay sát của doanh nghiệp giảm mạnh vì lãi suất quá cao", bà Hoa nói.

Không chỉ căng thẳng vì lãi suất, doanh nghiệp còn lo ngoại tệ. Theo Phó tổng giám đốc Petrolimex Đàm Thị Huyền, trong tháng 4 và 5, Petrolimex đã mua của ngân hàng thương mại 1,3 tỷ đôla. Số dư vay ngoại tệ khoảng 400 triệu đôla mỗi tháng, một mức khá ổn định, song bà Huyền lo ngại về khả năng có ngoại tệ trong những tháng tiếp thep: "Chúng tôi không dám khẳng định sẽ mua được ngoại tệ ổn định thế này trong bao lâu".
Hoàng Lan
Các bài khác:
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP