Tái cấu trúc kinh tế: Nói thì dễ

22/6/090 nhận xét

Nông nghiệp là lĩnh vực tại Việt Nam ít chịu ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế thế giới - Ảnh: ReutersTài chính marketing - Tái cấu trúc kinh tế được cho là một cơ hội trong khủng hoảng, nhưng việc thực thi nó không đơn giản như “bóc bánh ăn dần”.

Hồi đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu và “lên kế hoạch” tái cấu trúc nền kinh tế, “đóng khung” trong một bản đề án được coi là có ý nghĩa quan trọng, là “cú hích” để mở ra “giai đoạn tăng trưởng thứ hai” cho Việt Nam. 

Nhưng trái với dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 3/2009, đến nay, “quả bóng” này đã được Vụ Tổng hợp kinh tế Quốc dân (cơ quan chủ trì xây dựng đề án) “ban” gọn ghẽ vào “chân” Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

Dù đã “mất đứt” gần nửa năm và gần đây có quan điểm cho rằng Việt Nam đã qua đáy khủng hoảng (mặc dù còn gây tranh cãi), ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng CIEM, người mới đây đã “xung phong” làm trưởng nhóm nghiên cứu đề án, nhận xét rằng mới có rất ít nội dung có giá trị được thực hiện, và đề án gần như vẫn đang “dậm chân tại chỗ”.

Quy tụ nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam, CIEM dường như khá thận trọng trước đề án này. “Nói về tái cơ cấu đang trở thành một cái mốt, trong khi vấn đề này cực kỳ phức tạp”, một chuyên gia đồng cấp với ông Cung tại CIEM, Tiến sỹ Võ Trí Thành, thẳng thắn nhìn nhận.

Và sự cẩn trọng của vị chuyên gia này có cái lý của nó. Việc chỉ ra những điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam không phải là chuyện mới đây, mà đã có nhiều cảnh báo từ hồi năm ngoái, khi tăng trưởng có dấu hiệu mất cân đối và không bền vững.

Những động lực tăng trưởng từ chia sẻ những “tài sản” giá trị nhất của đất nước: đất đai và giá trị doanh nghiệp; từ tăng mạnh đầu tư, tạo nên một nền kinh tế phát triển theo bề rộng, tăng trưởng không tính đến năng suất và chất lượng; hay những mất cân đối về ngành, vùng kinh tế, mất cân đối giữa thành thị và nông thôn, kinh tế đối ngoại,… “điểm mặt” thì dễ, nhưng điều chỉnh thế nào thì không đơn giản.

“Cái khó nhất cả về mặt lý thuyết, đến thực tiễn, là tương tác giữa các bộ phận với nhau, tương tác từ các bộ phận đến tổng thể... Nếu nhìn nền kinh tế dưới góc nhìn giản đơn là tổng cung và tổng cầu thì cũng chưa có nghiên cứu nào xác định được tương tác giữa hai thành phần này”, ông Võ Trí Thành cảnh báo.

Và khi mà chưa xác định được một cách cụ thể sự “tương tác” này như thế nào, đến đâu, thì có thể sẽ dẫn đến tình trạng các nhóm giải pháp được hoạch định để “hóa giải” những điểm yếu khác nhau của nền kinh tế, lại “quay súng” đối chọi nhau, triệt tiêu nhau, ông Thành nêu quan điểm.

Chính ở sự khó đoán định tính tương tác giữa các bộ phần trong nền kinh tế, bàn đến giải pháp càng phải thận trọng. 

Khả năng xác định được hiện trạng cơ cấu nền kinh tế và những điểm bất hợp lý có thể thực hiện được, tuy nhiên, ông Võ Trí Thành vẫn khá dè dặt khi cho rằng “có thể bản đề án chưa giải quyết được vấn đề” mà chỉ dừng lại ở mức “có đóng góp nhỉnh hơn” so với một số khuyến nghị của tổ chức khác.

Trưởng nhóm nghiên cứu, ông Cung, còn có thêm một lo ngại khác, đó là tính khả dụng của bản đề án sau khi đã hoàn chỉnh. 

Dù cho rằng đây là “cơ hội để những chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam có thể đóng góp vào quá trình cải cách và đổi mới đất nước”, vị này cũng tiên liệu khả năng công trình nghiên cứu được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo CIEM có thể chưa “gắn được vào cơ cấu hiện hành”. 

Cũng giống như với người bệnh, nếu chỉ hạ sốt mà không lo chữa cái gốc của bệnh thì họ khó có thể xuất viện. Nhưng với trường hợp của Việt Nam hiện nay, quan điểm “thực tế và thực dụng” đã được ông Cung nói đến, bởi lo ngại nếu đưa những vấn đề quá vĩ mô, liên quan đến một quá trình tái cơ cấu lâu dài, triệt để, thì có thể không nhận được sự “lắng nghe” đầy đủ.

Và rất khó có cách làm toàn vẹn, giữa một bên là chọn những giải pháp cấp bách để có tính khả thi cao, áp dụng được ngay. Hay là chọn những đề xuất tái cơ cấu lâu dài, triệt để, nhưng rất có thể sẽ biến bản đề án thành một “tài liệu tham khảo” dạng đặc biệt.

Anh Quân - VnEconomy
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP