Để ý tưởng của bạn được đồng nghiệp đón nhận

4/12/140 nhận xét

Học Marketing - Bạn đang trong một cuộc họp thảo luận về dự án mới. Sau nhiều ý tưởng được đưa ra mà chưa có kết quả, bạn cũng rụt rè nêu một ý tưởng nhưng không được ai để ý. Một đồng nghiệp khác đứng lên nói lại ý của bạn mà mọi người rất hưởng ứng.

Tại sao vậy? Theo nhà tư vấn tâm lý, giáo sư Sonia Herasymowych, một trong các lý do là cách mọi người thể hiện lối suy nghĩ của mình. Nếu muốn ý tưởng của bạn được mọi người đón nhận thì bạn không chỉ cần chọn thời điểm để nói mà còn cần biết trình bày làm sao để nhận được sự chú ý của mọi người.

Dưới đây là một số bí quyết giúp ý tưởng của bạn được tín nhiệm:

1. Phong thái tự tin

Những nhân viên trong các cuộc họp mà biết khi nào nên lắng nghe và khi nào nên nói là người có khả năng nói rõ ràng, tự tin và thuyết phục hơn cả.

Nhiều người khi nói lên ý tưởng của mình thường rụt rè và khiêm tốn dẫn đến phần mở đầu của họ thường dài dòng và không có nội dung như: “Tôi không biết liệu ý tưởng này có thực sự thành công, nhưng…” hay “Có thể mọi người cũng đã từng nghĩ đến ý tưởng này, nhưng….” Những câu nói mở đầu thể hiện sự khiêm tốn này chỉ đem lại thêm sự ngờ vực về khả năng thành công của ý tưởng trong các đồng nghiệp.

Vì thế hãy tự tin, dõng dạc và vào thẳng luôn vấn đề cần nói. Nếu bạn cứ loanh quanh với những câu chữ không liên quan đến nội dung cuộc họp bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội tạo ấn tượng với mọi người.

2. Tạo ấn tượng với sếp

Andrea Kay, tác giả cuốn “Life's a Bitch and Then You Change Careers” nói rằng: “Đừng cho rằng sếp là người phải nhớ và biết rõ về mọi nhân viên vì họ còn có những vấn đề của riêng họ. Vì vậy nếu có cơ hội bạn hãy đưa ra những ý tưởng của mình về mọi vấn đề như cách thực hiện một dự án khó, cách làm tăng doanh số bán hàng hay chỉ đơn giản là cải thiện mối quan hệ trong nhân viên. Hãy nói lên nếu muốn được chú ý”.

Nếu sếp của bạn là người bận rộn và nhân viên hiếm khi có cơ hội gặp mặt thì bạn hãy ghi lại mỗi khi có ý tưởng mới. Sau đó, bạn có thể gửi email tới cho sếp và hãy đặt tựa đề thật ấn tượng. Ví dụ như “Làm sao để tiết kiệm hơn nữa trong chi phí đào tạo nhân viên?”.

3. Xin sự giúp đỡ từ mọi người

Peter Handal, chủ tịch đồng thời là CEO của Dale Carnegie Training khuyên rằng, “Nếu bạn có ý tưởng hay, hãy nói chuyện với những người bạn quen biết và tin cậy. Điều này sẽ giúp bạn vừa khẳng định quyền sở hữu với ý tưởng đó và vừa nhận được những góp ý để hoàn thiện hơn”. 

4. Làm một cuốn sổ ghi nhớ

Nếu bạn làm việc trong một môi trường khá là cạnh tranh và bạn lại từng bị “lấy cắp” ý tưởng thì bạn chắc chắn cần một cuốn sổ ghi nhớ. Hãy viết một bản ghi nhớ để làm rõ ý tưởng của bạn đến từ đâu và cách thực hiện nó kèm thời gian. Từ đó bạn sẽ có bằng chứng khi cần thiết để chứng minh rằng ý tưởng đó là của bạn.

5. Không nhất thiết phải “gắn mác” ý tưởng của mình

Khi sếp là người đầu tiên bạn nói về ý tưởng của mình và sau đó chính sếp là người lấy trộm ý tưởng của bạn thì bạn cần bình tĩnh và suy nghĩ trước khi đưa ra bất kỳ lời phát biểu hay hành động nào. Trước tiên bạn nên nhớ rằng nhiệm vụ chính trong công việc của nhân viên chính là hỗ trợ người quản lý để làm tốt công việc và đem lại lợi nhuận tối đa cho công ty. Trong tình huống này, có thể sếp làm vậy để ý tưởng được đón nhận và thực hiện nhanh chóng. Và sau khi ý tưởng được đón nhận, bạn cũng được giao đảm nhận thực hiện nó. Hơn nữa bạn cũng được sếp để mắt đến trong những lần đề bạt tăng lương hay thăng tiến vì sếp đã biết bạn là người có năng lực.

Tuy nhiên, nếu sếp liên tục lấy cắp ý tưởng của bạn rồi cố gắng lờ công sức của bạn đi thì bạn cần lên tiếng.

Thủy Nguyễn Theo MSN
Chia sẻ cho bạn :
Hot!

Tư vấn quản trị

Xem thêm »

Tư vấn tiếp thị

Xem thêm »

Tư vấn bát tự

Xem thêm »

Tư vấn phong thủy

Xem thêm »
 
TOP